Tích tiểu thành đại

thu-gop-hoac-phan-tan“Năng nhặt chặt bị” hoặc “tích tiểu thành đại” gợi lên nhiều ý nghĩa và bài học cuộc sống. Có người muốn nhấn mạnh tới tính tiết kiệm. Có người muốn trân trọng những gì bé nhỏ mà thực sự giá trị. Có người nói to tát trong những phạm trù triết học về lượng và chất. Có người đơn giản là cố gắng cần cù chịu khó. Suy nghĩ thêm, có thể thấy những góc nhìn rất riêng.

Có một thời, người ta nói: tục ngữ thành ngữ là những bài học kinh nghiệm đúc kết từ bao đời, là những bài học truyền lại cho những thế hệ kế tiếp. Có một thời, người trẻ ít còn quan tâm những giá trị ấy. Có một thời, người lớn muốn dạy bảo người trẻ nhiều. Thiết nghĩ, nên có một thời, người trẻ nghe những chia sẻ từ người lớn và người lớn khơi gợi nhiều sáng kiến từ người trẻ.

Thời nay không chỉ là “năng nhặt chặt bị” nữa, vì có thể rất dễ nhặt nhầm đồ lại còn đồ giả nữa, nên có khi năng nhặt mà vẫn công cốc. Cái bị không còn bền chắc như xưa, nên có thể lủng có thể rách bất thình lình mà mất hết cả chì lẫn chài.

Cũng có anh sinh viên hát vui đùa: học 4 năm 5 năm lấy được cái bằng đại học, xong rồi mới biết đó chỉ là cái “bằng thừa” khi đi xin việc. Hoặc là cái vòng luẩn quẩn khi đi phỏng vấn: người ta cần người có 2 năm kinh nghiệm trở lên, mà tôi thì mới đi xin việc, lấy đâu ra 2 năm kinh nghiệm!

Có một thời quá khứ, tiếng Pháp phổ biến, rồi tới thời tiếng Anh, giờ tiếng Anh có lẽ bão hòa và chuyển sang tiếng khác… Tiếc là tiếng Việt lại chưa đủ tốt. Bởi lẽ, nói đạo văn thì hơn mạnh, mà nói là bắt chước và nhai lại thì có lẽ hợp hơn. Người ta cứ sợ là tư tưởng mình sai lầm, mà kỳ thực chưa có tư tưởng thì lấy đâu mà đúng hay sai.

Có điều gì đó ẩn kín hơn! Biết rằng năng nhặt chặt bị, nhưng quan trọng là nhặt cái gì và tại sao lại nhặt! Thường thì người ta sẽ nói đến tiền bạc, kiến thức, kỹ năng v.v. Nguyên tắc để làm những điều này là gì! Thường thì người ta sẽ nói: tốt thì làm, xấu thì không. Thế nhưng, cái gì thì tốt? Có người bực mình nói: Hỏi như thế, có mà hỏi đến khuya! Đúng là đến khuya thật, nhưng nếu không hỏi như thế, người ta sẽ dễ bị “những kẻ nghĩ thâu đêm” dụ dỗ và lường gạt.

Đời có những khúc vui và những khúc căng thẳng. Thầy Giêsu trong những giờ phút căng thẳng, đã chẳng tìm được câu trả lời từ người ta từ miệng đời, Người chỉ còn cách cầu nguyện để hỏi ý kiến của Cha Trên Trời. Đó là lý do mà Người đã sống và làm việc rất độc đáo và phong cách.

Có bạn trẻ nói, lúc nào cũng nhắc tới Giêsu, làm cho chúng ta khó sống, làm cho cuộc đời thiếu tự nhiên. Thế nhưng, tự nhiên là gì? Chẳng lẽ là mỗi người mỗi ý. Thầy Giêsu không phải là những luật lệ, cũng chẳng phải là gì đó cản trở. Thầy là người bạn, là người Thầy, là người phục vụ. Chẳng ai cảm thấy khó chịu khi ở bên bạn thân, bên người Thầy đáng mến, bên người mà mình yêu mến và quý trọng. Vì Thầy nói rất ít mà quan tâm rất nhiều. Thầy nghe và thông cảm. Khi vui tôi có thể quên Thầy, nhưng Thầy không quên tôi. Khi buồn, tôi có thể chán nản mà Thầy vẫn có đó. Có thể Thầy tốt quá mà làm tôi bực mình, giống như “người vào làm việc từ sáng sớm” đã bực mình khi ông chủ trả tiền công hậu hĩnh cho những người tới làm trễ.

Có lẽ khi nói “năng nhặt chặt bị” người xưa hàm ý là ai cũng muốn làm điều thiện rồi và không cần phải nói thêm. Nhưng ngày nay, người ta không còn dễ đồng ý với nhau về điều gì là thiện nữa. Bởi lẽ, ngay cả những người tích cực và thiện chí, cũng không dễ nói chuyện với nhau, khi mà những quy luật cụ thể thường chỉ đúng cho từng vùng địa lý và văn hóa. Cái khó là trong khi người ta rất khác nhau mà lại cùng chung sống. Nhặt không cẩn thận sẽ thành nhặt nhầm. Nhặt nhầm không cẩn thận có thể thành ăn trộm.

Nếu thiếu cái nhìn rộng mở và thiếu cái nền vững chắc, có thể sự hiếu học chỉ trở thành một sự tích góp ích kỷ, hoặc một kiểu tổng hợp vô lối, hoặc một loại tích hợp mọi thứ trên hệ điều hành cũ kỹ mà chẳng thể sử dụng.

Bởi thế, Thầy Giêsu đưa ra gợi rất độc đáo: “Ai không cùng tôi thu góp là phân tán”. Câu này rộng mở hơn câu “năng nhặt chặt bị” ở chỗ: câu nói “năng nhặt chặt bị” nhấn mạnh tới thành quả, còn câu nói “ai không cùng tôi thu góp là phân tán” nhấn mạnh tới cái sức năng động giữa thu góp và phân tán. Không thu góp có nghĩa là phân tán, không tiến có nghĩa là lùi. Trong tầm nhìn này, điểm tới không hẳn là thành quả, mà quan trọng là sức sống. Điểm đặc biệt thứ hai là ở cụm từ “cùng tôi”. Tiêu chuẩn để hành động chính là cùng Thầy Giêsu, là tương quan giữa tôi và Thầy Giêsu.  

Nếu tôi và bạn có cùng dự án nào đó chung, thì theo cái nhìn của Thầy Giêsu, thiết nghĩ, tình bạn giữa chúng ta, theo nghĩa đích thực của tình bạn, thì quan trọng hơn thành quả của dự án. Trong tầm nhìn của đức tin, mối tương quan với Thầy Giêsu chiếm vị trí ưu tiên số một. Vì mọi sự sẽ qua đi, chỉ tình yêu là còn mãi. Tình mến đó không phải là bay vào khoảng không vô định, mà có điểm tựa nơi Thầy Giêsu. Đấng đã ở cùng con người, đã chết, đã sống lại và vẫn đang sống. Có nhiều người xây dựng sự nghiệp cả đời rồi bỗng dưng trắng tay với khủng hoảng hoặc với cái chết. Họ sụp đổ. Tiếc là họ chưa gặp Giêsu.     

Tứ Quyết SJ
Đến mà Xem (7): Tích tiểu thành đại

Kiểm tra tương tự

10 điều người nữ nên tìm kiếm nơi một người nam

Chúng ta biết rằng thật vui khi ngóng chờ một ai đó ở hơi xa …

Các khóa Linh Thao Giới Trẻ 2024

Các bạn trẻ thân mến, Đến hẹn lại lên! Linh Thao Giới Trẻ đã chính …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *