“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (27.1.2019 – Chúa Nhật III Thường Niên, năm C)

 

“Hôm nay đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”
(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

 

1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta.2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài,4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

14 Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

(Bản dịch của Nhóm CGKVP)

 

  1. “Giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”

Trong mùa Phụng Vụ Thường Niên, năm C, trong các ngày Chúa Nhật, kể từ Chúa Nhật II hôm nay cho đến Chúa Nhật XXXIV, Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa trong sách Tin Mừng theo thánh Luca. Chính vì thế, bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay bắt đầu bằng những câu đầu tiên của sách Tin Mừng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, khi nghe những dòng đầu tiên, mà người ta thường gọi là “Lời Tựa” (Lc 1, 1-4), giới thiệu bối cảnh, người nhận và nội dung, Giáo Hội không cho chúng ta nghe trình thuật nào khác, chẳng hạn trình thuật truyền tin cho ông Dacaria hay trình thuật truyền tin cho Đức Maria (1, 5-38), nhưng cho chúng ta nghe trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su đọc Sách Thánh trong hội đường và công bố:

Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Đúng là Mùa Vọng đã qua rồi và chúng ta đang ở trong Mùa Thường Niên; nhưng tại sao bài Tin Mừng hôm nay lại khởi đi từ những câu đầu tiên của sách Tin Mừng theo thánh Luca, thay vì bỏ qua? Và tại sao với bài Tin Mừng hôm nay, biến cố Đức Giê-su trở về Nadaret, được kết nối với “lời tựa”, chứ không phải biến cố nào khác, chẳng hạn biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ (x. Lc 4, 1-13)?

Khi kết nối lời tựa của sách Tin Mừng với biến cố Đức Giê-su đọc Sách Thánh và công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, chắc chắn Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng, đó chính là sứ điệp nền tảng và sâu xa mà thánh sử Luca muốn kể lại cho ông Thê-ô-phi-lô, và toàn bộ nội dung được kể lại trong sách Tin Mừng, phải được hiểu dưới ánh sáng của sứ điệp này. Chính theo nghĩa này mà, thánh sử viết cho vị độc giả và cho độc giả thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, với niềm xác tín thiết thân: “Giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”.

Thực vậy, Tin Mừng theo thánh Luca sẽ kết thúc với trình thuật Đức Ki-tô phục sinh “mở trí” cho các môn đệ hiểu toàn bộ Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi ngôi vị và mầu nhiệm Vượt Qua của Người (x. Lc 24, 13-35 và 44-45). Như thế, nội dung Tin Mừng không phải là những kiến thức lịch sử, nhưng là một kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đức Ki-tô, một kinh nghiệm làm cho con tim bừng cháy (x. Lc 24, 32) và làm cho hoan hỉ tâm hồn (c. 52).

 

  1. Lời của Đức Giê-su

Trong bài Tin Mừng đầu tiên theo thánh sử Luca trong Mùa Phụng Vụ năm nay, “thời điểm” đầu tiên mà Giáo Hội mời gọi chúng ta ghi nhớ, đó là “khi ấy”:

Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy.

(c. 14)

“Khi ấy” là khi Ngài vượt qua những đợt cám dỗ của ma quỉ, sau bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện trong sa mạc. Chúng ta có thể gọi là “thử thách”, thay vì “cám dỗ”, vì liên quan đến lòng tin nơi Thiên Chúa, thay vì là vấn đề luân lí hay giới tính. Thực vậy, lời sau cùng Ngài nói với ma quỉ, là lời liên quan đến lòng tin: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi” (c. 12). Trong trường hợp này, “thử thách” mang ý nghĩa “không tin”; không tin, nên thử cho biết!

Chúng ta cũng được mời gọi vượt qua những thử thách liên quan đến lòng tin, vượt qua thái độ quên ơn, vốn dẫn đến thái độ không tin, nghĩa là nghi ngờ Thiên Chúa và làm phát sinh lòng ham muốn và thái độ ghen tị. Như thánh Gioan nói: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 4, 4). Và chính khi ấy, cũng như Đức Giê-su, chúng ta sẽ được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa.

Và chỉ khi Ngài tràn đầy Thần Khí, Đức Giê-su mới bắt đầu giảng dạy và được mọi người tôn vinh. Chúng ta hãy ngạc nhiên về điều này: Đức Giê-su vẫn chưa làm phép lạ nào, chưa làm điều gì lạ thường, Ngài mới chỉ nói thôi; và lời của Ngài đánh động người nghe đến độ ngài được mọi người tôn vinh:

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

(c. 22)

Ước gì chúng ta cũng biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, từ rày về sau, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu, nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế.

 

  1. Kinh Thánh được hoàn tất

Nhưng Đức Giê-su đã giảng dạy điều gì? Cả bốn Tin Mừng sẽ kể lại cho chúng ta Lời hằng sống, thông truyền sự sống và trao ban sự sống “đến cùng” của Người; nhưng ngay từ đầu, thánh sử Luca đã mời gọi chúng ta nhận ra rằng, Lời này thiết yếu không phải là một giáo thuyết, nhưng là Ngôi Vị sống động có liên quan mật thiết với thân phận con người, nghĩa là với từng người chúng ta:

Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”… Và Người nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”.

(c. 17-21)

Những gì vị Ngôn Sứ loan báo, sẽ được Đức Giê-su thực hiện một cách cụ thể ngang qua các dấu lạ, nhất là các dấu lạ chữa lành. Tuy nhiên, các dấu lạ, và không chỉ các dấu lạ, nhưng còn là toàn bộ lời nói và trọn vẹn cuộc đời của Đức Giê-su đều hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, nơi đó không chỉ lời này của vị Ngôn Sứ được ứng nghiệm, nhưng là toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44).

Thực vậy, ý định muốn giết Đức Giê-su và Ngài “vượt qua” giữa họ mà đi (c. 28-30) mời gọi chúng ta hiểu biến cố hạn hẹp ở Nazareth ở mức độ mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, lời ngôn sứ được ứng nghiệm hướng tới và phải được hiểu ở mức độ toàn bộ Kinh Thánh: toàn bộ Kinh Thánh loan báo Đức Ki-tô Vượt Qua và Đức Ki-tô Vượt Qua hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44). Lời Kinh Thánh lại kể lại lịch sử của những con người cụ thể giống như mỗi người chúng ta, đầy những thăng trầm, lầm lỗi và bị Sự Dữ chi phối; như lời ngôn sứ Isaia cho thấy, đó những nỗi khốn cùng của số phận con người thuộc mọi thời: nghèo hèn, bị giam cầm, bị mù lòa, bị mất tự do… Như thế, cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng “loan báo” hay đúng hơn “phác họa” chân dung Đức Ki-tô và Đức Ki-tô cũng đã “mang lấy” và làm cho “hoàn tất” cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy” cho hai môn đệ Emmau (Lc 24, 22) và cho chúng ta hôm nay.

Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm trọn vẹn nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng cách thức “ứng nghiệm” thật là lạ lùng, vì không theo cách của con người, nhưng theo cách của Thiên Chúa, bởi vì nơi mầu nhiệm Vượt Qua, một cách “trọn vẹn” Đức Ki-tô trở nên người nghèo hèn, để cho mình bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức, để cho mình bị nát tan vì nhục hình và cuối cùng để cho mình bị giết chết. Nhưng Thiên Chúa lại mạnh hơn sự chết, sự chết gây ra bởi Sự Dữ và như thế, cả sự chết đến từ thân phận con người. Đó, chính là Tin Mừng về “Năm Hồng Ân” được thực hiện trọn vẹn nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

* * *

Hôm nay, Đức Giê-su nói, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Như thế, không phải là ngày mai hay đời sau, nhưng Người mời gọi chúng ta ngay “hôm nay” đón nhận ơn chữa lành bởi Lời và sự sống của Ngài, chữa lành sự sống của chúng ta khỏi sự dữ và sự chết và tất cả những gì liên quan đến sự dữ và sự chết, để được sống và sống dồi dào ngay “hôm nay”.

Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm phải là một kinh nghiệm thiết thân như thế đó.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY28/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Chứng tá bằng …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *