Dâng hiến sáng tạo (43)

SUMMIT, NEW JERSEY – JULY 4, 2014: Sister Mary Magdalene (left), and Sister Maria Teresa (right), sing “The Eagle Song” as Sabina the monastery dog watches on. (Photo by Toni Greaves)

 

Sáng tạo tính thành hình như thế nào?

Những trực giác (khám phá) mới lóe lên như những tia sáng hay như những sự suy nghĩ bộc phát. Tuy nhiên thường thì các lóe sáng này đã được chuẩn bị trước bằng một thời gian dài cưu mang và suy tư. Chúng ta đừng gò ép tiến trình tăng trưởng của sáng tạo tính; nó đòi hỏi một thời gian chín muồi cần thiết. Trong các giai đoạn tự do nội tại, phong nhiêu thiêng liêng, thư thái tâm thần và ý thức tuyệt đối, tư tưởng chợt đến càng sáng tạo thì khoảng thời gian càng ngắn. Nó có thể xảy đến như một tia sáng giữa tình trạng thức và ngủ, trong một khoảnh khắc thoát khỏi mọi gượng ép làm tê liệt. Thường thì đó là giây phút đầu tiên sau một giấc ngủ tăng cường sức lực và được tràn đầy ánh sáng bên trong. Nhiều ý tưởng cũng xuất hiện, khi ta vui hưởng một buổi hòa nhạc, để đáp ứng nhu cầu hòa hợp âm thanh. Sự chiêm ngưỡng êm đềm trước một công trình nghệ thuật cũng đem đến một cảm nghiệm độc nhất. Dầu cho môi trường có tầm thường hay thẩm mỹ và điều nó gợi lên là ý thức hoàn toàn hay giới hạn, sáng tạo tính vẫn phát xuất từ một sự uyển chuyển của tinh thần, một sự an thái lan tỏa, một đà tiến của tự do và đột khởi của tư duy.

Một trí tuệ đầy tư duy sáng tạo nhưng bị đè bẹp bởi sự áy náy, có thể không bao giờ biết đến những khoảnh khắc minh mẫn sáng tạo này. Bị căng thẳng và kiệt quệ vì công việc bề bộn hay vì một cuộc sống quá nặng nề, người ta cảm thấy đời sống như một chuỗi các biến cố không hơn không kém. Lúc đó sự hội nhập cá vị bị mất đi, ít nhất cách tạm thời, nhường chỗ cho một sự hỗn loạn lạ thường.

Phải làm cho hình thức sống này trở lại với sự duy nhất của toàn thể và đạt đến sự hòa hợp giữa chủ đích và hành động, nếu ta muốn có một sự sáng tạo nào trên phương diện thiêng liêng cũng như vật chất. Biết bao sự hấp tấp trong công việc và náo động hằng ngày xuất phát từ một tình trạng xao xuyến trường kỳ, và là cách tìm lối thoát khỏi những dự định, chương trình. Nếu biết hoạch định chương trình một chút, người ta sẽ tiết kiệm được những mất mát vô ích này và sẽ tìm thấy sự toàn vẹn của mình. Náo động có thể là một bài thuốc chữa trị sự xao xuyến nhưng cũng là độc dược đối với sáng tạo tính. Người tu sĩ náo động trở nên “một sự vật” trong thế giới của mình, nhưng sự vật thì không sáng tạo.

Nhiều vấn đề suy thoái trầm trọng xuất hiện khi sáng tạo tính bị bóp nghẹt đến độ căn tính cá vị cũng giảm sút và người ta luôn tự hỏi: mình là gì, mình là ai? Có thể, trong những hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta rất khó mà giảm bớt công việc, dầu vậy chúng ta phải làm đủ cách để giảm bớt căng thẳng nội tại cho mình và cho đồng bạn. Khi ít có xao xuyến, thì cũng ít căng thẳng và một đời sống sáng tạo sẽ có cơ hội được thực hiện. Sống sáng tạo đòi hỏi trước tiên thời giờ để sống, để hiện hữu, để cảm nghiệm mình là gì, mình có gì và cải thiện căn tính của mình. Yếu tính của con đường thiêng liêng là sự ý thức nội tại; sự tự quyết và sáng tạo cũng tùy thuộc vào đó.

Là tu sĩ, chúng ta học tuân theo quy luật và tập tục của cộng đoàn. Người ta nhấn mạnh nhiều đến sự tuân hành này như nền tảng của đời sống cộng đồng. Nhưng không nên lẫn lộn sự tuân hành cần thiết cho trật tự chung và sự tuân thủ không mấy tốt đẹp, vốn là đặc tính của xã hội kỹ thuật chúng ta. Có hàng triệu người tìm kế sinh nhai bằng những công việc máy móc, theo một thời biểu không thay đổi, và ngày nào cũng thế. Và cơ cấu tiềm tàng của đời sống này lan dần đến các khu vực khác, nên từ sáng đến tối họ xoay quanh cái vòng tròn của một người máy.

Loại tuân thủ này có thể làm chết nghẹt và dễ dàng bần cùng hóa bất cứ ai đi vào công việc máy móc buồn nản đó. Nó có thể tiêu diệt sáng tạo tính và hủy hoại sự hòa nhập tâm linh. Một đời sống tu trì bị mờ tối vì một vài hình thức luật lệ (như trong trại binh) có thể giống như loại tùng phục cơ khí. Trật tự đích thực đến từ nguồn mạch nội tại; các chỉ dẫn ngoại tại có thể củng cố nó như luật đi đường, nhưng không thể đem một ý nghĩa tôn giáo cho cá thể. Nhưng, một vài người áp dụng các tập tục như một nghi thức bên ngoài, mà không bao giờ ý thức về giá trị đích thực của chúng. Vì người ta quá nhấn mạnh đến tác phong bên ngoài, nên họ lẫn lộn vai trò của các cung cách bên ngoài với tầm quan trọng của bác ái và khiêm tốn. Người ta giản lược cái sai cũng như cái đúng vào việc tuân hành ngoại tại, máy móc, chớ không phải vào cái hữu lý. Nếu chúng ta phản ứng mạnh mẽ đối với các lỗi phạm thấy được hơn là đối với những vi phạm đức ái và các nhân đức căn bản khác, có thể chúng ta đã đóng góp vào lệch lạc này.

Nhiều vấn đề thiêng liêng và tâm lý bắt nguồn từ sự thiếu phân biệt giữa sự tuân hành ngoại tại và ý hướng sâu thẳm. Nhắc đến các điều này luôn mãi cũng chưa đủ, vì không đưa đến kết quả nào. Các tu sĩ phải thăng tiến, chọn lựa, sáng tạo và tự biểu lộ, nếu người ta muốn một huấn giới ngoại tại mang một ý nghĩa nội tại.

Sáng tạo tính và hình thức chủ nghĩa

Từ lúc vào dòng, các tu sĩ trẻ phải được dẫn vào lối sống mới trong mọi khía cạnh của nó: học các nguyên tắc đời sống thiêng liêng, lịch sử và sứ mệnh của hội dòng, các lề luật và tập tục của hội dòng. Trước tiên chính kỷ luật chung sẽ huấn luyện họ về những điều đó: họ lãnh nhận hình phạt vì những sự vi phạm và học tuân phục luật lệ. Họ được huấn luyện để hiểu điều gì được phép, điều gì bị cấm đoán.

Nhưng nếu các tu sĩ trẻ tập làm điều này điều nọ chỉ vì để làm vui lòng vị hướng dẫn, thì mối bận tâm tránh sự phiền hà của bề trên sẽ trội hơn ý muốn hoàn thành một công việc vì chính nó. Và nếu các sự sửa đổi bên ngoài không được thay thế dần bằng một sự can đảm chấp nhận bên trong dựa trên tình yêu, thì toàn thể cơ cấu đời sống tu trì sẽ mất hết ý nghĩa.

Kỷ luật bên ngoài một cách nào đó, cần thiết vào lúc khởi đầu của đời sống tu trì, dần dần phải biến thành một tương quan thích hợp hơn giữa bề trên, như người hướng dẫn, và bề dưới như những con người thành thục trách nhiệm. Đó là mục đích chính yếu. Tương quan tập sư – tập sinh có thể xoay quanh những tư tưởng cấm đoán, đền tội, sợ hãi. Nhưng sau đó các tư tưởng này phải hướng về sự tự lập, sự chọn lựa yêu thương và kính trọng, vốn thích hợp hơn cho những tương quan giữa người lớn với nhau.

Sự trưởng thành trong các tương quan là một công việc mang tính cách hỗ tương. Bằng cách thảo luận các vấn đề, đề nghị thay đổi, giúp người trẻ nhận định thiêng liêng, bề trên sẽ gợi lên một lời phúc đáp trưởng thành, hơn hẳn mọi thứ lệnh truyền, sửa phạt, rầy la và cực hình. Sự ý thức về trách nhiệm, tôn trọng quyền bính đích thực và sự cộng tác trong một bầu khí thân thiện (chớ không phải sợ sệt hay cả nể) góp phần vào việc nội tâm hóa các giá trị thiêng liêng. Một bề trên bị khống chế bởi các lược đồ thống trị, muốn thâu tóm, ôm đồm, nghi ngờ, canh phòng, tất nhiên cũng nuôi dưỡng sự quỵ lụy và những đáp ứng ấu trĩ của bề dưới. Các tu sĩ nào tìm cách lôi kéo sự chú ý, thì đòi hỏi nhiều nơi bề trên; họ có vẻ khúm núm hơn là phục tùng thật sự, luôn cần một sự cưỡng chế bên ngoài để trở nên đạo đức và một sự tán thưởng rõ rệt để được hồn nhiên.

Nhiều tu sĩ dễ dàng lẫn lộn hai thứ tuân phục này. Không có xung khắc giữa sáng tạo tính và sự tuân hành đúng đắn. Sự hồn nhiên sáng tạo có thể thấm nhuần đời sống của một tu sĩ và chiếu sáng trong môi trường, khi người ấy thi hành nhiệm vụ cộng đồng của mình cách điều hòa. Người ta có thể làm cho những cảnh sống tẻ nhạt nhất thêm tươi thắm và làm cho những cảnh sống nặng nề được tươi vui, mới mẻ. Tu sĩ sáng tạo có thể khám phá một ý nghĩa trong một công việc thường ngày rất đơn giản và chuyển đạt ý nghĩa đó cho đồng bạn. Bất cứ công việc gì: giáo dục, làm bếp, chữa bệnh, xây nhà, giảng dạy, quản trị, óc sáng tạo luôn đem đến một giá trị và một sự phấn khởi. Người y tá tìm được thời giờ để nói chuyện với bệnh nhân; người đầu bếp tài tình chế biến, hòa lẫn các thứ gia vị, làm được những món ăn ngon; người quản lý, trong chốc lát, biến đổi các góc xấu xí nhất trong nhà thành một nơi ấm cúng: đó là những con người sáng tạo trong cuộc sống.

Một cái nhìn nhanh chóng về các trường hợp ngược lại cho ta thấy được một thứ công thức chủ nghĩa máy móc tai hại đến chừng nào. Nếu nó thay thế bác ái, thì nó biến đổi con người thành một thứ máy móc không hồn. Các phản ứng tự động không thực sự nhân bản. Cần phải chọn lựa kỹ càng và xem xét các điều kiện làm việc để khỏi phải chai lỳ trong một nghi thức hời hợt. Một tu sĩ không phải là một chức vụ nhưng là một con người, sinh hoạt của họ không bao giờ nên máy móc, tự động. Lối sống buồn nản tỉ mỉ của người trầm uất, buộc họ phải đo lường các chuyển động theo nhịp đồng hồ thường là một thứ tự vệ chống lại sự khó tiên liệu của nội tâm mình. Đời sống lành mạnh thường thích nghi vào các biến đổi, mở rộng cho sự mới mẻ; nó sáng tạo và tự do, không có những sự thống trị của vô thức.

Kiểm tra tương tự

Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila

Chỉ cách nhau hai tuần trong Lịch Phụng Vụ, chúng ta kính nhớ hai vị …

Khoá học: “Giáo huấn giáo hội về mục vụ hôn nhân và gia đình”

Bạn thân mến! Từ công đồng Vatican II, Giáo Hội mở ra cuộc canh tân …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *