Suy tư Tin mừng CN3 PSA: Bài Học Trên Đường Em-mau

 

Khi gặp gỡ các bạn trẻ đang yêu, ta có thể nhận ra sự tươi mới và ấm áp trong lòng họ. Khi sống trong tình yêu, những người ấy tỏa ra một năng lượng sống tích cực, mà người xung quanh có thể cảm nhận được. Niềm vui và hạnh phúc trong lòng họ, chiếu tỏa rạng rỡ trên cả khuôn mặt. Còn với những bạn đang phải đối diện với mối tình tan vỡ, họ thấy cả bầu trời như tối sầm lại. Con tim trở nên chai cứng và đôi mắt chỉ hướng về những điều tiêu cực.

Dẫu biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng! Nhưng làm thế nào, đừng để cho nỗi buồn che mờ và đánh cắp mất niềm hy vọng trong lòng chúng ta?

Sau cái chết tức tưởi của Thầy Giê-su, các môn đệ đóng kín cửa lòng và sống trong thất vọng. Bao kỳ vọng nơi Thầy kính yêu, nay trở thành nỗi thất vọng cay đắng. Họ thấy mình, như những kẻ bại trận. Lời mời gọi „hãy theo Thầy” ngày nào với bao ước mơ đẹp, nay chỉ còn lại sự thật phũ phàng, đầy bế tắc và hụt hẫng. Họ muốn bỏ cuộc, và trở về với nhịp sống thường ngày trước đây. Nhưng Đức Giê-su Phục Sinh không bao giờ bỏ rơi các môn đệ của mình.

Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh,[1] chúng ta đọc câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau. Cuộc hành trình đặc biệt ấy, được thánh sử Lu-ca thuật lại một cách sống động và ẩn chứa nhiều biểu tượng sâu sắc. Độc giả được dẫn vào câu chuyện một cách khéo léo. Con đường từ Giê-ru-sa-lem đến làng Em-mau chừng mười một cây số. Đi bộ mất khoảng hai giờ. Một khoảng thời gian đủ để trò chuyện một cách nghiêm túc. Chúng ta bước vào câu chuyện, theo cái nhìn của Đức Giê-su, như một người „khách lạ” đến đồng hành với hai môn đệ. Trên con đường ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy sự biến đổi nội tâm của hai môn đệ: Họ đi từ thất vọng ngậm ngùi, cho đến lòng mừng rỡ hân hoan.

Trước đây, các môn đệ kỳ vọng và hãnh diện vì được đi theo Thầy Giê-su. Một người giảng dạy có uy quyền và làm nhiều phép lạ. Họ nghĩ Ngài là Đấng Mê-si-a sẽ cứu dân Is-ra-el khỏi sự đàn áp của quân La-mã. Nhưng cái chết tức tưởi của Ngài trên thập giá đã đánh tan bao kỳ vọng của họ. Sự ra đi của Đức Giê-su để lại trong lòng các môn đệ một sự trống rỗng mênh mang, và thất vọng ê chề. Biến cố đau thương ấy đẩy họ vào sự hoài nghi và ngờ vực tột cùng. Đến nỗi, những tin đồn về sự phục sinh của Ngài, chỉ khiến họ thêm bối rối. Họ không thể tin, và không muốn bị lừa thêm một lần nữa!

Cho nên, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do tại sao những lần hiện ra của Đức Ki-tô Phục Sinh với các môn đệ, hầu hết họ không nhận ra Ngài. Đâu có phải vì thân xác phục sinh của Ngài đã thay đổi hình dạng, khiến họ không nhận ra! Nhưng là do mắt của họ đang bị che khuất, đang bị mờ đi, vì nỗi buồn quá lớn về sự ra đi của Thầy Giê-su. Khi lòng rối bời, họ không nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh đang đi bên cạnh!

Đức Giê-su kiên nhẫn giải thích cho họ tất cả những điều trong Kinh Thánh liên quan đến Ngài: Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Khi hiểu, con tim họ vui trở lại. Cuối cùng, mắt họ được mở ra khi Ngài bẻ bánh, và họ nhận ra Thầy Giê-su đang ở với mình.

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau cho thấy rõ sự kết nối giữa hiểutin. Hai môn đệ biết những gì đã xảy ra với Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, nghe lời giải thích về các sự kiện ấy, và lòng các ông đã bừng cháy nên, nhưng mãi về sau này, các ông mới nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su. Như thế, hai môn đệ được dẫn đi một hành trình lớn lên trong đức tin và sống làm chứng cho điều mình tin. Sự hiểu biết giúp cho lòng tin thêm vững vàng và việc tham dự vào hồng ân bẻ bánh, mắt họ được mở ra, họ nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô Phục Sinh; và họ bắt đầu sống cuộc đời chứng nhân.

Có thể tóm kết, câu chuyện Em-mau là „tiên báo” về việc cử hành thánh lễ, cũng như tất cả các nghi thức phụng vụ khác trong Giáo hội. Đời sống đức tin của người ki-tô hữu cần được nuôi dưỡng từ Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi: không ngừng học hỏi những điều liên quan đến đời sống đức tin.

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau là câu chuyện hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Trong đời sống đức tin, ai cũng có những bối rối và phải đấu tranh với nghi ngờ trong lòng mình. Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau mời gọi mỗi chúng ta: hãy rút ra bài học thiêng liêng cho riêng mình về cách thăng tiến trong đời sống đức tin, và xây dựng mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Hai môn đệ đã suy ngẫm Lời Chúa để hiểu, để tin và được mở mắt. Mỗi người chúng ta cũng cần lặp đi lặp lại hành trình này bằng cách: dành thời gian suy ngẫm Lời Chúa, học lắng nghe tiếng Chúa, và để cho Lời Chúa biến đổi đời sống chúng ta.

Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Ngài đã hiện ra để củng cố sự hiểu biết và tăng thêm niềm tin cho các môn đệ. Xin giúp chúng con mỗi ngày hiểu biết về Chúa hơn. Nhất là sự hiểu biết về mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh, để hồng ân sự sống mới bừng cháy trong tâm hồn và sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống mỗi người chúng con. Amen.

Lm. Giu-se Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật III mùa Phục Sinh Năm A: Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,13-35).

Kiểm tra tương tự

Lời tuyên xưng tự đáy lòng – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Chưa bao giờ Thầy Giêsu cảm thấy vui mừng và tự hào như giây phút …

NÊN MỘT VỚI VỢ MÌNH

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …