Thánh Lễ Trên Địa Cầu của Pierre Teilhard De Chardin

Linh mục Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), tu sĩ Dòng Tên, là một khoa học gia và thần học gia nổi tiếng người Pháp. Cha từng là giáo sư địa chất tại Học viện Công giáo Paris, giám đốc Khảo sát Địa chất Quốc gia Trung Quốc và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp. Cha qua đời tại New York năm 1955. Có lẽ một trong những cuốn sách nổi tiếng của ngài là: “Bản Thánh Ca của Vũ Trụ (Hymn of the Universe)”[1], được nhà xuất bản Harper & Row phát hành năm 1961. Cuốn sách này nhanh chóng để lại dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực thần học, thiêng liêng và văn hóa. Chương đầu tiên của cuốn sách này có tựa đề “Thánh Lễ Trên Địa Cầu (The Mass On The World)”[2]. Đây là một tác phẩm khó đọc, lý do là cha đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa khoa học và thần học thiêng liêng. Vì lý do này mà tác phẩm có giá trị cả ngoài đời lẫn trong lòng Giáo hội. Dưới đây tôi xin tóm tắt vài điểm thú vị dựa trên chương đầu của cuốn sách này.

  1. Lời Nguyện Dâng Lễ

Mở đầu chương, Teilhard de Chardin chia sẻ về sự thiếu thốn vật dụng dâng lễ như bánh, rượu và bàn thờ khi cha ở trên thảo nguyên Trung Quốc (1923-1924). Trong hoàn cảnh này, cha đã dâng lên Chúa toàn bộ trái đất như một bàn thờ[3]. Trên đó vị linh mục của chúng ta đã dâng tất cả lao công và đau khổ của thế giới. Teilhard cũng mô tả cảnh bình minh khi mặt trời chiếu sáng chân trời phía đông. Mặt trời đã đánh thức địa cầu sau một đêm ngủ dài. Trong khoảnh khắc này, cha đặt tất cả mùa màng, sức sống của cây cối và hoa màu lên đĩa và chén thánh của mình (thực tế cha nhìn điều này bằng cặp mặt tưởng tượng).

Đối với Teilhard, đĩa và chén thánh không chỉ là các vật dụng để làm lễ, nhưng còn là biểu tượng cho tâm hồn mở rộng. Đĩa và chén này sẵn sàng đón nhận tất cả của lễ từ trái đất để hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Cha cầu nguyện cho mọi người vốn được ánh sáng Mặt Trời gọi dậy để bước vào một ngày mới tốt lành. Đồng thời cha dâng lên Chúa mọi lao công, đau khổ và hy vọng của nhân loại, những người xung quanh cha, những người cha biết và kể cả những người cha không biết.

  1. Lửa Trên Địa Cầu

Trong phần này, Teilhard de Chardin suy ngẫm về khái niệm lửa (the Fire), một trong những biểu tượng quan trọng liên quan đến Chúa Thánh Thần. Lửa của hiện diện và biến đổi. Với Teilhard, lửa ở đây không hẳn xuất phát từ thiên nhiên hoặc trên mặt đất, nhưng cha xác tín rằng ngọn lửa này là năng lượng Thần Khí. Chúa Thánh Thần đã tồn tại ngay từ đầu. Cha tin rằng ánh sáng và hơi ấm của lửa này sẽ đẩy lùi bóng tối. Đây là ngọn lửa tinh tuyền vốn tượng trưng cho sự hiện diện và sức sáng tạo của Thiên Chúa. (Để bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, cần đến Chúa Thánh Thần[4]).

Có lẽ độc giả cũng có thể hình dung vũ trụ được chiếu sáng và biến đổi dần dần bởi ngọn lửa Thánh Thần này. Đây là câu chuyện của Giáo Hội với ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Từ đây toàn bộ vũ trụ, từ nguyên tử nhỏ nhất đến các quy luật vũ trụ lớn nhất, đều thấm nhuần sự hiện diện của thần linh. Ngọn lửa này, đại diện cho Lời của Chúa (Teilhard dùng Ngôi Lời – the Word), truyền sự sống vào vật chất, vào toàn bộ vũ trụ. Khi nhận được năng lượng này, vũ trụ mang sức sống thần linh trong mình. Qua lăng kính này, Teilhard de Chardin nhận thấy toàn bộ sự sáng tạo có liên kết và phụ thuộc rất mật thiết và làm thành một thể thống nhất. (Về sau trong thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là hệ sinh thái toàn diện).

  1. Hiệp Lễ

Có thể nói tư tưởng của cha Teilhard đạt đỉnh điểm trong kinh nghiệm “thần hiệp” với Thiên Chúa. Cha nhận thấy sức mạnh biến đổi của ngọn lửa Thần Khí, không chỉ thấm nhuần thế giới mà còn đưa ngài vào cảnh giới hiệp thông với Thiên Chúa. Trong phần tiếp theo của cuốn sách, Teilhard lặp lại rằng “thế giới được thấm nhuần sự sống bởi Ngôi Lời Nhập Thể”[5]. Trong bản văn, cha chia sẻ rằng mình tự nguyện hiến dâng trong quá trình này. Lý do là để có thể bước vào kinh nghiệm thần linh này, người ta phải tự do và hoán cải.

Cha mô tả sự hiệp thông như một trải nghiệm vĩ đại, đầy phấn khích. Trong thần hiệp, đương sự hoàn toàn thụ động và bị năng lượng Thần Khí (Thiên Chúa) cuốn hút vào, hướng đương sự tới một tương lai không biết trước. Teilhard mô tả sự hiệp thông ở đây như là việc rước Mình và Máu Chúa Kitô. Ngài diễn tả kiểu ẩn dụ việc rước mình Chúa Kitô như là ăn “bánh của lửa, của nhiệt huyết”. Cha Teilhard ám chỉ khi đón nhận Chúa Kitô cũng là lúc ta luôn vâng theo ý Chúa và sẵn sàng để Chúa dẫn dắt vào những sứ mạng thú vị và thách đố. Qua việc rước lễ này, Teilhard de Chardin mong muốn được hợp nhất với Thần Khí, vốn giúp cha vượt qua những giới hạn và nỗi sợ hãi của chính mình.

  1. Lời Nguyện Kết Lễ

Theo tiến trình của phụng vụ, Teilhard khép lại Thánh Lễ Trên Địa Cầu bằng lời nguyện thật dễ thương: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin đưa con vào trong tận sâu thẳm trái tim của Ngài; và giữ chặt con ở đó, thanh tẩy con bằng ngọn lửa Thần Linh, làm con bừng cháy, nâng con vươn lên, cho đến khi con nên trọn vẹn như Ngài mong ước. Dù mong ước ấy có hủy diệt hoàn toàn cái tôi của con.”[6]

Cũng như khi chúng ta rước lễ, Chúa Giêsu hiện diện trong ta. Có thể nói chúng ta được ở trong Chúa. Với cặp mắt thần bí, Pierre Teilhard de Chardin mô tả trong phần lời nguyện này là “sự gắn kết sâu thẳm và toàn diện với Chúa Giêsu.” Lúc này Thiên Chúa đã trở thành tất cả đối với Teilhard, cả về thể chất lẫn tinh thần. Teilhard nhận ra rằng không gì có thể tồn tại ngoài thân xác của Chúa, và tất cả chúng ta đều tồn tại trong Ngài. Ý tưởng này được Teilhard mô tả chi tiết hơn trong Cảnh Vực Thần Linh[7]. Trong đó, Teilhard lặp lại ý tưởng then chốt của mình rằng Thiên Chúa là điểm đầu (Alpha) và là điểm cuối (Omega) của dòng lịch sử. Theo đó,  Teilhard cảm tạ Chúa vì đã giúp mình khám phá ra tình yêu và sự hiện diện thần linh trong mọi vật. Với kinh nghiệm này Teilhard xin Chúa dẫn đưa mình vào sâu thẳm trái tim Thiên Chúa. Teilhard kết luận rằng, sự tiến gần đến Chúa nghĩa là nhận thức về ảnh hưởng phổ quát của Ngài trong mọi tạo vật. Trong cảnh vực này, Teilhard cảm thấy được tràn đầy niềm vui và ý nghĩa khi hòa mình vào sự hiện diện thiêng liêng đó.

Kết luận

Có lẽ những ý tưởng trên hơi xa lạ với nhiều người, nhất là người trẻ. Tuy nhiên, với những ai học thần học, hoặc yêu thích con đường thiêng liêng, Pierre Teilhard de Chardin được biết đến như một nhà thần bí. Điểm thú vị là Teilhard de Chardin đã kết hợp giữa khoa học và thần học để mở ra con đường mới cho sự hiểu biết về sự hiện diện của Chúa trong thế giới vật chất. Teilhard không chỉ nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong các vật dụng thánh, mà trong cả vũ hoàn, trong từng nguyên tử và trong mỗi hành động của con người. Những tư tưởng này được tìm thấy rất nhiều trong thông điệp Laudato Sí, liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Thiết tưởng suy tư của cha Teilhard có thể giúp mỗi người nhìn về thế giới như một ngôi “thánh đường”. Chúng ta đang tham dự thánh lễ trên địa cầu!

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ 

[1] Cha Teilhard viết tác phẩm này năm 1923.

[2] Xem bản Tiếng Anh: https://www.tarsus.ie/resources/SSS-2020/The-Mass-On-The-World.pdf

[3] Trong Thánh Lễ, lúc dâng bánh vị chủ tế sẽ đọc thầm: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con”; Dâng rượu: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.

[4] Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến nghi thức Thánh Lễ: “Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”

[5] X. Bản Thánh Ca của Vũ Trụ, trang 69-70.

[6] Nguyên văn: “Lord, lock me up in the deepest depths of your heart; and then, holding me there, burn me, purify me,

set me on fire, sublimate me, till I become utterly what you would have me be, though the utter annihilation of my ego.”

[7] Có thể mua sách này tại: https://ducbahoabinhbooks-osp.com/canh-vuc-than-linh-tieu-luan-ve-doi-song-noi-tam/ 

Kiểm tra tương tự

Thượng Hội Đồng: Người kiêu ngạo không nghe tiếng Chúa và người khác

Sáng thứ Tư ngày 2/10/2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ …

Người Công giáo và sự tự vấn: Chìa khóa để vượt qua sự khác biệt

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …