Tuổi già

(Đôi dòng cảm nghĩ về Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

nhân ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ Nhất)[1]

***

Nhân ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ Nhất, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Phanxicô, qua vị phát ngôn viên là Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, đã tuyên bố cách thẳng thắn không né tránh rằng: “Ông bà và người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi. Họ là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.” Đây quả là một điều đánh động nơi tâm hồn mỗi con người, đặc biệt với con người trong thời buổi hiện đại ngày nay. Thay vì những câu văn đầy hoa mĩ và trau chuốt, ĐGH đã phản ánh rất thực về não trạng phần đa người trẻ khi nghĩ về người cao tuổi, thậm chí là người thân trong gia đình.

Người Việt Nam vẫn thường hay nói “kính già già để tuổi cho, kính lão đắc thọ” hay “kính trên nhường dưới” nhằm khuyên nhắc nhau nhớ về truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, về thái độ tôn kính của con cái với ông bà, cha mẹ và những tiền nhân có công nuôi dạy chúng ta. Không chỉ nhớ tới các vị khi còn sống mà cả khi đã qua đời. Những dịp lễ Vu Lan báo hiếu của Giáo hội Phật Giáo cũng gợi nhắc người phật tử về vai trò và vị trí của ông bà cha mẹ trong cuộc đời mỗi người. Giáo Hội Công Giáo cũng dành riêng ngày mồng Hai Tết để kính nhớ ông bà tổ tiên khi còn sống cũng như đã qua đời. Bàn thờ ông bà cha mẹ của người Việt Nam luôn đặt ở vị trí thể hiện lòng tôn trọng khi các vị đã qua đời. Hành động dâng hương, cầu nguyện mỗi ngày cũng hiệp làm một với ý nghĩa như thế. Rõ ràng, đây là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và nhiều tôn giáo trong việc dạy và thực hành kính trọng người cao tuổi. Tuy nhiên, dần dà theo thời gian những truyền thống ấy dường như rơi vào quên lãng.

ĐGH đã chỉ ra mấu chốt của sự quên lãng ấy trong bản văn giảng lễ của ngài: “Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội toàn những con người chuyển động liên tục, quá bị cuốn hút vào những công việc của riêng họ và không có thời gian cho một cái nhìn lướt qua, cho một lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể tìm kiếm và nhận biết nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng sự sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta; họ mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên và thấy họ, ngay cả như Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta”. Những biểu hiện mà ĐGH  kể trên có thể tóm gọn trong cách nói “xung đột giữa các thế hệ” theo diễn giải của ngài cùng trong bài giảng.

Những xung đột của thời đại có thể xảy ra trong tương quan người già và người trẻ, nhất là trong những thời khắc khó khăn để chu cấp cơm, áo, gạo, tiền cho cuộc sống. Có những đứa con đã không đủ kiên nhẫn để nghe cha mẹ già khuyên nhủ đôi lời trước những thất bại của cuộc sống. Có những tranh cãi mà phần thắng chắc chắn thuộc về đứa con vì họ có sức và có lý để cãi trong khi người già thì không. Đó là chưa kể tới những lúc người già đến lúc quên trước nhớ sau, trí óc không đủ minh mẫn để biện phân trắng đen, thì vấn đề còn đi xa hơn nữa. Chắc hẳn những clip hoặc video về cảnh bạo hành cha mẹ già cách thô bạo, cụ thể như: đút những muỗng cơm cách vội vã khiến họ sặt sụa trào nước mắt; những cái tát không hề nhẹ vào thân thể cha mẹ già khi họ than vãn hoặc rên la; thậm chí có những cú đấm đá như hành xử theo kiểu giang hồ với một cụ ông hoặc cụ bà không còn sức chống cự… có lẽ không nhất thiết phải trưng dẫn nguồn của những hành động ấy ra đây, vì… những điều ấy tràn lan trên trang mạng và báo đài.

Sách Huấn Ca đã dạy về điều này từ lâu: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.” (x. Hc 3,12-13). Hôm nay, ĐGH không ngần ngại nói thẳng “người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi.” Đọc đến điều này cũng đủ để khiến nhiều người đau nhói, bởi lẽ ĐGH đang nói bằng chính tâm thức và cảm nghĩ của một người già – một vị giáo hoàng 84 tuổi – chứ không phải cái nhìn phóng chiếu hay áp đặt. Ngài nói lên điều ấy để xin người trẻ cảm thông. Sự cảm thông ở đây không dừng lại ở mức độ tội nghiệp hay đáng thương, nhưng trên hết là thi hành trọn vẹn điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn mà từ xưa Thiên Chúa đã truyền dạy cho con người. Đó là một hành động hướng đến Thiên Chúa qua tha nhân cách cụ thể trong cuộc sống người trẻ.

Giá trị của người già nằm ở chỗ tình yêu và kinh nghiệm. Tình yêu là điều mà họ đã trao cho chúng ta ngay từ lúc chúng ta mới tượng thai trong lòng mẹ. Những nâng niu, chăm sóc, dưỡng dục để trở thành một con người trưởng thành như hôm nay hẳn không thể thiếu tình yêu của ông bà và cha mẹ, ĐGH khẳng định: “Tình yêu đó đã giúp chúng ta trưởng thành”. Đồng thời trong vai trò là người đi trước, người già luôn cho con cháu những kinh nghiệm quý báu. Kinh nghiệm vốn được kết dệt từ những thành công rực rỡ cũng như thất bại đau thương trong cuộc sống của họ. Họ truyền lại cho con cháu chỉ để mong chúng được thành công như họ và đừng mắc sai lầm như họ đã từng. Đôi lúc chúng ta vẫn hay gán cho những kinh nghiệm ấy cái mác của “lỗi thời” hay “lạc hậu”, nhưng vấn đề không phải là ở chỗ kinh nghiệm ấy cũ kỹ, mà vì chúng ta không biết hay không muốn biến cái cũ kỹ ấy theo những cách thức của thời đại mà thôi. Thêm vào đó, những lời động viên và khích lệ của người già cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc giúp người trẻ triển nở cách trọn hảo hơn.

Một điều đáng lưu ý về vai trò của người lớn tuổi, theo lời gợi ý của ĐGH, rằng họ là “hương thơm của ký ức”. “Chúng ta đừng đánh mất ký ức được những người già gìn giữ, bởi vì chúng ta là những đứa trẻ của lịch sử đó, và nếu không có gốc rễ, chúng ta sẽ khô héo.” Lưu ý này cho người trẻ của thời đại cái nhìn chiều dài về lịch sử đời người. Rồi chúng ta ai cũng sẽ trở nên già nua, và sẽ đi vào cái được gọi là “lịch sử” hoặc “quá khứ”, nhưng cái phúc của chúng ta khi còn lưu giữ được cái gốc của mình là những lịch sử đáng trân trọng kia. Còn gì buồn hơn một cuộc đời không có lịch sử và gốc gác, bởi tựa như những đứa trẻ lang thang, bơ vơ và chẳng có gì để tự hào và biết ơn. Nghĩ đến đây, tôi được gợi hứng việc mình nên phải tạ ơn Thiên Chúa cách nghiêm túc vì đã cho tôi có được những gốc rễ vững vàng để tôi bám, tăng trưởng và sinh sôi như ngày hôm nay.

Tôi viết những dòng ngắn ngủi trên đây để cám ơn chân thành đến ĐGH Phanxicô, vị cha chung của Giáo Hội Công Giáo, một người cha già đáng kính. Là một người tín hữu trẻ, tôi học được bao điều về trách nhiệm và bổn phận đối với người lớn tuổi. Tôi muốn kết những dòng cảm nghĩ bằng loạt những câu hỏi của ĐGH, như điều thực tế để suy ngẫm trong mỗi ngày sống: “Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao tuổi của chúng ta như thế nào? Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao tuổi để thể hiện sự gần gũi của chúng ta và được lãnh nhận điều tốt từ những điều họ nói với chúng ta là khi nào?”.

Little Stream

[1] Những trích dẫn về bài giảng được trích từ nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-07/ngay-the-gioi-ong-ba-nguoi-cao-tuoi-lan-thu-nhat-rino fisichella.html?fbclid=IwAR31WbSjtskmp7TQJqosjOQzD1oCsaIDSoYJsNV8zZHcUHbj1xL8Xxi4ic8

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *