Dâng hiến sáng tạo (12)

II. ĐỘNG LỰC NHÂN LINH

  1. Các năng động lực tự hướng dẫn

Loại thứ ba và là loại cao nhất trong cấp bậc các năng động lực gồm có các năng lực tự hướng dẫn: chọn lựa, quyết định, dự định, dốc quyết và hoài bão nhân linh. Những hành vi ý chí (volitions = quyết ý)* hay sức lực tự hướng dẫn này biểu thị đặc tính của những hành động cao quí nhất của chúng ta. Chúng được ăn rễ sâu trong tâm hồn và được xếp đặt để điều chỉnh và tổ chức mọi hình thức năng động khác kể trên. Để bảo toàn sự cân bằng và duy trì sự độc lập ở vào vị trí của nó, chúng ta phải chiến đấu suốt đời. Những chọn lựa, quyết định, dự định và dốc quyết đều bị ảnh hưởng bởi các nhu cầu thể lý và các sự xung đột cảm xúc. Sự trưởng thành tùy thuộc sự ưu thắng của hệ thống tự hướng dẫn. Tình trạng rời rạc của những cơ cấu năng động trong chúng ta có thể đưa đến những nhận thức lệch lạc và từ đó có những chọn lựa làm suy yếu nhân cách. Đây thường là trường hợp khi sự sợ hãi và giận dữ lấn áp tình yêu và niềm vui; những sự sợ hãi kéo dài hay những cơn giận bùng phát có nguy cơ làm tan rã những chức năng tâm lý cũng như thể lý.

Động năng tự hướng dẫn xuất phát từ sự tự do chọn lựa. Cần phải có rất nhiều nguyên động trước khi có sự chọn lựa. Nếu không có chọn lựa giữa nhiều điều thì cũng không thể có tự do, cũng không thể làm cho những năng lực tự trị của chúng ta thêm vững chắc. Sức mạnh tự hướng dẫn của chúng ta cũng có thể bị giới hạn bởi những cảm xúc; chúng ngăn cản sự nhận định sáng suốt và những quyết định rõ ràng. Những thói quen của trí tưởng tượng cũng có thể làm ngăn trở các sự tự do chọn lựa, vì chúng cũng có xu hướng làm mờ tối tư duy của ta. Hiệu năng của hệ thống tự hướng dẫn tùy thuộc các nguyên động* và mục đích vốn ảnh hưởng trên chúng ta một cách đặc biệt. Vì nếu không thế, thì chúng có thể quan trọng đối với người khác, nhưng không công hiệu liên tục đối với chúng ta. Các nguyên động hữu hiệu phải hiện thực, vừa tầm chúng ta, rồi còn phải được mỗi người thấu hiểu và nhìn nhận như có giá trị. Nếu không có hai yếu tố này, sự tự hướng dẫn bị tản mác, khó đoán trước được và không đưa đến một sự tiến triển vững chắc và không thực hiện mục tiêu. Một nguyên động không có thực, nhưng chỉ có tính cách tưởng tượng hoặc ảo vọng, hay được người khác hiểu mà chính đương sự không hiểu, sẽ không giúp cho đương sự quyết định vững chắc. Các quyết định và chọn lựa hữu hiệu phát xuất từ các nguyên động thiết thực; các nguyên động thiết thực thường được củng cố bởi những tình cảm và xúc cảm.

Sự hình thành các nguyên động*

Để phát triển các nguyên động, cần phải bắt đầu với điều đã quen thuộc, đã được biết đến và thử nghiệm. Tính cách hợp lý của nguyên động phải rõ ràng đối với chính đương sự. Một việc hết sức rõ ràng đối với một người khác có thể không rõ ràng đối với chính mình. Giá trị của nguyên động này phải được đương sự sáng suốt nhìn nhận, hòa hợp với các nguyên động khác, và nếu nó được củng cố bằng tình yêu và niềm vui, thì nó thêm hai lần chắc chắn. Một quyết định chỉ vững chắc khi các điều kiện này đã được giải quyết từ đầu. Những nguyên động hữu hiệu không nên lệ thuộc vào bề trên, giáo sư, cố vấn, bạn hữu hay bất cứ ai trong họ hàng thân thuộc của mình. Những nguyên động hữu hiệu phải là những giá trị nội tại của chính đương sự, chứ không phải là các yếu tố ngoại tại do người khác áp đặt.

Sự tiến bộ của một người hướng về một mục đích tùy thuộc tầm quan trọng hay ý nghĩa nội tại của mục đích đối với người ấy. Những nguyên động có thể là các ý tưởng, thái độ, cảm xúc, tình cảm hay tất cả những thứ đó. Nguyên động thúc đẩy chúng ta hành động một cách nào đó. Nhưng chỉ khi nào một ý tưởng hay một việc gì khác mang một ý nghĩa và một tầm quan trọng cho chúng ta thì nó mới trở thành một kích thích tố đích thực cho hành động. Những nguyên động là những dạng thể tri thức* đưa đến cung cách hành động. Chúng có giá trị khác nhau về sức mạnh và kỳ gian. Một cách nào đó, người tu sĩ được thúc đẩy, trước tiên và sau cùng, bởi ước muốn nhiệt thành tìm đến Chúa, theo cách thế thích hợp nhất đối với họ. Nhưng nguyên động thúc giục họ hành động có thể khác nhau về phương diện cường độ và kỳ gian. Như thế, sự vâng phục dựa trên nền tảng đức tin xuất phát từ các khởi đầu khiêm tốn hơn. Nhiều khi cần phải bắt đầu bằng những nguyên động khiêm tốn hơn để đạt đến những nguyên động cao hơn. Cũng lắm khi những nguyên động mờ ảo có thể đưa đến những nguyên động thực tế hơn. Ví dụ những tu sĩ trẻ mơ ước trở thành những bậc tử đạo vĩ đại hay những nhà truyền giáo dũng cảm; nếu các nguyên động này có vẻ mau qua và mong manh dễ vỡ, thì tinh thần trách nhiệm và tham vọng cao thượng mà chúng đòi hỏi, có thể mang một giá trị lâu bền.

Nguyên động tích cực và tiêu cực

Công hiệu tính của bất cứ nguyên động nào cũng tùy thuộc giá trị nội tại của nó. Một tu sĩ có thể thường đọc Thánh Kinh vì phận sự, nhưng cũng có thể vì yêu thích. Sự yêu thích này giúp họ hoàn thành bổn phận một cách tốt đẹp. Đó là sức mạnh của nguyên động tích cực. Một tu sĩ khác không thích đọc Thánh Kinh, nhưng cố gắng đọc vì sợ không làm đúng phận sự. Nỗi lo sợ này không có công hiệu nội tại, bằng một nguyên động tích cực. Các nguyên động tích cực có tính cách xây dựng, chúng giúp sự tăng trưởng. Các nguyên động tiêu cực cách nào đó có tính cách phòng ngừa, nhưng không đóng góp trước tiên và trực tiếp vào sự tiến bộ và phát triển của tiến trình thống nhất. Sự phòng ngừa, phủ nhận, trốn chạy và sửa đổi có thể ngăn chặn sự thành hình của những thói quen xấu, nhưng tự chúng, những nguyên tắc này không phát sinh sự sống và giúp tăng trưởng. Thích thú, khẳng định, đồng hóa và hoàn thành đưa đến việc chiếm hữu sự thiện cách chắc chắn hơn là việc trốn tránh sự dữ.

Trong đời sống tu trì, tu sĩ cần thiết phải được hướng dẫn bởi sự hiểu biết điều mình phải trở thành và phải làm, cũng như bởi điều mình không nên là và không nên làm. Một tu sĩ phải ý thức một cách tích cực và thiết thực thế nào là ý nghĩa của tình yêu, niềm vui, hy vọng và can đảm, và làm sao trải nghiệm chúng ngay cả trong đời sống tu trì, cũng như họ biết rõ ràng thế nào là sự đố kỵ, xao xuyến, lo sợ và giận dữ. Ít nhất họ biết phải cố gắng làm điều gì và tránh điều gì. Nhưng họ không thể biết cũng không thể hiểu các nguyên động thúc đẩy sự tăng trưởng thiêng liêng và sự trưởng thành tâm lý, nếu các nguyên động này không được trình bày cách tích cực và có ý nghĩa đối với họ. Đời sống tu trì phải đi theo con đường dẫn đến Thiên Chúa, chứ không phải chỉ có con đường lẩn tránh hiểm nguy. Người tu sĩ được huấn luyện để sợ hãi hơn là yêu mến sẽ bị hụt hẫng, thất đoạt. Các nguyên động thúc đẩy chúng ta giúp đỡ một người anh em trong công việc, cộng tác với một dự định của bề trên hay đề nghị những ý kiến hữu ích cho chúng ta, có giá trị khác hơn là những nguyên động bắt chúng ta phải dè đặt đối với kẻ khác, phải tránh làm phiền bề trên trong công việc của ngài hay trốn tránh một công tác, một việc học để theo sở thích của riêng mình.

Như vậy thật hữu ích nếu tu sĩ có thể hiểu được nguyên nhân các chỉ thị đưa ra cho họ, đơn giản là thông tin này sẽ giúp cho các chỉ thị có ý nghĩa hơn đối với họ. Mọi cơ cấu thiêng liêng vững chắc đều đòi hỏi những nền móng tự nhiên sâu thẳm. Người ta sẵn sàng hành động hơn khi biết được giá trị của điều mình làm. Người ta có thể tuân theo các chỉ thị đưa ra mà không có nguyên động nội tại trong khoảng thời gian lâu dài nhưng cách hành động này, vì không có tính tự hướng dẫn, sẽ sớm cho thấy là không được hữu hiệu. Người ta có thể dẫn chứng nhiều trường hợp bi đát về điều này. Mỗi cộng đoàn có thể kể lại trường hợp người này người kia, bên ngoài có vẻ rất trung thành đối với hội dòng của mình trong một thời gian, nhưng rồi một ngày kia, xem ra như không có lý do đặc biệt nào, đã quyết định bỏ dòng. Chắc chắn họ làm thế vì các nguyên động của đời sống tu trì không hấp dẫn đủ đối với họ. Người ta có thể trì hoãn trong một thời gian trên một nền tảng mong manh yếu ớt, nhưng trước sau gì, nhất là khi gặp hoàn cảnh nguy kịch, các nguyên động này không còn đủ sức nữa, và như thế người ta có thể từ bỏ ơn gọi của mình.

Mục tiêu tự hướng dẫn

Sức mạnh của cơ chế tự hướng dẫn giúp chúng ta có khả năng chọn lựa một lợi ích cao hơn, cả khi một lợi ích nhỏ hơn xem ra quyến rũ chúng ta nhiều hơn. Ví dụ một tu sĩ có thể quyết định dùng nửa giờ trong lúc rảnh rỗi để nâng đỡ một tâm hồn đau khổ, thay vì đọc báo cho biết tin tức hay làm các việc đạo đức không bắt buộc. Họ cũng có thể hướng các sinh hoạt hằng ngày của mình trên những con đường cao hơn với những ý hướng cao thượng hơn, ít chiều theo các xu hướng vị kỷ của mình hơn. Ai hành động vì một mục đích thiêng liêng thì dầu có được người khác tán thưởng hay không cũng chăm chỉ làm việc. Họ tìm cách hoàn thành một công việc mà không bận tâm lo lắng về những sự tán thưởng. Bởi đó nếu họ không nhắm cao hơn và vượt quá chính mình, lòng nhiệt thành sẽ giảm sút khi thiếu vắng những lời khen tặng. Trong khi người tu sĩ làm chủ được các quyết định của mình, thì sống độc lập đối với người khác mặc dầu không tránh xa ai. Họ làm việc hữu hiệu trong một môi trường thiếu thốn cũng như trong một lâu đài đầy đủ tiện nghi. Đám đông ồn ào cũng không làm phiền họ quá đáng. Trong những hoàn cảnh khó khăn mà họ gặp phải, họ có khả năng vượt thắng và khắc phục nhờ tư tưởng của mình hay ít nhất cũng tập luyện để quen chịu đựng. Họ có nhiều tình bạn thật đậm đà nhưng không bám víu vào người khác và cũng không ép buộc ai yêu thương họ. Nói cách khác, họ biết bảo đảm cho mình một sự yên tĩnh tương đối giữa những sự thiếu thốn, thất đoạt và những thử thách lớn lao. Chức tước, bổng lộc và uy tín ít quan trọng đối với họ hơn là sự phát triển nội tâm. Họ có thể sống hạnh phúc giữa những điều đó nhưng không nhất thiết phải nương tựa vào chúng để duy trì sự quân bình.

Hạnh phúc và tự chủ

Một tu sĩ mà các mục đích tự hướng dẫn được phát triển tốt đẹp thì có được một khả năng vui hưởng hạnh phúc vô tận. Sự huy hoàng của các biến cố mỗi ngày làm họ vui thích: cơn gió thoảng qua cành lá, sự dịu mát của mưa xuân, bầu trời quang đãng. Họ không cần những việc lạ lùng hay khác thường mới cảm thấy thích thú. Tuy nhiên họ rất vui tươi đón nhận những biến cố đặc biệt khi chúng xảy đến, cách tốt đẹp hơn một tu sĩ quá bận tâm về chính mình. Đời sống nội tâm của họ phong phú nhưng không xa cách đối với thực tại. Họ thấy rõ hơn những thực tại mà kẻ bị mù quáng vì quá chú trọng đến chính mình không thể thấy. Tự do khỏi cái tôi của chính mình, họ có khả năng quan sát, chiêm ngắm và thán phục mọi nét tráng lệ chung quanh họ. Đời sống thường nhật có những quyến rũ thầm kín đối với họ: nơi những người tầm thường và các bạn đồng hành, họ nhận thấy được phẩm giá của các linh hồn. Họ quý trọng tinh thần độc đáo của mỗi người và không thẩm định giá trị của người khác theo một qui luật cá nhân tuyệt đối hay theo một định kiến thiếu suy nghĩ của phe nhóm. Họ chấp nhận người khác theo tính chất của mỗi người và nhìn nhận nơi mỗi người phẩm cách lớn lao được ban cho để giống hình ảnh Thiên Chúa. Đó là một vài nét chân dung của người tu sĩ biết hướng dẫn chính mình theo các nguyên tắc tự lập. Nhưng cũng nên biết rằng thường tình, người ta chỉ đạt đến sự trưởng thành này nếu đã có dịp phát triển và hội nhập* các khuynh hướng khác và các nhu cầu thiết yếu từ những năm đầu của cuộc đời và từ buổi đầu của thời gian huấn luyện tu sĩ.

Như vậy rõ ràng là sự trưởng thành thiêng liêng và tâm lý không dựa trên sức khỏe thể xác cho bằng trên sự hội nhập cảm xúc và ý chí.

Nếu chúng ta nhìn lại các đẳng loại sinh lực và năng lực khác nhau, chúng ta luôn bắt gặp một yếu tố chung là sự chuyển động của các năng lực, là khuynh hướng liên tục tìm về sự viên thành mà mỗi năng lực diễn tả. Tất cả các xu hướng của chúng ta đều tích cực hướng về một thứ thỏa mãn nào đó. Trong ta luôn có một chuyển động hướng về một cái gì khác – không phải là một chuyển động thể lý nhưng là một dự phóng tâm lý. Nếu nhìn nhận điều này, chúng ta sẽ dễ hiểu các kinh nghiệm năng động hằng ngày, sức mạnh, giá trị và tầm quan trọng của chúng. Mỗi ngày chúng ta tìm cách để sống còn, để tự biểu lộ và hướng dẫn các năng lực của mình. Đó là những nguồn mạch luôn linh động chúng ta, thúc đẩy chúng ta liên kết với người khác và hướng chúng ta đến việc thực hiện các mục tiêu, ý định và quyết định. Từ những năng lực này xuất hiện những nhu cầu sâu thẳm cho cơ thể toàn diện, cho con người toàn diện mà việc hoà hợp và thành toàn cách thỏa đáng thật thiết yếu cho một nhân cách lành mạnh và một đời sống thiêng liêng vững chắc.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *