Sài Gòn và những gì còn lại…

Mấy hôm nay, cứ chiều tối là trời Sài Gòn mưa rất to nhưng không xóa được nỗi buồn và sự lo lắng bao trùm của hơn 5000 ca F0 mới và gần 200 ca tử vong mỗi ngày. Nếu như chỉ nửa năm trước, nhiều người bảo còn lâu dịch mới tới xóm mình thì nay Covid-19 đã len lỏi vào hầu như mọi ngõ ngách của thành phố. Con virus nhỏ bé không chỉ lững thững đi qua những ngõ hẻm chật chội nhưng còn lạnh lùng gõ cửa nhiều gia đình, nhiều thế hệ.

Gần bốn tháng nay, Sài Gòn ốm nặng. Tất cả những con đường, hôm nay vẫn sáng đèn, nhưng vắng lặng đến lạ lẫm vì thưa bóng người và vắng xe cộ. Giữa những cơn mưa chiều ồn ào nhưng chóng tạnh, nhiều “đặc sản” của Sài Gòn cũng tạm biến mất. Không còn âm thanh ầm ĩ phát ra từ chiếc loa kéo mỗi tối, không còn cảnh kẹt xe từ ngõ nhỏ ra phố lớn, không còn tiếng còi xe inh ỏi mỗi sáng,… Không còn cảnh đám đông chen lấn nhau trong vườn thú, trung tâm thương mại hay phố đi bộ… Những ngày này, người ta “thèm” cái cảnh kẹt xe giờ tan tầm khiến nhiều người xưa nay ngán ngẩm, “thèm” nghe tiếng chó sủa hay tiếng người nói to đầu đường. Chắc chẳng ai nghĩ được điều làm mình bực dọc thường ngày lại trở thành điều mình mong mỏi quay trở lại. Những điều đó, lúc trước có thể làm mình bực dọc, nhưng giờ đây, mang trong mình một sức mạnh mà lâu nay mình chẳng hề nhận ra: đó là những điều rất bình thường, vì xét cho cùng, loài người là loài sống cộng đồng, sống cần nhau.

Gần bốn tháng Sài Gòn áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, nhiều lao động ngoại tỉnh đã kịp rời thành phố về quê, nhiều chuyến bay “giải cứu” đưa người về các tỉnh miền Trung hay ngoài Bắc, sau nhiều tháng chật vật với cuộc sống mưu sinh… Nhưng vẫn còn rất nhiều người đã bao năm nay bám trụ giữa thành phố này và đã coi đây là “nhà”. Họ là những người đã khó khăn trước đây, do giãn cách xã hội càng khó khăn; những người vốn có cuộc sống cơ bản, do dịch bệnh kéo dài, mất việc làm, giảm thu nhập, cũng thành người khó khăn. Họ lẩn khuất sau những hàng cây, những trạm xe buýt, những gầm cầu, những xóm trọ ven con kênh đục… và, họ đói, họ bị bỏ quên. Vậy nên, nhiều sáng kiến như ATM gạo, ATM oxy, “siêu thị 0 đồng”,… đã được thực hiện; nhiều người vẫn xuống đường, bằng cách này hay cách khác, để tiếp tục chăm sóc cho những cảnh đời mỏi mệt, thiếu đói đến cùng cực dù dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm. Để có cuộc sống bình yên, chúng ta sẽ không thể né tránh những hi sinh cần thiết. Giữa thời khắc đau thương, điều cần trao cho nhau không chỉ là bánh mỳ, là nước uống mà hơn cả là tình yêu thương của con người. Người ta không nhất thiết phải quen biết thì mới quan tâm, mới tốt với nhau. Là đồng loại, là đồng bào… là đủ để thương nhau không cần điều kiện, nhất là giữa những ngày khó khăn đi vào lịch sử này.

Sài Gòn mùa này, con virus nhỏ bé đã len sâu vào trong cộng đồng khiến số ca F0 ngày một tăng cao. Có những người tự mình chiến đấu và cùng chiến đấu với những người thân yêu nhất để mạnh mẽ và vững vàng hơn qua từng ngày từng giờ; có những người may mắn an ổn trở về nhà sau những ngày nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến; và… có những người đã sống những ngày cuối cùng trong sự lo lắng, sợ sệt và cô đơn để rồi khi trở về gia đình chỉ còn là một hũ tro nhỏ bé. Dạo gần đây, người ta khóc nhiều lắm. Khóc cho những khắc khoải, khóc cho những lo toan, và đau đớn nhất là khóc cho những mất mát, ly biệt. Đừng trách hờn cho những ngày này không thể gặp mặt; vì có những người, đã không thể từ mà biệt mãi nghìn thu. Đừng đoạn tuyệt nhau vì đôi ba câu tranh luận; vì biết đâu chừng, một kí gạo cứu đói cả nhà hôm nay, là của họ mang sang. Đừng dỗi hờn mẹ cha, than trách người thân nữa; vì có những đứa trẻ, trong trận dịch này, chưa kịp hiểu đời, đã thành trẻ mồ côi. Cũng xin đừng mắng chửi, đừng rủa nguyền người đưa bạn đi cách ly chữa bệnh; vì hôm qua đấy, có người nhà họ mắc bệnh qua đời, mà chẳng thể về chịu tang…

Sài Gòn bao người đã mệt mỏi sau nhiều tháng “ai ở đâu ở yên đó”. Sài Gòn như đứa trẻ đang chập chững tập đi những bước đầu tiên của nhịp sống “bình thường mới.” Đại dịch Covid đã thay đổi nhiều thói quen thường ngày của con người, nhiều lối sinh hoạt của cộng đồng. Đây không phải là khoảng thời gian mọi người mong muốn trong cuộc đời, nhưng chắc chắn rằng khoảng thời gian này vẫn đáng nhớ vì nó nhắc nhở tôi về điều tôi thật sự cần trân quý và giúp tôi thấu hiểu hơn về vô thường. Tôi nghĩ về những điều mình đang có thay vì những điều mình có thể không còn hay chưa từng có. Tôi tập trung vào hơi thở, vì hơi thở mang lại sự sống cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ước mong sao, Sài Gòn sớm vượt qua cơn bạo bệnh này. Và cũng nguyện mong một sớm mai trở về, Sài Gòn tiếp tục vươn lên với những con người đã kiên cường dìu nhau qua cơn dịch bệnh, đã dùng chính cuộc đời mình để thực hành tình yêu thương và nỗ lực sống tử tế một “đời sống mới” với một trái tim lương thiện.

Hải Âu

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *