Thiên Chúa Tình Yêu – Sự tồn tại của Sự Dữ

 

Có thể đâu đó trên thế giới này có những người chưa từng phải chịu đau khổ. Tôi chưa từng biết hay gặp một người nào như thế và tôi nghĩ không một bạn đọc nào có thể tự nhận mình thuộc vào số những người như thế. Sự thật và kinh nghiệm của chúng ta trải qua trong cuộc đời đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu có tồn tại một Thiên Chúa đầy yêu thương?

C.S. Lewis tác giả của cuốn sách Vấn đề của nỗi đau (Problem of Pain) đã từng lập luận như thế này: “Nếu như Chúa là tốt đẹp, Người sẽ mong muốn làm cho tạo vật của Người hoàn toàn hạnh phúc, và nếu Chúa là Đấng toàn năng, Người sẽ có thể làm những gì mình muốn. Nhưng các tạo vật của Người lại không hạnh phúc. Vì vậy, Chúa thiếu lòng nhân từ hoặc thiếu sức mạnh hoặc là cả hai.”

Có một số câu trả lời cho lập luận trên. Một số câu trả lời có vẻ dễ chấp nhận hơn những câu trả lời khác. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng, đau khổ của chúng ta và của những người xung quanh phần lớn là do chính chúng ta gây ra cho nhau. Chính con người chúng ta chứ không phải Chúa đã nói những lời nói gây tổn thương, xúc phạm, đã tạo ra những con dao, những ngọn giáo, khẩu súng, quả bom và tất cả những công cụ tra tấn khác. Bi kịch của những đứa trẻ bị bỏ đi bởi sự vô tâm và ham vui của cha mẹ, của những chàng trai trẻ ngây thơ bỏ mạng trên đường bởi những lái xe say xỉn đâm chết, hay những cô gái trẻ bị lừa gạt, hãm hiếp bởi những kẻ buôn người thì khó có thể đổ lỗi cho Chúa. Sau cùng, ở một mức độ nào đó, chúng ta đã được trao cho sự tự do ý chí, khả năng làm những gì chúng ta mong muốn. Nhưng chúng ta thường xuyên sử dụng điều này để không tuân theo các quy luật tự nhiên. Và tất nhiên, khi làm như thế, chúng ta không nên đổ lỗi cho Chúa là đã gây ra những hậu quả này.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, liệu Chúa có nên kìm hãm sự tự do ý chí của chúng ta để ngăn chặn những loại hành vi tội ác như vậy hay không? Cách suy nghĩ này nhanh chóng lâm vào tình thế khó xử mà không có lối thoát nào hợp lý. Một lần nữa, Lewis nói: “Nếu bạn chọn cách nói rằng: ‘Chúa có thể trao cho mọi tạo vật của mình sự tự do ý chí đồng thời có thể tước bỏ sự tự do ý chí khỏi người đó’, bạn đã thất bại trong việc nói lên bất kỳ điều gì về Chúa: sự kết hợp các từ vô nghĩa không bỗng chốc tạo nên ý nghĩa chỉ đơn giản, vì chúng ta đặt trước chúng hai từ ‟Chúa có thể”. Những lời vô nghĩa vẫn mãi là vô nghĩa, thậm chí cả khi chúng ta dùng chúng để nói về Chúa”.

Nhưng những lập luận có vẻ hợp lý vẫn có thể khó chấp nhận khi chúng ta chứng kiến nỗi đau khổ khủng khiếp rơi xuống đầu một người vô tội. Chúng ta vẫn thường chứng kiến được những người hiền lành phải chịu sự chèn ép, những người công chính phải chịu sự thua thiệt, những người yếu đuối phải chịu sự cưỡng bức, nhất là phải chứng kiến cảnh người thân của mình bị kẻ xấu hãm hại. Chưa bao giờ tội ác lại rõ ràng như thế. Sự thật, chân lý lại thua kém điều giả dối đến như vậy. Và có thể chúng ta cũng đã từng mong ước mạnh mẽ rằng: giá như Chúa đã làm gì đó để ngăn chặn các điều xấu, hành động phạm tội tồi tệ. Tại sao Người không làm cho tên tội phạm đó bị sét đánh chết hay ít nhất là khiến hắn bị dằn vặt lương tâm? Tại sao Người không đặt một tấm lá chắn vô hình để bảo vệ những người lương thiện?

Có thể Chúa đã thực hiện điều kỳ diệu trong những dịp hiếm hoi nào đó. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, sự tồn tại của ý chí tự do và của trật tự trong cái vũ trụ vật lý này là thực tế không thể thay đổi. Mặc dù chúng ta có thể mong muốn những sự giải thoát phi thường đó xảy ra thường xuyên hơn, nhưng hậu quả của việc ngăn chặn tự do ý chí và trật tự này có thể là sự hỗn loạn hoàn toàn.

Nhưng ta lại có thể đặt vấn đề về những thảm họa thiên nhiên: động đất, sóng thần, núi lửa, lũ lụt và nạn đói thì sao? Hay chúng ta có thể nghĩ về một phạm vi nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần thương tâm, đó là căn bệnh mà một nạn nhân vô tội mắc phải, chẳng hạn như một đứa trẻ bị ung thư thì sao? Có nhiều câu trả lời cho những vấn đề này, trong đó, vị thầy tu người Anh và nhà vật lý lẫy lừng John Polkinghorne đã gọi loại hiện tượng này là “tội lỗi của khoa học” để so với cái “tội lỗi đạo đức” mà con người phạm phải. Chúng ta có thể lý giải điều này như thế nào?

Khoa học đã khám phá ra rằng vũ trụ, hành tinh của chúng ta và bản thân cuộc sống đều liên quan tới quá trình tiến hóa. Hậu quả của nó có thể bao gồm sự thất thường về thời tiết, sự thay đổi kiến tạo địa tầng hay là lỗi của một gen ung thư trong quá trình phân bào bình thường của nó. Cũng thế, nếu lúc đầu, Chúa chọn việc sử dụng những lực lượng này để tạo ra con người thì chắc chắn không thể tránh khỏi những hậu quả thương tâm khác còn hơn như thế. Những can thiệp kỳ diệu nếu xảy ra thường xuyên thì ít nhất sẽ gây ra sự hỗn loạn trong lĩnh vực thể chất vì những can thiệp này sẽ xung đột với những hoạt động tự do ý chí của con người.

Đối với những người tìm kiếm thận trọng, những luận giải hợp lý này vẫn chưa đưa ra được lời giải thích cho nỗi đau trong quá trình sinh tồn của con người. Tại sao cuộc sống của chúng ta lại là một thung lũng của nước mắt hơn là một vườn hoa của niềm vui? Đã có rất nhiều sách vở viết về nghịch lý rõ ràng này và không phải dễ dàng đưa ra được kết luận: nếu Chúa tràn đầy yêu thương và mong ước những điều tốt đẹp cho chúng ta thì có lẽ kế hoạch của Người không giống như kế hoạch của chúng ta. Đây là một quan niệm khó có thể chấp nhận, đặc biệt nếu chúng ta quá thường xuyên tiếp nhận cách lý giải về sự bao dung của Chúa trong đó vai trò của Người không gì nhiều hơn ngoài mong muốn cho chúng ta luôn được hạnh phúc.

Trên cơ sở trải nghiệm của con người, nếu ai đó chấp nhận lòng nhân từ đầy yêu thương của Chúa thì Người hẳn còn mong muốn điều này hơn chúng ta. Liệu đây có phải là trải nghiệm trong thực tế của chính bạn hay không? Bạn sẽ hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình khi mọi việc diễn ra tốt đẹp hay khi bạn phải đối mặt với những thách thức, bực dọc và đau khổ? “Chúa thì thầm với chúng ta lúc chúng ta vui, nói trong lương tâm của chúng ta nhưng cũng kêu lên những lúc chúng ta đau đớn: Người đang sử dụng chiếc loa của mình để thức tỉnh cả thế giới đang điếc”. Chúng ta muốn tránh những trải nghiệm đó nhiều bao nhiêu thì không có chúng, liệu chúng ta có trở thành những kẻ nông cạn, tự cho mình là trung tâm để rồi cuối cùng có thể mất hết cảm nhận về sự cao quý hay cố gắng giúp những người khác trở nên tốt đẹp hơn hay không?

F.S. Collins mời chúng ta suy nghĩ về điều này: “nếu quyết định quan trọng nhất chúng ta phải đưa ra trên Trái Đất này là quyết định về đức tin và nếu mối quan hệ quan trọng nhất chúng ta phải phát triển trên Trái Đất này là mối quan hệ với Chúa, nếu sự tồn tại của chúng ta với tư cách là những tạo vật tâm linh, không hạn chế ở những gì chúng ta có thể biết và quan sát được trong suốt thời gian sống trên Trái Đất thì khi đó, những nỗi đau khổ của con người sẽ có một bối cảnh hoàn toàn mới.”

Chúng ta có thể không bao giờ hiểu trọn vẹn lý do cho những trải nghiệm đau đớn này, nhưng chúng ta cũng có thể bắt đầu chấp nhận quan điểm là có thể có lý do cho những điều như thế. Có thể, đây cũng là một cơ hội để chúng ta nhận ra rằng chúng ta thực sự không thể bảo vệ nổi chính mình hay người thân khỏi đau đớn và khổ sở, chúng ta phải học cách trao trách nhiệm đó cho sự quan tâm đầy yêu thương của Chúa với nhận thức rằng điều đó không phải là để dọn đường cho tội ác mà là một sự đảm bảo rằng những đau khổ mọi người chịu không phải là uổng phí. Thực vậy, các trải nghiệm này cho chúng ta cơ hội cũng như động lực để khuyên nhủ và làm an lòng những người cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Cũng thế, đứng trước cơn đại dịch, nhiều người vẫn kêu lên: Thiên Chúa ở đâu trong lúc này? Tại sao Ngài lại im lặng? Vậy Thiên Chúa có thực sự hiện hữu hay không, hay Thiên Chúa có thực sự đầy lòng yêu thương hay không? Chúng ta, nhất là những Kitô hữu được mời gọi hãy đưa ra đáp án cho đời mình, đưa ra câu trả lời cho những thắc mắc ấy qua chính đời sống của mình.

-Trần Vũ –

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Lời tuyên xưng tự đáy lòng – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Chưa bao giờ Thầy Giêsu cảm thấy vui mừng và tự hào như giây phút …

NÊN MỘT VỚI VỢ MÌNH

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *