Tình người trong gia đình

Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

 Niềm Vui Của Tình Yêu số 93-94

Một trong những đặc nét của tình yêu là lòng nhân hậu. Dĩ nhiên ai có lòng nhân hậu, tình người, trái tim họ không thiếu tình yêu. Nhìn trong ngoài gia đình, chúng ta bắt gặp biết bao cử chỉ yêu thương người ta dành cho nhau: cha mẹ đút từng miếng ăn cho con nhỏ, vợ giúp chồng nấu ăn, chồng giúp vợ lau nhà, con cháu hỏi thăm ông bà cha mẹ, nhớ nhau trong lời cầu nguyện, giúp nhau khi người khác cần, v.v. Đó là những biểu hiện của tình người với nhau, và khỏi phải nói, lòng nhân hậu ấy sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc.

Tôi tin đôi vợ chồng nào cũng có quá nhiều trải nghiệm về lòng nhân hậu họ dành cho nhau. Ngay từ cái thuở ban đầu quen nhau, họ đã muốn mọi điều tốt lành cho nhau, đi có cặp, về có đôi và sau ngày thành hôn, họ chung sống trong một gia đình. Từ đó trong cuộc sống chung, dĩ nhiên lòng nhân hậu không thể thiếu vắng, nếu họ muốn gia đình mỗi ngày một hạnh phúc hơn. Ngược lại, sẽ là kinh khủng nếu gia đình thiếu vắng tình người và tình yêu. Lúc ấy người ta không gọi là mái ấm gia đình nữa, nhưng đó có thể là địa ngục trần gian. Gia đình tan vỡ là ở chỗ này.

Ai cũng hiểu lòng nhận hậu là biết yêu thương, quý mến người khác bằng tấm lòng chân thật. Người nhân hậu là người tốt, qua những việc họ làm cho người khác mà không tính toán. Họ vị tha, bao dung trước những lỗi lầm của tha nhân và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến họ. Đó là nét đẹp được toát ra rõ nhất trong trái tim của người yêu thương. Hẳn nhiên ai cũng yêu quý người nhân hậu, từ tâm. “Anh ấy, chị ấy sống có tình, có nghĩa lắm!” Nhận xét ấy cho thấy người ấy được tôn trọng, quý mến và đáng noi theo.

Trong gia đình cũng thế, bình thường vợ chồng, con cái dễ diễn tả tình cảm với nhau. Gia đình là nơi dễ phát sinh lòng nhân hậu, tình người. Vợ chồng yêu thương và cùng đắp xây cho hạnh phúc lứa đôi và gia đình. Khi lớn lên trong một mái nhà như thế, con cái họ sẽ nhận được giá trị tốt lành của tình yêu. Trong tiếng Do Thái, từ “yêu” có nghĩa là “làm điều tốt”. Trong Tiếng Việt cũng thế, chúng ta hiểu tình yêu bao giờ cũng phát xuất những điều tốt lành. Bởi đó, một gia đình yêu thương nhau thật, người ta thấy: biết bao điều tốt, tình người và trao ban, sự cao quí và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một cách hào phóng, vô lượng, không đòi được đền đáp, nhưng chỉ vui qua trao ban và phục vụ. (số 94).

Tôi tin rằng đôi vợ chồng nào cũng thừa biết lòng nhân hậu luôn quan trọng để họ làm người và là của nhau. Tiếc là thực tế thật khó để người chồng, người vợ sẵn sàng làm điều tốt cho nhau. Khi tình yêu hết mặn nồng, khi thách đố bủa vây, thử hỏi ai đủ kiên nhẫn làm điều tốt đẹp cho người vợ (lúc nào cũng cằn nhằn), cho người chồng (lúc nào cũng cọc cằn)? Xin đừng đẩy nhau vào ngõ cụt, nơi thiếu vắng lòng nhân hậu, thiết tình người. Ngược lại, ngay từ đầu tạo cho nhau bầu không khí yêu thương thật sự, lúc ấy kẻ thù công phá đời sống gia đình không có đất sống. Khi đó, hạnh phúc gia đình là điều có thể đạt được, với những ai sống yêu thương.

Có anh chị kia sống hạnh phúc trong mái nhà hơn 30 năm. Tôi hỏi anh chị có hay nói chuyện với nhau không? “Những lúc cần nói, anh chị mới nói thôi. Anh chỉ có thể hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ của nhau. Sống lâu sẽ hiểu nhau nhiều, cần gì nói nữa!”- Chị chân thành chia sẻ. Tạ ơn Chúa đã cho anh chị có được tình yêu luôn bền chặt bên nhau. Đó là món quà Thiên Chúa ban cho, nhưng còn là thành quả vun đắp của hai vợ chồng từng ấy năm trời. Còn đó biết bao đôi vợ chồng đang hạnh phúc như thế. Họ thực sự là dấu chỉ đáng mừng để người trẻ dám can đảm bước vào đời sống hôn nhân. Nơi đó, tình yêu và tình người phải là điểm mấu chốt để họ nâng niu, gìn giữ.

Để kết thúc chút chia sẻ trên đây, xin được mượn câu nói của thánh Inhaxiô Loyola nói: “Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm nhiều hơn bằng lời nói”. Lời nói yêu thương cũng quan trọng, nhưng nó sẽ tròn đầy hơn trong những việc làm mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Khi đi nhiều nơi, tôi nhận thấy cách thể hiện tình cảm, lòng nhân hậu hoặc tình yêu của mỗi nơi mỗi khác. Ở Việt Nam cũng thế. Tuy nhiên, mẫu số chung là những cử chỉ, việc làm của tình yêu luôn cho người ta hạnh phúc bình an. Trong văn hóa, truyền thống, não trạng và cách thể hiện tình cảm của người Việt Nam, ước gì cũng không thiếu tình người họ dành cho nhau. Được như thế, vợ chồng, con cái biết cách trao cho nhau những món quà của tình yêu. Làm người tốt, người nhân hậu ai cũng muốn, cũng thích, phải không bạn?

Lạy Chúa Giêsu, hôn nhân là câu chuyện tình mà Thiên Chúa muốn xe duyên cho người nam, người nữ. Để trong mái ấm gia đình, từng thành viên sống yêu thương nhau. Nơi đó cũng là chỗ để từng người tập sống nhân hậu và thương yêu. Qua từng ngày sống, từng biến cố, xin Chúa giúp mỗi người trong gia đình chúng con sống có tình, có nghĩa hơn. Đừng để chúng con lãng quên chân lý ngàn đời ấy. Sau tất cả, xin giúp chúng con biết rằng: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời.” (Rm 2,6-7). Amen.

   Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *