Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

1

VATICAN. Sau ba tuần làm việc khẩn trương, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã kết thúc với thánh lễ lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Tất cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay đều trình bày cho chúng ta thấy lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, đó là một tình yêu thương phụ tử, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu.

Giữa những thảm họa mà đất nước đang gặp phải và khi dân tộc đang chịu cảnh lưu đầy, tiên tri Giê-rê-mi-a đã loan báo rằng: ‘Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en!’ Nhưng tại sao Thiên Chúa lại cứu họ? Tại vì Ngài là Cha của họ, một người Cha nhân từ. Thật vậy, là một người cha nên Thiên Chúa chăm sóc con cái mình, đồng hành với chúng trong suốt cuộc hành trình và quy tụ tất cả, kể cả ‘những kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ, những ai đang vất vả lao tác’ (Gr 31, 8). Tình yêu thương phụ tử của Thiên Chúa mở ra cho dân tộc Ít-ra-en một con đường trước mặt, một con đường của sự an ủi sau bao nhiêu nước mắt tuôn rơi vì buồn khổ, nhục nhã và thất vọng. Nếu dân chúng vẫn một lòng tín trung và kiên trì kiếm tìm Thiên Chúa ngay cả khi lưu lạc trên đất khách; Thiên Chúa sẽ giải phóng họ khỏi tù tội mà dẫn vào vùng trời tự do, sẽ tước bỏ sự cô độc mà trao ban sự hiệp thông chia sẻ : ‘Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng’  (Tv 125:6).

Trong phần Đáp Ca, chúng ta cũng đã cùng nhau diễn tả niềm vui. Niềm vui đó chính là hoa trái của ơn cứu độ nơi Thiên Chúa: ‘Vang vang ngoài miệng cầu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng’ (Tv 125, 2). Người tin chính là người đã được kinh nghiệm về sự xót thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Chắc chắn, chúng ta cũng đã kinh nghiệm được điều mà thánh vịnh gia miêu tả: Khi gieo vãi vô cùng khó khăn và chan đầy nước mắt, nhưng sau đó lại hớn vở vui mừng vì nhận lãnh được ân sủng của một mùa gặt dồi dào, một mùa gặt vượt ra ngoài khả năng và sức lực của chúng ta.

Bài trích thư gởi tín hữu Do Thái trình bày cho chúng ta về lòng thương xót của Đức Giêsu. Vị thương tế có khả năng cảm thương cho những người ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối. Còn Đức Giêsu, tuy là vị Thượng Tế siêu phàm, thánh thiện và vô tội, nhưng Ngài không phải là không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng giống như ta, nhưng không phạm tội. Chính vì vậy, Ngài là trung gian hòa giải của Giao Ước mới và ban tặng cho chúng ta hồng ân cứu độ.

Bài Tin Mừng ngày hôm nay có liên hệ khá gần gũi với bài đọc một: giống như dân tộc Ít-ra-en đã được tự do nhờ tình yêu thương phụ tử của Thiên Chúa, anh Ba-ti-mê cũng được giải phóng khỏi mù lòa nhờ lòng xót thương của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng thuật lại rằng Đức Giêsu và các môn đệ vừa ra khỏi thành Giê-ri-khô. Hay nói cách khác, khi đang bắt đầu thực hiện cuộc hành trình quan trọng nhất trong đời, hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã dừng lại để đáp lời kêu cầu của anh Ba-ti-mê. Đức Giêsu đã chạnh lòng bởi lời kêu xin của anh. Dường như, Ngài không bằng lòng nếu chỉ bố thí cho anh, nhưng Ngài muốn gặp gỡ anh cách cá vị riêng tư. Đức Giêsu không hề đưa ra một lời chỉ dẫn để anh phải thi hành, nhưng lại hỏi: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ Đây là một câu hỏi có vẻ vô nghĩa và khá vô duyên, vì một người mù tất nhiên là muốn được sáng mắt. Nhưng thật ra, với một câu hỏi được nêu lên trong tư thế mặt đối mặt, rất trực tiếp nhưng cũng rất trân trọng như thế; Đức Giêsu cho thấy rằng Ngài muốn lắng nghe nỗi lòng và ước muốn của chúng ta. Ngài muốn trò truyện với mỗi người chúng ta về chính cuộc sống và những hoàn cảnh rất riêng tư của chúng ta. Nhờ thế, Ngài có thể thấu hiểu chúng ta và không có gì trong cuộc đời của chúng ta bị bỏ sót. Sau khi chữa lành, Đức Giêsu nói với anh Ba-ti-mê: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh.’ Thật là một cảnh tưởng hết sức đẹp khi chiêm ngắm Chúa Giêsu đã tỏ ra mộ mến trước lòng tin của anh Ba-ti-mê. Đức Giêsu đã tin tưởng anh. Và chắc chắn, Thiên Chúa cũng tin chúng ta còn hơn là chúng ta tin tưởng bản thân mình nữa.

Có một chi tiết khá thú vị. Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ đi và gọi anh Ba-ti-mê. Các môn đệ đã nói với anh bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sẽ sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết, các môn đệ nói với anh Ba-ti-mê: ‘Cứ yên tâm!’. Điều này có nghĩa là ‘hãy tin tưởng và can đảm lên.’ Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những trạng huống khó khăn, khốc liệt nhất. Hạn từ thứ hai: ‘Hãy đứng lên!’. Điều này giống như Chúa Giêsu đã từng nói với bao nhiêu bệnh nhân khi Ngài cầm lấy tay họ và chữa lành. Như vậy, các môn đệ không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì thêm. Ngày hôm nay, tất cả các môn đệ của Chúa cũng được mời gọi làm như vậy: hãy để tha nhân tiếp chạm vào lòng Thương Xót của Thiên Chúa, một lòng xót thương có sức cứu độ. Quả vậy, khi tiếng kêu cầu của nhân loại trở nên mạnh mẽ và thống thiết, như anh Ba-ti-mê, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói và cách hành xử của Chúa Giêsu ngày hôm này mà chúng ta phải cố gắng noi gương bắt chước. Những hoàn cảnh đau thương, bất hạnh, xung đột, lầm than, đối với Thiên Chúa, lại là dịp để biểu lộ lòng thương xót . Chính ngày hôm này là thời đại của lòng xót thương!

Tuy nhiên, những người đi theo Chúa cũng gặp phải nhiều cám dỗ. Tin Mừng ngày hôm nay làm nổi bật ít là hai cám dỗ. Trước hết, không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục bước đi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu anh Ba-ti-mê là người mù, thì các môn đệ là những người điếc: Vấn đề của anh không phải là vấn đề của họ. Điều này hết sức nguy hiểm: Khi đối diện với những vấn đề khổ đau, rắc rối; tốt hơn hết là cứ giả điếc bước đi, chứ đứng lại làm gì để chuốc thêm phiền phức. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta. Chúng ta bước đi theo Chúa nhưng chẳng hề suy nghĩ giống Chúa. Chúng ta thuộc nhóm của Chúa, nhưng con tim chúng ta lại hoàn toàn khép kín. Chúng ta mất đi sự ngạc nhiên, lòng biết ơn, sự nhiệt huyết và có nguy cơ trở nên dửng dưng trước ân sủng. Chúng ta có thể rao giảng về Chúa, có thể làm việc cho Chúa, nhưng chúng ta lại lạc xa trái tim Ngài khi không biết đến với những người bị tổn thương, bất hạnh. Như vậy, cám dỗ thứ nhất là: ‘một thứ linh đạo ảo ảnh’. Chúng ta có thể tiến bước qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự đang hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy. Chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không được bén rễ sâu trong đời sống nhân sinh sẽ trở nên khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.

Cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một ‘đức tin đã hoạch định’. Chúng ta có thể bước đi cùng với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có một kế hoạch sẵn, qui định trước tất cả mọi sự: Chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian. Người khác phải tôn trọng tiến trình kế hoạch của chúng ta, và bất cứ điều gì khác xảy ra đều là bất tiện và gây phiền phức. Chúng ta có nguy cơ trở thành ‘đám đông’ trong bài Tin Mừng. Họ đã mất kiên nhẫn và khiển trách ông Ba-ti-mê. Chỉ mới trước đó thôi, họ đã khiển trách các trẻ em (Lc 10, 13), và nay họ lại mắng mỏ người hành khất mù. Điều ấy có nghĩa là nếu ai gây phiền toái hoặc không thích hợp liền bị loại bỏ. Trái lại, Chúa Giêsu muốn dang tay ra ôm lấy tất cả, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và đang kêu cầu Ngài. Đó là những người, giống như Ba-ti-mê, có đức tin vì biết rằng kêu cầu ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp gỡ Giêsu. Và sau cùng, anh Ba-ti-mê đi theo Đức Giêsu trên con đường người đi. Không những anh được phục hồi thị giác, nhưng còn được hợp đoàn với những người đang bước đi với Chúa.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha ngỏ lời cùng các Nghị Phụ: “Quý Nghị Phụ kính mến, chúng ta đã bước đi cùng với nhau trong suốt ba tuần lễ vừa qua. Chúng ta cảm ơn nhau vì những chặng đường mà chúng ta đã sẻ chia với đôi mắt luôn hướng nhìn lên Chúa Giêsu và dõi theo anh chị em của chúng ta, để kiếm tìm những lối nẻo mà Tin Mừng muốn trình bày trong thời đại hôm nay, ngõ hầu chúng ta có thể diễn tả được mầu nhiệm của tình yêu gia đình. Chúng ta hãy bước đi trên những nẻo đường mà Thiên Chúa ước mong. Chúng ta cũng nài xin Thiên Chúa quay mặt nhìn chúng ta bằng đôi mắt của sự yêu thương và chữa lành, để chúng ta cũng có thể phản chiếu ánh sáng đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa. Đừng bao giờ cho phép bản thân bị mờ tối đi bởi thái độ bi quan và tội lỗi. Nhưng thay vào đó, chúng ta hãy tìm kiếm và ngắm nhìn vinh quang của Thiên Chúa đang dãi sáng trên nhân loại hôm nay (SD 25-10-215).

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ trao Tác vụ Đọc Sách, Giúp Lễ và nhắc lại Lời Khấn

Ngày 31.12.2023, ngay sau khi kết thúc kỳ tĩnh tâm Triduum, tại nhà nguyện Học …

Có những người bạn trong Chúa thắm tình như thế! 

  Cùng hòa chung niềm hân hoan với mọi tâm hồn chuẩn bị đón chào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *