Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật I Phục sinh năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Lc 24,1-12

  1. Đọc Luca 8,1-3; 23,49.55; 24,1-11.22-24. Bạn nghĩ gì về các phụ nữ vùng Galilê đã đi theo Đức Giêsu?
  2. Tại sao các bà đợi sáng ngày thứ nhất mới ra viếng mộ ? Họ ra viếng mộ để làm gì? Đọc Lc 23,56; 24,1.
  3. Điều gì đã xảy ra khiến họ hoang mang? Đọc Lc 23, 55; 24,3-4; 24,23.
  4. Hai người đàn ông họ thấy trong mộ là ai ? Đọc Lc 24,23. Tại sao hai người này không có cánh? Đọc Isaia 6,2; Sáng thế 18,2; 19,1-3. Y phục của họ giống y phục của ai? Đọc Lc 9,29. Nhiệm vụ của họ là gì?
  5. Trong Tin Mừng Luca, bạn thấy các thiên sứ hay thiên thần đã xuất hiện vào những lúc nào trong đời Đức Giêsu?
  6. Đọc Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33. Đây là ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Theo bạn, các bà có được nghe những lời tiên báo này không?
  7. Đọc Lc 24,6-8. Theo bạn, các bà có được nghe những lời tiên báo này không? Tại sao họ nghe được?
  8. Đọc Lc 24,9-10. Các bà loan báo những sự việc gì cho Nhóm Mười Một tông đồ?
  9. Đọc Luca 24,11.23. Tại sao các ông không tin? Đọc Luca 24,12. Phêrô ra tận mộ để kiểm chứng. Ông đã thấy và kinh ngạc (thaumazôn) trở về. Phêrô có tin Chúa đã phục sinh không? Đọc Lc 1,21.63; 2,18.33; 4,22; 8,25; 11,14; 20,26.

CÂU HỎI SUY NIỆM: Biến cố Chúa Giêsu phục sinh đã ảnh hưởng lớn lao trên cuộc đời của các môn đệ theo Chúa, cả nam lẫn nữ. Bạn đã mừng lễ Phục sinh nhiều lần, nhưng niềm tin vào Chúa phục sinh có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của bạn?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Luca 8,1-3 cho thấy cùng đi loan báo Tin Mừng với Đức Giêsu và các môn đệ, có “các phụ nữ đến từ vùng Galilê.” Các phụ nữ ở Lc 8,2-3 cũng là những phụ nữ ở Lc 24,10. Họ đã chứng kiến Đức Giêsu chịu đóng đinh và được chôn táng (Lc 23,49.55). Họ cũng là những người đầu tiên ra thăm mộ Đức Giêsu (Lc 24,1-11.22-24). Họ được các môn đệ nhìn nhận như “những phụ nữ trong nhóm chúng tôi” (Lc 24,22). Nói chung đây là những phụ nữ có lòng yêu mến Đức Giêsu đặc biệt, đã đi theo và trợ giúp Ngài trong việc rao giảng.
  2. Sau khi nhìn kỹ xem cách đặt thi hài Đức Giêsu trong mộ, các phụ nữ đã trở về nhà để chuẩn bị hương liệu và dầu thơm nhằm xức xác Chúa (Lc 23,55-56). Điều đó cho thấy xác Chúa được chôn hơi vội vàng. Nhưng hôm sau lại nhằm ngày sa-bát, không được phép đi bộ quá khoảng một cây số, nên các bà phải đợi thêm một ngày nữa. Đến tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần họ mới ra thăm mộ cùng với hương liệu (Lc 24,1).
  3. Các phụ nữ đã chứng kiến thi hài Đức Giêsu được chôn táng trong mộ vào chiều ngày thứ sáu (Lc 23,55). Khi ra thăm mộ vào sáng ngày thứ nhất (Chúa nhật), họ hết sức hoang mang vì thi hài Thầy không còn đó (Lc 24,3-4; 24,23).
  4. Các bà thấy hai người đàn ông với y phục sáng chói đứng bên họ (Lc 24,4). Họ coi hai vị này là các thiên thần hay thiên sứ (Lc 24,23), dù không có cánh như ta quen nghĩ. Thật ra chỉ có các thiên thần Seraphim mới có 6 cánh (Is 6,2). Các thiên thần thường có dáng vẻ giống con người (Sáng thế 18,2; 19,1-3). Y phục của hai vị thiên thần “sáng chói” trong bóng tối của ngôi mộ. Y phục này cũng giống y phục của Đức Giêsu lúc được hiển dung (Lc 9,29). Cả hai vị thiên thần này có nhiệm vụ giải thích cho các bà về việc tại sao xác Đức Giêsu không còn nằm trong mộ. Cả hai vị cùng làm chứng, nên lời chứng của họ đủ điều kiện để được coi là xác thực.
  5. Trong Tin Mừng Luca, các vị thiên sứ hay thiên thần xuất hiện nhiều lần. Thiên sứ Gabrien truyền tin cho ông Giacaria và cho Đức Maria (Lc 1,19.26). Một thiên sứ của Chúa (Lc 2,9) và một đạo binh thiên sứ (Lc 2,15) lúc Đức Giêsu sinh ra. Một thiên sứ từ trời trên núi Ô-liu (Lc 22,43). Hai thiên sứ đứng trong mộ trống (Lc 24,23).
  6. Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn của mình ba lần (Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33). Ngài tiên báo cho các môn đệ (Lc 9,18.43), cho “các ông” (ở giống đực số nhiều). Đặc biệt ở lần thứ ba (Lc 18,31), Đức Giêsu chỉ nói riêng với Nhóm Mười Hai về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình. Bởi đó hầu chắc các phụ nữ đi theo Đức Giêsu đã không được trực tiếp nghe các lời tiên báo này từ miệng Ngài.
  7. Tuy nhiên khi đọc Lc 24,6, ta lại thấy các thiên sứ nói : “Các bà hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vậy có thể hiểu là sau khi nghe Đức Giêsu tiên báo về số phận tương lai của mình, các môn đệ đã chia sẻ lại cho các phụ nữ mà họ coi như “những người trong nhóm.” Bởi đó, các phụ nữ này cũng được coi như đã nghe về cuộc Khổ nạn từ chính Đức Giêsu. Sau khi nghe lời hai vị thiên sứ nói thì các bà nhớ lại (Lc 24,8). Sau này Đức Giêsu cũng giúp cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác nhớ lại điều Ngài đã nói (Lc 24,44-45).
  8. Sau khi nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu, các bà đã đi báo cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả chuyện đã xảy ra với họ ngoài mộ lúc sáng sớm (Lc 24,9-10), trong đó có những chuyện quan trọng như sau: thi hài Đức Giêsu không còn ở đó nữa, có hai vị thiên sứ báo tin mừng về việc Đức Giêsu đã được trỗi dậy rồi, Ngài đã sống lại và đang sống (Lc 24,3-7). Các bà đã tin vào lời các vị thiên sứ, khác với các ông (Lc 24,11.24).
  9. Các Tông đồ không tin câu chuyện do các bà kể (Lc 24,11.23) vì họ đánh giá thấp lời làm chứng của các phụ nữ. Họ coi đó là chuyện vớ vẩn. Sau đó Phêrô đã chạy ra mộ để kiểm chứng. Khi không thấy xác Thầy mà chỉ thấy những băng vải liệm còn để lại, ông kinh ngạc trước những điều lạ lùng đó. Kinh ngạc đôi khi có nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng Luca (Lc 11,38; x. Cv 13,41), nhưng đa phần mang nghĩa tích cực (Đọc Lc 1,21.63; 2,18.33; 4,22; 8,25; 11,14; 20,26). Tuy nhiên, Phêrô chỉ kinh ngạc chứ không đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các anh em khác.

Có thể nói ông vẫn chưa tin lắm và cần được chính Đấng phục sinh hiện ra nâng đỡ đức tin (x. Lc 24,34.36-48).

Kiểm tra tương tự

Mùa Đông

Đông về. Trời lạnh! Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi hoàn toàn. Cành cây trơ …

Xin ơn sống Mùa Vọng

     Chúng ta đã bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới, với Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *