Tại sao một số người Công giáo lại chống đối Đức thánh cha Phanxicô?

Đức thánh cha Phanxicô chào đám đông trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 11. 9. 2019. (CNS photo/Remo Casilli, Reuters)

Tác giả: Victor Codina, S.J.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

 

Chẳng có gì ngạc nhiên hay bất thường khi chứng kiến sự bất hoà hay chống đối trong Giáo hội Công giáo. Sự bất đồng như vậy kéo dài từ ngày nay ngược trở về thời của thánh Phaolô, người đã đứng lên phản đối vị  tông đồ Kê-pha tại Antiôkia (Gl 2,14).

Sự chống đối biểu hiện ngay từ những công đồng chung đầu tiên cũng như hai công đồng gần đây nhất. Vào Công đồng chung Vaticano I (1870) một nhóm các giám mục và thần học gia đã chống lại sự minh định được đề xuất về tính vô ngộ của Đức giáo hoàng. Một số vị đã không chấp nhận công đồng và tách khỏi Rôma, lập nên một cái gọi là Giáo hội Công giáo Cổ. Những người khác đã không rời khỏi Giáo hội nhưng chọn không tham gia vào hoặc dự phần trong việc bầu phiếu cuối cùng của bản văn về tính vô ngộ – và một số trong đó đã giận dữ đến nỗi họ ném tất cả những tài liệu do Công đồng ban bố xuống sông Tiber.

Một thế kỷ sau (năm 1970), vấn đề về tính vô ngộ lại được gợi lên, với những cuộc tranh luận thần học giữa vị lên tiếng chỉ trích là Hans Küng và những vị như Karl Rahner, S.J,. Walter Kasper và những Thần học gia Đức khác trung lập hơn. Cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra giữa những sử gia chỉ trích công đồng Vaticanô I, như môn đệ của Küng là A. B. Hasler và những vị sử gia dung hoà hơn như Yves Congar, O.P, Joseph Hoffmann và Kasper. Küng đã bị tước quyền giảng dạy thần học vào năm 1979.

Vào năm 1950, trong suốt triều đại của đức Piô XII, khi Đức giáo hoàng công bố thông điệp “Humani Generis” chống lại cái gọi là nouvelle théologie, một số thần học gia Dòng Tên từ Fourviere-Lyon (như Henri de Lubac, S.J., and Jean Daniélou, S.J.) và một vài thần học gia dòng Đa minh từ Le Saulchoir-Paris (như Yves Congar, O.P., and Marie-Dominique Chenu, O.P.) đã bị loại ra khỏi ghế giáo sư của mình. Một thập kỷ sau, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã bổ nhiệm tất cả các vị ấy là những chuyên viên thần học ở công đồng Vaticanô II.

Có sự chống đối mạnh mẽ nảy sinh từ đó, dẫn đầu là vị giám mục người Pháp Marcel Lefebvre vốn không chấp nhận và coi Công đồng Vaticanô II như là những người theo chủ nghĩa tân-hiện đại và tân-thệ phản. Khi giám mục Lefebvre bắt đầu tấn phong các giám mục cho Hiệp hội thánh Piô X của ngài vào năm 1988 mà không được sự cho phép của Rôma, vị này bị đức Gioan Phaolô II ra vạ tuyệt thông.

Sau khi ban hành thông điệp “Humanae Vitae,” vào năm 1968 nói về kiểm soát sinh sản, Đức Phaolô VI đã chịu thách đố bởi nhiều hội đồng giám mục. Không có phủ nhận giá trị về những nội dung của thông điệp, họ kêu gọi một sự nghiên cứu tỉ mỉ hơn và thẩm định về những vấn đề chắc chắn.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, hơn 100 thần học gia bị đặt vấn đề, chịu khiển trách hay bị cấm lên tiếng (do Bộ Giáo Lý Đức Tin). Một số vị bị sa thải khỏi chức giáo sư đại học, thậm chí một vị còn bị phạt vạ tuyệt thông.

Mục đích của dẫn nhập mang tính lịch sử này cho thấy chẳng hề ngạc nhiên khi ngày nay, trong sự đối mặt với hình ảnh mới về Giáo hội được Đức thánh cha Phanxicô đưa ra, có những tiếng nói bất đồng và chỉ trích vốn mạnh mẽ chống lại vị trí giáo chủ của ngài.

Gẫm về những dòng chuyển động thăng trầm trong suốt các giai đoạn, chúng ta có thể thấy rằng, kiểu loại và xu hướng chống đối phản ánh bản chất của khoảnh khắc lịch sử. Có những tiếng nói tiến bộ và mang tính tiên tri trong những thời kỳ khi Kitô giáo cổ điển hay tân-Kitô giáo chiếm ưu thế, và những người phản động, duy truyền thống và những tiếng nói bảo thủ trong những giai đoạn Giáo hội cần canh tân và nỗ lực để quay trở về những nguồn cội Phúc âm, với lối sống của Đức Giêsu.

Những lời phê bình Đức Phanxicô

Lúc này, có một nhóm người mạnh mẽ chống lại Giáo hội của Đức Phanxicô: giáo dân, các thần học gia, các linh mục và những vị hồng y, những người muốn ngài từ chức hay mau chóng biến mất khỏi nghị trường trong khi họ chờ một mật viện để thay đổi chiều hướng hiện nay của Giáo hội.

Tôi không muốn đưa tới một cuộc khảo cứu về xã hội-lịch sử ở đây, cũng không phải là một chương trình truyền hình theo phong cách-Tây phương tạo nên sân chơi để điều tốt chống lại điều xấu, nên tôi không muốn nêu ra tên của những người chống đối vốn đang chỉ trích Đức Phanxicô mạnh mẽ. Hơn thế, tôi muốn bàn về nền tảng thần học để thấy sự chống đối mang tính hệ thống đối với Đức Phanxicô cần hiểu thế nào và cuộc tranh luận này rốt cuộc là về điều gì.

Những phê bình về  Đức Phanxicô có hai chiều kích, một là thần học và nhiều hơn là chính trị-xã hội, mặc dù (như chúng ta sẽ thấy sau) cũng có những trường hợp mà cả hai khía cạnh này hội tụ với nhau.

Phê bình về thần học

Phê bình thần học bắt đầu từ xác tín rằng, Đức Phanxicô không phải là một thần học gia, nhưng là người đến từ Thế giới thứ ba, tận cùng của Thế giới; và tin rằng, tương phản hoàn toàn với tính hàn lâm nổi bật nơi vị thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II và đặc biệt là ĐGH Biển Đức XVI, việc thiếu tính cách thần học chuyên nghiệp này giải thích những gì họ suy xét các điểm thiếu chính xác và thậm chí những sai lầm về giáo thuyết của ngài.

Theo đánh giá này, sự thiếu hổng của Đức Phanxicô về thần học đã lý giải những luận điểm nguy hiểm của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong tông sắc “Misericordiae Vultus,” (Tông sắc năm 2015 của ngài), khuynh hướng cộng sản  của ngài trong ủng hộ người nghèo và những phong trào quần chúng, và ý niệm về đạo đức bình dân của ngài như là một điểm thần học trong “Evangelii Gaudum” (Thông điệp năm 2013 của ngài). Sự thiếu hụt trong thần học luân lý được thể hiện trong việc mở cánh cửa cho những bí tích về hòa giải và Thánh thể trong một số trường hợp (sau phân định cá nhân và cộng đoàn) đối với những người Công giáo bị tách khỏi Giáo hội, những người đã từng kết hôn, theo “Amoris Laetitia. (tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục năm 2016 của ngài). Thông điệp Laudato Sì, bàn về chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, cho thấy thiếu đi lối diễn đạt mang tính khoa học và môi sinh. Sự nhấn mạnh thái quá về lòng thương xót của Thiên Chúa trong “Misericodiae Vultus” cũng tạo nên sự bối rối vì nó làm giảm đi ân sủng và thập giá của Đức Giêsu.

Khi đối diện với những kết án này, tôi muốn trở lại với một khẳng định kinh điển của thánh Tôma Aquinô vốn phân biệt giữa vị trí thầy dạy, thích hợp hơn với những thần học gia và giáo sư của các trường đại học, và vai trò mục tử quy về các giám mục và những mục tử của Giáo hội. Đức hồng y John Henry Newman nhắc lại truyền thống này khi khẳng định, mặc dù đôi khi có sự căng thẳng giữa hai vai trò này, nhưng xét cho cùng thì có sự hội tụ giữa chúng.

Sự phân biệt này áp dụng với Đức Phanxicô. Mặc dù ngài đã nghiên cứu và giảng dạy thần học mục vụ ở San Miguel de Buenos Aires trong tư cách là Jorge Mario Bergoglio, S.J., giờ đây những tuyên bố của ngài lại thuộc vai trò mục tử của vị giám mục Rôma. Ngài không mong hoàn thành vai trò này như một thần học gia nhưng là một vị mục tử. Như từng nói về ngài với một chút nào đó hài hước, thật cần thiết để chuyển dịch từ vị Bergoglio của lịch sử tới Đức Phanxicô của đức tin.

Điều thực sự khiến cho những người nói xấu ngài khó chịu ấy là thần học của ngài phát xuất từ thực tế: từ thực trạng về sự bất công, nghèo đói và huỷ hoại thiên nhiên, và từ thực trạng của chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Sẽ chẳng vấn đề gì khi ngài ôm trẻ em và người đau bệnh, nhưng lại hoàn toàn đáng ngại khi ngài thăm Lampedusa, những trại tị nạn và di dân như một người trong ở Lesbos. Ngài khiến người ta phiền lòng khi nói rằng, chúng ta không nên xây những bức tường chống lại những người tị nạn, nhưng bắc những nhịp cầu đối thoại và lòng hiếu khách. Ngài cũng đang làm trái ý họ khi theo chân Đức Gioan XXIII, phát biểu rằng Giáo hội phải nên nghèo và hiện hữu vì người nghèo, những mục tử phải mang mùi chiên, phải là một Giáo hội đi ra để vươn tới những vùng ngoại biên và người nghèo là một quỹ tích, một chủ đề hay nguồn của thần học.

Ngài làm phật lòng người ta khi nói rằng, chủ nghĩa giáo sĩ trị là căn bệnh phong cùi của Giáo hội và khi ngài liệt kê 14 cám dỗ của Văn phòng trung ương Vatican, vốn đứng trong tâm thức mình là người không thể thiếu và là cần thiết cho việc nài xin sự giàu có để sống một cuộc sống hai mặt và đau khổ từ triệu chứng Alzheimer của tinh thần. Ngài làm tăng thêm sự bực tức khi thêm vào, những điều này cũng là cám dỗ của các giáo phận, các giáo xứ và những cộng đoàn tu trì. Thật phiền lòng khi nghe rằng, Giáo hội nên được hiểu như là một Kim tự tháp lộn ngược, với người giáo dân ở bậc trên và giáo hoàng, các giám mục ở bậc dưới. Cũng làm cho người ta chướng tai khi nghe ngài nói rằng, Giáo hội phải mang tính đa diện và trên hết là tính hiệp đoàn. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta cần đi cùng trên một con đường với nhau, chúng ta phải lắng nghe và đối thoại với nhau. Ngài cũng làm phật lòng người ta khi trong “Episcopalis Communio” (tông hiến được công bố năm 2018), ngài nói về Giáo hội hiệp đoàn và thật cần thiết để lắng nghe người khác.

Đức Phanxicô cũng khiến một số nhóm khó chịu khi từng gửi lời cảm ơn tới Gustavo Gutiérrez, O.P., Leonardo Boff, Jon Sobrino, S.J., và José María Castillo, S.J., vì những đóng góp về thần học của họ và đã bãi bỏ những đình chỉ một divinis của Miguel d’Escoto, M.M., và cha Ernesto Cardenal; họ đã bị bối rối khi Hans Küng đã viết cho ngài về sự cần thiết để tái suy tư về tính vô ngộ, Đức Phanxicô đã trả lời bằng cách gọi Küng “bạn quý mến” (lieber Mitbruder), ngài đưa những lời nhận xét của Küng vào suy xét nghiêm túc và sẵn sàng để đi vào một cuộc đối thoại về tính vô ngộ. Ngài cũng làm nhiều người băn khoăn khi phong thánh cho Óscar Rômaro, vị tổng giám mục người Salvador, bị nhiều người dán nhãn là một người cộng sản và một kẻ lừa bịp thành thạo của cánh tả.

Ngài cũng khiến người ta chướng tai khi nói “tôi là ai mà có quyền phán xét?” và cho rằng, Giáo hội là thuộc về người nữ, vậy nếu người nữ không được lắng nghe, thì Giáo hội sẽ bị bần cùng hoá và chệch hướng.

Dẫn chứng của Đức Phanxicô về lòng thương xót, một lòng thương xót vốn ở trung tâm của mạc khải Thánh kinh, không ngăn cản ngài nói về sự không khoan nhượng với nạn lạm dụng những người yếu thế và phụ nữ gây nên bởi những thành viên quan trọng của Giáo hội, một tội ác ghê gớm về điều mà người ta phải nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa và những nạn nhân, nhận ra sự im lặng hèn nhát và tội lỗi của phẩm trật, tìm những phương án chuộc lỗi, bảo vệ người trẻ và trẻ em, và tránh một sự lặp lại của những vụ lạm dụng. Ngài không run tay khi giáng cấp và loại bỏ người phạm tội lỗi trong những vị trí của họ, dù họ là một hồng y, đại sứ, giám mục hay linh mục đi chăng nữa.

Rõ ràng, vấn đề không phải ở chỗ ngài không phải là một thần học gia, nhưng đúng hơn, thần học của ngài mang tính mục vụ. Đức Phanxicô chuyển từ giáo điều sang lời rao giảng, từ những nguyên lý mang tính lý thuyết tới phân định mục vụ và nhiệm huấn (mystagogy). Thần học của ngài không mang tính thực dân nhưng từ Thế giới thứ ba, và điều này khiến cho những nước phát triển phiền lòng.

Những phê bình về chính trị-xã hội

Đáp lại những người cáo buộc Đức Phanxicô là người thuộc thế giới thứ ba và là một người cộng sản, chúng ta cần khẳng định rằng, các sứ điệp của ngài hoàn toàn nằm trong tính liên tục với truyền thống ngôn sứ và Thánh kinh cũng như các giáo huấn xã hội của Giáo hội. Những điều đụng chạm tới họ là một lối nhìn thấu tỏ mang tính ngôn sứ của ngài: ngài nói không với một nền kinh tế của sự loại trừ và bất bình đẳng; nói không với một kinh tế lấp liếm; nói không với một nền kinh tế phi nhân; nói không với một hệ thống kinh tế và xã hội bất công vốn khoá chặt chúng ta vào những cấu trúc xã hội phi lý; nói không với tính toàn cầu hoá của thái độ dửng dưng; nói không với sự sùng bái tiền của; nói không với tiền bạc mang tính thống trị hơn là phục vụ; nói không với một sự bất công gây nên bạo lực; nói không với bất cứ ai cố gắng nại tới Thiên Chúa che đậy động cơ đằng sau để biện minh cho bạo lực; nói không với sự vô cảm của xã hội làm chúng ta tê bại khi đứng trước những nỗi khổ đau của người khác; nói không với vũ khí và công nghiệp chiến tranh; nói không với nạn buôn người; nói không với bất cứ hình thức nào gây nên sự chết (như được tìm thấy trong “Evangelii Gaudium,” 52-75)

Đức Phanxicô không làm gì khác hơn là hiện tại hoá điều răn “chớ giết người,” bảo vệ giá trị đời sống con người từ đầu tới cuối và lặp lại câu hỏi của Đức Chúa với Cain cho thế hệ hôm nay: “em ngươi đâu rồi?”

Cũng thế, Đức Phanxicô đụng chạm tới họ khi ngài phê bình luận thuyết duy nhân (anthropocentric) và chế độ kỹ trị (technocratic) tàn phá tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, huỷ hoại sự đa dạng sinh học và loại trừ người nghèo và dân bản địa ra khỏi một cuộc sống đúng với phẩm giá làm người (x. Laudato Si, 20-52). Ngài còn làm cho những công ty đa quốc gia phiền lòng khi chỉ trích những công ty khai thác gỗ, dầu, thuỷ điện và khai thác mỏ vốn tàn phá môi trường, làm tổn hại tới người dân bản địa thuộc những vùng đất ấy và đe doạ tới tương lai ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài cũng khiến họ khó chịu khi chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị không thể đưa ra những quyết định can đảm (Laudato Si’, 53-59).

Việc loan báo Thượng hội đồng về vùng Amazon sắp tới vào tháng 10 năm 2019, mà sẽ bàn rộng rãi về tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường và cứu những nhóm dân vùng Amazon khỏi nạn diệt chung, đã đang bắt đầu khiến nhiều người bực mình. Một số vị lãnh đạo quan trọng trong Giáo hội từng phát biểu, văn kiện nghị bàn (instrumentumlaboris) hay tài liệu làm việc của Thượng hội đồng là dị giáo và phiếm thần, từ chối sự cần thiết ơn cứu độ trong Đức Kitô.

Những nhà bình luận khác thì chỉ tập trung vào đề nghị việc phong chức cho người đàn ông bản địa đã lập gia đình để cử hành Thánh Thể trong những vùng xa xôi ở Amazon nhưng lại hoàn toàn câm lặng về việc tài liệu làm việc Thượng hội đồng này có tính ngôn sứ tố giác và chống lại sự tàn phá của những kẻ bòn rút vốn là những thủ phạm gây hại trong vùng Amazon; bàn tới vấn đề về nghèo đói và chịu loại trừ của những người dân bản địa, những người chắc chắn chưa bao giờ bị đe doạ nghiêm trọng như ngày hôm nay.

Việc canh tân Giáo hội

Không thể nghi ngờ rằng, một sự hội tụ giữa những phê bình mang tính thần học và xã hội của Đức Phanxicô, với những nhóm phản động trong Giáo hội đang tự sắp xếp chính họ cùng hàng với những nhóm có kinh tế và chính trị hùng mạnh, đặc biệt là những nước phát triển.

Sự chống đối Đức Phanxicô là sự chống lại Công đồng Vaticano 2 và chống lại cuộc canh tân Tin mừng của Giáo hội mà Đức thánh cha Gioan XXIII muốn thúc đẩy. Đức Phanxicô thuộc vào hàng của tất cả những ngôn sứ mà từng muốn canh tân Giáo hội, cùng với các thánh Francis of Assisi, Ignatius of Loyola, Catherine of Siena và Teresa of Jesus, Angelo Roncalli, Dom Hélder Câmara, Dorothy Stang, Pedro Arrupe, Ignacio Ellacuría và vị nguyên giám mục ngoài 90 tuổi người Brazin Pedro Casaldáliga.

Đức Phanxicô có nhiều việc phải làm cho một cuộc canh tân Phúc âm hoá của Giáo hội. Chúng ta không biết quỹ đạo tương lai của ngài sẽ là gì, cũng không thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong mật nghị tiếp theo.

Các vị Giáo hoàng đến và ra đi, nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện và làm cho Giáo hội sống động cho tới thời sau cùng. Cũng giống như Đức Giêsu, Người đã được xem như là một người ăn và uống, một người bạn của những kẻ tội lỗi và những phụ nữ bán dâm, những người bị quỷ ám, người điên dại, người nổi loạn và báng bổ. Chúng ta tin rằng, Thần Khí của Thiên Chúa đã ngự xuống trên Giáo hội sơ khai trong ngày lễ Ngũ tuần cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi Giáo hội và sẽ không cho phép tội lỗi chiến thắng sự thánh thiện chung cục.

Trong khi ấy, như Đức Phanxicô luôn thỉnh cầu từ lần xuất hiện đầu tiên trên ban công của Đền thờ thánh Phêrô trong vai trò là vị giám mục Rôma cho tới lúc này, chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa cho ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện để ngài không mất đi niềm hy vọng và ngài có thể củng cố đức tin cho anh chị em của ngài (x. Lc 22,32). Nếu chúng ta không thể cầu nguyện hay không phải là những tín hữu, ít nhất chúng ta hãy gửi tới ngài những mối quan tâm tốt lành và sự hoạt động tích cực của chúng ta (theo lời của ngài, “me mande buena onda”).

Victor Codina, S.J. là một linh mục dòng tên và là giáo sư thần học ở Barcelona và Đại học Công giáo Bolivia, nơi ngài làm việc tính tới giữa 2018 là 36 năm. Bản gốc bài luận này là tiếng Tây ban nha, được John Coughlin chuyển ngữ sang tiếng Anh.

 

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *