ĐTC chủ sự Kinh Chiều kết thúc Tuần cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu

ANSA940512_ArticoloROMA. “Chúng ta hãy nài xin sự tha thứ vì tội lỗi do sự chia rẽ của chúng ta, vốn là một vết thương chưa lành trên Thân mình của Đức Kitô. Với tư cách Giám mục của Roma và Chủ chăn của Giáo hội Công giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót và sự tha thứ vì những hành xử đi ngược lại với Tin Mừng do phía những người Công giáo đã thực hiện khi đối diện với các Kitô hữu của các Giáo hội khác. Đồng thời, tôi mời gọi tất cả anh chị em Công giáo hãy tha thứ nếu, hôm nay hay trong quá khứ, họ đã phải đau khổ nhiều vì các Ki tô hữu khác”. Đây là những lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô trong bài giảng tại buổi đọc Kinh Chiều, được cử hành lúc 5 giờ rưỡi chiều 25.01.2015, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, nhân dịp Lễ thánh Phaolô trở lại để kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu,.

 Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25.01 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: ”Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

 Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng của mình, ĐTC nhắc lại cuộc hoán cải của thánh Phaolô đã xảy ra nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đồng thời, ĐTC nhắc đến nghĩa vụ của các Kitô hữu cần phải loan báo cho tất cả mọi người biết về những công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện ở giữa dân người. Để thực hiện điều này, ĐTC mời gọi các Kitô hữu:

“Vượt lên trên tất cả những khác biệt vẫn còn khiến chúng ta chia rẽ, chúng ta hãy tận hưởng niềm vui đó là nơi tận ngọn nguồn của đời sống Kitô hữu luôn có đó một lời mời gọi mà chính Thiên Chúa là tác giả. Chúng ta có thể tiến bước trên nẻo đường đầy tràn sự thông hiệp hữu hình giữa các Kitô hữu không phải chỉ những lúc chúng ta gần gũi người khác, nhưng hơn hết là trong chừng mực ở đó chúng ta trở về với Thiên Chúa, là Đấng đã dùng ân sủng của mình để tuyển lựa chúng ta và kêu gọi chúng ta trở nên môn đệ của Ngài. Và trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Thiên Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì lý do này, khi các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội tụ họp cùng nhau để lắng nghe Lời Thiên Chúa và nỗ lực để đem ra thực hành, họ thực sự rảo chân tiến những bước quan trọng đến sự hiệp nhất. Và không chỉ lời kêu gọi chúng ta cần hiệp nhất nhưng chúng ta còn chung chia một sứ mạng: đó là loan báo cho tất cả những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa.

ĐTC nói tiếp:

“Trong Năm Thánh ngoại thường của Lòng thương xót này, chúng ta cần khắc ghi rằng chẳng thể có được một cuộc tìm kiếm đích thực cho sự hiệp nhất các Kitô hữu nếu thiếu vắng sự phó thác trọn vẹn cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Trước hết chúng ta hãy nài xin sự tha thứ vì tội lỗi do sự chia rẽ của chúng ta, vốn là một vết thương chưa lành trên Thân mình của Đức Kitô. Với tư cách Giám mục của Roma và Chủ chăn của Giáo hội Công giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót và sự tha thứ vì những hành xử đi ngược lại với Tin Mừng do phía những người Công giáo đã thực hiện khi đối diện với các Kitô hữu của các Giáo hội khác. Đồng thời, tôi mời gọi tất cả anh chị em Công giáo hãy tha thứ nếu, hôm nay hay trong quá khứ, họ đã phải đau khổ nhiều vì các Ki tô hữu khác. Chúng ta không thể nào huỷ bỏ những gì đã diễn ra, nhưng chúng ta không muốn cho phép gánh nặng của lỗi lầm trong quá khứ tiếp tục vấy bẩn tương quan của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân tương quan của chúng ta”.

Và ĐTC kết thúc bài giảng của mình với lời kêu gọi như sau:

“Anh chị em rất thân mến, chúng ta cùng hiệp dâng lời cầu chính Đức Giêsu Kitô đã dâng lên Thiên Chúa Cha: “để tất cả nên một […] nhờ đó thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). Sự hiệp nhất là ân sủng của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Tại đây ngay trước mộ của thánh Phaolô, tông đồ và vị tử đạo, được gìn giữ trong Thánh đường lộng lẫy này, chúng ta cảm nhận rằng lời thỉnh cầu khiêm hạ của chúng ta được trợ giúp nhờ sự chuyển cầu của rất nhiều các thánh tử đạo Kitô giáo của ngày hôm qua và hôm nay. Các vị đã đáp trả cùng với sự quảng đại đối với lời kêu gọi của Thiên Chúa, khi đã làm chứng một cách trung kiên, bằng chính đời sống của mình, về những công trình tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta, và các vị đã trải nghiệm sự hiệp nhất tròn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa Cha. Được củng cố nhờ gương của các vị và được an ủi nhờ lời chuyển cầu của các vị, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện hèn mọn của chúng ta”.

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này.

Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *