Mosaic Thập Giá – Cây sự sống ở vương cung Thánh Đường Thánh Clemente, Roma

Hình ảnh thập giá chắc chắn là một chủ đề trung tâm và được trình bày nhiều nhất trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Ki-tô giáo, vì hình ảnh Thập Giá gắn liền với sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa và nội dung đức tin của tôn giáo ấy. Mỗi một giai đoạn lịch sử nghệ thuật đều ít nhiều cố gắng phát họa, bằng nhiều phương tiện sáng tác của mình, sự kết nối giữa hình ảnh thập giá và một ý nghĩa thần học hay linh đạo nào đó, dù đó là thời Trung Cổ, Phục Hưng, Ba-rốc hay đương đại.

Tuy nhiên, về mặt lịch sử, Thập Giá không phải là mô-típ xuất hiện ngay thời đầu của nghệ thuật ki-tô giáo. Các cộng đoàn ki-tô hữu sơ khai trong thời bách đạo đã trình bày Đức Ki-tô dưới bóng dáng vị Mục Tử nhân lành hoặc chỉ đơn thuần là biểu tượng con cá hay chữ viết tắt Christos, như ta còn thấy ở các hang toại đạo. Chỉ đến khi nhờ dấu lạ thập giá ở Milan và sau đó sự nhìn nhận và lan rộng của tôn giáo này mà thập giá dần dần đi vào nền nghệ thuật sáng tác. Từ buổi đầu của một nền nghệ thuật trình bày về thập giá, nếu có thể gọi như thế, thì sứ điệp cần được truyền đạt trước tiên và tự nền tảng là thập giá mang chiều kích vũ trụ và biểu dương sự sống, chứ không chỉ là dấu chỉ của sự chết và những đau đớn cá nhân. Tiêu biểu cho ý tưởng này là lăng mộ hoàng hậu Galla Placidia ở Ravenna, được xây dựng vào khoảng thế kỷ V, với mái vòm nhà nguyện là một bức tranh ghép mảnh (mosaic) vẽ thập giá giữa một bầu trời sao rực rỡ, dát vàng.

(Thập giá trên mái vòm lăng mộ hoàng hậu Galla Placidia, Ravenna)

Tiêu biểu cho ý tưởng Thập Giá – cây Sự Sống là bức tranh ghép mảnh cổ trên cung thánh vương cung Thánh Đường thánh Clemente ở Roma, cũng nằm trong dòng nghệ thuật byzantine. Bức mosaic này chứa đựng một tư tưởng thần học mang đậm tính biểu tượng. Được thực hiện vào khoảng thế kỷ 12 hay 13, bức tranh ấy thực sự diễn tả sự chiến thắng của Đức Ki-tô và của những người sống theo tinh thần thập giá. Lịch sử cứu độ được trình bày và khắc họa cách đặc biệt trong mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa và hy tế cứu độ trong thập giá của Người.

Cách trang trí theo truyền thống byzantine cổ đại diễn tả thập giá như quà tặng của sự sống bằng một sự cân xứng và hài hòa một cách đáng ngạc nhiên. Đây là một chủ đề được thần học byzantine đặc biệt ưa thích. Thập giá là khí cụ của sự chiến thắng nhờ qua đó Đức Ki-tô hiển trị và đi vào vinh quang. Chủ đề này thường được diễn tả trong truyền thống phụng vụ, như chúng ta thấy trong bài thánh thi Vexilla Regis prodeunt (Cờ Vua tiến lên) do Venatius Fortunatus sáng tác:

Này đây đã hoàn tất
Lời ca của Thánh Vương David xưa
Loan báo khắp cùng mọi dân tộc
Trên thập tự Đức Chúa tỏ vinh quang

Nền màu cơ bản của toàn bộ tuyệt phẩm là một màu dát vàng, làm cho nó nên sống động, không phải bởi không gian phẳng mà là một góc tư quả cầu (cul-de-four), kiến tạo một không gian nổi, tạo nên sự thu hút và lưu chuyển.

Ở phần thượng, cánh tay của Thiên Chúa Cha giơ ra, trao ban một vòng tròn đính đầy những vì tinh tú, như vòng nguyệt quế vũ trụ dành cho Con của Ngài, Đấng đã chiến thắng Tử Thần. Cánh tay ấy chạm vào thập giá, không phải để chúc phúc hay để ngăn thập giá. Nhưng cánh tay ấy như nắm lấy thập giá, như một thanh gươm để trỏ về phía trái đất. Nhưng nếu ta nhìn kỹ xuống phía dưới, thanh gươm ấy không đưa đến sự chết, sự phán xét hà khắc, sự diệt vong nhưng như khí cụ mang lại sự sống. Đó là sự sống vọt trào từ trời và từ đất, sự sống ấy là sự hội ngộ giữa tín nghĩa và ân tình, là sự giao duyên giữa hòa bình và công lý. Nơi thập giá, ơn sủng giao hòa được trao ban. Đó là sự sống được trao ban bằng quyền năng vô lượng của Thiên Chúa, làm thay đổi cả trật tự vũ trụ và nhờ đó con người, dù là loài lụy tử, sẽ có được sự sống và sống dồi dào.

Phía trên cùng còn xuất hiện một phần trình bày khác về Đức Ki-tô. Ngài là Thiên Chúa đã đi vào vinh quang của Cha Ngài. Là Đấng mà chúng ta nhìn nhận như là Khởi điểm và Tận cùng của lịch sử, là Alpha và Omega, như được khắc ghi bên cạnh Danh Ngài.

Một thập giá nhỏ được đính vào một sơi dây chuyền như phần trang sức long trọng nhất, với cành nguyệt quế chung quanh là phần thưởng vinh quang cho những ai can đảm sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời trần thế của mình.

Thật vậy, Thập giá là tâm điểm của toàn bộ bức vẽ. Thập giá là ngai tòa trên đó Vua Cứu độ hiển trị và lôi kéo mọi sự về với Ngài. Đấng cứu độ trần gian được đóng vào thập giá bằng bốn dấu đinh. Bên cạnh Người có Mẹ và người môn đệ yêu dấu. Mười hai chim bồ câu trắng tượng trưng cho mười hai tông đồ mang Tin Mừng cứu độ đến bốn phương trời, biểu trưng bằng bốn nhánh của thập tự.

Dưới chân thập giá, dưới hình của một khóm lá, là hình ảnh của cây nho, biểu tượng của Giáo Hội. Cây nho này nhắc lại cây sự sống đã bị rào lại trong vườn Địa Đàng năm xưa.  Một dòng sông bốn nhánh củng cố hình ảnh địa đàng xưa, như lời mô tả trong sách Khải huyền (Kh 22,1) “… một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên”. Dưới gốc cây một con nai nhỏ đang đối nghịch với một con rắn. Phải chăng đó là hình ảnh của linh hồn, được tăng sức mạnh từ nguồn suối trường sinh, can đảm chống cự và chiến thắng mưu chước của sự dữ ? Còn hình ảnh hai chú nai lớn không làm người tín hữu quên câu thánh vịnh của lòng khao khát Thiên Chúa :

Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong,
Hồn con cũng trông mong, được gần Ngài, lạy Chúa
.

Gần đó là hình ảnh hai con công mà truyền thống hội họa Tây phương coi là biểu tượng của sự phục sinh và bất tử. Ở phần này, dưới bóng của những nhành nho, còn có những con người đang sống kinh nghiệm thường ngày của mình. Tất cả nhận lãnh từ Đức Ki-tô sự viên mãn của cuộc sống mới, của dân đã được cứu chuộc. Trong không gian cứu rỗi và tràn trề niềm vui và hy vọng ấy, mọi sinh vật, mọi hiện hữu đều đều được bao bọc, chở che.Từng loài, từng cá thể đều được hồng ân cứu độ bao phủ như những tổ ấm an toàn. Đó là hình ảnh người phụ nữ nội trợ, người mục tử nhân lành, người nông dân đang làm vườn, v.v… Họ sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Cuộc sống trong Đức Ki-tô là cuộc sống của hiệp thông, giữa cây và cành, là cuộc sống của mầu nhiệm bí ẩn, thân mật và khác lạ với tinh thần thế tục. Trước một sự trình bày như vậy, sẽ là điên rồ và nông cạn cho ai đó nói rằng đức tin Ki-tô giáo là đức tin chết, của những giáo điều cứng nhắc.

Đôi mắt chúng ta sẽ không khỏi đắm say và thán phục trước một bố cục phong phú của bức tranh. Người ta sẽ nhanh chóng bỏ qua những khó chịu của óc duy thực để chiêm ngưỡng sự hòa quyện có vẻ thái quá và không bình thường giữa những rễ cây và cành lá. Người ta có  cảm tưởng rằng như từ một gốc rễ khiêm tốn ở trung tâm, bằng lưỡi đòng xuyên thấu, cây thập giá đã trở thành nguồn suối, tưới gội máu ân sủng và phát tán niềm hy vọng xanh tươi trên khắp mặt địa cầu, một cách tự do và dào dạt.

Những nhành lá mạnh khỏe, sống động vươn vào không gian bằng những vòng tròn, đong đầy địa cầu như muốn nơi nơi đều xanh màu thập tự. Sự bất cân xứng và tương phản giữa những uốn lượn của các nhành lá, dây leo như đang vươn lên, lớn mạnh khắp nơi và sự ảm đạm, thô ráp của thập giá tạo nên một cảm giác ấn tượng gần như hiện đại của bích họa, diễn đạt sức mạnh tiềm tàng và mâu thuẫn của mầu nhiệm cứu độ.

Mầu nhiệm Thập Giá trở thành sự kiện cánh chung của lịch sử nhân loại. Phía dưới cùng của tác phẩm. Đó là hành trình lịch sử của Chúa Giê-su, từ Bê-lem đến Giê-ru-sa-lem, được vẽ hai bên trái-phải của tranh. Con Chiên Thiên Chúa được vây quanh bởi các tông đồ của Ngài, như Con Chiên Hiến Tế ở giữa đàn chiên. Để sống kinh nghiệm của ngày chiến thắng cuối cùng, người tín hữu được nhắc nhở phải kinh qua kinh nghiệm thập giá.

Cuối cùng, chúng ta không quên quay trở lại với tâm điểm của bức tranh. Dung nhan Đức Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh, không diễn tả một cái chết bi thảm, thống khổ nhưng là sự an tĩnh, bình an. Ngài không bị treo trên thập giá, Ngài ngự lên nó. Gương mặt Ngài chiếu tỏa như vầng hồng chính ngọ, tự thân loan báo điều mà chúng ta đã nghe và tin: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai theo Thầy, người ấy sẽ không chết nhưng sẽ có sự sống đời đời.

 

Dịch và biên soạn Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Nghệ thuật và Đức tin: Chúa nhật Lễ Lá năm A

Xem Video Tiếng Anh tại Chúa Nhật Lễ Lá là một ngày của nhiều cảm …

Nghệ thuật và Đức tin: Tuần 5 Mùa Chay năm A

Xem video tiếng Anh tại Cái chết đe dọa sự sống trong câu chuyện về …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *