Phúc thật là đây!

hoa phụcNhư một bản tính tự nhiên, ai trong chúng ta cũng mong muốn cho mình và người thân được hưởng nhiều phúc lộc. Ta thường gọi ai đó có phúc khi họ làm ăn phát đạt, gia đình thuận hòa, sức khỏe dồi dào, mọi dự tính trong cuộc sống đều sinh hoa kết quả, trên môi không bao giờ vắng tiếng cười, tinh thần lúc nào cũng lạc quan thoải mái. Ta đi lễ, đọc kinh, khấn vái… rất nhiều khi cũng chỉ muốn Thượng Đế ban cho mình những điều này, và xua tan đi khỏi ta tất cả những gì xấu xa, không may, những tai họa gây đau đớn. Chắc là chẳng có ai đi nhà thờ để xin cho gia đình mình sống trong nghèo khổ! Chắc là cũng không ai bỏ giờ cầu nguyện để xin cho mình chịu nhiều thiệt thòi, bất công, thất bại! Nơi cuộc sống vô cùng phức tạp này, họa và phúc là hai điều cứ mãi khiến ta bận tâm. Làm sao để hưởng nhiều phúc và tránh được họa, có thể nói là nỗ lực không ngừng của mỗi người chúng ta trong hành trình tại thế này.

Thế nhưng, cuộc sống mà chúng ta đang sống cứ hệt như một cuộn dây rối rắm, trắng đen lẫn lộn, cái này quyện vào cái kia, khiến ta chẳng thể nào ý thức và phân biệt rõ ràng: thế nào là phúc, thế nào là họa. Ta được may mắn trúng số độc đắc, lãnh tiền tỷ trong tay có thể là phúc. Nhưng vì số tiền này mà gia đình bắt đầu xảy ra lục đục, vợ hay chồng ngoại tình, con cái ỷ lại không lo học hành và tu chí làm ăn… thì nó có còn là phúc nữa không? Ta được Trời ban cho trí thông minh, học hành xuất sắc, làm được lương cao có thể là phúc. Nhưng bởi vì ta quá giỏi nên ta chẳng xem ai ra gì, không thèm lắng nghe ai khuyên can, chỉ bảo, nhưng chỉ biết la mắng, chửi rủa, sỉ nhục người thấp tài hơn, để rồi chẳng ai dám đến gần ta… phải chăng đây cũng là phúc? Ta khẩn cầu khắp nơi để xin Trời ban cho một đứa con trai sau bao nhiêu năm hiếm muộn. Rốt cuộc, lời nguyện của ta được thỏa đáp. Đó là phúc. Nhưng chính “cậu ấm” này, mười mấy năm sau, do không được dạy dỗ nghiêm túc, đã trở thành nghiệt chủng, bất hiếu với song thân, bất nghĩa với bạn bè, bất nhân với hàng xóm. Ta có còn gọi đây là phúc?

Ngược lại, gia đình ta có thể không có của ăn của để. Những bữa ăn chỉ có cơm trắng, rau xanh và chút nước mắm. Nhưng chưa bao giờ có chuyện chia rẽ nhau giữa bố mẹ và anh chị em. Ngôi nhà lúc nào cũng chan hòa tình thân ái. Cái nghèo kia có còn là họa nữa chăng? Ta có thể không đỗ đạt cao trong những kỳ thi. Nhưng nếu việc này giúp ta khiêm nhường hơn, biết mình nhiều hơn, thì rõ ràng nó cũng là phúc đấy chứ? Ta không có sắc đẹp như người khác, trí thông minh của ta cũng không thuộc hàng cao, cơ may kiếm việc làm tốt với lương cao cứ luôn trốn chạy ta mãi. Nghe có vẻ là họa! Nhưng nhờ những điều này mà ta phải bôn ba khắp nơi, thử sức mình với nhiều môi trường và lĩnh vực. Từ đó, ta có thêm kinh nghiệm và vốn liếng, không những cho cuộc sống của mình, mà còn cho kỹ năng chuyên môn. Bạn gọi đây là họa hay phúc?

Thật khó để có thể phân định cách rõ ràng thế nào là họa, thế nào là phúc trong một tình huống nào đó. Giàu có thể là phúc, cũng có thể là họa. Nghèo có thể là họa, nhưng cũng có thể là phúc. Cũng tương tự như thế đối với thông minh và kém thông minh, tài năng và vô dụng, làm quan hay làm lính. Họa và phúc cứ mãi hòa quyện vào nhau, không sao tách ra được. Nó làm cho ta, ngay cả khi hưởng được điều gì đấy có vẻ là phúc, cũng có chút nơm nớp lo sợ là không biết có cái họa nào đấy đang chực chờ sẵn không. Rõ ràng, những cái bên ngoài, được-mất, hơn-thua… không phải là điều quyết định cho cái được gọi là phúc hay họa. Ngay cả những vật chất cao sang như bạc tiền, đá quý, tài sản… cũng chưa chắc là cái hứa hẹn mang đến điều thiện hảo và bình an mà người ta vẫn mong chờ. Ta không chối bỏ một sự thật rằng khi có nhiều tiền của, đời sống của ta sẽ được đảm bảo hơn. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận một chân lý rằng tiền của có thể là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tàn ác vô cùng. Bất cứ ai bị nó thống trị đều trở nên điên cuồng, bất chấp, có khi đánh mất cả lý trí và nhân tính của mình.

Đức Giêsu, khi đến thế gian này, sống một kiếp nghèo và chấp nhận chịu chết đau thương trên cây thập giá, đã cho chúng ta một tiêu chí khác, giúp chúng ta phân biệt được: đâu là phúc, đâu là họa. Khi giảng dạy cho dân chúng đang lầm than vất vưởng, Ngài gọi họ là những con người có phúc. Chẳng ai gọi người đói khát, bị loại trừ là người có phúc cả. Nhưng nếu những tai ương kia có thể trở thành phúc, ấy là nhờ có sự nâng đỡ của NIỀM TIN. Họ có phúc là bởi vì cái họ có không phải là của ăn và tiền bạc, nhưng là chính CHÚA. Đọc lại các Mối Phúc, ta sẽ thấy lý do Đức Giêsu đưa ra để giải thích vì sao họ có phúc đều có bóng dáng của Thiên Chúa và Nước Thiên Đàng. Người có cả thế giới này mà không có Thiên Chúa, ấy là người gặp họa, chứ không phải có phúc. Người được cả thế giới này tán dương và ca ngợi mà không được Thiên Chúa hài lòng thì chẳng có phúc lành gì ở đây cả. Phần thưởng Thiên Chúa ban sẽ là vô tận và miên viễn. Điều này chẳng phải là phúc phần gấp tỷ tỷ lần những sở hữu cỏn con nhỏ bé của thế gian, vốn sẽ rơi vào hư nát, hay sao? Đối với Đức Giêsu, người có phúc là người có Chúa, người đặt hết niềm tin vào Chúa, chứ không phải sở hữu và có niềm tin vào bất cứ điều gì khác. Có Chúa rồi, ta chẳng cần mong mỏi và chờ đợi điều gì thêm nữa. Trong niềm tin vào Thiên Chúa, ngay cả những gì là họa dưới con mắt người ta (nghèo khó, khóc lóc, bắt bớ…) cũng trở thành phúc muôn đời.

Đức Giêsu đã chỉ cho ta biết con đường và thái độ đưa về cõi phúc. Đó là con đường coi nhẹ mọi sự, buông bỏ mọi sự để chỉ cố gắng tìm và sở hữu một mình Thiên Chúa mà thôi. Đó cũng là thái độ biết đón nhận hết tất cả mọi sự xảy đến trong niềm tin yêu và phó thác. Ta phải luôn nỗ lực và cố gắng hết mình để sở đắc và thụ hưởng những điều tuyệt vời trên trái đất này. Nhưng trong những nỗ lực và cố gắng ấy, phải có một ý hướng chân thực và ngay lành hướng về Chúa là Đấng Tối Cao, ý thức rằng chỉ nơi Người, ta mới có được hạnh phúc trọn vẹn nhất. Giả như hoàn cảnh cuộc sống cứ luôn đọa đày ta, những điều may mắn vẫn quay lưng với ta, thì ta cũng không nên oán trách đời, nhưng biết dùng con mắt đức tin mà thánh hóa tất cả những thập giá ấy. Vinh quang của Đức Giêsu tỏa ra từ chính cây thánh giá mà Ngài đã ghim mình vào. Vinh quang và hạnh phúc của chúng ta cũng sẽ phát sáng ra, nếu ta biết kết hiệp cùng Ngài trong mọi hoàn cảnh và trên mọi chặng đường chông gai của cuộc sống.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *