Miền nhớ…

(Truyện ngắn)

1.

Lành ngồi ngay cửa cái, lưng tựa vô thành cửa, đầu hơi cúi, mắt nhìn chăm chú vô cái sịa trải đầy nếp trên mặt. Tay sàng qua sảy lại rồi lựa ra mớ nếp cũ bỏ ra ngoài, miệng thi thoảng chép chép: “Nếp mới mua dzìa mà mọt dữ thần dzậy chèn!”. Cúi lâu mỏi cổ Lành ngước lên, xoay cổ qua bên này rồi lại bên kia, hai mắt nhắm nghiền tỏ vẻ sảng khoái sau hồi lâu cúi lầm cúi lũi. Mũi hít một hơi gió mát sao thoảng mùi dầu thơm đâu đây. Mở mắt ra Lành giật mình vì một cậu thanh niên đứng tần ngần trước mặt mình, vai quảy ba lô màu đen nhìn sang trọng và trẻ trung lắm, mắt đeo kính mát, nón lưỡi trai màu đen tuyền, áo thun xanh dương với chiếc quần jean nhìn hợp thời trang hết sức. Cậu thanh niên nhìn Lành rồi hỏi:

-“Chị! Cho hỏi đây có phải nhà bà Tám Lanh, nhà chị Lành không?”

Lành vừa lấy làm lạ vừa trả lời:

-“Ờ! Đúng rồi! Mà cậu là…”

Cậu thanh niên tháo kính mát cúi xuống hai tay choàng vai Lành:

-“Chế Hai! Em nè!”

Lành mừng quýnh hai tay líu ríu, đứng lên ôm choàng lấy thằng em cả năm nay học trên Sài Gòn mới về, hai tay vỗ tấm lưng nó phành phạch, chợt nhớ gì đó nên Lành ngoẻo cổ vô nhà kêu:

-“Má ơi! Thằng Tí dzìa!”

Má đang dở cái mâm cơm để lên bàn thờ, hỏi vọng ra:

-“Ai dzìa?”

Lành vọng vô nhà:

-“Thằng Tí! Thằng Tí Còi!”

Má chạy một hơi từ nhà trong ra sân, dòm dòm coi phải thằng Tí không, rồi hai má con ôm chầm lấy nhau giữa sân. Má siết eo thằng con cứng ngắc, tay vỗ lưng nó phành phạch y như Lành, miệng phát ra mất lời ngắc ngứ:

-“Thằng… Thằng chó con! Mày dzìa rồi hả? Sao… sao hổng cho má hay? Bao… bao lâu rồi hổng dzìa thăm má với… với… chế Hai mày… Thằng chó con!”

Tí ôm má không nói gì, chỉ biết ôm má như ôm tượng đài một vị anh hùng, ôm cứng ngắc, chớ hề muốn buông ra.

2.

-“Má ơi! Thằng Tí dzìa!”

Câu nói và cung giọng quen thuộc trong kí ức của Tí từ hồi nhỏ xíu. Đi đâu, làm gì cũng vậy, hễ đặt chân tới đầu lộ vô nhà là Lành đã hí hới vọng vô nhà câu báo hiệu: “Má ơi! Thằng Tí dzìa!”. Hổng phải Lành ở không mà ngồi canh cửa hoài, chuyện là má của Lành và Tí nấu xôi ngon lắm, thêm cái duyên buôn bán khéo nên bán xôi rất chạy. Mỗi ngày má bán xôi ba cử. Cử sáng sớm cho mấy đứa học sinh, cử trưa và chạng vạng cho tốp công nhân ở mấy nhà máy gần trường. Mỗi cử má bán chỉ tầm một hay hai tiếng là mười mấy ký nếp sạch ráo trọi. Tầm gần tới giờ vô lớp, mấy đứa học sinh lại ghé ủng hộ Bác Tám gói xôi đem bỏ vô cặp để ra chơi ăn. Tầm trưa và chạng vạng là lúc công nhân tan ca và vào ca nên bán cũng đặng. Mà tánh má cực kỳ kỹ lưỡng, nếp trước khi ngâm phải được sàng và lựa kỹ lưỡng. Má biểu:

-“Nếp bị mọt nấu xôi trớt quớt. Mấy người bán cũng ba trợn lắm! Bán có hôm ba phần nếp mới thì trộn một phần nếp cũ vô đó! Nhiều lúc ăn nhằm nếp cũ làm món xôi lạc điệu!”

Cứ vậy là Lành có việc làm. Sàng sảy nếp từ sáng tới chiều, hễ rảnh rỗi là ngồi sàng trước, chớ tới giờ má nấu còn chưa có là má “tụng” cho hồi kinh dài: “Bởi tao nói! Thứ con gái hư! Không biết tính trước toán sau, kiểu này ế là phải.” Làm riết thành cái nghề, Lành sàng nếp thuần thục và nhanh nhạy lắm. Sẵn đó Lành canh nhà, với lại canh luôn thằng em về thì báo cho má hay. Còn má thì trong nhà hoặc là lúi húi nấu xôi, hoặc tranh thủ chợp mắt lúc củi lửa đã đủ đầy.

Nhắc về gia đình là những hình ảnh đó trở về với thằng Tí. Nó nhớ từng chi tiết, câu thoại và hành động của chị Lành và của má, nghe thành như câu ru. Hôm nào nghe thay đổi nó giật mình: “Sao kỳ vậy cà!” hay “Bữa nay ngộ hén!”. Thằng Tí nhớ cái kiểu chị Lành ngồi để hai gối xếp tạo mặt bằng để sịa lên trên, thọc tay vô khạp hốt ba nắm nếp, tay đảo đều nếp trải ra mặt sịa, hai tay cầm vành hết sàng rồi sảy mà hổng hột nào rớt xuống đất, rồi lấy ngón cái và ngón trỏ bươi ra mấy hột nếp bị mọt, cách quảng ra đất cũng điệu nghệ, lâu lâu mỏi cổ chị làm gì, và sau đó là câu nói: “Má ơi! Thằng Tí dzìa!” khi thấy bóng thằng cu em xuất hiện.

3.

Thường, hễ nghe Lành báo là má trong nhà “Ờ!” một tiếng. Lúc còn thức thì “Ờ!” thiệt lớn tiếng như thể an tâm. Lúc chập chờn giấc ngủ thì “Ờ!” nhỏ xíu. Lành tưởng má chưa nghe nên báo lại to tiếng hơn: “Má ơi! Thằng Tí dzìa!”. Má giật mình từ cơn chập chờn vọng ra: “Dạ! Biết rồi chế Lành ơi! Để tui chợp mắt chút xíu đi bán xôi ha!” Lành cười giật một giật hai cái nước mê ngủ của má.

Cũng cái chuyện làm “điệp viên tình báo” mà mấy lần thằng Tí muốn đứng ngay ngoài lộ, cởi cái quần dài tròng lên đầu để đi vô nhà để má hổng nhận ra nó. Mấy lần đó nghe báo tin là má trong nhà cầm cây roi hầm hầm bước ra hỏi: “Đâu? Nó đâu? Thằng quỷ vô đây chết với tao!” Chuyện là sáng nay bán xôi ở trường học, cô giáo chủ nhiệm thấy nên mời má vô văn phòng ngồi nói chuyện. Cô nói lại chuyện thằng Tí đánh lộn với bạn ở trường hôm qua. Giờ ra chơi có đứa bạn kêu Tí: “Ê! Nãy tao thấy cô giáo gặp má mày á!” Vậy là xong chuyện. Sau trận mưa roi, Tí cà nhắc ra chỗ chị Lành đang sàng gạo, dùng dằng khóc:

-“Tại chế Hai á! Má đánh em đau muốn thấy mồ thấy tổ. Bắt đền chế á!”

Lành để sịa xuống đất, ôm thằng nhỏ rồi thủ thỉ:

-“Thì ai biểu cưng đánh lộn làm gì!”

-“Nhưng chế đừng “tình báo” từ xa thì em từ từ vô nhà xin lỗi má, chắc má đâu có đánh em dữ thần vậy.”

Lành gãi đầu phân vân:

-“Ờ… Mà… đâu được! Hổng báo má đánh chế luôn á! Má dặn mỗi khi thấy cưng đi đâu dzìa cũng phải báo.”

Cũng có lúc má như hoảng hốt khi nghe Lành báo tin thằng Tí về tới đầu lộ. Má quýnh quáng chạy ra hỏi: “Đâu! Nó dzìa chưa? Dzìa thiệt hông?” mà hai mắt của má đỏ hoe. Mùi nhang má mới đốt cho ba với anh Hai còn thoang thoảng trong hơi gió. Lành giật mình hỏi: “Trời! Thì nó cũng dzìa như mọi hôm mắc gì má khóc với giật mình dữ thần dzậy!” Má ậm ờ… Lành tiếp lời vừa lẫy vừa chọc má: “Con đi đâu dzìa má đâu có mừng đâu! Còn thằng Tí dzìa má mần như ông vua hổng bằng á!”. Má vừa khỏ đầu Lành vừa lau nước mắt rồi nói phân bua: “Cái con! Mày lớn còn ganh tị với em! Nó còn nhỏ mà!” Rồi má vui lên biểu: “Thôi! Sàng nếp đi tối tui ngâm mai nấu đem bán chế ơi!”

Mãi về sau, lúc nó nằm liệt trên giường bệnh, má mới cho Lành biết tại sao má bắt Lành báo tin mỗi khi thằng Tí về. Đó là vì má sợ… mất thằng Tí như mất thằng con trai đầu. Má biểu: “Thằng anh nó đi có cho má hay gì đâu! Biệt tăm mấy năm trời tao kiếm đỏ con mắt. Tự nhiên có hôm người ta gửi xác nó về nhà lo đám ma! Má sợ thằng Tí cũng đi… như anh nó.” Biết Lành cũng buồn vì chỉ thấy má lo cho thằng Tí, má biểu: “Con ở nhà với má nào giờ! Còn gì để lo nữa hả con! Má an tâm về con rồi!”.

4.

Từ hôm thằng Tí lên Sài Gòn học đại học, má nhớ nó quá trời quá đất. Chị Lành ngồi sàng nếp mà im khe. Lâu lâu có khách lại thăm thì Lành mừng rỡ kêu: “Má ơi! Bác Hai qua chơi!”; “Má ơi! Dượng Bảy ghé thăm!”, “Má ơi! Thím Sáu lại!”… Má cũng trong nhà vọng ra “Ờ!” mà cung giọng khác hồi thằng Tí ở nhà lắm. Tiễn khách về má đứng ngay cửa kế bên chỗ Lành, biểu:

-“Thấy con nhà người ta hông! Đi học trên Sài Gòn dzìa mua cho ba mẹ đủ thứ! Còn con nhà này…. Hới!”

Rồi má bỏ vô nhà. Lành im khe vì biết ý má muốn nói gì. Má đâu trông mong gì quà cáp thằng Tí mua cho vì… nó làm gì có tiền mà mua, hàng tháng má còn gửi tiền bán xôi lên Sài Gòn, phụ với tiền nó đi chạy bàn quán cơm mỗi đêm mới đủ trả học phí học đại học. Lành hiểu má nói vậy là ý má muốn trông thấy mặt thằng Tí mập, ốm, cao, lùn thế nào thôi. Thấy một chút cũng đặng. Nói chung, má mong cái câu “Má ơi!…” với nhân vật xuất hiện trong câu là “thằng Tí” chớ hổng phải ai khác.

Tốt nghiệp đại học, Tí có công việc ổn định ở Sài Gòn với mức lương khấm khá. Có gia đình và sinh được đứa con bụ bẫm. Má bệnh nằm liệt giường, toàn bộ tiền bạc lo cho má do Tí gửi về. Lành vẫn nối nghiệp bán xôi của má nhưng bán mỗi sáng cho học sinh thôi, để những giờ còn lại chăm cho má. Nhưng thói quen vẫn ngồi sảy nếp dù chẳng bán bao nhiêu. Mỗi bận Tí dắt vợ con về thăm, má vui quá chừng. Nằm một chỗ mà trí tỉnh táo, nói chuyện vui vẻ. Thằng cháu hun lên má bà nội chùn chụt, nước miếng dính tùm lum. Lành đòi lau mà má hổng cho, má biểu: “Nước miếng cháu tui! Quý lắm à! Lau nó mất tiêu kiếm hổng có đâu à nghen!”

5.

-“Chế Hai! Em dzìa rồi nè!”

Lành ngước lên nhận ra ngay thằng Tí, bên cạnh là vợ và đứa con đang lớn lên từng ngày, nét mặt hao hao ba nó. Lành mừng rỡ bỏ sịa nếp xuống đất ôm chầm Tí. Như thói quen mọi khi, Lành ngoái vô nhà gọi:

-“Má ơi! Thằng Tí dzìa nè!”

Tí chợt lấy hai tay ôm bờ vai Lành, cằm nó đặt lên mái tóc bạc trắng của chế Hai, gọi khẽ:

-“Chế Hai!”

Lành chợt thấy hẫng. Cảm giác hẫng ghê gớm xuất hiện tận cõi lòng sau tiếng kêu của thằng em. Tiếng kêu như vực Lành dậy từ vô thức về ý thức hiện tại, Lành vội nói cho qua chuyện:

-“Ừ! Mấy đứa vô đốt nhang cho má đi! Nay giỗ giáp năm của má mà!”

Rồi Lành lại ngồi xuống cầm sịa sàng sảy mớ nếp, mặt cúi xuống, cúi lầm, cúi lũi…

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *