Vết thương – khoét sâu hay chữa lành? (Cảm nhận về bộ phim The King’s Speech)

 

 Làm sao để chữa lành những vết thương tâm hồn? Có cần phải khoét sâu mới chữa lành được vết thương lòng không?

The King's Speech (01)

The King’s Speech – Diễn văn của Nhà vua

The King’s Speech là một bộ phim thiên về lịch sử dựa trên câu chuyện có thật kể về vua George VI của nước Anh – cha của Nữ hoàng Elizabeth II, đã lên ngôi một cách bất đắc dĩ sau khi anh trai của mình – vua Edward VIII thoái vị.

Ngay từ khi còn là hoàng tử, vua George VI, có tên là Albert, đã thường xuyên phải phát biểu trước công chúng. Oái oăm thay, ông mắc chứng nói lắp vô cùng đáng ghét. Không ít thì nhiều, điều này ảnh hưởng tới uy tín của hoàng gia Anh. Mặc dù ông đã tìm mọi cách để chạy chữa nhưng đều vô dụng. 

Người lo lắng, quan tâm tới Albert nhất chính là vợ ông, nữ hoàng Elizabeth. Khi mọi hi vọng đang dần tan theo mây khói thì bà gặp được Lionel Logue. Tuy không phải là bác sĩ, nhưng bằng những biện pháp đặc biệt của mình, Lionel cải thiện đáng kể khả năng diễn thuyết của Albert. Giữa họ dần hình thành một tình bạn đặc biệt. 

Mối tương quan giữa AlbertLionel được miêu tả tinh tế, sinh động và liên tục thay đổi do bất đồng quan điểm, do hiểu nhầm thậm chí bị ảnh hưởng bởi yếu tố lịch sử, chính trị. Vai trò của họ cũng hết sức đa dạng, học trò – cố vấn, người bệnh – người chữa bệnh, vua chúa – kẻ tôi tớ hèn mọn, để rồi cuối cùng là tình bạn mãi mãi theo thời gian.

Bộ phim, một cách khéo léo và quyết liệt, đặc tả vị vua ở vị thế con người đời thường mà tật nói lắp của ông hoàn toàn có thể hiểu là nỗi khổ tâm, khởi đầu mọi rắc rối để rồi khi khắc chế được, ông trở nên thật đáng kính và quan trọng trong khoảnh khắc cả dân tộc đang lâm vào tình thế hiểm nghèo. Không ai sinh ra là hoàn hảo nhưng có thể trở thành hoàn hảo bằng cách nào đó! Bộ phim đã đoạt giải Oscar cho phim xuất sắc nhất cũng như giải Liên hoan phim quốc tế Toronto 2010 do khán giả bình chọn.

 Và sau đây là một vài hình ảnh và cảm nhận về bộ phim: 

The King's Speech (02) The King's Speech (03) The King's Speech (04) The King's Speech (05) The King's Speech (06)

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (1)

.

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành?

Sống trong phận người hữu hạn, phần lớn ai cũng một lần cảm được nỗi đau nơi vết thương tâm hồn mình. Đó có thể là những khiếm khuyết về mặt thể xác hay tinh thần, những lầm lỗi, thất bại trong quá khứ, cũng có thể là những đối xử bất công, những nỗi sợ hãi hay mặc cảm tự ti về gia cảnh, tài năng… Những vết thương lòng thường âm ỉ ray rứt con người suốt cuộc đời! Làm sao để chữa lành những vết thương tâm hồn? Có cần phải khoét sâu mới chữa lành được vết thương lòng không? Bộ phim The King’s Speech” là những diễn tả rất thật giúp tôi đồng cảm hơn với những tâm trạng của những cảnh đời mặc dù không nghèo nhưng cũng được gọi là bất hạnh, mặc dù không cực nhọc nhưng lại đắng cay từ trong thâm tâm.

Bộ phim kể về hoàng tử Albert (sau này là vua George VI của Anh), người mắc tật nói lắp từ nhỏ. Tuy vậy, tật nói lắp của Albert không phải bởi vì vấn đề ở nơi cổ họng nhưng phát xuất từ tâm lý sợ hãi và mất tự tin đã ăn sâu vào con người anh từ trong quá khứ. Ngay từ lúc lên năm, Albert đã bị trêu chọc và anh không thể nói được điều gì khi bị người khác khiêu khích. Nỗi đau vì thế càng bị dồn nén hơn. Theo thời gian, Albert mang một nỗi sợ hãi khi đứng trước đám đông. Anh trở nên con người của tự ti, mặc cảm và dễ nổi nóng với bản thân mình. Trong mắt mọi người anh nghĩ anh chỉ là người vô dụng dù anh là Hoàng tử nước Anh và có thể là kế nghiệp vua cha trong tương lai.

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (3)

Đặt vào tâm trạng của Albert tôi thấy rằng, con người chúng ta dù là ai không ít thì nhiều đôi lúc cũng cảm thấy chới với khi đối diện với những thực tại của những vết thương nơi lòng mình. Những vết thương lòng nhiều lúc gây cho tôi sự sợ hãi và lo lắng không cần thiết. Tôi không dám làm điều gì cả ngay khi tôi có khả năng làm điều đó. Tôi không tự tin vào chính mình. Thêm vào đó, có lẽ phần lớn các nỗi sợ hãi hiện tại đều phát xuất từ những ám ảnh tâm lý một cách vô thức lúc tuổi nhỏ, do hình phạt hay sự châm chọc từ phía người trong gia đình hay ngoài xã hội. Những chỗ yếu nhược thay vì được đón nhận và chữa lành thì lại là chủ đề để người khác trêu chọc như một trò hề. Một cách vô tình hay hữu ý sẽ làm cho vết thương lòng tôi thêm sâu hơn. Cứ vậy, theo thời gian những vết thương nếu không được khắc phục sớm sẽ lớn dần lên, rướm máu trong sự dằn vặt bản thân. Kết quả là tôi đóng lòng mình lại, sống khép kín và tự cô lập mình, phòng thủ bao nhiêu có thể để khỏi bị tấn công. Tôi sẽ dễ bấn gắt với bất kỳ ai, nhất là những người hay làm cho tôi khó chịu…

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (14)

Càng sống trong cuộc đời, tôi càng thấy rằng phần lớn các đau khổ trong cuộc sống là do con người tự gây ra cho nhau và tôi cũng không là ngoại lệ trong việc gây thương tích cho người khác. Những vết thương lòng đôi lúc thật khó nhận ra vì đó là những gì sâu kín nhất trong lòng mỗi người. Chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng” cả nên phải đủ tinh tế và nhạy cảm lắm tôi mới nhận ra những vết thương đó nơi người khác. Biết được những vết thương ấy, tôi sẽ tế nhị hơn trong cách ứng xử của mình.

Trong thực tế, tôi đã từng hối hận với những câu nói móc khóe cho vui, những câu bông đùa đụng chạm đến vết thương lòng người khác dù vô tình hay hữu ý. Những cái đâm thọc như thế mới là đau đớn hơn hết vì sẽ làm cho người bị tổn thương phải sống trong tình trạng sống dở chết dở khi những lời đay nghiến đó cứ vang mãi trong tâm hồn. Thay vì những lời an ủi khuyến khích, tôi lại nhốt người khác trong cái nhìn thành kiến và kỳ thị. Phần lớn những người khuyết tật, những người bị nhiễm HIV hay một dị tật tâm hồn nào khác đều cảm thấy mình đau khổ không chỉ là ở nơi tật bệnh họ mang lấy nhưng còn ở sự kỳ thị của mọi người đối với họ. Thật đau đớn biết mấy khi họ bị xa tránh và không được đón nhận như một con người. Thật ra, thì ai cũng có nỗi đau và yếu đuối riêng nhưng tại sao người ta lại cứ thích đến với nhau bằng sức mạnh? Tại sao lại thích khoét sâu nỗi đau người khác trong khi vết thương lòng của mình đang lở loét? Trong một cuộc va chạm, không biết là ai đúng ai sai nhưng tôi sẽ luôn đứng về phía người chỉ biết câm lặng vì có nhiều người không thể thốt lên được điều gì để phân trần cho nỗi đau riêng mình. Cái đau câm lặng như thế là sự “ngọng nghịu đáng thương của tâm hồn”.

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (2)

Bên cạnh đó, tôi cũng không lạ gì khi càng ngày càng có nhiều người vốn bản chất hiền lành, dễ thương nhưng sau nhiều cuộc va chạm lại trở nên cục cằn, khó chịu, dễ nổi nóng và chống đối người khác. Tôi thường tâm niệm rằng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vì thế, tôi không trách họ vì họ không làm chủ được bản thân nhưng tôi thấy thương cho vết thương lòng họ đã bị cuộc đời làm cho chai sạn quá nhiều. Những người bị tổn thương khi đã chai sạn lại trở nên một mầm mống để gây tổn thương cho người khác. Cuộc sống vì thế lại càng tệ hại hơn. Trong một cuộc chiến không biết ai thắng ai thua nhưng chắn chắn rằng cả hai không ít thì nhiều sẽ bị thương tổn và gây không ít thiệt hại cho cả con người mà môi trường chung quanh.

Tôi thường than trách cuộc đời đã gây nên nhưng tổn thương trong lòng tôi, nhưng đâu đó những vết thương cũng phát xuất từ nguyên nhân là tôi không tha thứ cho chính mình. Lắm lúc những vết thương và nỗi sợ hãi phần lớn cũng do tính quá nhạy cảm của tôi thêu dệt nên và nhốt tôi vào trong. Đâu đó chỉ cần một ánh mắt lạnh nhạt thôi cũng làm cho tôi đau nhói, một sự thiếu quan tâm thôi cũng làm tôi đắng cay. Cứ vậy, tôi luôn sống trong vòng luẩn quẩn, cứ gò mình nơi vỏ ốc của những định kiến và mặc cảm tự ti mà không thoát ra được. Quả vậy, người “nghèo” không đâu xa là chính bản thân mình. Đón nhận “cái nghèo” của người khác đã khó, yêu thương “cái nghèo” của mình lại càng khó hơn!

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (8)

Đến đây, điều làm tôi cứ mãi trăn trở là làm sao để thoát khỏi những sợ hãi và hàn gắn những vết thương tâm hồn? Trong bộ phim, Albert cũng được may mắn vì luôn có bên cạnh một người vợ đầy cảm thông và mang đến cho anh sự an ủi khi anh ở trong tình trạng bế tắc, khủng hoảng. Hơn nữa, anh còn được sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Lionel. Lionel muốn coi anh như một người bạn chí thiết. Lionel muốn hiểu về quá khứ đã hình thành nên Albert để thấu cảm được tâm trạng, nỗi đau nơi con người anh. Đôi lúc Lionel phải dùng đến những cách làm cho Albert tức giận để kích thích khả năng nói của anh… Kết quả là Lionel đã thành công nhờ kinh nghiệm và lòng kiên nhẫn. Riêng bản thân Albert, anh cũng phải tập để chấp nhận chính mình, mặc dù khó khăn nhưng anh luôn nổ lực để khắc phục yếu điểm bản thân. Albert được mệnh danh là ông vua nói lắp nhưng tôi nghĩ rằng vương quyền của anh không phải ở việc anh kế nghiệp vua cha hay ở khả năng diễn thuyết bằng ngôn ngữ nhưng ở chỗ anh đã vượt thắng và làm chủ chính mình. Anh đã làm vua của chính anh trước khi làm vua của cả nước Anh.

SONY DSC

Ở đây, để chữa lành một vết thương vấn nạn có thể đặt ra là: Có cần phải khoét sâu mới chữa lành được vết thương không? Thông thường, đối với những vết thương thể xác, chúng ta phải gìn giữ cận thận để tránh những va chạm mạnh làm tổn thương và đau đớn, lại càng phải chăm sóc thuốc thang hơn để chóng lành. Nhưng cũng có những căn bệnh cần có cách chữa đặc biệt hơn như phải phẫu thuật để lấy cho được chất độc và phần ung nhọt ra thì mới chóng khỏi. Trong những tật bệnh hay vết thương tâm hồn cũng vậy, con tim là bộ phận nằm bên trong nhưng lại là phần rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Đã là người thì ai cũng có những khiếm khuyết gây chướng tai gai mắt cho cả đương sự lẫn người chung quanh. Nhưng thay vì phải nhẹ tay với nó trước, phần lớn ai cũng nghĩ rằng phải khoét sâu mới chữa lành được hay nói khác hơn là phải làm cho người khác đau mới giúp thực sự cho người đó được thay đổi. Thực tế, được mấy người có thể làm lương y đúng nghĩa trong việc dùng “thuốc đắng dã tật”. Nhưng giả thử nếu có ai có ý tốt, sửa sai tôi bằng cách phải làm cho tôi đau cho dù trước đó tôi không hiểu thì tôi xin hết lòng cảm ơn và xin cứ tiếp tục kiên nhẫn với tôi. Còn nếu thấy mình không đủ sức và kinh nghiệm để chữa lành bằng cách đó thì tôi can: xin đừng!… Vì như thế rủi ro có thể làm cho vết thương lòng tôi thêm sâu và chỉ làm cửa tâm hồn tôi sẽ khép chặt hơn mà thôi!

Nhìn cách ứng xử của Lionel đối với Albert, tôi thấy rằng một lương y thật sự cho tâm hồn phải là người rất tế nhị. Nếu anh đứng ở vị trí của một lương y để chữa trị thì anh đã thất bại ngay từ đầu vì phần lớn những ai được chữa đều tự thấy mình là đối tượng để chữa bệnh, là con bệnh hơn là trong tư cách của một con người. Lý do đơn giản nhất để tiếp cận có lẽ là trong tư cách của một người bạn. Trong tình bạn, tôi thấy tôi muốn kề cận với anh trong những lúc khủng hoảng nhất của anh, thế thôi! Bao lâu anh chưa thật là người bạn chí thiết của tôi thì anh đừng mong thay đổi bất cứ điều gì nơi tôi, vì làm sao có thể góp ý cho tôi nếu anh chưa thật hiểu được con người tôi và đón nhận những yếu đuối nơi tôi… Thật ra mà nói, chẳng ai là lương y mãi của ai cả. Sống trong cuộc đời tự mỗi người một lúc nào đó sẽ thấy mình cần được nâng đỡ về tinh thần từ một ai đó, và một lúc khác tôi cũng là một cánh tay để đỡ nâng người khác, một bờ vai êm ái làm vơi đi nỗi nhọc nhằn mà kiếp người sẽ đôi lần nếm trải.

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (13)

Tóm lại, bao lâu còn làm người thì tôi vẫn còn khắc khoải trong “nỗi đau không tên” nơi những vết thương lòng. Dầu vậy, cảm được nỗi đau nơi vết thương lòng mình, tôi sẽ dễ cảm thông và tế nhị hơn với vết thương lòng của người khác. Tôi cũng thường nhắc nhở mình rằng cuộc đời vốn dĩ đã nhiều nỗi nhọc nhằn thì làm ơn đừng vì điều gì mà làm cho nhau thêm nặng lòng hơn! Chẳng cần điều gì hơn, cùng nhau gánh vác những yếu đuối của nhau là sống trọn kiếp người rồi!

Trong việc chữa lành vết thương, tôi luôn tin rằng, nếu không thể khoét sâu để chữa lành thì những khiếm khuyết và vết thương nếu được cảm thông và nâng đỡ có thể sớm được khắc phục. Hơn nữa, để được giải thoát khỏi những tự ti chính tôi cũng cần có cái nhìn lạc quan để tự tha thứ cho mình từ đó có thể chấp nhận và sống vui với những khiếm khuyết.

Những nhân vật chính trong bộ phim cũng giúp tôi nhận ra họ đâu đó trong cuộc sống đời thường. Vẫn còn đấy nhiều vết thương mặc cảm tự ti của nhiều hoàng tử Albert khác đang cần được cảm thông và nâng đỡ. Nhiều gia đình vẫn còn thiếu những cánh tay nâng đỡ ủi an như vợ của Albert. Thế giới vẫn cần những lương y trong tình bạn như Lionel để mang lại niềm tin cho những người thất vọng, chán nản, tự ti…

Hãy chữa lành những vết thương tâm hồn thay vì tạo những hố sâu cay đắng. Hãy mở lối thoát thay vì xây thêm những ngục tù. Hãy tha thứ cho chính mình và cho người khác một cơ hội để được giải thoát và tự do.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19).

Lửa mới

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (4)

.

Tôi đã học biết rằng…

Tôi đã học biết rằng…

Cử xử tử tế thì quan trọng hơn cư xử đúng.

Tôi đã học biết rằng…

Một nụ cười là cách dễ nhất để cải thiện vẻ mặt của mình và người khác

Tôi đã học biết rằng…

Ngày nào tôi không mỉm cười vui vẻ, ngày đó tôi sống ích kỷ.

Tôi đã học biết rằng…

Ngày nào tôi không làm cho kẻ khác vui vẻ, ngày đó tôi lỗi đức yêu người.

Tôi đã học biết rằng…

Khi có người nói với tôi: “Anh đã cho tôi một ngày vui!” thì đó là ngày vui của tôi.

Tôi đã học biết rằng…

Khi tôi tìm cách trả thù ai đó, tôi chỉ làm cớ cho họ tiếp tục làm tổn thương đến tôi.

Tôi đã học biết rằng…

Khả năng lớn nhất mà tôi cần đạt đến khả năng chấp nhận chính mình và đón nhận người khác.

Tôi đã học biết rằng…

Cách tốt nhất đối phó với những người hay kỳ thị và khó chịu với tôi là cứ đối xử tốt với họ.

Tôi đã học biết rằng…

Tôi có thể luôn cầu nguyện cho một ai đó, khi tôi không có cách nào khác để giúp họ.

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (19)

.

Xin dạy con biết…

Ôi Giê-su, Thầy và Anh chí thánh,

Con hợp lời với những kẻ con thương:

Xin dạy con biết sống mỗi dặm đường,

Biết chia sẻ, biết cho đi như Chúa,

Biết đối diện với nhọc nhằn đau khổ,

Biết kiên gan đón nhận mỗi một ngày,

Biết mỉm cười khi gặp phải đắng cay,

Biết bước tới khi con hòng kiệt sức,

Biết cười vang khi tim con muốn khóc,

Biết vững vàng khi con phải chia ly,

Biết yêu thương khi con chẳng còn gì.

Biết thứ tha khi lòng con muốn ghét,

Biết tin tưởng Ngài luôn luôn có mặt,

Biết gặp Ngài trong kinh nguyện của con…

RUTH MOYER GILMOUR

Vết thương – khoét sâu hay chữa lành  (10)

Có thể xem phim tại đây: http://phimnhanh.net/movie/xem-phim-the-king%5C%27s-speech-m34828.html

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *