Nhưng Chúa vẫn chưa thỏa lòng.
“ Các ông còn đang nói thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Lại một phen hoảng hồn như lần Chúa đi trên mặt nước: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”.
Hai người trên đường Emmaus đã chê các bà: “Các bà ra mồ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống”; rồi chính hai người này cũng chê “vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy mọi sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy!” Chúng ta có thể mỉm cười, vì hai ông này đang đi bên Chúa, đang nghe Chúa nói với họ mà họ cũng “không thấy”, vì “mắt họ còn bị ngăn cản không nhận ra Người”. Lập luận của họ chẳng khác gì lời tổng trấn Phét-tô báo cáo tóm tắt vụ án Phao-lô: “Họ [người Do Thái] chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống” (Cvtđ 25,19)
Câu chuyện cho chúng ta thấy là họ vẫn trong tình trạng như Mac-cô kể khi ở trên thuyền: “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao?… Anh em chưa hiểu ư? “ (Mc 8,17-21). Quả thật họ cần một quả tim mới, một tinh thần mới, một đôi mắt mới, một đôi tai mới để có thể nghe, thấy và hiểu, vì màu nhiệm phục sinh là một điều hoàn toàn mới, như thánh Phao-lô tóm tắt tuyệt vời trong thư 1 Cr 2,9: “ Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. Như vậy thì phải được Chúa ban cho lòng để biết, tai để nghe, mắt để thấy.
Tin Mừng Lu-ca kể cho chúng ta cảnh Chúa Giê-su dịu dàng kiên nhẫn như người mẹ bên cạnh đứa con đang mê sảng vì sốt, cố làm mọi cách lay tỉnh con: Chúa nói với họ, Chúa cho rờ chân tay, Chúa xin chút gì để ăn, rồi Chúa ăn trước mặt các ông. Khi các ông đã hoàn hồn, Chúa bắt đầu chữa “lòng ngu muội” của các ông: Chúa nhắc lại những lời Chùa đã nói khi còn ở với các ông nhưng các ông chưa hiểu: “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”; coi như Chúa “giải huyệt ngu” cho các ông, rồi Chúa tóm tắt lại hai điều cốt yếu:
Một là phần của Chúa, Chúa đã hoàn thành: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”;
Hai là phần của các ông: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…”
Tuy nhiên muốn làm được việc này các ông cũng phải chờ Chúa Giê-su thực hiện điều
Chúa Cha đã hứa: “Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
Bây giờ mới rõ phương thuốc cuối cùng để chữa lành cả tai để nghe, mắt để thấy và lòng để hiểu chính là “điều Cha Thầy đã hứa”, và ngày lễ Ngũ Tuần, kỷ niệm ngày Thiên Chúa ban Luật Giao Ước trên núi Xi-nai, sẽ là ngày các môn đệ nhận được điều Mô-sê đã thấy là còn thiếu. Có Luật của Thiên Chúa mà không có tai để nghe, không có mắt để thấy, không có lòng để biết thì chẳng thay đổi được gì. Ngày lễ Ngũ Tuần là ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa thay tim: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”.
Tuy nhiên thánh Phao-lô căn dặn: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Lý do là cuộc đại phẫu thay tim này cho chúng ta lòng để biết, tai để nghe, mắt để thấy, và sức mạnh, nhưng không cho “tính miễn nhiễm” để chúng ta khỏi phải chiến đấu: “Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ của anh em thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con Thiên Chúa” (Rom 8,13-14).