« Ông đã thấy và đã tin » (Ngày 27 tháng 12 năm 2019 – Ngày III trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Lễ kínhThánh Gioan Tông Đồ, Tác Giả sách Tin Mừng)

 

 

« Ông đã thấy và đã tin »

(Ga 20, 2-9)

 

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

 

Mọi người đều chứng kiến Đức Giê-su chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, nhưng không ai được chứng kiến giây phút Ngài sống lại từ cõi chết. Bởi lẽ, đó là phạm vi và quyền năng của một mình Thiên Chúa, giống như khi Ngài sáng tạo trời và đất.

Do đó, mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải là đối tượng khả giác của các giác quan[1]. Không ai được chứng kiến biến cố Phục Sinh, nhưng Ngài để lại cho chúng ta các dấu chỉ.

 

  1. Dấu chỉ « ngôi mộ mở »

Trước hết, đó là ngôi mộ trống. Chúng ta nên gọi là « ngôi mộ mở », vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, không giam hãm được Đức Ki-tô. Trong khi hình ảnh « ngôi mộ trống » nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì « trống » có nghĩa là bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : « Người ta đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » ! Bà nhìn thấy « ngôi mộ mở », nhưng lại nghĩ rằng đó là « ngôi mộ trống ».

Ngoài, trong ngôi mộ mở, còn có dấu chỉ « những băng vải ». Trong thực tế, đó chỉ là chi tiết nhỏ ; nhưng trong cách thuật truyện của thánh Gioan, chi tiết này có một vai trò biểu tượng hàng đầu. Thật vậy, trong một bản văn ngăn, nhưng chi tiết này được nói tới hai lần và lần thứ hai, các băng vải được mô tả rất công phu :

Những băng vải còn ở đó.

(c. 5)

Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi

(c. 6-7)

Nếu là một vụ trộm, thì kẻ hành động không thể nào cẩn thận như thế !

 

  1. « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến »

« Người môn đệ Đức Giê-su thương mến  » đã nhìn thấy những dấu chỉ này và đã tin. Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng so với đức tin lớn lao nơi Đức Ki-tô chiến thắng sự chết và đang sống, thì những dấu chỉ này là quá ít và quá mòng dòn. Vì thế, các dấu chỉ không thể tức khắc và tất yếu mang lại đức tin. Ông Phê-rô và bà Maria Mác-đa-la cũng nhìn thấy các dấu này, nhưng vẫn chưa tin.

Vậy thì điều gì làm cho « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », mà truyền thống Giáo Hội nhận ra là thánh Gioan, đi đến niềm tin, khi nhìn thấy các dấu chỉ ? « Điều bí ẩn » nằm ngay ở trong danh xưng mà thánh nhân tự đặt cho mình, chắc chắn với tâm tình tạ ơn và ca tụng, đó chính là kinh nghiệm thiết thân được Đức Giê-su yêu mến : Đức Giê-su đã yêu mến người môn đệ này, và người môn đệ này cũng yêu mến Đức Giê-su, bằng chứng là người môn đệ vẫn gắn bó với thầy Giê-su, khi ngài chẳng còn là gì, khi hiện diện dưới chân Thập Giá (x. Ga 19, 25-27) ; giống như tình yêu nhưng không của bà Maria Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su. Chính kinh nghiệm tình yêu đối với Chúa, đã làm cho thánh Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh khi nhìn thấy các dấu chỉ (đọc thêm trình thuật Ga 21, 1-14) ; và chắc chắn, cũng chính kinh nghiệm này đã làm cho thánh nhân nhận ra « Hài Nhi bọc tả nằm trong máng cỏ » là Ngôi Lời, « Đấng đã hiện hữu từ lúc khởi đầu, nay trở thành người phàm » trong mầu nhiệm Giáng Sinh (Ga 1, 1 và 14).

 

  1. Dấu chỉ Kinh Thánh

Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Gioan còn nêu ra một dấu chỉ nữa để giúp chúng nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, đó là dấu chỉ Kinh Thánh :

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(c. 9)

Như Thánh Phao-lô tuyên bố long trọng : « Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh » (1Cr 15, 3-4).

Khi nhận ra Đức Ki-tô lúc Người bẻ bánh tại làng Emmau, hai môn đệ nhớ lại : “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu và mầu nhiệm Vượt Qua của Người, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.

Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài.

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng Kinh Thánh là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng: “Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn, là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” (Tv 77, 11). Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc Vượt Qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giê-su cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” hành tình làm người của chúng ta như thế: cuộc đời của chúng ta cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.

*  *  *

Chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm như thánh Gioan : kinh nghiệm bản thân mình cũng là « người môn đệ Đức Giê-su thương mến », để có thể nhận ra sự hiện diện sống động và tiếng gọi của Đức Ki-tô Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể ; và dưới ánh sáng của dấu chỉ Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô sống động qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Vì thế, có lẽ chúng ta không nên làm tượng Chúa Phục Sinh trên thập giá, vì chúng ta nhìn thấy Chúa Chịu chết, như chúng ta vẫn còn nhìn thấy biết bao đau khổ thử thách của loài người, của những người thân yêu và của chính chúng ta, nhưng chúng ta tin nơi quyền năng của Người mạnh hơn sự chết, tin Người đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta và Người sẽ mở đường cho chúng ta đi băng qua sự chết, nghĩa là sẽ làm cho loài người phải chết, những người thân yêu của chúng ta và chính ta cũng sống lại như Người, để ở với Người và ở với nhau. Đức Ki-tô phục sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải của đôi mắt trần. Các trình thuật phục sinh bảy tỏ cho chúng ta chân lí này.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Manna: Chúa Cha lôi kéo (Thứ năm Tuần 3 Phục sinh)

  Lời Chúa: Ga 6, 44-51 Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *