Bên lề KAKUMA: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Sau một buổi Lễ với người Turkana
Sau một buổi Lễ với người Turkana

Hai ngày trước khi rời trại, một cha người Ai-len dẫn tôi đi lang thang để biết vùng này, vì từ khi đến đây tôi chẳng biết gì bên ngoài trừ trại tị nạn và những ngọn đồi gần trại. Sau bữa trưa ở trại, hai cha con đi Kalopeyei cách Kakuma 30km bằng một chiếc xe leo núi cũ.

Tên cha là Millar, người nhỏ con. Sau khi chịu chức linh mục tại Ai-len được một năm khi mới 26 tuổi, cha được sai đến vùng đất này. Đến nay, còn vài tháng nữa là đủ 47 năm cha ở với người Turkana. Tôi hỏi cha: “khi được sai đi, cha có nghĩ là mình sẽ ở đây hơn hai phần ba quãng đời không?” Cha nói: “Tuổi trẻ mà, sai là đi thôi. Cái quý của tuổi trẻ là lòng nhiệt huyết. Chẳng cần biết tương lai là bao nhiêu năm, miễn là chỗ nào cần mình là được.” Năm nay cha đã hơn 73 tuổi nhưng rất khoẻ. Tôi ngạc nhiên khi cha nhờ tôi khiêng giúp mấy bao gạo và bắp bỏ lên xe để sáng hôm sau đi sớm, đem đến cho mấy trường học. Mỗi bao 35kg. Hôm nay có tôi nên hai cha con khiêng, còn bình thường thì mình cha bê từ kho ra bỏ lên xe, 12 bao cả gạo lẫn bắp, cộng với một bao muối và 1 thùng dầu ăn.

Người Turkana là một trong những bộ lạc nghèo nhất Kenya. Thật khó để biết dân số của bộ lạc này là bao nhiêu, chỉ biết ước tính khoảng 1 triệu. Họ là những người du mục nên ngôi nhà của họ cũng dễ dàng để di chuyển. Nhà được làm bằng những cành cây chôn xuống đất xếp thành hình tròn và chụm lại trên nóc tạo thành mái vòm; sau đó được phủ bằng lớp lá hoặc nylong lợp vào khung cành cây này. Thoạt nhìn, ngôi nhà giống tổ chim úp ngược.

Nhà của cha thì được xây. Giữa những ngôi nhà lá, chỉ cần ngôi nhà xây thôi, không cần biết nó thế nào, thì cũng đã thấy rất khang trang rồi. Giáo phận đã xây ngôi nhà này 10 năm trước cho cha xứ về ở. Một vị đến ở được hơn một năm nhưng không chịu nổi cảnh heo hút nên đã xin chuyển đi, sau đó có một vị khác đến rồi cũng chưa đầy một năm cũng phải ra đi. Cha Millar xin về đây để ở như là “trụ sở”, và thăm viếng các vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần.

Khi về đến nhà, trời còn nắng gắt, hai cha con pha ly trà ngồi rỉ rả. Sau đó cha dẫn tôi dạo quanh nhà, giới thiệu hướng này hướng kia và dừng lại ở hướng một ngọn đồi nhỏ. Trên đó là ngôi nhà thờ xứ. Cha nói tôi lên đó để nhìn bao quát hơn và hẹn tôi 4 giờ dưới chân đồi để đi thăm các gia đình trong làng. Từ đỉnh ngọn đồi, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ ngôi làng được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp. Phong cảnh ngôi làng thật thanh bình, thưa thớt các ngôi nhà và cũng không ồn ào như ở trại tị nạn đông nghẹt.

Từ ngọn đồi tôi nhìn thấy nhiều người đi lấy nước từ một giếng khoan đẩy tay gần đó, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, chỉ có một vài thanh niên. Có lẽ giờ này đàn ông đang đi chăn các đàn vật. Có một điều thú vị là người ta đội bình nước 20 lít trên đầu, không cần lấy tay giữ, cứ để bình nước thăng bằng trên đầu rồi đi dù là đường rộng hay hẹp, bằng hay dốc. Ít khi họ xách thứ gì trên tay. Tất cả mọi thứ họ đều bỏ lên đầu đội đi. Mỗi sáng tôi thấy mấy chị đi chợ, đội một xô bánh bột chiên đi bán, xô bánh được đậy nắp và trên nắp có một bọc gì đó to to nữa. Ngay cả như vậy chị cũng không cần lấy tay giữ, xô bánh và bọc to to bên trên vẫn thăng bằng trên đầu chị, còn hai tay thì tung tăng theo nhịp bước.

Đến 4 giờ, tôi thấy cha từ trong nhà đi ra để đến thăm các gia đình như đã hẹn. Tự nhiên tôi thấy có một cảm giác lạ lạ khi từ xa nhìn thấy một ông già da trắng sống giữa những người của bộ tộc da đen xa lạ. Họ xa lạ cả với những người Kenya thành thị. Nhưng với cha thì chẳng còn xa lạ, 47 năm rồi còn gì. Tôi chợt nghĩ đến câu nói tiếng Việt: “không có mợ thì chợ vẫn đông.” Nhưng ở đây, không có cha, người bộ lạc này thiếu đi một điểm tựa. Khi cha mới đến những năm đầu, cha là người duy nhất có thể dạy cấp II-III, nên cha đã mở trường dạy học trong 17 năm. Cha trở thành đa năng, dạy tất cả 9 môn từ văn chương cho đến các môn khoa học tự nhiên, kiêm luôn việc quản lý và chu cấp lương thực cho học trò.

Tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ về câu “không có mợ thì chợ vẫn đông”. Với câu nói này, dường như người ta xem nhẹ sự đóng góp của người khác. Phải chăng người ta được đánh giá dựa trên việc họ làm? Còn sự hiện diện của họ thì sao? Những người khuyết tật, những người già yếu chẳng có vị thế nào trong “phiên chợ” cuộc đời sao? Phẩm giá con người đâu chỉ dựa trên công việc. Sự hiện diện của sự sống là vô giá rồi. Với tôi, “không có mợ” thì chợ thiếu đi một nét nào đó. Mỗi người là một tác phẩm duy nhất của tạo hoá, xin đừng vì “khả năng đóng góp của họ” mà xem thường những người yếu thế. Với Đức Giê-su, điều này rất rõ: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Lc 12,6-7)

Chúng tôi đến một gia đình, chui vào nhà (thực ra là cái chòi như tổ chim úp ngược) để đọc Lời Chúa với họ. Người già và trẻ con đều chui vào cái chòi này. Nền nhà được lót bằng một tấm da bò. Mới đầu tôi không chịu nổi mùi bên trong chòi, khá nồng nặc và ruồi thì không đếm xuể. Nhưng đối với cha, điều này đã quá quen thuộc rồi. Người Turkana có thói quen nhổ nước bọt mọi nơi mọi lúc. Có khi đứng giữa đám đông, họ phun một cái, nước bọt bay ngang đầu người đối diện rồi rơi xuống phía bên kia. Khi cầu nguyện xong, cha dẫn tôi đi quanh làng để giới thiệu. Đi đến đâu, người ta gọi cha đến đó. Có những người ở cách cả 100m, họ cũng gọi to “Millar”, rồi chạy đến bắt tay cha. Cha đi thăm vòng vòng như vậy 4 lần/tuần; chỉ là đi đến các gia đình cầu nguyện, rồi dạo quanh làng chào hỏi cả ông già bà lão lẫn con nít thanh niên. Với họ, cha trở nên một điểm tựa cho cả làng. Buổi chiều hôm đó tôi học được nhiều điều từ vị thừa sai già nhỏ con này. Đi với cha, tôi có thể cầm xem các vòng cổ của các cô gái, hay cây gậy cái đòn của các chàng trai. Đi với cha, tôi trở nên người nhà của họ, vì cha giới thiệu với họ như thế.

Tối đến, hai cha con về nhà ăn cơm trộn với ít đậu thêm chút muối. Đến 7 giờ tối, cha nói tôi đem ghế ra hiên ngồi nghe đài BBC. Tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi khi nhà chưa có TV, buổi tối cả nhà ngồi rà đài BBC để nghe. Ở đây không có hệ thống điện, nhưng cha có hai tấm điện mặt trời nên cũng đủ xài một vài bóng đèn. Sau 30 phút nghe đài, hai cha con vào một phòng nguyện nho nhỏ của cha để đọc kinh tối. Buổi kinh cũng đơn sơ như ông già 73 này, nhưng với tôi thật ý nghĩa. Lời kinh được dâng lên từ một vùng chẳng ai biết đến. Nhưng đây là lời cầu nguyện cùng “Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6).

Sáng hôm sau, hai cha con dậy sớm để đi dâng lễ ở những vùng phụ cận. Trời còn tối mịt, chẳng cần màng đến chuyện ăn uống gì, hai cha con cứ thẳng rừng mà tiến. Nơi xa nhất chúng tôi đi là 66km từ đường lộ. Trên đường đi cha nói: “hy vọng chúng ta đủ xăng để quay về”. Cây kim xăng còn có vạch cuối. Tôi lo lắng vì chạy suốt con đường giữa rừng này, chẳng có lấy một bóng người, lấy đâu ra nước uống nói gì đến xăng. Cha trấn an tôi: “sáng nay cha cầu nguyện rồi, cứ để Chúa lo.” Không phải cha không biết tiên liệu, nhưng vì ở khu này chỉ có một cây xăng nhỏ, mà chúng tôi lại không thể chờ đến khi họ mở cửa. Những người trong làng đang đợi cha. Bình thường thì tôi cũng chịu chơi, bí quá thì ngủ giữa rừng thôi, nhưng vì ngày hôm sau tôi phải bay về Nairobi, rồi từ Nairobi về Roma. Nếu lỡ chuyến bay này thì coi như tôi mất nguyên vé về Roma.

Hôm đó là thứ Tư, nhưng cha dâng 4 Lễ Chủ Nhật, vì có nhiều điểm khác nhau cách xa cả năm sáu chục kilômét, cha không thể đến vào ngày Chủ Nhật được. Cha đi mỗi tuần 2 lần đến các làng khác nhau. Khi đến một làng, cha chạy lòng vòng bấm còi inh ỏi, bà con nghe còi là biết nên chạy đến đi lễ. Dĩ nhiên là ở đây làm gì có nhà thờ. Người ta cắm một hàng rào cây dưới bóng một cây to, như vậy là ra cái nhà thờ rồi. Còn bàn thờ thì chỉ cần gác vài thanh củi, trải tấm khăn là ra cái bàn. Buổi lễ thì sinh động như mọi buổi lễ khác của Châu Phi.

Tôi có cảm tưởng, những người Turkana trong các làng sống ở một thế giới khác xa với thế giới hiện đại. Khi cha đến đây 47 năm trước họ đã vậy và bây giờ vẫn thế. Không biết liệu 100 năm nữa họ có thể biết được những điều chúng ta biết ngày nay không. Ở đây có các trường học nội trú cho các em cấp I, nhưng không có thức ăn. Cha chở cho các trường học này những bao gạo và bắp chiều hôm trước hai cha con bê lên xe. Trên đường về tôi hỏi: “cha ở đây lấy tiền đâu để mua lương thực này”. Cha đáp lại bằng một nụ cười sáng trưng: “từ anh em và bạn bè của tôi. Tôi có 6 anh em, mỗi người một ít. Tôi cũng có rất nhiều bạn tốt từ thời phổ thông và đại học, họ giúp cả cho cuộc sống của tôi lẫn cho bọn trẻ này. Cũng có mấy người đã đến đây thăm tôi và thăm bọn trẻ.” Hoá ra, một người đi sứ mạng thì không chỉ mình họ đi, mà cả người thân và bạn bè cùng đi với họ.

Chiếc xe dù cũ nhưng vẫn băng qua mấy vũng cát ngon ơ… chỉ tội vô-lăng đời cũ không có trợ lực nên rất nặng. Trời nắng nóng gặp mấy cua đường rừng nữa nên bẻ lái toát mồ hôi hột, không phải chỉ trên trán mà khắp cả mình. Tôi đòi lái nhưng cha nói: “tay nghề của anh chưa lái được đường và xe này đâu.” Trên đường về tôi tự hỏi: “có khi nào đi mỗi tuần 2 lần vào những điểm cách nhau cả năm sáu chục cây số này, cha bị vấn đề gì đó không.” Nhưng đây là câu hỏi của người ngoài cuộc. Còn với người trong cuộc thì chẳng thành vấn đề. Bao nhiêu năm lăn lộn không màng chi đến tính mạng, bây giờ quá lắm là chết như một người “đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7) thôi.

Trở về đến đường lộ xe vẫn còn chút xăng. Tôi thì thú vị với nhiều điều mở ra chỉ trong có một ngày, còn cha thì vui vì đã dạy cho tôi được bài học về sự tín thác và lòng nhiệt thành. Tôi hẹn cha một ngày nào đó sẽ trở lại; nhưng không biết khi tôi trở lại, cha có còn ở với người Turkana hay đang ở một nơi bình yên khác!

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 4: Hãy là một mục tử

Thực tại bị biến thành trừu tượng. Những cách tiếp cận uyên bác nhưng lại …

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 3: Phương thuốc giải độc

Khi đến lúc phải tìm kiếm một phương thuốc và sự giúp đỡ để chống …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *