Nhật ký ngày chết

Nếu vào một ngày nào đó tôi không còn sống nơi trần gian này nữa, thì những đứa trẻ vẫn lần lượt lớn lên, người thân người thương của tôi họ vẫn ăn, vẫn uống và làm việc theo lẽ sinh tồn, những ngôi nhà, con đường tôi quen thuộc bỗng chốc trở nên xa lạ, mặt trời vẫn giải nắng trên đồng cỏ xanh và cơn mưa vẫn tưới mát trên những thửa ruộng khô cằn…

Không gian yên tĩnh ngày nào chẳng còn, khi người viếng, kẻ thăm, người khóc, kẻ cười,… tạo nên khung cảnh bi đát, chua xót và đau thương. Thân xác tôi vẫn nằm đó chẳng cử động hay nhúc nhích, chẳng thở than hay kêu gào mặc cho lũ ruồi muỗi đậu bay. Người ta thức cố thức tôi dậy sau giấc ngủ dài nhưng kết quả nhận được là sự thinh lặng chẳng một lời hồi âm phát ra. Tôi biết và tôi cố gồng mình ngồi dậy để an ủi những người thân đang ngồi than khóc, nhưng bàng hoàng chợt nhận ra tôi đã chết rồi!

Dòng thời gian không ngừng chảy con người cũng không ngừng già đi và tàn lụi theo năm tháng. Chết một động từ khiến mỗi người phải sợ hãi, rùng mình và ớn lạnh khi chứng kiến bao cảnh khốc liệt tang thương. Mới hôm qua đây thôi, đôi môi anh còn nở nụ cười, ánh mắt của chị lưu luyến đầy yêu thương, giọng nói, tiếng thở của cha, mẹ còn hòa quyện cách khéo léo mượt mà và ấm áp. Ấy vậy, mà giờ đây lại nằm bất động không nói một lời mặc cho bao tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng thở hổn hển của người thân. Đôi dép anh đi chẳng còn nữa, chiếc áo anh hay mặc nay vắng bóng và chiếc quần mà anh yêu thích bị chôn vùi trong lòng đất vô tri. Tất cả hình bóng và kỷ niệm của anh cũng dần lãng quên trong vô thức.

Chết là hết vậy sao? Bao nhiêu của cải tôi gầy dựng và tích góp cũng biến mất? Nhà cửa, xe cộ, đất đai…vợ đẹp con khôn, mẹ già cha yếu và những người thân quen của tôi đâu cả? Tôi chưa kịp chào người thân của tôi, chưa xin lỗi, chưa đền bù những người tôi mắc nợ, xúc phạm hay làm tổn thương tới họ? Chết tôi sẽ đi đâu đây? Chắc hẳn! Mỗi chúng ta đều tự chất vấn bản thân khi đưa ra những câu hỏi như vậy, bởi mỗi người đều có kinh nghiệm về ranh giới giữa sự sống và sự chết. Vậy thử hỏi chết chúng ta đem theo được gì?

Bây giờ, tôi nằm lặng im trong vùng đất chật hẹp giữa bầu trời rộng mênh mông, bên cạnh tôi cũng là những nấm mồ xanh nơi chôn cất bao nhiêu người. Từ những đứa trẻ bị tước đoạt mạng sống từ người cha, người mẹ, đến những người trung tuổi rồi cao niên chết vì bệnh tật hoặc tai nạn rủi ro, cũng có những người nghèo khổ thiếu cái ăn, cái mặc đến những người giàu có sung túc đầy đủ tiện nghi. Nhưng tất cả lại trở về một vùng đất chung nơi chẳng phân biệt sắc tộc, màu da hay tôn giáo. Họ giờ đây chẳng còn đẹp đẽ, giàu có như xưa, khi chỉ còn lại những sợi tóc bám víu nơi bộ xương đang dần mục nát theo dòng thời gian.

Trong vùng đất này, tôi nghe được tiếng xì xào, thở than và khóc lóc của những người đã nằm xuống. Họ nói chuyện về cuộc sống trần gian khi cả đời lầm than vất vả để tranh đua danh lợi, đố kỵ ghen tuông nhau chỉ vì một chút lợi lộc thấp hèn, chém giết, tàn sát lẫn nhau để được những của cải bất chính. Lúc này nằm trong khung gỗ nhỏ dưới nấm mồ xanh, họ mới hối hận mà giác ngộ được tất cả chỉ là phù vân, hơn thua tranh giành nhau làm gì? Khi để lại bao hậu quả đau thương cho người khác chỉ vì lòng tham và tính ích kỷ của mình.

“Giá như” khi còn sống tôi biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người thân cận. Giá như tôi biết lưu tâm đến những người nghèo khổ, đói rách và không nơi nương tựa. Giá như tôi biết cho đi nhiều hơn thay vì cố vun vén những đồng tiền trên nhân phẩm, danh dự và tính mạng của không ít người. Giá như tôi biết bảo vệ môi trường không tàn phá các cánh rừng để thu đầy chiếc túi trần gian, thì ắt hẳn bây giờ tôi không còn khóc than hay hối hận nơi vùng đất này nữa.

Trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Lời bài hát như lời khuyên nhủ mà cố Nhạc sĩ muốn gửi đến tất cả mọi người về chân lý của cuộc sống đó là yêu thương. Quả vậy! yêu thương là cốt lõi của đời sống trong xã hội, nơi yêu thương con người biết quan tâm nhau hơn, lắng nghe nhau hơn và chia sẻ với nhau hơn. Hơn thế nữa, yêu thương chính là mũi hàn luôn gắn kết các rạn nứt đổ vỡ trong mối tương quan gia đình, bạn bè và nhân loại, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Thời gian như gió thoảng mây bay vô tình hay hữu ý cuốn đi mùi hương của những đóa hoa đang khoe sắc nở, sắc đẹp của lũ chim đang giang cánh tung bay trên bầu trời rộng lớn và sức khỏe, tính mạng của con người đang lam lũ nơi cuộc sống dương trần. Cuộc đời là vậy chóng qua mau tàn, chẳng biết giờ này, ngày nào và phút nào chúng ta sẽ ra đi, chia tay cuộc sống nơi trần thế, bỏ lại bao của cải, giã từ đi những người thân yêu nhất đi về về chốn nơi ta đã sinh ra.

Nơi đây tôi mới cảm nghiệm được giá trị của sự sống và sự mầu nhiệm trong cái chết. Khốn cho tôi, khi xem thường những giây phút được sống nơi trần gian mà chẳng biết quý trọng thời gian để mưu ích lợi cho mình và tha nhân. Đau buồn, tiếc nuối và ôm hận khi lòng tham của tôi cao hơn cả mạng sống của con người, để rồi nó chế ngự, tiêu khiển và làm chủ tôi khiến tôi trở nô lệ cho chính lòng tham ấy.

Thân xác tôi giờ chẳng còn nguyên vẹn như xưa chỉ là nắm đất đen. Linh hồn tôi vẫn còn nhưng đang vất vưởng, nhem nhuốc bao tội đời trần gian. Tôi đang cố gắng tẩy giặt những nhem nhuốc đó bằng việc ăn năn hối lỗi, những cực hình đau khổ và rạn nứt rên rỉ đang ứa máu nơi cõi lòng tan nát. Nhưng tôi tin tưởng và hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được vào chung hưởng hạnh phúc trên quê Trời, qua những lời kinh nguyện của anh chị em, việc làm bác ái phúc đức và tinh thần quảng đại vị tha đối với tha nhân.

Xin hãy nhớ và cầu nguyện cho tôi!

Gioan Nguyen

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Vâng, hôn nhân cũng là một việc tông đồ!

Trong hôn nhân, cả hai vợ chồng cùng làm việc để mối liên kết của …

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *