Nhớ Ơn Rừng

NHỚ ƠN RỪNG

Truyện ngắn

Tặng quê hương Hàm Thuận Nam

–   Mình phải đi thôi con ạ !

…….

Mưa. Cơn mưa cuối mùa dai dẳng, như còn muốn dùng dằng níu kéo những gì sắp chia xa. Mưa ào ạt trút nước xuống rừng đêm. Rừng
lặng lẽ ưỡn mình hứng những giọt nước trời hung bạo. Gió rin rít quật vào tấm màng đen kìn kịt.

Hơi ấm tỏa ra từ chiếc lò than khổng lồ vẫn không đủ để xua đi cái lạnh quái ác của cơn sốt rét rừng đang gặm nhấm trong xương tủy nó. Tuổi mười bảy, nó đủ sức để bẻ gãy sừng trâu, để đốn hạ những cây rừng to lớn nhất… nhưng nó không thắng được rừng thiêng nước độc.

Người ta nói rừng vàng biển bạc. Cha con nó dắt díu nhau lên rừng không mong tìm vàng, chỉ mơ tìm chén cơm manh áo và chút xán lạn cho tương lai. Mỗi thân cây đổ xuống, một khoảng trời tròn trịa lại lộ ra. Khoảng trời trong xanh và cao thẳm trên đầu thắp lên giữa lòng nó bao hy vọng. Khoảng trời càng rộng, hy vọng trong nó càng bay cao. Thế rồi nó ngã quỵ trước khi khát vọng kịp thành hình.

…..

– Mình phải đi thôi con ạ ! làm sao sống mãi trong cảnh này được !

Đi đâu nữa hả ba?… đến một vùng phố thị nào đó để anh em con tiếp tục được học hành, như ba vẫn thường mong ước, hay lại tiếp tục lang thang đến những cánh rừng khác? Tìm cuộc sống nơi đô thị phồn hoa và chốn rừng thiêng nước độc, nơi nào dễ dàng hơn hả ba?

Đã một lần từ khước phố thị, cha con nó lên rừng tìm đường kiếm sống.

Quê nó là một ngôi làng vô danh được bao bọc bởi những dãy đồi trọc chạy dài như bất tận. Mỗi mùa mưa về, nước từ trên núi lại xối xả tuôn qua ngôi làng nhỏ. Bước đi của nước đã cuốn theo bao nhiêu là đất đai phì nhiêu của làng đổ dồn ra sông ra biển. Còn trụ lại với thời gian là những tảng đá ong mỗi năm một nhô cao hơn, như những ngọn đồi trọc lóc xâm lăng vào rẻo đất bé nhỏ.

Càng ngày càng có nhiều người ở quê nó kéo lên thành phố kiếm sống. Biết làm sao được! Khi người ta không thể bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngay chính trên mảnh đất quê hương, thì họ còn cách nào khác hơn là bán đi cái quê hương xứ sở trong lòng mình để chấp nhận làm một kẻ tha hương? Ba nó thuộc tuýp người mà nhiều người ở làng này gọi là cố chấp và không biết thức thời. Ông kiên quyết giữ nhà giữ đất, kiên quyết đi tìm cuộc sống ngay chính trên mảnh đất quê hương. Ông không thích cảnh mấy đứa con nít mới ngày nào còn tồng ngồng chạy khắp xóm tắm mưa, lên thành phố đi làm có vài năm mà đã biết đua đòi ăn chơi nhố nhăng. Ông ghét mấy đứa tay cầm xấp tiền mà cái mặt vênh vênh chẳng coi ai ra gì. Ông sợ con cái mình phải trả giá đắt cho đời sống tiện nghi bằng việc đánh mất những lề thói của đạo làm người… Tuổi thơ của nó trôi qua trong gia cảnh chật vật nhưng đầm ấm.

Rồi đùng một cái, anh em nhà nó lăn ra bệnh, mỗi đứa một chứng, đứa nào cũng thập tử nhất sinh. Ba nó chạy đôn chạy đáo, cầm cố nhà cửa vườn tược, vay mượn nợ nần để chạy chữa. Nhờ trời phù hộ, anh em nhà nó vẫn bình an, nhưng cái đầm ấm nhỏ nhoi của gia đình nó bắt đầu bị đe dọa. Lần đầu tiên trong đời nó phải nghe tiếng chửi bới tục tằn của những người chủ nợ. Lần đầu tiên nó thấy ba phải quỵ lụy năn nỉ người ta. Lần đầu tiên nó hiểu ra rằng lòng thông cảm giữa người và người là hạn hẹp và nhỏ nhoi biết bao.

Một chiều đi học về, nó thấy ba gục đầu trên bàn, trong tay là chai rượu còn dang dở. Không nói không rằng, nó dằng chai rượu ra khỏi tay ba, tu ừng ực. Một luồng hơi nóng hừng hực chạy xuống cổ họng và lan ra khắp người, nó thấy mình chân tay bủn rủn và đầu óc mụ mị choáng váng. Trước khi khóc nấc lên và đổ gục xuống, nó còn kịp nhận thấy ánh mắt đỏ hoe sững sờ của ba.

…Rồi cha con nó dẫn nhau lên rừng đốt than. Thì anh hùng lỡ vận mà! Nó đã dám cùng ba uống cạn chai rượu vừa cay vừa đắng, lẽ nào nó không thể cùng ba chia sẻ gánh nặng của gia đình.

***

Rừng đêm đón nó bằng cái vẻ thâm u kỳ bí. Như những người đi rừng khác, cha con nó khởi hành vào lúc giữa đêm để tránh gặp kiểm lâm. Ba lầm lũi đi trước, nó bước theo sau. Càng đi sâu vào rừng đêm, nó càng có cảm giác được bao bọc ôm xiết. Nó đi sâu vào rừng, như đi sâu vào lòng một người bạn từ bao đời thân thiết. Rừng đêm lặng lẽ. Thỉnh thoảng, vài con thú đêm chuyển động trên các tán cây tạo nên những âm thanh xào xạc khuấy động cái tĩnh mịch của rừng đêm.. rồi mọi thứ lại chìm vào trong tĩnh mịch. Cha con nó vẫn bước đi lặng lẽ.

Cánh rừng dài và xa hơn nhiều so với mường tượng của nó. Hồi nhỏ, mỗi lần có dịp lang thang trên đồng cây bụi dưới chân những ngọn đồi trọc sau nhà, nó thường dõi mắt về xa, chiêm ngưỡng cái bao la bát ngát của rừng. Nó mơ một ngày được bay xa, được thực sự sống với cái khoáng đãng bạt ngàn của rừng núi.

Bây giờ, nó đã gặp được giấc mơ của mình. Giữa cảnh tận cùng khánh kiệt của gia đình, nó được rừng xanh dang tay bảo bọc. Như một loài ký sinh tìm được chỗ bám tựa, nó quặp vào rừng xanh mà hút lấy nhựa sống. Nó lớn lên, mỗi ngày một khác.

Bài học đầu rừng xanh dạy cho cha con nó là phải tự sống. Rừng xanh khơi dậy bản năng đấu tranh sinh tồn tiềm tàng trong con người. Để vươn vai thành một chàng trai trẻ lực lưỡng sức vóc, nó học cách chống lại rừng thiêng nước độc. Cánh rừng rậm rịt dần mở toang ra trước mắt nó. Những nhát búa sáng loáng vung lên, những thân cây đổ gục dưới chân nó, những âm thanh chan chát… răng rắc… vang lên, động cả núi rừng.

Rừng xanh cho cha con nó một nhịp sống lặng lẽ, tách biệt với những xô bồ, bon chen, và thăng trầm của cuộc sống bên ngoài. Rừng âm trầm mà rộng lượng. Rừng vĩ đại mà bao dung.

Chiều. Khi cái nắng rực rỡ của một ngày đã dịu lại, khi những cánh chim nhẹ nhàng buông mình nương theo làn gió để tìm về tổ ấm, khi âm thanh trong trẻo của chiếc ống sáo tre vang lên từ đôi tay của ba, nó thấy tâm hồn mình bình yên lạ lùng. Nó lặng lẽ ngồi bên con suối nhỏ, ngắt những cánh hoa rừng thả vào lòng suối. Những cánh hoa bập bềnh theo dòng nước trôi xa. Chỉ còn nó một mình ngồi lại.

…………

Chiều. Khi tiếng còi tàu, thanh âm duy nhất nối liền cha con nó và cuộc sống bên ngoài, rung rúc vang lên, một cảm giác nôn nao lại xâm chiếm tâm hồn nó. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, đoàn tàu nhỏ dài như một đường cong uốn mình vun vút chạy qua, khuấy động cái lặng lẽ của rừng núi. Đoàn tàu từ đâu đến, đi về đâu? Đoàn tàu đã đi qua, núi rừng dường như còn rung lên bần bật. Tiếng còi tàu từ xa lại cất lên, mỗi lúc một nhỏ dần, rồi mất hút phía trời xa, bỏ lại nó một mình ngơ ngẩn…

…………

Chiều. Nó một mình sãi bước trên đống hỗn độn của những tán cây đổ gục bị chặt bỏ. Vài tia nắng xuyên qua khoảng trống của rừng dọi thẳng vào mặt nó. Nó bỗng thấy buồn và cô đơn đến lạ. Nó giật mình tự hỏi mình đã đến với rừng xanh như một người bạn hay như một kẻ tru diệt? Từ ngày vào đây, cha con nó đã không ngừng chặt, đốt. Lò than không ngừng cháy hừng hực, biến cây rừng thành tiền, thành áo, thành cơm gạo nuôi sống cả gia đình nó. Thế nhưng ở những đã đi qua, dường như cha con nó chỉ để lại những khoảng trống, những vết thương, những đống hoang tàn hỗn độn.

………

Chiều. Cha con nó lặng lẽ thu dọn hành trang. Khoác lên vai chiếc ba lô gọn lỏn, nó lặng lẽ theo ba xuống núi.

Chiều. Bầy chim rừng nháo nhác vụt bay về rừng khi nghe có tiếng chân người qua. Nó ngoái đầu nhìn lại. Trên vòm trời xanh thăm thẳm vẫn là dáng núi ngạo nghễ. Nó bỗng giật mình kinh hãi khi nhìn thấy trên sườn núi thẳng tắp xuất hiện một vết trũng oằn sâu vào lòng núi. Đó phải chăng là vết khoét mà cha con nó đã vô tình tạo ra?..

Xin lỗi rừng xanh, cha con nó chỉ là những kẻ đáng thương, những kẻ cùng đường muốn đi tìm sự sống. Rừng xanh đã chẳng tiếc gì với nó, đã vét cạn lòng mình để nó được lớn lên.

Cám ơn rừng xanh đã bảo bọc cưu mang, đã tiếp tục đẩy nó lên đường cho một hành trình mới. Nó quay lưng bước đi, để rừng đêm được khép lại trong cái lặng trầm cô tịch. Chính từ trong cái lặng trầm ấy, nó tin rằng rồi rừng sẽ hồi sinh, và bừng bừng nhựa sống.

Học Viện Dòng Tên, Thủ Đức 30.3.2008

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *