Dâng hiến sáng tạo (18)

III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ

3/. Khám phá ra người mơ mộng

Chúng ta có thể cứu xét những cách bộc lộ giúp nhận ra một người mơ mộng. Một dấu hiệu mang nhiều ý nghĩa của thói quen mơ mộng hay của động năng đào thoát nơi một tu sĩ, là lối bộc lộ tư tưởng gián tiếp hay thông đạt cách quanh co, méo mó. Họ nói năng, hành động một cách uẩn khúc. Họ không chống đối ra mặt, nhưng cưỡng lại các lời khuyên bảo hay yêu cầu một cách gián tiếp. Họ có thể đồng ý ngoài miệng với đề nghị của bề trên, nhưng rồi cứ tiếp tục đường lối của họ cách vô sự và ngoan cố. Nếu bị khiển trách, họ cũng không đưa ra lời giải thích hay chống cự lại bên ngoài, nhưng sẽ không vì thế mà thay đổi đời sống, họ không có nghe gì hết hay cho rằng người khác không hiểu họ. Với vẻ ngọt ngào, ngoan ngoãn trong lời nói và cử chỉ, họ bám chặt vào tư tưởng của mình. Họ cố lẩn tránh những xung đột và các công việc khó chịu; họ đi qua một bên mà không thấy gì. Trong các cuộc hội họp, họ lẩn tránh ở đằng sau, không phải vì khiêm tốn nhưng là để trốn tránh, tự vệ. Khi làm việc, họ thường tỏ ra vụng về kém cỏi: nhưng đó là phương cách để được thay thế hay giúp đỡ! Họ thích biểu lộ sự đố kỵ và bực dọc bằng cách đó hơn là cách trực tiếp. Nếu họ không tìm cách làm hư hao của cải, tài sản thì đã khá rồi, vì đó cũng là cách bày tỏ sự thù hận của họ.

Thật khó mà dứt bỏ chứng tật mơ mộng, vì nó rất gần kề và rất dễ thực hiện. Người ta muốn tìm đến nó, thì nó đã có sẵn gần bên. Chỉ khi nào ý thức về tai hại của nó, là ngăn trở ta đạt đến một sự thành toàn thiết thực và hài hòa, người ta mới can đảm loại trừ thói xấu này.    

Ý thức rằng tưởng tượng có thể làm phương hại đến việc học phải là một lý lẽ hùng hồn nhất giúp một tu sĩ mơ mộng thoát khỏi thói quen này. Học hành và mơ mộng vẩn vơ bao hàm hai tiến trình tâm não hoàn toàn đối nghịch. Để học hành, cần phải tích cực trừu xuất ý nghĩa từ những hình ảnh, thiết lập các tương quan và rút ra những kết luận: điều đó đòi hỏi một sự tổ chức các hành động đủ loại của trí não trong trật tự và kỷ luật. Người học hành phải sử dụng các hình ảnh này như là trợ lực để hình thành các khái niệm: điều đó đòi hỏi chú tâm và cố gắng. Mơ mộng là một công việc hoàn toàn đối nghịch và nó làm phát triển vô số hình ảnh hỗn loạn và sự thụ động đối với việc trừu xuất. Mơ mộng là vô kỷ luật và lười biếng, một sự buông thả dễ chịu; nói tắt, đó là một sự phung phí thời giờ rất lớn và một trở ngại cho việc học hành cũng như cầu nguyện.

4/. Các phương thuốc chữa trị

Để giúp một tu sĩ giải tỏa các thói quen mơ mộng, cần thiết phải biết các nhu cầu căn bản mà người ấy tìm cách thỏa mãn, lý do của các động năng đào thoát, khí chất và tính tình của người ấy. Càng biết được họ nhiều thì càng giúp ích cho họ hơn.

Một tu sĩ thích nghi tốt đẹp được nhận ra nhờ sự tham dự của người ấy vào mọi sinh hoạt của cộng đoàn, đó là một dấu hiệu bảo đảm nhất cho thấy không có động năng đào thoát. Để tránh các loại động năng này, một phương thế hữu hiệu nhất là tích cực chú ý vào hết mọi công việc của cộng đoàn: từ việc tập hát, giải trí cho đến việc dạy học, việc làm vườn, chăm sóc người già yếu, công việc mục vụ và quản trị v.v… Sống đời tu trì đích thực là chú ý và vui vẻ tham gia vào các công việc của cộng đoàn, bất cứ loại việc gì, giải trí vui đùa, nhiệm vụ được giao phó hay cầu nguyện chung.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *