Sau khi chữa bệnh “tương tư” cho Maria Mac-đa-la, Chúa Giê-su còn chữa bệnh “sợ” cho các môn đệ. “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. Nếu người Do Thái muốn bắt hay giết các ông thì đã bắt, đã giêt cùng với Chúa Giê-su rồi, đâu còn thời giờ cho các ông chạy về nhà đóng kín cửa; mà có đóng kín cửa thì họ cũng thừa biết các ông ở đâu và chẳng có cửa nào bảo vệ được các ông. Nhưng sợ thì cứ sợ vậy thôi. Chúa chứng minh cho các ông thấy là cánh cửa nơi các ông đang ở chẳng có gì là chắc đâu. Khỏi cần mở cửa Chúa cũng vô được. “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em!” Tuy không thấy các ông hoảng sợ như trong Tin Mừng Lu-ca, nhưng Chúa cũng “cho các ông xem tay và cạnh sườn, các ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Vui mừng vì đước thấy Chúa, đó là liều thuốc trị bệnh “sợ”. Chúa nhắc lại lời ban bình an. Trong bữa Tiệc Ly Chúa đã hứa ban bình an và niềm vui mà không ai lấy mất được. Niềm vui và bình an được bảo đảm bởi sự hiện diện của Chúa mà không gì ngăn cản được nữa, và bởi sự hiện diện của Thánh Thần mà Chúa ban ngay bây giờ. Với sự hiện diện của Chúa và của Thánh Thần, Chúa có thể sai các ông đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Tuy nhiên còn thiếu một ông: ông Tô-ma; ông này mang hai thứ bệnh. Bệnh thứ nhất của ông là coi anh em chẳng ra gì, chẳng ai bằng ông. Bệnh thứ hai là ông chỉ tin vào cái gì thấy tận mắt, sờ tận tay. Lời ông thách đố anh em thực ra là thách đố Chúa Giê-su đấy: nếu quả thật Chúa đã sống lại thì cứ việc đến cho ông nhìn tận mắt bắt tận tay đi, ông sẽ tin ngay. Điều lạ lùng là Chúa Giê-su chiều ông hết cỡ. Tuy nhiên Chúa cũng đễ cho ông chờ 8 ngày! Tám ngày ấy chắc dài lắm vì anh em đều sống trong niềm vui mừng vì đã thấy Chúa, chỉ có ông lủi thủi cô đơn ôm nỗi buồn nản, nghi ngờ. Tám ngày Chúa im lặng. Cũng chẳng ai gặp Chúa mà “méc”. Nhưng đúng tám ngày sau, cũng trong ngôi nhà các môn đệ đang ở, ông Tô-ma cũng có mặt, các cửa cũng đóng kín – nhưng không nói lý do tại sao cửa đóng kín – Chúa lại đến đứng giữa các ông. Nhưng rõ ràng lần này Chúa đến chỉ vì ông Tô-ma, vì sau khi nói với mọi người: “Bình an cho anh em”,
Chúa quay ngay về phía ông Tô-ma, cho ông thỏa mãn hết ba điều ước của ông: “Đưa ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.” Chúa chỉ yêu cầu ông một điều: “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”.
Bây giờ thì ông Tô-ma đầu hàng vô điều kiện: “Lạy Chúa của con lạy Thiên Chúa của con”. Tuy nhiên lời đầu hàng vô điều kiện của ông Tô-ma lại trở thành lời chấp nhận Giao Ước Mới. Chúa Giê-su đã tuyên bố “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”; ông Tô-ma đại diện cho chúng ta tuyên xưng “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Điều cốt lõi của Giao Ước là: “Các ngươi sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Ed 36,28). Sau khi đã cư xử với ông Tô-ma như mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc và khi tìm được thì vác lên vai đem về, Chúa nhắn chúng ta là đừng có theo gương cứng đầu của ông Tô-ma; Chúa tuyên bố: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc cho ai không thấy mà tin”. Đó là mối phúc của chúng ta.
Tuy nhiên còn một nhân vật nữa cần được chữa lành, đó là ông Phê-rô. Cái đêm tai họa ở dinh thượng tế, các sách Tin Mừng Nhất Lãm cho thấy là sau khi chối Chúa đủ ba lần như Chúa dã báo trước, ông Phê-rô ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Nước mắt đã chữa lành cho ông. Tin mừng thứ tư ngừng ở tiếng gà gáy, cho thấy là mọi chuyện xảy ra đúng như Chúa Giê-su đã báo trước, nhưng không nói gì thêm về ông Phê-rô. Câu chuyện được kể tiếp ở chương 21. Sau mẻ cá nặng lưới đầy kéo không nổi, người môn đệ Chúa Giê-su yêu mến nói với ông Phê-rô; “Chúa đấy!” Phản ứng của ông Phê-rô thật kỳ cục. Nhiều bản dịch tránh né nguyên văn: “Ông Phê-rô vội lấy áo quấn ngang lưng vì ông đang trần truồng, rồi nhảy xuống biển”. Người ta thường né chữ “trần truồng”, vì nghĩ làm sao ông đi đánh cá trên cùng một thuyền với 6 người nữa mà lại trần truồng. Người ta cũng dịch quá tử tế là ông mặc áo vào, nhưng bản văn hy Lạp nói rõ là ông lấy áo quấn ngang lưng. “Ông nhảy xuống biển” thì không có bản dịch nào né được. Giải thích và tránh né như thế làm mất ý nghĩa của bản văn. Nên đi tìm xem tại sao bản văn lại sử dụng những từ ngữ “khó xử” như vậy. Hai từ người ta tránh né là hai từ được sử dụng trong câu chuyện A-đam –Eva sau khi ăn trái cấm: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả quấn ngang lưng làm khố che thân. Nghe thấy tiếng Đức Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cay cối trong vườn…” (St 3,7-8).
Đối chiếu câu chuyện ông Phê-rô với câu chuyện A-đam – Eva có lẽ chúng ta hiểu được ý nghĩa thật. Sách Tin Mừng thứ tư nhiều lần đối chiếu với sách Sáng Thế. Ngay cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá cũng gợi lại cuộc tạo dựng con người (xin đọc bài về cuộc Thương Khó theo thánh Gioan). Sự im lặng về ông Phê-rô sau tiếng gà gáy bây giờ được tiếp tục qua sự đối chiếu với chuyện A-đam – Eva. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa làm “thợ may”: “Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21).