Diogenes – dung mạo kẻ tìm kiếm con người qua các họa phẩm và giai thoại

3.32 x 2.49Diogenes thành Sinope (412-323 TCN) được biết tới như là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của phái Khuyển sỹ thời Thượng cổ. Các sử gia xác nhận một Diogenes Khuyển sỹ lịch sử, kể rằng ông viết hơn chục tác phẩm bàn về một số vấn đề triết học, kịch nghệ, nhưng kì thực các trước tác của ông nếu có thì từ lâu đã bị thất lạc hoàn toàn. Tuy chỉ còn được biết tới qua các giai thoại, Diogenes lại là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều họa sĩ, nhiều văn sĩ và cho nhiều tư tưởng gia trong nhiều thời. Để khắc họa phần nào đó dung mạo của Diogenes, ta có thể thưởng lãm một vài họa phẩm đặc sắc mà Diogenes làm nhân vật chính cùng sự kết dệt với các giai thoại kể về ông.

1. Diogenes, những khoảnh khắc nội tâm lay động

10.36 x 7
DIOGENES Vứt Bỏ Cốc Uống Nước
Họa sỹ Salvator Rosa (1615-1673)
Sơn dầu trên vải, 219 x 148 cm (~1650)

     Các giai thoại kể Diogenes như là người sống lang thang, chỉ mang theo mình cây gậy, một áo choàng, một tay nải đựng thức ăn, bất cứ đâu cũng là nơi ông dùng bữa, ngủ nghỉ và trò chuyện.[1] Chọn lựa lối sống dị thường như vậy đến với Diogenes qua nhưng thức tỉnh của riêng ông sau những quan sát, những cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông.

     Diogenes đã vứt chiếc cốc khỏi tay nải của mình sau khi thấy một đứa trẻ vục tay xuống vũng nước để lấy nước uống. Ông thốt lên: “Đứa nhỏ đã thức tỉnh tôi về lối sống giản dị!”[2]  Họa sĩ Salvator Rosa đã chuyển giai thoại đó thành họa phẩm. Ông đã không vẽ hành động vứt chiếc cốc nhưng vẽ khoảnh khắc Diogenes được lay động trước đứa trẻ. Chắc hẳn Diogenes đã nhìn thấy đứa trẻ từ xa xa, nhưng Salvator Rosa đã để đứa trẻ uống nước bằng tay ngay sát chân của Diogenes như thể không có khoảng cách giữa Diogenes—người quan sát với đứa trẻ, như thể hành động đơn sơ của đứa trẻ đã “nhập” vào Diogenes. Ông ngắm nhìn đứa trẻ một cách chăm chú. Tâm trí bị cuốn hút hoàn toàn, tay buông khỏi cây gậy, Diogenes ngỡ ngàng.

     Đây là một trong những khoảnh khắc nội tâm lay động khi một hình ảnh bên ngoài đời thường đã đụng tới khắc khoải thẳm sâu bên trong Diogenes, dẫn ông tới những hành động chọn lựa triệt để cho lối sống “ngạo ngược” của mình. Cũng thế, Diogenes đã vứt nốt chiếc “bát ăn cơm” vì thấy một đứa bé, khi đĩa đựng thức ăn của nó bị vỡ, đựng các hạt đậu vào trong lòng miếng bánh mỳ.[3] Khi tới Athens, Diogenes trước hết đã được tác động sâu xa bởi Antisthenes, người được xem như vị khởi xướng trào lưu Khuyển sỹ.[4] Chính Diogenes đã tự nói ra điều này:

“Antisthenes đã giải thoát tôi. Tôi không còn là một nô lệ. […] Ông đã dạy tôi biết cái gì là của tôi, cái gì không thuộc về tôi. Của cải, dòng họ, bạn bè, danh tiếng, các nơi chốn… không thuộc về tôi. […] Điều thuộc về tôi là sức mạnh để vượt khỏi các sự cuốn hút ngoại tại… chẳng ai có quyền lực trên tôi.”[5]

     Gặp gỡ những con người đơn sơ đã vậy, nội tâm của Diogenes cũng được lay động khi ông quan sát các con vật trong tự nhiên. Ông đã vui lòng sống lang bạt khi thấy một con chuột chẳng sợ bóng tối, chẳng bận tâm tìm chỗ ở hay đồ ăn mỹ vị.[6] Ông đã tự chọn cho mình biệt danh là Chó, chẳng bận tâm khi người ta ném các khúc xương vào ông trong một bữa tiệc,[7] bởi ông xét thấy cung cách của mình y chang một con chó lang thang “vẫy đuôi khi được cho ăn, gầm gừ với kẻ chẳng đoái hoài [tới nó] và cắn những thằng xỏ lá.”[8] Trên thực tế, Diogenes đã “sủa” và “cắn” những kẻ giả hình, ham hố của cải, danh vọng.

     “Ông coi thường các sự theo đuổi trí thức mà không dẫn tới giá trị thực tiễn nào. Ông sỉ nhục những văn sĩ chỉ biết viết về các điều tệ hại của Ulysses mà lơ là các điều xấu của riêng mình; những nhạc công gảy đàn lyre nhịp nhàng mà tâm trí họ lại lộn xộn; các nhà khoa học lo ngắm trăng sao xa vời mà lơ đãng những điều trước mắt; chê trách các diễn giả chỉ nói hay mà không thực hành điều họ nói.”[9]

     Như thế, dung mạo Diogenes được Salvator Rosa hay các giai thoại khắc họa trước hết là con người có nội tâm tự do rung động trước những điều được chiêm ngắm và lắng nghe, mở ra trước những bài học sống động từ cuộc sống ở chiều sâu. Ông còn có sức mạnh nội tại để dám tuân theo thúc giục nội tâm mà chọn lựa lối sống riêng cho mình dù ngược với cung cách thông thường của người đời. Người như Diogenes dễ có mấy ai.

2. Diogenes, bản lĩnh một vị “vua”

8.63 x 8.47
DIOGENES và ALEXANDER
Họa sỹ Giovan Battista Langetti (1635–1676)
Sơn dầu trên vải, 142 cm x 133 cm (1650)
(lưu giữ tại Pinacoteca Querini Stampalia, Venice)

Ta là Alexander Đại Đế.

Còn tôi là Diogenes, Chó!”[10]

     Diogenes đã không ngần ngại giới thiệu bản thân như vậy khi Alexander lừng danh lần đầu tiên đích thân tới gặp ông. Các cuộc gặp gỡ giữa Alexander với Diogenes thường được kể qua các cuộc đối đáp vắn gọn giữa hai người, chẳng hạn:

– Ngươi không sợ ta sao? (Alexander)

– Ông là thứ người nào, tốt hay xấu?

– Chắc chắn là tốt rồi.

– Vậy sao tôi lại phải sợ một người tốt?[11]

– Cứ xin một điều ta sẽ ban cho.

– Vậy hãy tránh qua một bên để tôi phơi nắng![12] (Diogenes)

Rất nhiều các họa sỹ đã vẽ cảnh Alexander với đám tùy tùng nai nịt gọn gàng đến gặp Diogenes tại “ngôi nhà” là cái lu tròn lớn bằng gỗ mà thời ấy thường dùng làm bồn tắm. Bóng của Alexander đổ dài qua người Diogenes lếch thếch, trần trụi đang nằm phơi nắng.

     Danh họa người Ý, Giovan Battista Langetti (1635-1676), lại có cách nhìn nội tâm hơn về cuộc gặp gỡ giữa Alexander và Diogenes. Bức tranh không có hậu cảnh rộng rãi với đền đài Athens hay đám tùy tùng vũ trang, thay vào đó là nền màu tối lẫn với viền của cái lu tròn và khuôn mặt hai nhân vật phụ đang chăm chú lắng nghe Diogenes nói với Alexander. Hai nhân vật chính Diogenes và Alexander được vẽ bằng kích thước người thật. Người xem tranh cảm tưởng khuôn tranh vuông (142x133cm) được trích ra từ một khung cảnh rộng hơn. Đây chính là dụng ý của tác giả muốn người xem tập trung vào nhân vật trung tâm là Diogenes hơn là vào các chi tiết phụ khác.

     Diogenes nổi bật trong tranh nhờ được đặc tả thân người ở trần với gam màu vàng sáng, tương phản sắc màu sẫm trên binh giáp của Alexander. Sự tương phản màu sắc lột tả sự tương phản về thân phận và lối sống giữa hai người. Alexander trẻ trung trong giáp trụ của vị quân vương, còn Diogenes già dặn, trần trụi, ăn vận đơn sơ theo lối một kẻ lang thang. Điều đặc sắc của bức tranh là trong cuộc gặp gỡ này Alexander đến bàn hỏi với Diogenes, còn Diogenes thì giảng giải, cắt nghĩa cho Alexander.

     Alexander bàn hỏi điều gì, các giai thoại vắn gọn không kể lại, nhưng Dio Chrysostom (40-120) trong bài giảng của ông đã cho thấy rằng Diogenes giảng giải cho Alexander nhiều điều về cung cách một quân vương.[13] Diogenes thẳng thắn nói với Alexander rằng cho dù vua có thể chinh phục mọi miền đất nhưng không thể thắng được kẻ thù đích thực bên trong của vua là các tật xấu. Michel Foucault khi suy tư về bài giảng này đã không ngần ngại cho rằng vị vua đích thực là Diogenes, vua Triết gia – vua Khuyển, chứ không phải là vua trần thế Alexander.[14]

     Như thế, họa sĩ Battista Langetti bằng thủ pháp dùng các mảng màu sáng tối tương phản đã diễn tả một chân lý được đảo chiều về sự chân nhận về một con người hay về một vị vua đích thực. Chính Alexader đã thốt lên rằng: “Nếu ta không phải là Alexander, ta sẽ là Diogenes!”[15] Con người dị thường, vất vưởng như Diogenes có điều gì cuốn hút Alexander đến như vậy nếu không phải là sự thông thái và chân thực? Alexander quân vương đã tự tìm tới Diogenes để xin ánh sáng. Alexander thấy bản thân mình khi nhìn vào Diogenes. Diogenes là ánh sáng. Bởi đó, cây đèn, vốn là một biểu trưng đi liền với hình ảnh Diogenes, ở phía trên đầu Diogenes trong bức tranh đã lẫn vào mầu nền và không cần phải thắp lên nữa.

3. Diogenes – Thắp đèn giữa ban ngày tìm con người

Diogène
Họa sỹ Junes Bastein-Lepage (1848-1884)
Sơn dầu trên vải (1873) (lưu giữ tại Musée Marmottan Monet, Paris)

     Diogenes rất nổi tiếng bởi có giai thoại kể rằng giữa ban ngày ông thắp đèn và nói: “Tôi đang tìm một con người.[16] Ở Sinope (Turkey), quê hương của Diogenes, người ta dựng tượng ông đang đứng, tay dâng cao ngọn đèn, bên cạnh chân của ông là một chú chó đang ngồi. Chắc chắn hành động mang tính biểu tượng của Diogenes đã gây nên sự ngạc nhiên cho nhiều người. Chẳng lẽ những người đang sống quanh ông không/chưa là “người” hay sao? Ông tìm gì nơi con người?

     Y như được mô tả trong giai thoại, rất nhiều các họa sĩ vẽ Diogenes đang trong tư thế động là giương cao chiếc đèn, soi đèn vào những người xung quanh dù họ là ai, đang làm công việc gì. Tuy nhiên, họa sĩ người Pháp Junes Bastein-Lepage (1848-1884) với bức tranh Diogène đã trình bày Diogenes với cây đèn dưới một cái nhìn tĩnh tại, khác lạ. Đó là một Diogenes trần trụi, không một mảnh vải che thân, đang ngồi bó gối cạnh bức tường loang lổ; bên cạnh ông là chiếc đèn cầy đã được thắp lên và đặt trên nền lối đi. Mái tóc không chải và bộ râu rậm làm toát lên vẻ phong trần. Còn đôi mắt của Diogenes hướng về phía người xem tranh, như thể ông đang tự hỏi liệu rằng đây có phải con người mình đang tìm kiếm hay không.

     Người xem tranh không chỉ bị chất vấn bởi ánh nhìn của Diogenes nhưng còn bị thu hút vào vẻ đẹp hình thể thuần khiết ban sơ của con người vốn bị che phủ bởi trang phục thì giờ được hiển hiện nơi Diogenes. Nếu như không biết rằng nhân vật trong tranh là Diogenes hoặc chiếc đèn cầy không được vẽ, người ta tưởng rằng mình đang thưởng thức vẻ đẹp của thể loại tranh nude-art. Nhưng ở đây là Diogenes với cây đèn, nên họa sĩ đã đưa người xem tranh tới việc suy tư về ý nghĩa biểu tượng của tranh.

     Ngọn đèn làm sao soi tỏ được lòng người thẳm sâu, nhưng với ngọn đèn, Diogenes chất vấn người khác về những bóng tối, bóng mờ trong tâm hồn mỗi người vốn làm cho người ta sống bất nhất, giả hình hoặc không dám sống thật với chính mình. Hơn cả ánh sáng của nến, Diogenes mang lại một thứ ánh sáng rọi vào tâm hồn những ai gặp gỡ ông. Khi được hỏi tại sao người ta bố thí cho các kẻ ăn xin mà không cho các triết gia, Diogenes trả lời: “Vì họ nghĩ rằng một ngày kia họ có thể bị què quặt hay đui mù nhưng chẳng bao giờ họ nghĩ mình sẽ trở thành triết gia.”[17] Nếu như bắt gặp một người đau khổ, khốn cùng, người ta không khỏi có giây lát trắc ẩn về người đó và thương đến chính bản thân mình, thì khi đối diện với một Diogenes trần trụi với cây đèn, người ta chợt thấy sự trần trụi của mình đằng sau những lớp trang phục, những lớp vỏ dệt bằng danh giá, đẳng cấp.

     6 x 4.34Việc thắp đèn giữa ban ngày để tìm kiếm con người làm lộ ra mối bận tâm lớn nhất của Diogenes là về con người. Ông không chấp nhận những lối nhìn phiến diện về con người. Khi Plato  được vỗ tay tán thưởng vì ông định nghĩa con người là một loài động vật có hai chân và không có lông vũ, Diogenes bèn vặt trụi lông một con gà và mang nó đến giảng đường, nói rằng: “Đây là con người của Plato!” Sau đó Plato phải thêm vào định nghĩa về con người là “có móng phẳng rộng.”[18] Dù thế nào đi nữa, định nghĩa về con người của Plato thật nghèo nàn, nhất là trước con người cụ thể, sống động là Diogenes.[19]

     Hãy tưởng tượng một cuộc phỏng vấn Diogenes về chuẩn con người đối với ông. Cuộc phỏng vấn ấy có thể như thế này:

– “Ông đã thấy người tốt (good/virtuous men) ở Greece chưa?”

– “Chẳng thấy một ai, trừ ra lũ trẻ tốt lành (good boys) ở Lacedaemon (Sparta).”[20]

– Sao vậy?

“Người ta mải moi móc, đấu đá lẫn nhau mà chẳng lo trở nên người tốt lành và chân thực.”[21]

– “Điều tuyệt diệu nhất của con người là gì?”

– “Tự do ngôn luận” (Parrhesia / Freedom of speech).[22]

– Con vật sánh với con người được chăng?

– “Nhìn vào các hoa tiêu, các nhà vật lý, triết gia, thì con người là con vật thông minh nhất. Nhưng nhìn vào lũ thầy bói, những kẻ mê coi bói, mê danh vọng và của cải, thì chẳng có con vật nào ngu như con người.”[23]

     Như thế, tuy chẳng đầy đủ nhưng có thể kể ra vài điểm cốt yếu mà Diogenes quan tâm và tìm kiếm nơi con người: Đơn sơ, thành thực, tự do, khó nghèo. Những phẩm tính ấy, có thể tìm thấy nơi con người và lối sống ngạo ngược của Diogenes, nhưng không vì thế mà Diogenes coi mình trở thành chuẩn con người, ông chỉ là kẻ tìm kiếm, là lời chất vấn về con người.

4. Diogenes triết gia

     Bởi lòng khắc khoải tìm kiếm con người, thông thái và biết chiêm ngắm với nội tâm nhạy bén, cùng với các giai thoại kể rằng Diogenes tham dự nghe và tranh luận triết học, rằng nhiều người muốn làm học trò của ông, nên từ rất sớm người ta coi Diogenes như một triết gia.

11.27 x 16.18Scuola di Atene (Trường Athens)
Họa sỹ Raffaello Sanzio (1483-1520) vẽ năm 1509-11
Tranh tường, 500 x 770cm, tại Apostolic Palace (Vatican)

     Diogenes—Triết gia được danh họa người Ý, Raffaello Sanzio (1483-1520), vẽ trong bức tranh tường nổi tiếng ở Vatican, Scuola di Atene (Trường Athens). Tại vị trí trung tâm của bức tranh tường là Plato và Aristotle, nhưng tại ngay giữa đám đông các triết gia lại có một Diogenes vừa ngả ngốn trên bậc cấp, vừa đang chăm chú đọc điều gì đó trên một trang giấy, mặc kệ những người xung quanh đang ồn ã luận bàn.

6.5 x 9.04
cartone-raffaello Diogenes
6.5 x 7.61

     Trong trang phục màu xanh giản dị, bên cạnh là chiếc bát và chiếc áo choàng nâu biểu tượng cho lối sống hành khất, Diogenes ở giữa khoảng trống. Raffaello đã bỏ công phác thảo Diogenes nhiều lần vì hình thể của Diogenes cần được vẽ kỹ hơn bất kỳ ai khác trong bức tranh tường mới có thể diễn tả vẻ đẹp, sự thâm trầm cùng sự trần trụi, trống trải của Diogenes.[24]

     Diogenes ở giữa khoảng trống, tách khỏi đám đông các triết gia khác, điều này thu hút sự quan tâm cũng như nghi vấn về Diogenes, về lối sống và các quan tâm triết học của ông. Gần chỗ chân Diogenes, có một thanh niên với mái tóc vàng chải bện ngay ngắn, mặc áo xanh lá, choàng tấm vải màu trắng. Anh đang thắc mắc với một người khác về Diogenes. Hoặc anh ta hỏi rằng: “Sao cái gã ăn xin này lại lọt vào Trường Athens, trường của các triết gia? Lối sống của gã thì ngạo ngược, chứ đâu phải gã hành triết!” Đây là nghi vấn của những ai khó chấp nhận Diogenes là triết gia hoặc không đánh giá cao vai trò của Diogenes trong lịch sử tư tưởng nhân loại.[25]

     Hoặc anh thanh niên nhìn nhận Diogenes là triết gia nhưng hỏi rằng ông là triết gia kiểu nào. Câu hỏi anh đặt ra được một người kề cận anh giúp giải đáp bằng cách trỏ tay vào Plato. Đây là câu trả lời của Plato: “Ngài Diogenes đó là Chó, là Socrates Điên Dại![26] Diogenes đã hoàn toàn đồng ý với Plato về nhận xét này. Plato thấy nơi Diogenes hình ảnh thầy Socrates của mình vì mối lưu tâm hàng đầu của Diogenes cũng giống như của Socrates là về con người. Nếu như các nhà triết sử coi Socrates là triết gia nhân văn đầu tiên, thì việc sánh ví với Socrates cho thấy Plato coi trọng Diogenes đến mức nào.

     Giống với Socrates, Diogenes không để lại tác phẩm nào, việc hành triết của ông chú trọng vào các cuộc đối đáp, chất vấn trực tiếp và bằng chính đời sống của ông. Khi có người tới mượn sách, Diogenes đáp rằng: “Anh bạn ngốc nghếch! Anh bỏ qua việc tập luyện nhân đức chân thật mà chỉ lo tìm kiếm những điều trong sách vở.[27] Cũng như Socrates, Diogenes nhận rằng: “Tôi là công dân của thế giới (kosmopolitês).” [28] Khác với Socrates, Diogenes không nhận môn đệ. Có anh chàng nọ muốn thọ giáo triết học với Diogenes, ông liền đưa cho anh ta một con xén tóc (saperda) và bảo anh ta đi theo mình. Đi một quãng thì xấu hổ quá, anh ta quẳng con xén tóc và bỏ đi. Lúc gặp lại anh, Diogenes cười và nói: “Tình bạn của chúng ta chấm dứt vì một con xén tóc!”[29]

     Thật ra, người đã tự nhận mình là “Chó” thì chẳng quan tâm người ta sẽ tôn vinh mình là triết gia hay không. “Triết gia” là danh hiệu dành cho Diogenes bởi các người đương thời với ông và các thế hệ sau này. Phái Khuyển sỹ không mở học đường, không giáo điều hay khuôn thước, nhưng vẫn luôn có môn đồ. Đó là Crates, là hai anh em Metrocles và Hipparchianữ Khuyển sỹ; đó là Zeno, ông tổ phái Khắc kỷ, người coi Diogenes là khuôn mẫu lý tưởng cho phái Khắc kỷ. Các khảo cứu thời hiện đại vẫn cho thấy vai trò và sự khởi hứng của Diogenes cho các Khuyển sỹ và tư tưởng gia nhiều thời, trong đó Nietzsche được xem như một tân Khuyển sỹ về mặt tư tưởng, Wittgenstein được ví như Diogenes trong ngành logic hiện đại.[30]

     Trở lại với Trường Athens, việc Diogenes ở giữa các triết gia và các tư tưởng gia khác cho thấy Diogenes quý giá ở chỗ ông là lời nhắc cho các trường phái khác rằng để hiểu cho đạt mức về con người bằng lăng kính triết học thì không thể đóng khung con người vào những định nghĩa hay nhãn quan mang nặng tính hệ thống, lý tưởng, trừu tượng, duy trí tuệ. Con người sống động hơn tất cả những định nghĩa như vậy. Bỏ qua Diogenes là bỏ lỡ cơ hội suy tư triết học về bản chất con người. Nhìn nhận sự ngạo ngược của Diogenes là mở ra sự chân nhận về con người, bởi vì ẩn sau sự ngạo ngược ấy là tiếng lương tâm của những con người khát khao được lột bỏ các vỏ bọc để sống chân thật, và còn là tiếng của những tâm hồn bé nhỏ, đơn sơ, khốn cùng trong cuộc đời này.

Để kết

     Nhiều chi tiết trong cuộc đời của Diogenes không được xác thực vì các giai thoại về ông có rất nhiều dị bản. Nhưng dung mạo tinh thần của Diogenes thì dường như có điểm chung là nỗi khắc khoải về con người, là một nội tâm mạnh mẽ, tự do, dám sống chân thực nhờ triệt để rũ bỏ những mối ràng buộc thông thường vốn chi phối con người như của cải, hư danh và thói giả hình. Nếu như có sự khởi hứng nào từ các giai thoại về Diogenes cho các họa sỹ, thì trước tiên đó là sự gặp gỡ, đồng điệu tâm hồn và thao thức về con người của các họa sỹ với chính Diogenes. Đến lượt các họa sỹ thổi hồn vào tranh và truyền cảm hứng cho người xem tranh. Đó là lúc giai thoại về Diogenes được kể lại bằng ngôn ngữ hội họa và tiếp tục được kể lại bởi những tâm hồn đồng điệu thưởng lãm.

    Diogenes không chỉ nhận được sự trân trọng và ngưỡng mộ các họa sỹ thế hệ sau nhưng ngay khi ông còn sống người dân Athens đã rất quý mến ông.[31] Và khi Diogenes qua đời, bạn bè và các môn đệ tự nhận của Diogenes đã dựng trên mộ ông một cây cột, một con chó bằng đá và những tượng đồng có khắc dòng chữ sau đây:

     “Thời gian sẽ khiến tượng đồng ra bạc màu, cũ kỹ,

     Nhưng vinh dự của ngài, Diogenes hỡi,

     vĩnh viễn không bao giờ mất đi.

     Bởi duy mình ngài đã chỉ ra cho những con người vốn phải chết

     bài học biết tự mãn nguyện và lối nẻo đơn giản nhất của cuộc đời.”[32]

(Đỗ Thành Nguyên, S.J.)

[1] Diogenes Laërtius (DL), Lives of the Eminent Philosophers, translated by Robert Drew Hicks (1925) Book VI. 22. (http://en.wikisource.org/wiki/Lives_of_the_Eminent_Philosophers/Book_VI#Diogenes)

[2] Ibid., VI. 37.

[3] Ibid., VI. 37.

[4] Có nghiên cứu cho rằng Diogenes không phải là học trò của Antisthenes vì các dữ kiện về thời gian không thể có sự gặp gỡ giữa 2 nhân vật. Xem Donald R.Dudley, A History of Cinicism from Diogenes to the 6th Century A.D., Methuen & Co. Ltd. London, 1937, tr. 23.

[5] Epictitus, The Discourses As Reported By Arrian, The Manual, And Fragments, Tập II, bản dịch Anh ngữ bởi W. A. Oldfather, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts 1928, tr. 207.

[6] DL., Ibid., VI. 22.

[7] Ibid.,  VI. 46.

[8] Ibid., VI. 60.

[9] Ibid., VI. 28. Xem thêm William Smith, Dictionary of Greek and Roman Biography and Mythology, tập 1, 1867, tr. 1021. Phiên bản scan tại http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/1027.html.

[10] Ibid., VI. 60.

[11] Ibid., VI. 68.

[12] Ibid., VI. 38.

[14] Michel Foucault, The Courage of the Truth (the Government of Self and Others II) – Lectures at the College de France 1983-1984, Graham Burchell dịch, Palgrave McMillan 2011, tr. 277.

[15] DL., Ibid., VI. 32.

[16] Ibid., VI. 41.

[17] Ibid., VI. 56.

[18] Ibid., VI. 40. “Man is a two-footed, featherless animal” và “With broad flat nails.”

[19] Trong nhiều giai thoại, lối sống và lý thuyết của Plato bị chất vấn, xung đột rất nhiều đối với Diogenes, Antisthenes, Crates.

[20] Ibid., VI. 27.

[21] Ibid., VI. 27.

[22] Ibid., VI. 69.

[23] Ibid., VI. 24.

[24] Các phác thảo này hiện được lưu giữ ở bảo tàng Ambrosiano (Milano, Ý).

[25] Tác giả cuốn Lịch sử Triết học và các Luận đề, Samuel Enoch Stumpf, không nói tới Diogenes và trường phái Khuyển sỹ.

[26] Ibid., VI. 54.

[27] Ibid., VI. 48.

[28] Ibid., VI. 63.

[29] Ibid., VI. 36.

[30] Peter Sloterdijk, Critique of Cynical Reason, Michael Eldred dịch sang Anh ngữ, University of Minnesota Press, London, 1987, tr. 35.

[31] DL., Ibid., VI. 43.

[32] Ibid., VI. 78.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

ĐẬU Văn Hồng, Triết sử Tây Phương thời Thượng cổ, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang,  2004. (lưu hành nội bộ)

 

Sách điện tử định dạng PDF/online:

LAËRTIUS, Diogenes, Lives of the Eminent Philosophers,
translated by Robert Drew Hicks (1925) (http://en.wikisource.org/wiki/Lives_of_the_Eminent_Philosophers/Book_VI#Diogenes)

translated by Charles Duke Yonge (1853) (http://classicpersuasion.org/pw/diogenes/dldiogenes.htm#cite)

 

FOUCAULT, Michel, The Courage of the Truth (the Government of Self and Others II) – Lectures at the College de France 1983-1984, Graham Burchell dịch, Palgrave McMillan 2011.

SMITH, William, Dictionary of Greek and Roman Biography and Mythology, tập 1, 1867.

DUDLEY,  Donald R., A History of Cinicism from Diogenes to the 6th Century A.D., Methuen & Co. Ltd. London, 1937.

EPICTITUS, The Discourses As Reported By Arrian, The Manual, And Fragments, Tập II, bản dịch Anh ngữ bởi W. A. Oldfather, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts 1928.

SLOTERDIJK, Peter, Critique of Cynical Reason, Michael Eldred dịch sang Anh ngữ, University of Minnesota Press, London, 1987.

 

Từ Internet:

http://lucianofsamosata.info/wiki/doku.php?id=cynics:cynic_lives

http://www.wga.hu/html_m/r/raphael/7drawing/2/1athens3.html

http://penelope.uchicago.edu/~grout/encyclopaedia_romana/greece/hetairai/diogenes.html

http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/Dio_Chrysostom/Discourses/4*.html

http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/1027.html.

http://www.mlahanas.de/Greeks/SchoolAthens.htm

http://fe.fondazionezeri.unibo.it/catalogo/ricerca.jsp?decorator=layout&apply=true&percorso_ricerca=OA&tipo_ricerca=avanzata&mod_SGTI_OA=esatto&SGTI_OA=Scuola+di+Atene&componi_OA=AND&ordine_OA=rilevanza

và một số trang khác.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *