Dâng hiến sáng tạo (40)

VII. SÁNG TẠO TÍNH

Các thái độ ngăn chặn sáng tạo tính

Chúng ta thử xét một vài thái độ và tương quan làm ngăn trở sáng tạo tính. Chúng ta giả sử có một tu sĩ đã tìm cách canh tân lớp học của mình: để có thể thảo luận với học sinh, người ấy đã sửa đổi cách sắp đặt bàn học cho thích hợp. Học sinh lấy làm thích thú vì sự thay đổi vốn vô nghĩa này, bằng cách hò reo la hét. Giả sử vào lúc đó, hiệu trưởng của nhà trường đi qua; một cách hấp tấp, vị ấy cho rằng lớp học quá lộn xộn. Nếu quá khắt khe, vị ấy tức khắc kêu giáo sư ra và quở trách nặng lời. Sự giận dữ của vị hiệu trưởng, lời quở mắng và có thể nhục mạ nữa, sẽ chặn đứng sáng tạo tính của giáo sư, hơn cả mọi lời phê bình về phương pháp của giáo sư ấy. Tia lửa vừa nhóm lên đã vụt tắt. Vị hiệu trưởng bày tỏ lập trường phản đối không bằng phán đoán nhưng bằng sự xúc động của mình. Có lẽ tốt hơn là vị ấy phải thành tâm tìm hiểu nguyên nhân của sự vô trật tự bằng cách trao đổi cách nghiêm túc hơn là muốn tự mình thẩm định tình hình. Một người hiệu trưởng có thể bảo vệ trật tự mà không đè bẹp vị giáo sư có sáng kiến. Cung cách hành động của người ấy rất nguy hại, còn hơn cả phán đoán giá trị của người ấy nữa.

Một trường hợp khác: trong giờ giải trí một tu sĩ bày tỏ nhiều ý kiến có vẻ lạ lùng và làm người khác khó chịu. Tự nó, sự bất đồng ý kiến không có gì nguy hại, nhưng nếu nó kèm theo sự khinh thị thì sự thiệt hại có thể lớn lao, nhất là khi một số tu sĩ liên kết với nhau bằng sự đồng ý ngấm ngầm (dựa trên một thứ biệt phái nào đó) để chống lại độc đáo tính. Tất cả điều gì là mới mẻ: con người, tư tưởng, chương trình, giờ giấc, tập tục, đều gặp phải nghi ngờ, chống đối dưới hình thức đạo đức. Trong bầu khí này, sự sáng tạo sẽ phai tàn và mai một, nếu không bùng nổ qua một tác phong nổi loạn, thiếu thích nghi. Đầu óc tầm thường thích những dấu xe cũ kỹ hơn những con đường mới vốn đưa đến một mục đích. Và bởi vì sự tầm thường được số đông ưa chuộng, nó có thể thống trị mạnh mẽ trên một cộng đoàn toàn tu sĩ cũng như trong một tập thể khác.

Chắc chắn không phải bất cứ điều gì có vẻ mới hay khác biệt là phải sáng tạo, nhưng sáng tạo tính là luôn luôn mới và luôn ghi dấu một sự khác biệt đích thực, một sự thay đổi thực thụ. Trong một cộng đoàn tu sĩ, lẫn lộn cải cách và sáng tạo là một điều ít xảy ra, nhưng mù quáng chống lại sáng tạo tính vì ngờ rằng nó sẽ đảo lộn tất cả, thì quá thông thường. Sự kháng cự đối với sáng tạo tính không xuất phát từ tuổi tác; một vị bề trên hay giám đốc trẻ tuổi, có lẽ bị thúc đẩy bởi một ước muốn thành công quá lớn bên ngoài trước mặt người khác, nhiều khi tỏ ra ít khoan dung đối với bề dưới hơn một tu sĩ đứng tuổi, giàu kinh nghiệm hơn và hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức tham vọng. Con người đã đến giai đoạn trưởng thành, bất kể trình độ tuổi tác, kinh nghiệm hay chức tước, thường thấu hiểu và khích lệ sáng tạo tính nơi kẻ khác.

Nếu mỗi cộng đoàn tu sĩ có khả năng thẩm định cách cụ thể tiềm năng và sức lực của mọi phần tử hợp lại và biết sử dụng tiềm năng này vì lợi ích thiêng liêng cũng như vật chất của mỗi người, thì họ đã thực hiện được nhiều cố gắng lớn lao cho vấn đề này. Nhưng đến bây giờ, chúng ta chú trọng quá nhiều vào “sự vật” hơn là vào con người – hay có thể chúng ta coi con người như sự vật hơn là hữu thể – và điều đó làm chúng ta mù quáng. Nếu muốn tập trung sức lực vào việc thánh hóa cá nhân, chúng ta có nguy cơ đóng kín trong một sự vị kỷ vô thức, chỉ biết nhìn con người và biến cố như những phương tiện hay trở lực cho sự toàn thiện của chúng ta. Chắc chắn, phải tìm kiếm sự toàn thiện, nhưng với anh em của chúng ta. Người ta không tự thánh hóa bằng cách chiến thắng hay xua đuổi người khác. Phải góp phần vào sự cố gắng của họ. Và điều này bao hàm sự tôn trọng mỗi người như tác nhân sáng tạo, và đặc biệt người bạn tu sĩ như kẻ đồng hành trong việc chinh phục sự trưởng thành thiêng liêng.

Những hoàn cảnh bất lợi

Con người và hoàn cảnh có thể gây nhiều ảnh hưởng khác trên sáng tạo tính. Thí dụ: một tu sĩ được mời diễn thuyết. Trong khi đang soạn bài thuyết trình, thì nhiều người tới tấp chạy đến yêu cầu làm những công việc khác ít gấp rút hơn. Một người bạn nhờ đi ra ngoài. Bề trên đề nghị thay thế công việc của một người vắng mặt. Sự lộn xộn này không giúp gì cho cảm hứng, trong khi một bài diễn thuyết được soạn thảo kỹ lưỡng có thể hữu ích cho cộng đoàn hơn tất cả công việc này. Có thể là diễn từ vốn được soạn thảo với nhiều khó khăn, sẽ không liên tục và làm cử tọa thất vọng. Nhiều khi sáng tạo tính đòi hỏi một thời gian rãnh rỗi tuyệt đối. Người ta có thể chăm chú sao lại, chép lại hay mô tả một điều gì bằng công việc đứt quãng, nhưng với sáng tạo tính thì tiến trình của tư tưởng đòi hỏi sự tập trung tinh thần và liên tục.

Trong một vài hội dòng nữ, nhiều khi người ta chỉ định hai người đi học chung với nhau. Tập tục đòi họ phải sống và làm việc chặt chẽ với nhau trong thời gian này. Nhưng sự xung khắc trong tính tình giữa hai người có thể ngăn chặn công việc học hành và sáng tạo tính của họ, để trở thành một nguyên nhân căng thẳng trầm trọng. Dầu vậy, yếu tố này ít khi được chú ý đến trong quyết định đầu tiên của bề trên. Người ta phải tiếc những trường hợp như vậy, vì lý do khó nghèo: mất thời giờ, sức lực và tiền bạc, mặc dầu các cá nhân trong cuộc cần phải lợi dụng hoàn cảnh đó để được lợi ích tối đa về phần thiêng liêng.

Trong nhiều trường hợp khác, sự cừu hận làm suy giảm sáng tạo tính. Sự giao động tâm cảm này rất thiết thực trong những trường hợp như các dịch vụ hành chánh, bệnh viện, học đường, xã hội, trong lãnh vực truyền giáo, ở đan viện hay trong mọi giao tế của con người. Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm ảnh hưởng tai hại của một đồng bạn hay châm chích. Chúng ta phải tốn hao bao nhiêu nghị lực và kỷ luật tâm thần để trung lập hóa các hậu quả đen tối của ảnh hưởng đó. Người ta cũng có thể rút ra những lợi ích thiêng liêng để vượt thắng những bực dọc này, nhưng các thử thách của cuộc đời đã quá nhiều để chúng ta còn phải chất thêm các gánh nặng tai ác này chỉ vì một người có tính cay chua. (Ngược lại một đồng bạn dễ thương có thể bắt đầu một chuỗi dây chuyền thiện chí lan dần trong công việc, trong đời sống của chúng ta và trong thế giới của người khác nữa).

Sáng tạo tính và học vấn

Trong đời sống tu trì, luôn có việc học hỏi dưới hình thức này hay cách khác: học về Chúa Kitô, huấn luyện chuyên nghiệp, học hỏi kỹ thuật, huấn luyện cầu nguyện và bác ái. Học vấn là một việc cao quý, vì nó rèn luyện những cơ năng thượng đẳng của chúng ta. Nó không bị giam hãm trong sách vở hay sự kiện, nhưng bao gồm mọi kinh nghiệm làm giàu cho trí tuệ và tăng thêm giá trị cho toàn thể hiện hữu. Sáng tạo tính là việc học dưới khía cạnh tốt đẹp nhất: nó làm cho con người có khả năng cảm nghiệm sự sung mãn của hiện hữu trong mọi khía cạnh.

Làm thế nào để có một thứ học vấn đưa đến sáng tạo tính? Bất cứ cái học nào cũng tùy thuộc trước tiên vào sự kết hợp giữa các chức năng trí tuệ và động năng. Khi các sinh hoạt trí thức của chúng ta hoạt động tốt đẹp, thì các yếu tố động năng giữ vai trò thứ yếu. Các yếu tố này chỉ quan trọng trong mức độ mà chúng chi phối sự nhận thức. Sự căng thẳng và giao động cảm xúc có thể thu hẹp lãnh vực nhận thức, làm tê liệt các sự liên kết tư tưởng và giảm thiểu khả năng của chúng ta nhận ra các đường lối và biểu tượng của tư duy. Những tương giao sinh lý của những cảm xúc cường liệt (nghĩa là: những sự hỗn loạn tâm thần rất thường xảy ra vào lúc đó) ngăn chặn sự tập trung tư tưởng và thường xuyên làm trở ngại việc thành hình các khái niệm. Các ý tưởng kèm theo những xúc động mạnh có thể không chính xác hay lộn xộn; có lúc chúng ta theo dõi một cuộc đối thoại cách khó khăn vì sự bận tâm bên trong, hay có lúc chúng ta ngạc nhiên thấy mình đọc nhiều lần những câu trong sách mà không hiểu ý nghĩa của nó. Đọc đi đọc lại một đoạn sách, thường xuyên lạc mất tư tưởng của tác giả, xin người đối thoại nhắc lại câu nói của họ, quên điều mình mới nghe, đó là những tập quán thường có liên hệ với sự căng thẳng thần kinh.

Chúng ta thường thấy: sự thiếu nhã nhặn làm khởi phát một thứ bực dọc nào đó. Nếu từ buổi sáng chúng ta tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi đối đáp với một người bạn cần nhờ giúp đỡ, hay nếu chúng ta chỉ trích những sự quên sót của người ấy, chúng ta chắc chắn làm kém sút hiệu năng của đương sự. Kẻ ấy sẽ đãng trí suốt ngày, mất khả năng chủ ý thường lệ. Sự nhọc mệt này xem ra nhỏ mọn nhưng ảnh hưởng đến sáng tạo tính. Và những sự căng thẳng này, vốn được chồng chất suốt thời gian ở cộng đồng bằng những lời chỉ trích, những sự chế nhạo, giận hờn, ghen tuông, sẽ tạo nên một hậu quả phi nhân: khả năng học hành bị giảm đi và khả năng sáng tạo bị tê liệt.

Ngược lại, sự hiện diện của niềm vui, tình yêu và hy vọng thực sự gia tăng hiệu quả của học vấn và giúp chúng ta có khả năng suy nghĩ sáng suốt và phán đoán cách khôn ngoan.

Thử lấy ví dụ: một tu sĩ thấy trước một ngày rất khó nhọc hoặc vì một quyết định quan trọng phải có hay một công việc phải giải quyết có liên hệ đến cộng đoàn, hay phải bận việc ở trường học, nhà trường, bàn giấy. Người ấy phải chu toàn bổn phận này dầu lớn hay nhỏ. Lẽ dĩ nhiên, người ấy sẽ vận dụng mọi khả năng trí tuệ để hoàn tất công việc này cho có kết quả. Tiến trình phức tạp gồm có hội nhập, tổ chức, cơ cấu hóa được tăng cường và thống nhất trong một tâm tình thoải mái, vốn không có gì khác hơn là việc cảm nghiệm một thứ động lực có trật tự.

Và nếu tu sĩ này, trên đường đến sở làm việc, gặp một người bạn lộ nét thanh thản và lạc quan, thì sẽ thực hiện công việc mình cách tốt đẹp hơn nữa. Và nếu tu sĩ ấy sống trong tình trạng vui tính thường xuyên, trong một bầu khí xã hội tán thưởng, thì các khả năng thiêng liêng, trí tuệ và động lực nội tại sẽ biểu dương cách tuyệt vời và đem lại một năng suất tương ứng. Sáng tạo tính có thể hiển lộ cả khi thiếu những điều kiện thuận tiện này nhưng cách chung, sự sợ hãi và căm hờn giết chết nó; niềm vui và tình yêu nuôi dưỡng nó.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *