Em là ai, mà vĩ đại đến thế?

Đọc những tin tức về em, xem những đoạn video về em, tôi tự hỏi, em là ai mà tuyệt vời đến thế. Em nhỏ tuổi hơn tôi, không khoác lên người chiếc áo lễ hay tấm áo dòng. Em có lẽ chưa bao giờ có cơ hội đào sâu những ý tưởng triết học và thần học siêu đẳng. Tôi không rõ là em đã từng nghe nói đến và làm Linh Thao hay chưa. Mở chiếc hòm nơi em an nghỉ, người ta thấy như thể một thanh niên đang nằm ngủ bình yên, trong bộ quần áo đơn giản và đôi giày thể thao bình thường. Em không giàu có, không trường thọ. Khi còn sống, em cũng không tạo nên một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Em là ai, mà khi nhắm mắt xuôi tay rồi, cả thế giới phải cúi đầu trước em và thán phục. Từ Giáo Hoàng, Giám Mục tới giáo dân, ai ai cũng ngước nhìn về em cách thành khẩn như đang xin em điều gì đó. Khắp năm châu bốn bể, người ta tò mò khi nhắc đến em, khao khát được chiêm ngưỡng dung nhan em. Ai có điều kiện đều tìm đến diện kiến hầm mộ nơi em được chôn cất để tận mắt chứng kiến thi hài một vị thánh trông như thế nào. Bây lâu nay, người ta đã quen với việc mường tượng một Đấng Đáng Kính, Chân Phước hay vị Thánh trong khuôn viên một đan viện cũ kỹ, trên người là chiếc áo dòng được thánh hiến, khuôn mặt già nua có phần khắc khổ. Giờ đây, trông em chẳng có gì giống như thế cả, nhưng nét thánh thiện trong sáng toát ra từ em không thua kém gì những bậc đại thánh ấy. Em chỉ là một chàng thanh niên trẻ tuổi khi qua đời, em đã làm gì, sống ra sao mà ngay cả những bậc vị vọng nhất trong Giáo Hội, quyền lực lớn lao, uy phong toả khắp, cũng phải quỳ trước em, cầu xin em giúp đỡ?

Tôi nghe nói em từ thuở bé cho đến lúc lìa đời cũng có những sinh hoạt và đam mê như bao đứa trẻ cùng thời khác. Em đến trường học hành, về nhà làm bài tập, rảnh rỗi thì chơi thể thao với chúng bạn. Chẳng ai thấy em có biểu hiện gì khác lạ hay phi thường. Nghe nói em cũng thích chơi game, em khá thông minh và rất rành về công nghệ. Người ta không nói về em như một nhân vật nào đó vĩ đại, nhưng như một cậu bé “đặc biệt” hơn mọi người. Em còn nhỏ, hẳn là cũng ham chơi, nhưng chưa bao giờ bỏ lễ, bỏ cầu nguyện, viếng Thánh Thể, đọc kinh sớm tối, thắc mắc về đức tin, học hỏi về giáo lý. Cũng là một cậu học trò, nhưng không ai chê trách được gì em trong cách nói năng, hành xử. Em tạo niềm vui cho bạn bè, em nối kết mọi người, em thương yêu và giúp đỡ những ai lâm cảnh thiếu thốn. Có em ở đâu, người ta như thấy Thiên Đường hiển hiện ở đó. Thật lạ kỳ, chính em – nhờ lối sống tuyệt vời ấy cùng niềm đam mê tìm hiểu về Thiên Chúa – đã đưa mẹ mình trở lại với cảm thức người tín hữu (chứ không phải ngược lại như bao câu chuyện xưa nay).

Em không mất quá nhiều thời gian để trở thành mẫu mực của đời sống thiêng liêng. Em minh chứng cho thế giới thấy rằng không cần phải sống lâu, sống đến đầu bạc mới có thể trở thành thánh. Chỉ cần hết mình với hiện tại, yêu Chúa yêu người bằng tình yêu giản dị đơn sơ chân thành đã đủ để đưa người ta về trời. Cũng không cần phải quá giỏi hay suy tư sâu sắc mới tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Cái bản chân lương thiện đã được phú bẩm trong người, theo tiếng gọi của trái tim là đi đúng đường tìm về chân lý. Em yêu mến Thánh Thể và dùng hết khả năng về công nghệ thông tin của mình để chia sẻ tình yêu Thánh Thể cho mọi người. Cách truyền giáo ấy cũng không kém phần kịch tính và mang lại hoa trái thơm hương.

Nhìn em, trong tôi bỗng có nhiều suy nghĩ khó định hình. Tôi đã luôn nghĩ về một vị Chân Phước hay vị Thánh như ai đó thật xa vời, họ có những năng lực đặc biệt nào đấy. Nhưng trông em không giống như vậy! Một vị thánh đeo kính râm, mặc đồ thể thao, khuôn mặt non trẻ… tôi không quen lắm! Tôi đã từng nghi ngờ về lời mời gọi nên thánh của Giáo Hội dành cho mình, vì tôi nghĩ lời mời gọi ấy chắc chỉ dành cho những ai đủ can đảm nếm trải nhiều khó khăn thử luyện trong hãm mình, phạt xác, ăn chay, phải kiêng khem mọi ham muốn và từ bỏ mọi sở thích đam mê. Em đã vươn đến đỉnh cao của sự thánh thiện, nhưng có phải trải qua những thứ ghê gớm kia đâu! Tôi vẫn cho rằng một vị thánh chắc sẽ luôn toả ra chung quanh mình một thứ hào quang nào đó, mọi sự dữ từ thể xác đến tinh thần đều không thể đụng được đến họ. Chúa sẽ để cho các vị ấy sống lâu trên cõi đời như một phần thưởng và minh chứng cho kiểu sống “ở hiền gặp lành”. Nghĩ thế nên tôi rất bất ngờ khi biết rằng em “ở hiền”, nhưng lại bị căn bệnh bạch cầu quái ác hành hạ và phải lìa đời khi còn rất trẻ. Xem ra, em không được “gặp lành” theo kiểu mà tôi nghĩ. Em là một con người bình thường, giống như tôi, cũng chịu sự chi phối của thế giới vật chất như bao loài thụ tạo khác. Em không hề được Tạo Hoá “miễn chuẩn” cho một điều nào cả. Bệnh tật vẫn đến với em. Cái chết vẫn rình rập em. Chỉ có điều, em chiến thắng được tất cả những điều đó, chứ không phải như tôi, kẻ luôn bị chúng làm cho khiếp sợ bao lần.

Tôi nhìn em, thầm tạ ơn Chúa đã thương ban cho nhân loại một Thiên Thần nhỏ, để đánh thức tôi (và cả thế giới) về ơn gọi nên thánh, để cho tôi thấy một minh chứng về con đường tiến đến sự trọn hảo qua sự giản dị và đơn sơ của thực tại hàng ngày. Tôi chưa từng biết em, không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với em, nhưng em đã khiến tôi phải cúi đầu, xấu hổ về chính bản thân mình. Sinh ra trước em, sống lâu hơn em, mang tiếng là tu sĩ, đọc nhiều sách triết-thần, học qua nhiều trường lớp…, nhưng tôi không đáng “xách dép” cho em trên con đường thiêng liêng và tu đức. Về bên Chúa, xin em chuyển cầu cùng Chúa cho tôi và những ai đang còn loay hoay trong cuộc đời tại thế, cũng biết yêu Chúa nhiều như em, cũng có thể sống một cuộc sống bình thường nhưng theo cách phi thường như em.

Cảm ơn em, Thiên Thần nhỏ bé – Carlo Acutis, vì đã viếng thăm cõi trần, cho thế giới này có thêm một  bông hoa thánh thiện tươi thắm!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Xem thêm về Carlo Acutis:
https://dongten.net/2020/06/25/me-cua-carlo-acutis-con-trai-toi-da-dua-toi-den-gan-thanh-the-hon/

 

Kiểm tra tương tự

Ước ao được sống đời đời | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Hạnh phúc là niềm khao khát tự nhiên và chính đáng của mỗi con người. …

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *