Ngu để Yêu

NGU ĐỂ YÊU

(Lc 15:11 – 32)

             Thoạt nhìn, người cha trong dụ ngôn này thật là ngớ ngẩn, nếu không muốn nói là ngu ngơ. Cái ngu đầu tiên dễ thấy nhất là ông đã để thằng nhóc con ông ra đi quá dễ dàng với một số tiền kếch xù nữa chứ. Đọc Tin Mừng ta thấy ngay có lẽ thằng con thứ là một cậu thanh niên choai choai, to người lớn xác mà ít suy nghĩ. Tuổi mới lớn thường thích bứt khỏi gia đình để tự do tung cánh. Tuổi mới lớn hay thích ăn chơi hết ga, phung phí thả giàn mà chẳng màng tính toán cho tương lai, sự nghiệp. Tuổi mới lớn mới ngông ngênh “coi trời bằng vung”, tưởng có tiền là mình làm được tất cả. Thế nên, cậu mới bị người lừa, mới bị đời dập.

            Tức cậu nhóc ít, bực người cha nhiều! Chẳng lẽ ông không biết thằng nhóc con ông chưa trưởng thành? Nếu biết chưa chín chắn tại sao lại cho đi cách dễ dàng vậy? Đã đành cho nó đi, nhưng tại sao lại cho nó quá nhiều tiền để sinh hư hỏng? Một cách nào đó, lối hành xử ngây thơ của ông dường như đang hại chính đứa con ông. Vậy ông có thương nó thật không?

            Từ thực tế hiện tại trên, ta có thể đặt vấn đề về lối giáo dục của ông với các con trong quá khứ. Trong suốt mười mấy năm trời có hơn kia, ông giáo dục con như thế nào mà một đứa thì nằng nặc đòi ra đi, một đứa thì ở nhà mà lòng trở nên hẹp hòi, chai cứng. Phải chăng ông đã bỏ bê việc giáo dục con cái? Còn giả như có, liệu ông quá ngây ngô đến bất lực với hai cậu trai ngổ ngáo này?

            Tuy nhiên, khi dừng lại suy ngẫm lâu hơn và hướng cái nhìn về tương lai, ta thấy mọi vấn nạn của dụ ngôn như bùng vỡ. Ẩn trong lớp vỏ ngu ngơ của người cha già là một trái tim yêu đến kỳ cùng và một tư tưởng thâm thúy khôn dò.

            Trước nhất, về vấn đề cậu nhóc mới lớn, nếu không cho hắn đi, hắn cũng sẽ tự đi. Nếu không cho hắn tiền, hắn cũng sẽ đi nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trở lại. Bởi hắn sẽ ấm ức. Bởi hắn rất có thể sẽ nghĩ: “Cha quý tiền hơn mình. Ông ấy sợ mất tiền hơn mất thằng con này.”. Giả như hắn nghĩ vậy thật, thì dù có hồi tâm “cải tà quy chánh”, điểm về cũng không phải là nhà. Vì vòng tay người cha đâu muốn ôm hắn, mà ôm tiền. Vậy, nếu vì tiền mà làm cho người mình yêu mến hiểu lầm mình thì được ích gì. Thế mới thấy, người cha hiểu con ông thế nào. Ông biết nó còn non trẻ, suy nghĩ thiển cận. Mười mấy năm ở với ông nó không thể nhận ra tình thương của ông, thì lúc khó khăn này làm sao đòi nó hiểu lòng ông cách chính xác được. Hiểu lầm là mối hiểm họa cho mọi tương quan. Đành bỏ tiền để mua sự hiểu đúng vậy, dù giá có mắc đến đâu.

            Thêm nữa, càng yêu con cách thật lòng, ông càng muốn nó yêu ông cách chân thành và tự do. Bởi tình yêu đâu phải là một món hàng. Tình yêu là sự kết hợp tự nguyện của hai quả tim cùng rung chung một nhịp. Để tình yêu nhỏ nhoi của thằng nhóc đạt đến tầm vóc trưởng thành ấy, nó cần được thử thách và thanh lọc. Những va chạm trong cuộc sống. Những đổ vỡ trong tương quan bạn bè, gia đình, làng xóm. Những thất bại phũ phàng. Những gai góc và dối lừa đầy ác ý của người đời. Vâng, tất cả sẽ giúp nó nghiệm ra đâu là bến yêu đích thực. Nghiệm ra để thấm thía. Thấm thía để quyết tâm. Quyết tâm để chọn lựa. Chọn lựa có tính nếm trải, và luyện lọc kia mới mong phát sinh hoa trái trung thành và chung thủy. Tình thân son sắt và thâm sâu ấy là thứ người cha cần.

            Điều thứ hai, về vấn đề giáo dục con, sự bất lực của người cha là một cảm nghiệm rất thực và nhiều ý nghĩa. Đúng rồi, tuy sinh ra con cái, nhưng ta không có quyền làm chủ trên đời nó. Đấng duy nhất đầy khôn ngoan có thể hướng dẫn đời nó là Thiên Chúa. Phần ta, ta chỉ có thể cộng tác với Ngài để hướng dẫn nó trong những khoảng thời gian nhất định mà thôi. Giới hạn là cần thiết để ta phân định rõ đâu là trách nhiệm của ta, đâu là vùng trời của người, và đâu là quyền năng của Thiên Chúa. Trong vùng trách nhiệm của ta, ta có toàn quyền tự do để quyết định. Còn vùng trời của người, ta đành phải tôn trọng dù có yêu thương họ đến đâu. Vì yêu thương đâu phải là quyết định giùm, hay sống thay cho họ được. Song yêu thương là cầu nguyện và phó thác phần khuyết sót của ta, và phần thiếu hụt của người mình yêu cho Thiên Chúa. Ngài làm gì, làm thế nào và làm khi nào: ta không biết, nhưng vẫn tin rằng Ngài đã – đang – tiếp tục hoạt động trong ta và trên đời họ. Phải chăng vì những ưu tư này mà người cha trong dụ ngôn chấp nhận thái độ ngu ngơ đến bất lực của mình? Ông đang bất lực hay đang đầy tràn sinh lực của Thần Khí (Ga 3:8)?   

            Và rồi, hình ảnh người cha già ôm thằng nhóc đi hoang vào lòng như diễn tả tất cả tâm tư nhuần thấm yêu thương của ông. Thế đấy, yêu đâu phải dễ. Và yêu đúng càng khó hơn. Muốn yêu đúng phải bận tâm, phải thao thức, phải sống cùng với nó. Tình yêu cần lắm một khối óc rộng mở, khoáng đạt, sâu sắc; một con tim kiên nhẫn, bao dung, tha thứ; và một đôi tay dám quăng ném đi những thứ không cần thiết, dám sắp xếp lại những lầm lộn của vật chất thường tình, dám gầy dựng lại những sứt mẻ đau thương. Lối yêu ấy khiến người chọn lựa nó trở nên thua thiệt, ngu ngơ, và xoàng xĩnh. Họ chấp nhận ngu để yêu. Yêu tha thiết. Yêu đích thực. Bởi họ tin cái gì thật sẽ tồn tại mãi mãi.

Bảo Ân, sj.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY28/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Chứng tá bằng …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *