Hộ Giáo – Kinh Thánh Huyền Thoại hay Lịch Sử?

Kinh Thánh, phép lạ và sự phục sinh được liên kết chặt chẽ trong hộ giáo hiện đại. Chúng đứng vững vàng hay sụp đổ cùng nhau. Hầu hết những người không tin rằng Chúa Kitô sống lại từ cõi chết về mặt thể lý vì hai lý do. (1) “Phép lạ như thế không thực sự xảy ra”, và (2) “Kinh Thánh là huyền thoại, không phải lịch sử.”

Ngay từ đầu, rất quan trọng để làm rõ trình tự logic và mối quan hệ giữa ba vấn đề Kinh Thánh, phép lạ và sự phục sinh, bởi vì những người lập luận chống lại sự phục sinh và chống lại phép lạ dựa trên cơ sở rằng Kinh Thánh là chuyện huyền thoại, không phải lịch sử, như thế là họ đang lập luận ngược. Trình tự logic đi theo một hướng khác: nếu sự phục sinh thực sự đã xảy ra thì giả định “phép lạ không xảy ra” bị loại trừ; trong trường hợp đó, những câu chuyện phép lạ trong Kinh Thánh có thể là lịch sử, không là huyền thoại.

Chúng ta hãy đặt điểm logic đó theo một cách khác. Lập luận rằng sự phục sinh đã không thực sự xảy ra bởi vì Kinh Thánh là huyền thoại là câu trả lời không có câu hỏi. Đối với những người không tin khi được hỏi tại sao họ nghĩ rằng Kinh Thánh là huyền thoại hơn là lịch sử, họ nói đó là vì nó đầy những câu chuyện thần kỳ không thể tin được như sự phục sinh. Đây là lập luận lòng vòng. Lập luận rằng sự phục sinh là chuyện hoang đường bởi vì Kinh Thánh là huyền thoại, và Kinh Thánh là huyền thoại bởi vì nó rõ ràng chứa những câu chuyện lạ lùng huyền hoặc giống như sự phục sinh.

Vai trò của Kinh Thánh trong Hộ giáo

Chúng tôi muốn tránh hai thái cực ở đây: thái cực những người theo chủ nghĩa chính thống và thái cực những người theo chủ nghĩa tân thời.

Thái cực những người theo chủ nghĩa chính thống. Hầu hết những người theo chủ nghĩa chính thống, cũng như nhiều người gọi mình không là chính thống nhưng là người rao giảng Tin Mừng, sẽ làm hộ giáo chỉ từ điểm khởi đầu về thẩm quyền của Kinh Thánh. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một lỗi trong phương pháp. Có ba điểm đối với phương pháp của họ có vẻ đáng nghi vấn.

  1. Họ cho rằng điều thật là cần thiết để bắt đầu bằng cách thuyết phục bạn về thẩm quyền của Kinh Thánh, vì họ nghĩ rằng chỉ một mình lý trí con người tự nhiên, ngoài Kinh Thánh, là không đủ mạnh hoặc đủ tốt để hướng những người không tin tới niềm tin.
  2. Vì thế, họ nghĩ rằng chỉ trật tự đúng trong hộ giáo đầu tiên là chứng minh thẩm quyền của Kinh Thánh, và sau đó chuyển sang những vấn đề hộ giáo khác với tất cả vũ khí quan trọng trong tay.
  3. Họ nghĩ rằng những tiêu chuẩn đặc biệt phải được sử dụng để hiểu và giải thích Kinh Thánh vì, không giống như tất cả các sách khác, nó không phải là lời của con người về Thiên Chúa, nhưng là lời của Thiên Chúa về con người.

Nhưng hãy nhớ điều này: nhiều năm đầu các nhà hộ giáo Kitô giáo và các giáo phụ lập luận khá hiệu quả cho Kitô giáo mà không hề Kinh Thánh Tân Ước như được định nghĩa cách có thẩm quyền, vì giáo luật chưa được thiết lập cho đến các thế hệ sau đó. Và thực tế qua các thế kỷ có nhiều người đã được dẫn đến với niềm tin – ít nhất là niềm tin vào một Thiên Chúa Tạo Hóa và trong khả năng của sự cứu rỗi – qua những lập luận hợp lý không dựa trên Kinh Thánh. (Tất nhiên, đức tin cứu độ,  khác biệt với niềm tin lý trí, không phải là công việc của một mình lý trí.)

Ngoài ra, ban đầu rất khó khăn để chứng minh thẩm quyền của Kinh Thánh cho người không tin. Dễ dàng hơn nhiều để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa (chương ba), hoặc ngay cả thiên tính của Chúa Kitô (chương tám), ở đó các luận chứng có thể đơn giản, ngắn và rõ ràng theo một cách thế mà các luận chứng đối với thẩm quyền của Kinh Thánh có thể không bao giờ là như thế. Hộ giáo truyền thống, Tin Lành cũng như Công giáo, thường sử dụng hơn trật tự đối ngược, về thẩm quyền của Kinh Thánh sau này. Thay vì 

1. Kinh Thánh là tuyệt đối đáng tin cậy; 

2. Thế nên Chúa Kitô là đáng tin; 

3. Vậy Chúa Kitô là Thiên Chúa;

Thứ tự thuyết phục hơn là 

1. Kinh Thánh là đáng tin cậy như ghi chép lịch sử, như nguồn dữ liệu; 

2. Những khẳng định của Chúa Kitô về thiên tính của Ngài được tìm thấy trong Kinh Thánh; 

3. Sau đó đến lập luận cho sự thật của những khẳng định này (chương tám).

Ngay từ đầu bạn không cần phải chứng minh tính không sai lầm của Kinh Thánh để đối chất với ai đó về các khẳng định của Chúa Kitô. 

Khó khăn thứ ba là những người không tin sẽ không chấp nhận bất kỳ việc sử dụng các tiêu chuẩn đặc biệt hoặc các giả định hay các thái độ nào hướng về Kinh Thánh từ ban đầu, vì họ rõ ràng thừa nhận một câu trả lời cho một câu hỏi không được hỏi. Bạn phải chứng minh trước tiên rằng Kinh Thánh xứng đáng như Lời của Thiên Chúa, và bạn phải chứng minh điều này mà không cần tiền giả định nó, mà không trao cho Kinh Thánh vai trò đặc biệt đó. Nếu không, bạn lập luận luẩn quẩn giả thiết những gì bạn cần để chứng minh.

Thái cực những người theo chủ nghĩa tân thời.  Những người theo chủ nghĩa tân thời mắc sai lầm ngược với những người theo chủ nghĩa chính thống về Kinh Thánh. Nếu những người theo chủ nghĩa chính thống tôn sùng Kinh Thánh thì những người theo chủ nghĩa tân thời vất bỏ nó. Nhưng lạ thay, cả hai thái cực cùng có một sai lầm chung. Cả hai đều sử dụng các tiêu chuẩn đặc biệt để đánh giá Kinh Thánh, các tiêu chuẩn không được sử dụng để đánh giá những cuốn sách khác.

Những người theo chủ nghĩa chính thống giải thích tất cả mọi thứ, hoặc tất cả mọi thứ mà họ có thể, theo từng chữ và khẳng định ngay từ đầu vào một thái độ tin tưởng hướng về Kinh Thánh. Những người theo chủ nghĩa tân thời giải thích tất cả mọi thứ, hoặc ít nhất là tất cả mọi thứ phi thường hoặc siêu nhiên (hoặc không phổ biến về mặt đạo đức), không theo nghĩa đen và nhấn mạnh ngay từ đầu vào một thái độ không tin tưởng hay hoài nghi đối với Kinh Thánh.

Giới học giả Kinh Thánh tân thời tiêu biểu thì không khách quan hay không phải là giới trung lập, có tính lịch sử và trung thành với bản văn. Đó là lối chú giải Kinh Thánh bằng cách đưa tư tưởng mình vào (tìm một ý nghĩa nào đó) thay vì chú giải Kinh Thánh (giải thích như nó là); giới này đọc theo một thế giới quan hiện đại riêng biệt – chủ nghĩa tự nhiên, từ chối tính siêu nhiên và các phép lạ – đi vào trong các văn bản và đánh giá các văn bản trên cơ sở thế giới quan đó. Quả thực, người theo chủ nghĩa tân thời mắc phải một dạng y khuôn của chính cái lỗi mà họ lên án những người theo chủ nghĩa chính thống, đối với những người theo chủ nghĩa chính thống là chỉ đọc vào bản văn cùng thế giới quan nó có – chủ nghĩa siêu nhiên – trong khi những người theo chủ nghĩa tân thời áp đặt một thế giới quan lạ lẫm và hiện đại vào nó. Những người theo chủ nghĩa chính thống không thêm các phép lạ vào dữ liệu bản văn; những người theo chủ nghĩa tân thời loại trừ chúng. Đây là sự chắp vá vụng về để dữ liệu  phù hợp với lý thuyết – Sai lầm cơ bản của một khoa học thiếu phương pháp. Chính những người theo thuyết tân thời thì không khoa học ở điểm này.

Những người không tin nói rằng (1) Kitô giáo là những gì Tân Ước dạy và (2) Kitô giáo là sai lầm. Còn người Kitô hữu thì nói (1)  Kitô giáo là những gì Tân Ước dạy và (2) Kitô giáo là đúng đắn. Các nhà thần học theo chủ nghĩa tân thời muốn dung hòa với cả hai bên, do đó, họ nói rằng (1) xét về giá trị bề mặt, Kitô giáo không phải là điều Tân Ước dạy mà thay vào đó là những gì mà những người theo chủ nghĩa tân thời chọn ra từ Tân Ước (những gì là đạo đức về tình thương không có những điều nhiệm mầu) như là điều sẽ được chấp nhận cho cả những người không tin và người tin (2) điều này tái định nghĩa Kitô giáo là đúng đắn.

Nhưng phải chăng Kinh Thánh sẽ cho phép Kitô giáo được tái định nghĩa? Để có một câu trả lời, xem thư Galat 1:8.

Về mặt lý thuyết, toàn thể Kinh Thánh, “Ngôi Lời của Thiên Chúa”, là biểu lộ và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô là “Ngôi Lời của Thiên Chúa” trong xác phàm. Trong chương về thiên tính của Chúa Kitô, lập luận của chúng ta đã giả định các dữ liệu lịch sử của Phúc Âm. Bây giờ chúng ta phải lý luận cho dữ liệu đó. Vì trong lập luận của chúng ta về thiên tính của Chúa Kitô, cả ba giả thuyết – Thiên Chúa, kẻ nói dối và người mất trí – giả định rằng Chúa Giêsu đã xác nhận thiên tính mình. Giả sử Ngài không xác nhận. Giả sử việc này là một huyền thoại (trong nghĩa hư cấu). Giả sử kẻ nói dối không phải là Chúa Giêsu, nhưng là các bản văn Tân Ước.

Giả thuyết này thì rất phổ biến, đó là lý do tại sao các Kitô hữu trong thế kỷ XX mất đi đức tin của họ. Vì mỗi người nghĩ rằng vấn đề sự dữ hay sự tiến bộ của khoa học loại trừ tôn giáo, có người nghĩ rằng giới học giả theo bản văn, với các “phương pháp lịch sử-phương pháp phê bình” và “phê bình cao hơn” biến đổi các bản văn Tân Ước thành huyền thoại. Không phải các triết gia vô thần hay các nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi nhưng các nhà thần học Kinh Thánh thực hiện phép lạ đổi rượu thành nước này, đức tin thành huyền thoại.

Các dữ liệu tự nó làm cho các giả thuyết huyền thoại là điều không thể. Đây là lý do tại sao:

1. Nếu cùng một phương pháp trung lập, khách quan, khoa học được sử dụng trên những bản văn Tân Ước như được sử dụng trên tất cả các tài liệu cổ xưa khác, thì các bản văn chứng minh thật đáng tin cậy. Giả thuyết phức tạp, tinh vi tiếp sau một giả thiết khác với sự nhanh chóng gây hoang mang và sự phức tạp trong cố gắng tuyệt vọng để vạch trần, để “loại bỏ những đặc tính thần thoại” hay để hạ thấp dữ liệu – thì giống như nhổ móng vuốt một con sư tử vậy. Không có cuốn sách nào trong lịch sử bị tấn công như thế, bị chơi khăm, được tái tạo và đứng vững như là Tân Ước. Tuy nhiên, nó vẫn sống như chính Chúa Kitô.

2. Tình trạng của các bản viết tay là rất tốt. So với bất kỳ và tất cả các tài liệu cổ xưa khác, Tân Ước đứng vững gấp mười lần. Ví dụ, chúng ta có năm trăm bản sao khác nhau trước năm 500. Bản văn đáng tin cậy nhất tiếp theo chúng ta có là Iliad, mà chúng ta chỉ có bản năm mươi bản sao trong thời điểm đó từ năm trăm năm hoặc ít hơn sau khi nó xuất hiện.

Chúng ta chỉ có một bản viết tay rất muộn là Biên niên sử của Tacitus, nhưng không ai do dự xem nó như lịch sử đích thực. Nếu các sách Tân Ước không chứa những mô tả về các phép lạ hoặc đưa ra những khẳng định quyết liệt, không nhẹ nhàng về cuộc sống chúng ta, thì chúng sẽ được chấp nhận bởi tất cả các học giả trên thế giới. Nói cách khác, nó không phải là khoa học khách quan, trung lập nhưng thành kiến chủ quan hay hệ tư tưởng đổ đầy giới học giả Kinh Thánh theo chủ nghĩa hoài nghi.

Các bản chép tay mà chúng ta có, bên cạnh tính cổ xưa, thì chúng cũng củng cố lẫn nhau và thống nhất với nhau. Có rất ít sự khác biệt  và không có sự khác biệt nào thực sự quan trọng. Và tất cả những khám phá về những bản chép tay sau này, như các Cuộn sách ở Biển Chết, xác nhận hơn là bác bỏ những bản chép tay tồn tại trước đó trong mọi điểm quan trọng. Đơn giản là không có bản văn cổ nào khác gần thời điểm đó có hình dạng tốt như thế.

3. Nếu thiên tính của Chúa Giêsu là một huyền thoại được tạo ra bởi các thế hệ sau này (“cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên”, thường được gán cho là “các nhà phát minh của huyền thoại”), thì phải có được ít nhất hai hoặc ba thế hệ giữa những chứng nhân ban đầu về Chúa Giêsu lịch sử và niềm tin  phổ quát về Chúa Giêsu mới, huyền thoại, thần thiêng; ngược lại, huyền thoại không bao giờ có thể đã được coi như là thực, bởi vì nó sẽ bị bác bỏ bởi những chứng nhân về Chúa Giêsu thực. Cả các môn đệ và kẻ thù đã có thể có lý do để phản đối huyền thoại mới này.

Tuy nhiên, chúng ta thấy không có bằng chứng nào ở tất cả những người phản đối cái gọi là huyền thoại về Chúa Giêsu thần thánh nhân danh Chúa Giêsu mà trước đó chỉ đơn thuần là một con người. “Những người theo chủ nghĩa loại trừ tính huyền thoại” ban đầu khẳng định rõ ràng rằng các bản văn Tân Ước đã được viết sau năm  150 (để huyền thoại bắt đầu có một hiệu quả.) Nhưng ngày hôm nay không học giả có đủ khả năng nào phủ nhận hầu hết tất cả Tân Ước thuộc thế kỷ thứ nhất – các thư của thánh Phaolô, trong đó khẳng định rõ ràng và tiền giả định thiên tính của Chúa Giêsu và thực tế rằng giáo thuyết này đã là chính thống Kitô giáo phổ quát.

4. Nếu một “lớp” huyền thoại đã được thêm vào sau đó về một Chúa Giêsu mà ban đầu chỉ đơn thuần là con người, thì chúng ta nên tìm một số chứng cứ, ít nhất là gián tiếp và bởi con đường gián tiếp, về lớp trước này. Chúng ta thấy sự vắng mặt tuyệt đối và hoàn toàn của bất kỳ bằng chứng như thế ở bất cứ nơi nào, hoặc nội bộ (trong chính các bản văn Tân Ước) hoặc bên ngoài, bất cứ nơi nào khác, những nguồn trong Kitô giáo, chống Kitô giáo hay không Kitô giáo.

5. Văn phong các Phúc Âm không phải là văn phong huyền thoại nhưng là thể văn của hiện thực, mặc dù sự mô tả nhân chứng không khoa học. Bất cứ ai nhạy cảm với các văn phong có thể so sánh các Phúc Âm với bất kỳ văn phong tôn giáo thần thoại nào của thời đại, và sẽ thấy sự khác biệt đáng kể và không thể nhầm lẫn được: ví dụ, lối văn chương Khải huyền thuộc Tân ước của cả người Do Thái và dân ngoại, hoặc huyền thoại ngoại giáo như Metamorphoses của Ovid hay câu chuyện về người công nhân tuyệt vời Apollonius thành Tyana (năm 220) của Flavius Philostratus.

Nếu những sự kiện ghi trong Phúc Âm đã không thực sự xảy ra, thì các tác giả này đã phát minh ra điều tưởng tượng về hiện thực mang tính hiện đại cách đây mười chín thế kỷ. Các Phúc Âm thì đầy những chi tiết nhỏ mà chỉ được tìm thấy trong những mô tả bởi nhân chứng hay điều tưởng tượng về hiện thực mang tính hiện đại. Chúng cũng bao gồm hàng tá các chi tiết của cuộc sống của dân Do Thái ở thế kỷ thứ nhất mà không thể được biết đến bởi những ai không sống trong thời gian và địa điểm đó (ví dụ, xem Ga 12:03). Và không có sự sai lệch niên đại thế kỷ thứ hai trong ngôn ngữ hay nội dung.

6. Khẳng định Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm cho cuộc cám dỗ và cuộc khổ nạn thập giá của Ngài có ý nghĩa. Thái độ của người Do Thái về sự phạm thượng là duy nhất, không một ai ngoài người Do Thái lên án tử cách cuồng nhiệt cho một khẳng định về thần tính. Trong khi thế giới La Mã, thái độ lúc bấy giờ hướng về các vị thần là “càng nhiều, càng hạnh phúc.”

Về thái độ chính trị của Chúa Giêsu thì không thể giải thích việc đóng đinh Ngài. Ngài không có tham vọng chính trị. Lý do chính khiến hầu hết người Do Thái bác bỏ khẳng định của Ngài là Đấng Messia chính là Ngài đã không giải phóng họ khỏi sự áp bức chính trị của La Mã.

Tại sao sau đó Ngài bị đóng đinh? Giới chính trị lấy cớ rằng Ngài là đối thủ của Caesar, đây là một lời nói dối được bịa ra để biện hộ cho cuộc hành hình của Ngài, vì luật La Mã đã không công nhận sự phạm thượng như là cơ sở để hành hình và theo luật người La Mã, người Do Thái không có quyền lực pháp lý để thi hành luật pháp của chính tôn giáo của họ về hình phạt tử hình.

7. Có bốn Phúc Âm, không phải chỉ là một. Matthêu, Maccô, Luca và Gioan được viết bởi bốn tác giả khác nhau, tại bốn thời điểm khác nhau, có thể cho bốn đối tượng độc giả khác nhau và với bốn mục đích và tầm quan trọng có phần khác nhau. Vì vậy, nhiều việc kiểm tra chéo là điều có thể. Bởi một phép lượng giác học hoặc phép tam giác trắc lượng bản văn, chúng ta có thể sửa chữa được những sự kiện với sự bảo đảm chắc chắn hơn ở đây so với bất kỳ nhân vật cổ đại nào khác hay chuỗi các sự kiện nào. Những mâu thuẫn chỉ nằm trong tiến trình thời gian (chỉ Tin Mừng Luca thì theo thứ tự chính xác) và những mâu thuẫn trong những điều thứ yếu như số (ví dụ, có phải các phụ nữ đã nhìn thấy một hay hai thiên sứ tại ngôi mộ trống hay không?).

8. Nếu Chúa Giêsu thần thánh của Phúc Âm là một huyền thoại, thì ai là người phát minh ra nó? Cho dù đó là môn đệ đầu tiên của Ngài hoặc một vài thế hệ sau đó, thì không có động cơ khả thể có thể đưa ra lời giải thích nào cho phát minh này. Cho đến khi Sắc lệnh Milan vào năm 313, thì các Kitô hữu là đối tượng bị bách hại, bị tra tấn và bị hành hình thường xuyên, bị ghét bỏ và bị áp bức vì niềm tin của họ. Không ai phát minh ra một trò đùa công phu để bị đóng đinh, bị ném đá hay bị chặt đầu cả.

9. Người Do Thái và các Kitô hữu thế kỷ thứ nhất không có khuynh hướng tin vào những chuyện huyền thoại. Họ đã là “những người bác thần thoại” hơn bất cứ dân nào khác. Người chính thống thì cứng rắn, thậm chí khó tính và cố chấp, đối lập với các ngoại giáo huyền thoại và với bất kỳ đa thần giáo phổ biến nào. Cũng không có bất cứ ai ít nhầm lẫn giữa truyền thuyết và thực tế hơn là một người Do Thái. Thánh Phêrô làm rõ điểm này, Phúc Âm là sự kiện lịch sử, không phải là “những chuyện huyền thoại khéo léo được nghĩ ra” (2 Pr 1:16).

10. Cuối cùng, nếu bạn đọc Phúc Âm với một tâm trí và tấm lòng rộng mở, bạn có thể kết luận cùng với Dostoyevsky và Kierkegaard rằng không có người nào có thể có khả năng phát minh ra câu chuyện này.

Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics 

Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli

Còn tiếp

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *