Mối tương quan giữa bổn phận luận của Immanuel Kant và luật tự nhiên theo Thomas Aquinas

Trong sinh hoạt hằng ngày, ta thường được nghe những câu như: “Làm vậy là sai!” “Làm thế mới đúng!” “Anh/chị tốt quá!” “Nó thật xấu xa!”… Những câu như thế được thốt ra từ môi miệng của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, cả thanh niên lẫn thiếu nữ, cả kẻ học thức uyên thâm lẫn người bình dân thường thức. Tại sao con người lại phải quan tâm đến đúng-sai, tốt-xấu? Có chăng tiêu chuẩn hay nền tảng giúp quyết định điều ấy? Cả trường phái Luật Tự Nhiên theo Thomas Aquinas lẫn Bổn Phận Luận của Kant đều đưa ra câu trả lời rằng có nền tảng chung cho con người để xét đúng-sai, tốt-xấu. Vậy, đâu là mối tương quan giữa hai trường phái này?

Trước khi bàn luận về mối tương quan này, việc nắm bắt ngắn gọn lập trường luân lý của hai trường phái thiết nghĩ là cần thiết. Bổn phận luận của Kant nói rằng hành động có tính luân lý là hành động vì trách nhiệm, tức hành động vì sự sùng kính đối với luật; luật đó phải là luật có tính tất yếu và phổ quát. Luật tất yếu và phổ quát này được lý trí ban hành và tuân thủ qua hình thức mệnh lệnh tuyệt đối hay châm ngôn theo luật phổ quát. Đó là sự tự trị của ý chí hay lý trí thực hành vốn là bản chất của mọi hữu thể có lý tính. (x.Copleston, 316-326 ) Như thế, “sự tự trị của ý chí luân lý là nguyên lý tối hậu của luân lý.” (Copleston, p.329-330) Bàn về luật tự nhiên, Thomas khẳng định rằng “làm lành, lánh dữ”[1] là nguyên lý phổ quát. (TLTH, II,5,94,2) [2] Nguyên lý ấy là hiển nhiên với mọi lý trí đúng đắn và là nền tảng để lý trí qui vào đó mà luận suy ra những nguyên lý nhằm áp dụng khác nhau trong từng hoàn cảnh cụ thể. (x.TLTH, II,5,94,2.4, tr.57.61). Khởi từ đây, ta đi vào xem xét mối tương quan giữa Bổn Phận Luận của Kant và Luật Tự Nhiên theo Thomas trên phương diện nền tảng, cách triển khai và việc áp dụng.

Về nền tảng, cả hai trường phái đều chỉ ra nền tảng của đạo đức là hiển nhiên đối với lý tính thực hành. Thật vậy, Thomas nhận “làm lành, lánh dữ” là nguyên lý phổ quát của luật tự nhiên và nguyên lý này được lý trí nhận ra cách tự nhiên: “trí năng thực tiễn một cách tự nhiên quan niệm chúng là những sự tốt của nhân loại.” (TLTH, II,5,94,2, tr.57) Còn với Kant, “sự tự trị của ý chí luân lý là nguyên lý tối hậu của luân lý.” (Copleston, p.330) Từ sự tự trị, con người nhận ra bổn phận luân lý của mình. Đó là điều làm nên phẩm giá con người.(x. Copleston, 391) Sự tự trị hay tự do là nền tảng của bổn phận luân lý và “nền tảng của bổn phận nhất thiết không được kiếm tìm nơi nhân bản hay nơi các bối cảnh của thế giới mà ở đó con người được đặt vào, nhưng đơn giản được kiếm tìm cách tiên thiên nơi các khái niệm của lý tính thuần túy.” (Copleston, 312)

Tuy gặp gỡ ở nền tảng lý trí nhưng giữa Thomas và Kant có cách hiểu khác nhau. Một mặt, có sự khác biệt về tính ‘hiển nhiên’ đối với lý trí theo hai tác giả. Thomas hiểu hiển nhiên theo hai cách: hiển nhiên tự nó và hiển nhiên đối với con người. Đối với lý trí con người, điều thiện hay sự lành là hiển nhiên vì nó có tính mục đích và trí năng tự nhiên nhận ra nó là khuynh hướng tự nhiên (gồm bảo vệ sự sống, duy trì nòi giống, hiểu biết và tương quan xã hội).[3] Hiển nhiên tự nó bởi đó là mặc khải của Thiên Chúa, cụ thể là luật “khuôn vàng thước ngọc” trong Kinh Thánh Tân Ước: “làm cho kẻ khác điều mình muốn kẻ khác làm cho mình”[4]. Trong khi đó, Kant chỉ nói đến sự hiển nhiên đối với con người theo nghĩa lý tính nhận biết cách tiên thiên, mà không bàn đến hiển nhiên tự thân vì lẽ đối với Kant lý tính con người nói cho cùng không thể biết về thế giới vật tự thân.[5]

Mặt khác, dù không từ chối cấp độ nền tảng sâu hơn là Thiên Chúa, Kant chỉ muốn dừng lại ở việc khẳng định nền tảng của bổn phận luận là lý tính thực hành hay sự tự trị của ý chí: “trong mọi trường hợp, trước khi tuân theo Thiên Chúa, ta nhất thiết phải hành luật như là những hữu thể có lý tính. Vì vậy, sự tự trị của ý chí luân lý là nguyên lý tối hậu của luân lý.” (Copleston, 330). Trong khi đó, Thomas cũng chỉ ra lý trí tự nhiên là nền tảng nhận ra các điều luật tự nhiên, nhưng ông không chỉ dừng ở đó mà còn đẩy luật tự nhiên đến một nguồn gốc cao sâu hơn, đó là luật vĩnh cửu. “Luật tự nhiên chỉ là một sự tham dự vào luật vĩnh cửu ở trong thụ tạo có trí năng.” (TLTH, II,5,91,2,tr.17) Và như thế, đối với Thomas Thiên Chúa chính là nguyên lý và cội nguồn của mọi luật. Nói cách đơn giản, con người phải làm lành lánh giữ vì Thiên Chúa bảo phải làm thế. Điều này có lẽ chỉ là một lời tuyên tín hơn là một triết lý và do đó nó không thể cho câu trả lời thỏa đáng trước chất vấn của những lý trí chưa nhận biết Thiên Chúa: “Tại sao tôi phải tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa khi tôi không biết Thiên Chúa là ai?” Trong khi đó, dù trong hệ thống siêu hình có bàn về ba định đề là tự do, sự bất tử của linh hồn và Thiên Chúa, và không phủ nhận nền tảng cội nguồn hơn của bổn phận luân lý là Thiên Chúa, bổn phận luận của Kant có động lực là bổn phận (x. Copleston, 343.388-389) và đặt nền tảng trước hết trên định đề tiên thiên về tự do.[6] Và vì vậy, để trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi phải có bổn phận luân lý?”, Kant đơn giản chỉ nói: vì con người có tự do và vì tự do không thể tách rời khỏi bổn phận và ngược lại nếu không muốn thành ra mâu thuẫn. (x.Ethical Philosophy. xxxvii) Hơn nữa, “con người không cần đến ý tưởng về Thiên Chúa để có thể nhận ra bổn phận của mình;…”(Copleston, 343) Do vậy, về mặt khoa học luận lý, nền tảng tự do hay sự tự trị của lý trí của bổn phận luận theo Kant được chấp nhận dễ dàng và rộng rãi hơn vì nó không nhất thiết phải dẫn tới nền tảng “mệnh lệnh của Thiên Chúa” như luật tự nhiên theo Thomas (vốn chỉ dành cho người tin Thiên Chúa mà thôi). Như thế, cùng minh chứng nền tảng của bổn phận luân lý, Thomas nhất thiết dẫn đến ‘mệnh lệnh của Thiên Chúa’ trong khi Kant chỉ dừng lại ở ‘mênh lệnh của lý trí’ hay sự tự trị của lý trí.

Về mặt triển khai, có sự khác biệt nơi hai trường phái. Để triển khai nguyên lý phổ quát “làm lành, lánh dữ”, Thomas nại đến sự thiện căn bản của khuynh hướng tự nhiên. Bởi lẽ “chính theo trật tự của các khuynh hướng tự nhiên mà có trật tự các giới mệnh của tự nhiên.” (TLTH, II,5,94,2, tr.57) Trật tự đó là gì? Đó là : 1) “bảo tồn sự hiện hữu riêng”, điều này cho ra đời nguyên lý “cái gì đảm bảo sự bảo tồn của nhân loại và tất cả mọi cái gì ngăn cản tương phản hữu, lệ thuộc luật tự nhiên.” ; 2) “tìm kiếm một số sự tốt đặc biệt hơn so với bản tính chung với các thú vật”, cho ra đời nguyên lý sinh dưỡng con cái ; 3) “sự lôi kéo đến sự phù hợp hơn với bản tính có trí năng”, tức sự hiểu biết Thiên Chúa và sống đời sống xã hội, cho ra đời nguyên lý hiểu biết chân lý và tham gia vào đời sống xã hội. (x.TLTH, II,5,94,2, tr.57)

Kant cho rằng “bổn phận luân lý tiền giả định sự hiểu biết về điều gì đúng và điều gì sai.” (Brown, 72) bởi lẽ chỉ khi biết điều gì là đúng hay sai, lành hay dữ, người ta mới có thể làm điều tốt lành và tránh điều xấu dữ. Mà điều duy nhất luôn tốt đó là thiện ý. Đó là ý muốn theo luật phổ quát và tất yếu; luật này mang tính khách quan và hiển nhiên đối với lý trí tự nhiên. Chính vì thế Kant nhấn mạnh đến ý hướng hơn kết quả, lợi ích riêng hay khuynh hướng (x.Brown, 71) và triển khai trách nhiệm theo hai cặp yếu tố: cặp thứ nhất là trách nhiệm tuyệt hảo (hẹp và nghiêm ngặt) và trách nhiệm không tuyệt hảo (rộng và đáng khuyến khích); cặp thứ hai là trách nhiệm đối với chính mình và trách nhiệm đối với người khác. Như thế, có bốn trách nhiệm chính là: 1) trách nhiệm tuyệt hảo đối với chính mình, tức phải bảo vệ sự sống; 2) trách nhiệm tuyệt hảo đối với người khác, tức không được hứa một điều sai trái; 3) trách nhiệm không tuyệt hảo đối với mình, tức phát triển các tài năng của bản thân; và 4) trách nhiệm không tuyệt hảo đối với người khác, tức có lòng nhân từ đối với người khác. (x. Sally Sedgwick, 112.121) Việc phân chia này đưa ra 2 mức độ của trách nhiệm: vi phạm trách nhiệm tuyệt hảo sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, trong khi vi phạm trách nhiệm không tuyệt hảo không đưa đến sự mâu thuẫn mà chỉ có sự xung khắc với ý muốn mà thôi. (x.Brown, 75-76)

Như thế, dù Kant không chấp nhận triển khai theo khuynh hướng tự nhiên như Thomas, nhưng vẫn có sự gặp gỡ giữa Luật Tự Nhiên và Bổn Phận Luận. Cả hai cùng đưa dẫn đến việc phải tôn trọng sự sống và thăng tiến sự thiện. Thế nhưng trong khi Thomas dựa trên khuynh hướng tự nhiên để triển khai luật tự nhiên, Kant chỉ chấp nhận rằng duy chỉ hành động xuất phát từ ý định vì bổn phận là hành động có tính luân lý, (x.Copleston, 316) và từ chối khuynh hướng tự nhiên vì xem nó là những ước muốn chủ quan vốn dĩ có thể dẫn đến sai khác về luân lý. (x.Copleston, 316-318) Ở điểm này, bổn phận luận của Kant được triển khai chặt chẽ và nhất quán hơn luật tự nhiên và vì vậy tránh được nguy cơ tương đối về luân lý (mà các trường phái như trường phái duy ngã, trường phái duy lợi, trường phái duy cảm rơi vào (x.Brown, 68-69)) dẫu cho vì thế mà Kant bị xem là duy lý hay duy bổn phận.

Sau cùng, khía cạnh áp dụng thể hiện rõ nhất sự khác biệt giữa hai trường phái. Một mặt, mệnh lệnh tuyệt đối của Kant không chấp nhận luật trừ và do đó gặp phải thách đố nếu không muốn nói là bế tắc khi phải đối diện với những tình cảnh có sự xung khắc bổn phận, cụ thể là sự xung khắc giữa bổn phận nói sự thật và bổn phận bảo vệ sự sống. (x.Rachels, 130-133) Trong khi luật tự nhiên theo Thomas không vấp phải khó khăn này vì theo nguyên tắc chấp nhận sự sai khác khi áp dụng nguyên lý phổ quát vào tình cảnh đặc thù. Nguyên lý chung của trí năng là duy nhất cho mọi người, nhưng tùy vào khả năng hiểu biết của mỗi người mà kết luận riêng của mỗi trí năng thực tiễn cho tình cảnh đặc thù có sự sai khác. (x.TLTH, II,5,94,4, tr.61-62). Nói cách khác, luật tự nhiên chấp nhận những ngoại lệ. Điều này dẫn đến những khác biệt trong việc áp dụng và có thể rơi vào nguy cơ thiếu nhất quán. Thế nhưng, chính lý trí đúng đắn (recta ratio) là bí quyết hợp nhất tất cả những khác biệt vào một nguyên lý phổ quát mà không đánh mất tính đặc thù khi lý trí ấy đảm bảo tuân theo nguyên lý tối hậu. Điều này cho thấy khả năng thích ứng cao hơn của Luật Tự Nhiên theo Thomas so với Bổn Phận Luận của Kant (vốn bị Hegel đánh giá là quá duy hình thức và trừu tượng (x.Copleston, 346)).

Mặt khác, vì xem ‘làm lành lánh dữ’ là khuynh hướng tự nhiên đối với trí năng, Thomas chấp nhận hành vi có tính luân lý là hành vi hướng đến sự thiện hảo, bất kể động lực là vì cảm thông, yêu thương, hay vì trách nhiệm.[7] Trong khi đó, đối với Kant, một hành động được xét là có tính luân lý chỉ khi được làm vì trách nhiệm mà thôi, không vì khuynh hướng cảm thông. Kant làm rõ điều này nơi khái niệm hành động tương hợp với trách nhiệm và hành động vì trách nhiệm. Cụ thể, hành động bố thí vì yêu thương đối với Kant chỉ là hành động tương hợp với trách nhiệm và do đó không có tính luân lý, (x.Copleston, 316-318) trong khi đối với Thomas đó lại là hành động có tính luân cao vì nó giúp thăng tiến con người. Ở điểm này, quan điểm của Thomas bù đắp cho quan điểm của Kant khi Kant bị phê phán là đã không cứu xét đủ đến vai trò của các giá trị tinh thần như yêu thương, cảm thông,…trong việc luận xét tính luân lý của hành vi. Thế nhưng, cũng chính vì thế mà Luật tự nhiên theo Thomas lại mang nguy cơ tương đối về đạo đức khi việc hiểu và cắt nghĩa được tiến hành theo những đường hướng phiếm diện, cực đoan. Thật vậy, trường phái tương đối về đạo đức, chủ nghĩa duy cảm, chủ nghĩa duy ngã, chủ nghĩa duy lợi khi chủ trương một hệ thống đạo đức đặt nền trên cảm xúc và lợi ích đã bị Kant phê phán là không thể chỉ ra được trách nhiệm luân lý của con người mà không không vấp phải sự mâu thuẫn. (x.Brown, 68.69.88) Thế nhưng, Thomas không chủ chương một nền luân lý không bổn phận, tức không có nền tảng chung cho mọi lý trí. Đồng thời việc nhấn mạnh nguyên tắc chấp nhận tính sai khác trong áp dụng luật chung vào tình cảnh cụ thể cho thấy không có sự mâu thuẫn nội tại, mà chỉ có sự khác biệt trong mức độ luận suy và áp dụng luật phổ quát vào thực tế.[8] Và sự khác biệt này lại được đồng qui về nguyên lý phổ quát nhờ lý trí đúng đắn. Như thế, trong việc áp dụng Luật Tự Nhiên theo Thomas có thể giải gỡ nhiều nút thắt mà Bổn Phận Luận không thể mở, cụ thể là trong tình cảnh có sự xung khắc bổn phận.

Có thể tóm kết rằng Kant muốn thiết lập một nền tảng vững vàng có tính khoa học luận lý cho luân lý nơi lý tính thực hành và nền tảng hai chiều kích tự do và bổn phận của Kant đã đưa ra được “mệnh lệnh tuyệt đối” cho lãnh vực thực hành dù có bị xem là duy hình thức và trừu tượng. Còn với Luật tự nhiên theo Thomas, ‘lệnh truyền làm lành lánh dữ của Thiên Chúa’ là nền tảng được con người nhận biết và luận suy để có được những nguyên lý hành động trong những tình cảnh cụ thể. Với Thomas và Kant, bổn phận luân lý không chỉ còn là mệnh lệnh của Thiên Chúa nhưng còn là một sự biệt loại gắn liền với con người là hữu thể có lý trí và tự do. Và vì thế, những nguyên lý luân lý không chỉ là một khuynh hướng tự nhiên mà còn là sự bó buộc tất yếu đối với hữu thể có lý tính. Chúng không chỉ mang hình thức vững chắc, mà còn đầy tính linh hoạt trong việc áp dụng nơi những tình cảnh cụ thể. Tắt một lời, cả Luật Tự Nhiên theo Thomas và Bổn Phận Luận của Kant đều có cả những điểm mạnh và điểm hạn chế ở các mặt nền tảng, triển khai và áp dụng khi đứng một mình. Thế nhưng khi đặt ở tư thế sóng đôi bổ trợ, cả hai góp phần lớn lao vào việc hình thành một nền tảng luân lý vững chắc cho con người. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Luật Tự Nhiên và Bổn Phận Luận ấy có thể được đặt sóng đôi trùng khít với nhau thành một khối thống nhất mà không có sự xung khắc trong vận hành. Phải chăng một Thiện Ý theo Kant và một Lý Trí Đúng Đắn theo Thomas là dây liên kết và dầu bôi trơn cho sự kết hợp này? Thế nhưng, ý nào là thiện và trí nào là hảo nếu không phải là của Đấng toàn thiện, toàn năng, toàn tri? Và nếu đẩy cho đến cùng tận, phải chăng chỉ với Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa luân lý mới có được một nền tảng đích thực?

Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J.

  • Thư mục tham khảo:
  • Aquinas, Thomas, St.. Suma Theologica. Benziger Bros. edition, 1947.
  • Aquinas, Thomas. Tổng Luận Thần Học, bản việt ngữ của linh mục Trần Ngọc Châu, O.P., quyển 2 phần 1. TP.HCM, 2000.
  • Brown, Montague. The Quest for Moral Foundations, An Introduction to Ethics. Georgetown University Press, 1996.
  • Celano, Anthony. “Medieval Theories of Practical Reason“. The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <http://plato.stanford.edu/archives/win2014/entries/practical-reason-med/>.đăng nhập ngày 02.02.2015
  • Copleston, Frederick, S.J.. A History of Philosophy, Vol VI. Image Books Doubleday, 1994.
  • Kant, Immanuel. Ethical Philosophy, 2nd ed. translated by James W. Ellington, introduction by Warner A. Wick, Hackett Publishing Company, Indianapolis/Cambridge, 1994.
  • Rachels, James. The Elements of Moral Philosophy, 6th ed. by Stuart Rachels. McGraw-Hill Companies, Inc., 2010.
  • Sedgwick, Sally, Kant’s Groundwork of the Metaphysics of Morals An Introduction. Cambridge University Press, 2008.
  • Williams, Garrath. “Kant’s Account of Reason”. The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <http://plato.stanford.edu/archives/spr2014/entries/kant-reason/>.

[1] “good is to be done and pursued, and evil is to be avoided” (St.Thomas Aquinas, suma theologica (Benziger Bros. edition, 1947), II-I, q.94,a.2)

[2] Trong các địa chỉ trích dẫn loại này: (TLTH, II,5,94,2, tr…), các số được dùng theo thứ tự là quyển II, tập 5, câu 94, tiết 2, trang…

[3] x. TLTH, quyển 2, tập 5, câu hỏi 94, tiết 2, tr.57 ; “… the good in common, which has the nature of the end, is the object of the will. Therefore because of this element the will moves the other powers of the soul to their acts. (S. th. I–II, 9, 1)

[4] x. TLTH, quyển 2 tập 5 câu hỏi 94 tiết 4 ; (St.Thomas Aquinas, suma theologica (Benziger Bros. edition, 1947), II-I, q.94,a.4)

[5] “Knowledge of the world as a whole, or of entities that transcend this world (the immortal soul or God) is not humanly possible: it is not possible via experience, and reason has no power to supply knowledge in its place.[…]“What can I know?”We have seen his answer to the first question: I can know this world as revealed through the senses, but not the total sum of all that is (since the senses never reveal that) nor a world beyond this one (a supersensible world).” Garrath Williams , “Kant’s Account of Reason”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <http://plato.stanford.edu/archives/spr2014/entries/kant-reason/>. (đăng nhập ngày 08.03.2015)

[6] footnote11 : I thus agree with Henry Allison, who writes in Kant’s Theory of Freedom that “Kant’s moral theory rests ultimately on a ‘thick’ conception of freedom and not on a ‘thin’, relatively unproblematic conception of rational agency.” – Sally Sedgwick, Kant’s Groundwork of the Metaphysics of Morals An Introduction (Cambridge University Press, 2008), p.43.

[7] The first principle in actions, for which there is practical reason, is the ultimate end. The ultimate end of human life is happiness or beatitude. It is necessary for law to reflect in the highest degree that order which leads to beatitude. (S.th. I–II, 90, 2) – Anthony Celano , “Medieval Theories of Practical Reason”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <http://plato.stanford.edu/archives/win2014/entries/practical-reason-med/>.(đăng nhập ngày 02.02.2015).

[8] In speculative reasoning the truth is the same for all, both in principles and in conclusions. In operative reasoning there is not the same truth or practical rectitude according to its proper <conclusions>, but only according to its common principles. (S. th. I–II, 94, 4; Super ethica, VI, 7, p. 441). – Celano, “Medieval Theories of Practical Reason”.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *