[Thứ Sáu Tuần Thánh] Giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu (số 6)

Nhân dịp Tuần Thánh, xin giới thiệu đến quý độc giả vài trích đoạn trong cuốn “Giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu” của cha Jeronimo Maiorica. Đây là một trong rất nhiều sách ngài đã viết vào khoảng những năm 1618-1634 bằng chữ Nôm.

Chúng tôi xin dùng bản phiên âm của linh mục Nguyễn Hưng, xin tự ý thêm vào những dấu chấm, phết, ngoặc kép, v.v. cho phù hợp với cách chấm câu hiện đại, với mong muốn giúp độc giả dễ nắm bắt ý câu văn hơn.

Đây là những áng văn cổ, quý báu hơn vàng, đã được gìn giữ suốt 400 năm qua, mà ngày nay khi đọc lại, vẫn còn nguyên khí chất của tinh thần đạo đức đã giúp tổ tiên cha ông chúng ta vượt qua các cuộc bách hại trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Bản văn này là nguồn cho các sách Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu được viết vào các thế kỷ XIX và XX sau này. Cốt lõi của những điều được viết trong sách này, kể cả thuật truyền, câu chữ, hình ảnh được tóm lại trong các bản Phép Ngắm 15 Sự Thương Khó, vốn là các bản kinh ngắm đứng của các giáo phận cho tới ngày nay.

Thiết nghĩ, dùng các bản văn này làm chất liệu suy niệm và cầu nguyện trong những ngày này, chúng ta sẽ tìm được sự nối kết không chỉ với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, mà còn với các thế hệ người Công giáo Việt Nam trong suốt 400 năm qua, đã làm hạt giống mục nát gieo xuống để Giáo Hội sinh nhiều bông hạt ngày nay.

Nguyễn Hai Tính, SJ

ĐỨC CHÚA GIÊSU
Quyển Chi Bát
Giê-su Hội Sĩ Giê-rô-ni-mô Mai-ô-ri-ca thuật
[viết bằng chữ Nôm, cách nay khoảng 400 năm]

Đoạn Thứ Mười
Đức Chúa Giê-su vác cây Câu-rút.

Nếu nói đến sự thương khó Đức Chúa Giê-su thì càng thảm thiết. Ai có lòng là đá mà ngắm sự cực khốn làm vậy, thì bởi lòng thương, chảy nước mắt ra ròng ròng. Ai mà tiếc được nước mắt cùng Người chẳng tiếc [đổ] hết máu ra vì mình.

Vậy quân Giu-dêu được lời quan dạy giết, nó liền mừng bội phần. Khi quan chưa phó cho nó mà nó còn làm khốn Người dường ấy, huống lọ khi đã có phép giết được, thì ta biết là những sự khốn nó làm cho Người là thể nào.

Trước hết, lột áo đỏ Người mặc ra, mà khi nó cất áo ấy thì đau đớn lắm, vì những dấu phải đòn đã se lại cùng máu dính vào áo, mà nó giật áo ấy ra thì những da cùng thịt lại sứt đi và máu lại chảy ra. Người lại chịu xấu hổ, vì khi ấy ở trần truồng trước mặt người ta. Đoạn nó khiến Người mặc áo mình cho người ta được biết. Vì chưng, mặt mũi Người đã ra khác, chẳng còn hình cũ nữa.

Có kẻ rằng: Khi nó khiến Người mặc áo cũ thì cất mão gai trên đầu, đến khi đã mặc áo đoạn thì lại cho đội mão gai vào như trước, thì càng thêm đau đớn hơn nữa, mà tóc cùng râu những máu dính, con mắt đã mất chẳng còn sáng như khi trước, vì những gai đã che hai bên má, đã xể ra cùng sưng lên, vì năng phải đòn cùng vả liên. Lẽ [ra] thì khi ấy có kẻ thương mà đem của chi cho Người ăn uống, vì dọn cho Người vác Câu-rút nặng lắm, vì giống gỗ ấy sức như lim.

Có kẻ truyền rằng: Cây dọc chín thước, cây ngang bốn thước. Bởi nhiều người giục vác Câu-rút thì có, nhưng le chẳng thấy một người nào an ủi sốt. Vậy Đức Chúa Giê-su nát hết thịt mình, yếu đuối chảy những máu ra cùng vác gỗ nặng kẻ mạnh vác chẳng nổi. Câu-rút chẳng có trơn, sù sì, mà cây ấy bởi nặng thì ép vào cật, cho nên sau cật Người có lỗ vào. Từ dinh Phi-la-tô cho khỏi cửa thành, hễ là bước đi thì đau đớn như thâu qua trái tim.

Khi Đức Chúa Giê-su thấy Câu-rút là sự ước ao ba mươi ba năm liền mừng rỡ lắm, ôm lấy như của trọng, mà bởi chẳng còn có sức vác được thì trước kéo đi vậy, đến sau ngã xuống đất năm lần. Các quan thấy Người ngã thì chẳng có thương. Có kẻ cầm dây buộc cổ Người mà lôi đi, có kẻ lấy vồ mà đánh, có kẻ lấy đá mà ném, có kẻ lấy dùi mà giục đi cho chóng.

Ngắm rằng: Ớ con cháu A-dong, hãy xem tội người ta là của nặng thể nào. Vì chưng, Con Đức Chúa Trời bởi gánh tội ta, cho nên Người ngã xuống đất làm vậy. Ớ lòng người ta đã mất tính hiền lành, đã nên dữ tợn hơn hùm cùng sư tử trên rừng. Ai ngờ là Con Đức Chúa Trời chịu vác cây Câu-rút ngã làm vậy mà chẳng có ai thương, lại đánh cùng giục đi. Con lừa nào chở của nặng thì người ta còn thương cùng bớt của đi cho nó, mà chẳng thương Chúa trời đất làm người thế gian gánh tội ta.

Các Giu-dêu nó dái Đức Chúa Giê-su chết giữa đàng chăng, thì nó khiến một người chẳng có đạo, tên là Si-mong vác Câu-rút đỡ Đức Chúa Giê-su. Mà Người trả công cho ông ấy cùng hai con trai, vì cho chịu đạo cùng có tiếng nhân đức lắm. Một tên là A-lê-san-ri cùng Lô-phô. Ấy để Câu-rút cho kẻ chẳng có đạo vác là phúc Đức Chúa Trời để dành cho quân Giu-dêu. Bởi nó dể người, thì cất lấy phúc ấy mà cho kẻ chẳng có đạo. Vì từ ấy cho đến rầy, Giu-dêu mất đạo thật, muôn vàn nước khác kể chẳng xiết thì được.

Than rằng: Hỡi ôi, linh hồn tôi hãy ngắm khi Chúa trời đất xuống thế làm người mà đội mão gai đóng trên đầu, đi rụt lưng, lại vác của nặng, có khi ngã thì lại gượng dậy mà đi.
Mùa ấy là lễ cả, hết người Giu-dêu họp lại trong thành Giê-ru-sa-lem, thì thiên hạ rủ nhau đi xem Giê-su Na-gia-rét xưa đã có tiếng hay làm phép lạ mà bây giờ đem đi giết. Những hẻ hèn nhạo cười mà đi mau chân cho được xem giết Người là thể nào, cùng có kẻ thổi loa mà rao thiên hạ cho được biết. Quan bắt người ấy cho, kẻo làm hỗn hào trong nước chung quanh. Những các quan cầm khí giới giữ cho cẩn, sau những quan cưỡi ngựa cùng cả và dân Giu-dêu, kẻ lớn, kẻ bé theo, có kẻ mừng, có kẻ chửi rủa, có kẻ giục Người đi cho chóng.

Nào những kẻ ngày trước đã chịu ơn Người thì ở đâu? Bây giờ để Thầy mình như con chiên phải miệng sói rừng đem đi làm vậy. Ai có lòng mến Đức Chúa Trời mà ngắm bấy nhiêu sự thì con mắt ráo được ru? Ấy Đức Chúa Giê-su như ông I-sác xưa vác củi lên núi Ca-la-va-ri-ô nữa. Ấy Đức Chúa Cha như ông A-ba-ra-ong là cha I-sác, một tay cầm lửa, một tay cầm gươm. Ấy lửa là yêu người ta, ấy gươm là công bằng thì muốn phạt kẻ có tội. Song le, lòng Đức Chúa Trời lành vô cùng, tha tội người ta mà dạy con đền thay vị nó. Kẻ chẳng có tội thì gánh hết tội thiên hạ, kẻ có tội thì ở nhưng. Ai nghe sự lạ làm vậy mà chẳng hãi, chẳng ghét tội làm khốn cho Chúa mình, mà chẳng mến Người yêu mình dường ấy?

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *