Thánh lễ tôn phong bốn vị Hiển thánh

phong thánhVATICAN. Lúc 10h15 sáng 18.10.2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại quảng trường thánh Phêrô để tôn phong bốn chân phước lên bậc hiển thánh. Thánh lễ phong thánh đã diễn ra trong khuôn khổ của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình. Các tân hiển thánh bao gồm linh mục Vincenzo Grossi, người Italia, vị sáng lập dòng các nữ tử Oratorio, kế đó là Thánh Nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tây Ban Nha, mẫu gương bác ái; sau cùng là ông bà Ludovico Martin và Maria Azelia Guérin, người Pháp, song thân của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có rất nhiều Hồng y, Giám mục và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên bốn vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử của vị chân phước.

Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Angelo Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh cho bốn vị chân phước.

 ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Giảng trong thánh lễ, ĐTC nói:

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta chủ đề về phục vụ và kêu gọi chúng ta bước theo Đức Giêsu trong con đường của khiêm nhượng và thánh giá”.

Làm rõ hơn về điểm này, ĐTC nói: “Đức Giêsu là Tôi Tớ của Thiên Chúa: cuộc sống và cái chết của Ngài, hoàn toàn mang dạng thức của phục vụ (Phi 2, 7), đã là căn nguyên ơn cứu chuộc và sự giao hoà của nhân loại với Thiên Chúa. Sứ mệnh loan báo, cốt lõi của Tin Mừng, chứng tỏ rằng trong cái chết và sự phục sinh của mình, Ngài đã kiện toàn lời tiên báo về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Trình thuật của thánh Mác-cô mô tả cảnh tượng mà Đức Giêsu “va chạm” với các môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an, là những người – được sự hỗ trợ của mẹ mình – đã muốn ngồi bên tả hữu của Đức Giêsu trong nước của Thiên Chúa (Mc 10, 37), để chiếm giữ những vị trí danh dự, theo cái nhìn mang tính phẩm trật của chính Nước Trời. Viễn tượng mà hai người này hướng đến rõ ràng là đã bị lây nhiễm bởi những giấc mơ của thực tại trần gian. Đức Giêsu trước tiên đưa ra một “sự cọ sát” tiên khởi đối với những xác tín của các môn đệ, tái kêu gọi sứ mạng của Ngài trên trần gian này là: “Chén Thầy uống, cả anh em cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải do Thầy định liệu; điều ấy dành cho những người được chuẩn bị (cc.39-40)”. Cùng với hình ảnh chén này, Ngài bảo đảm cho cả hai khả thể để được dự phần cho đến cùng vào số mệnh đau khổ của Ngài, nhưng lại không đảm bảo cho những vị trí cao trọng được ước muốn. Câu trả lời của Ngài là một lời gọi hãy bước theo Ngài trên con đường của tình yêu và phục vụ, loại bỏ những cám dỗ thế gian chỉ vì muốn nổi bật và chỉ huy người khác.

Đối diện với con người mưu mẹo để thủ đắc quyền lực và sự thành công, các môn đệ được kêu gọi để làm ngược lại. Vì lẽ đó, Ngài khuyên bảo họ: “Anh em biết rằng những kẻ cai trị các dân nước thống trị trên dân và các thủ lãnh lấy quyền mà áp bức dân. Nhưng ở giữa anh em thì không được như vậy; ai muốn làm lớn trong anh em thì hãy trở thành người phục vụ” (cc.42-44)”. Cùng với những lời này, Chúa chỉ dẫn sự phục vụ như cách thức thực hành quyền bính trông cộng đồng Kitô hữu. Ai phục vụ tha nhân và thực tế không vì danh tiếng người ấy thực thi quyền bình thực sự trong Giáo Hội.  Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi thay đổi não trạng và vượt bỏ tham vọng quyền lực để đạt đến niềm vui của việc ẩn mình và phục vụ; diệt trừ bản năng thống trị người khác và thực hành nhân đức khiêm nhường.

Sau khi đã giới thiệu một cách thức chẳng nên noi theo, Ngài lấy chính mình làm hình mẫu lý tưởng để tham chiếu. Trong hành động của Thầy Chí Thánh cộng đồng sẽ tìm thấy động lực của viễn tượng mới mẻ cho đời sống: “cả Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (c.45). Trong truyền thống của Kinh Thánh Con Người là Đấng nhận lãnh “vương quyền, uy lực và vinh quang”(Đnl 7, 14). Đức Giêsu đã mang lại một ý nghĩa mới cho hình ảnh này và xác định rõ rằng Ngài có uy lực như người tôi tớ, được vinh quanh khi có thể tự hạ mình xuống, được thẩm quyền vương đế khi sẵn sàng để trao hiến toàn bộ mạng sống. Thực tế là cùng với cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Ngài đã chiếm chỗ sau cùng, chạm đến giới hạn của sự vĩ đại trong sự phục vụ, và đã trở nên món quà cho Giáo Hội của Ngài.

Có sự xung khắc giữa cách thức để thấu hiểu quyền lực theo tiêu chuẩn của thế gian và sự phục vụ khiêm tốn vốn là đặc nét của quyền bính dựa theo giáo huấn và mẫu gương của Đức Giêsu. Có sự xung khắc giữa những tham vọng, ước muốn thành tựu với việc bước theo Đức Kitô; có sự xung khắc giữa danh dự, thành công, tiếng tăm, thành tựu to lớn trên trần gian với luận lý của Đức Kitô chịu đóng đinh. Trái lại có sự hoà hợp giữa Đức Giêsu “chuyên gia của đau khổ” và nỗi thống khổ của chúng ta. Chúng ta nhớ đến thư gửi tín hữu Do Thái, vốn giới thiệu Đức Ki tô như thượng tế tối cao, Ngài sẽ chia sẻ tất cả điều kiện con người của chúng ta, chỉ trừ tội lỗi: “Chúng ta không có vị thượng tế chẳng biết thông phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4, 15). Đức Giêsu thực hành một cách cơ bản chức tư tế của thương xót và lòng trắc ẩn. Ngài đã trải nghiệm một cách trực tiếp vào khó khăn của chúng ta, để làm quen với toàn bộ điều kiện con người của chúng ta; việc không kinh qua tội lỗi không cản ngăn ngài trong việc thấu hiểu những tội nhân. Vinh quang của Ngài không phải là thứ vinh quang của tham vọng và thèm khát sự thống trị, nhưng là vinh quang của yêu thương con người, đảm nhận và chung chia sự yếu đuối của họ và thông ban cho họ ân sủng vốn tái thiết, tháp tùng hành trình đau khổ của họ cùng với sự âu yếm vô hạn.

Mỗi người chúng ta, khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì được thông phần chính mình vào chức tư tế của Đức Kitô; các tín hữu giáo dân được tham gia vào chức tư tế cộng đồng, các linh mục thì thông phần vào chức tư tế thừa tác. Bởi thế, tất cả chúng ta có thể nhận lãnh đức bác ái vốn phát toả từ con tim rộng mở của Người, cho chính chúng ta và cả những người khác nữa: chúng ta hãy trở nên “những con kênh” của tình thương của Ngài, của lòng từ bi của Ngài, đặc biệt hướng đến những ai đang đau khổ, sợ hãi, đang nản lòng thối chí và đang cô độc.

Tất cả bốn vị được tôn phong hiển thánh hôm nay, đã luôn luôn phục vụ cùng với sự khiêm nhường và bác ái dị thường những anh chị em của họ, khi bắt chước theo Thầy Chí Thánh. Thánh Vicenzo Grossi đã là một cha xứ đầy nhiệt huyết, luôn luôn để tâm đến những nhu cầu của con chiên của mình, đặc biệt là sự mỏng dòn yếu đuối của những người trẻ. Ngài đã bẻ bánh của Lời Chúa một cách nhiệt huyết cho tất cả mọi người và trở nên người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành đối với những ai nghèo nàn nhất.

Thánh Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã sống như là một con người với đầy sự khiêm tốn trong việc phục vụ tha nhân, cùng với sự chú tâm đặc biệt đối với con cái của những người nghèo và những ai yếu đau.

Vợ chồng thánh Ludovico Martin và Maria Azelia Guérin đã sống sự phục vụ Kitô giáo trong gia đình, kiến tạo ngày qua ngày một môi trường đầy niềm tin và tình thương; và chính trong bầu khí này đã trổ sinh ơn gọi của những người con gái, mà một trong số đó là thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu.

Chứng tá rạng ngời những vị thánh này thúc giục chúng ta bền tâm vững chí trên con đường của phục vụ đầy niềm vui đối với tha nhân, phó thác trong sự trợ giúp của Thiên Chúa và trong sự bảo trợ từ mẫu của Đức Maria. Từ trời cao, các vị thánh này đang dõi theo chúng ta và nâng đỡ chúng ta cùng với sự chuyển cầu đầy uy thế của mình”.

Sau đó, thánh lễ diễn ra như thường lệ.

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *