[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Phần II. Nhiệm vụ phải xưng tội đối với mọi người (số 7)

Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

 

IV. THỰC HÀNH XƯNG TỘI TIẾN ĐỨC
Chỉ có xưng tội tiến đức, khi mỗi lần xưng tội, linh hồn được ơn hoán cải và quay về với Chúa, như lời Chúa kêu gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15). Thật là một sự sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng chúng ta chỉ cần hoán cải một lần, rồi đương nhiên đi trên con đường hoàn thiện. Giáo huấn Tin Mừng nhắc nhở chúng ta phải hoán cải và hoán cải liên tục, liên tục. Vì lẽ đó, trong đời sống thiêng liêng, người ta nói đến việc “trở lại lần thứ hai” như một biến cố quan trọng, nhưng không dừng lai ở đó. Và ta phải kiên trì trở lại, đổi hướng, đổi đời, về với Chúa, mới có thể làm môn đệ Chúa: “Ai muốn theo Ta phải bỏ mình vác thánh giá mỗi ngày mà theo Ta” (Lc 9, 24). Con đường vào bên trong, con đường dẫn đến sự sống là con đường hẹp (Mt 7, 13-14). “Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”(Mt 10,22).

A. Ý NIỆM TỘI LỖI, CẢM THỨC VỀ TỘI, THẤY TỘI MÌNH
“ Trong ánh sáng Người, chúng con tìm thấy ánh sáng”(Tv 36(35),10).
“Thiên Chúa là ánh sáng;
nơi Người, không có một chút bóng tối nào.
——-
“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta lừa dối chính mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng thú tội mình, Thiên Chúa là Đấng trung tín và công bình sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng ta và thanh luyện chúng ta khỏi mọi bất chính” ( 1 Ga 1, 5.7-9).
Suy niệm về tội là sống trong mầu nhiệm Thiên Chúa, mà thánh Gioan gọi là mầu nhiệm ánh sáng. Nếu Chúa không cho chúng ta thấy tội, nếu Chúa không cho ta một chút hiểu biết về tội, chúng ta sẽ mù lòa và chết trong tội chúng ta (x. Ga 8, 23). Chỉ khi nào chúng ta biết Chúa là ai chúng ta mới hiểu được tội là gì. Ý niệm tội (tức là biết bản chất của tội và nhận biết chính ta là tội nhân) là tiếng nói lương tâm của những người nhận biết Thiên Chúa thật và ngược lại, sự hiểu biết về tội trở nên càng sâu sắc, trong mức độ mà sự kết hợp với Thiên Chúa trở nên thâm sâu hơn. Chứng từ của các vị thánh làm ta ngạc nhiên, nhưng chỉ con mắt nhìn thấy sự thánh thiện của Chúa mới nhận ra ác tính của tội.
Nếu ý niệm tội cách chung đã bị đẩy vào quên lãng, nhất là trong thời đại mà Thiên Chúa bị khước từ, thì biết mình là tội nhân càng khó hơn, vì những hệ thống tự vệ chung quanh ta và trong chính bản thân ta. Từ trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh đã nhận xét chí lý: ”Tội ác thì thầm trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời, hắn tự cao tự đại nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét” (Tv 36(35), 2-3).
Thánh Augustinô cũng có suy nghĩ tương tự khi suy niệm Cựu Ước : “Đừng tự phụ cho rằng đời sống ta là đức hạnh và chúng ta không có tội. Để đời sống ta đáng được khen ngợi, chúng ta hãy xin Chúa thứ lỗi. Những con người không có trông cậy, càng ít chú ý đến tội riêng mình, càng tò mò về tội kẻ khác. Họ không tìm điều họ phải sửa, mà tim điều họ phê bình. Và bởi vì họ không thể xin lỗi, họ sẵn sàng tố cáo kẻ khác. “ (Bài giảng về Cựu Ước).
Trong cái nhìn của thánh Augustinô: “những kẻ không cậy trông” tức là những kẻ ngoại đạo, vô đạo, hoặc những kẻ rửa tội mà không giữ đạo, những kẻ không có đức tin trưởng thành, không có cái nhìn đúng đắn về tội. Người chưa trưởng thành về tâm linh không hề biết ra khỏi chinh mình, chỉ biết co quắp trên chính mình, tìm hưởng lạc thú cho mình, không dễ thấy tội. Người chưa trưởng thành về đức tin, đồng hóa sự hổ thẹn (khi tôi làm điều sai trái bị bắt gặp) với tội, hoặc tội là vi phạm lề luật bên ngoài (thường thì người ta dễ xưng tội bỏ lễ, bỏ đọc kinh…) hơn những tội bên trong. Thậm chí có trẻ con xưng tội điều răn thứ sáu, hỏi như thế nào thì trả lời “có ăn thịt ngày thứ sáu!”. Người có tội sống trong sự tự mãn và ích kỷ, xa luật Chúa, dần dà mất đi sự nhạy bén của lương tâm, không còn biết phải trái, chỉ thấy điều có lợi cho mình mà làm. Đời sống không có lối thoát: hoặc họ rơi vào tuyệt vọng, hoặc chai lì trong tội. Họ không thấy tội mình, chỉ thấy tội kẻ khác để tố cáo, thậm chí nhiều khi còn tố cáo Chúa thay vì nhận lỗi của mình. Trái lại, người có lương tâm chính trực nhận lấy trách nhiệm của việc làm sai trái và hối cải: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,6).
1. Kinh nghiệm của các thánh
Thánh Têrêsa Giê-su (Avila) (1515-1582), xin Chúa cho thấy tình trạng thực sự của mình dưới ánh sáng của Chúa và người kinh hãi đến mức độ kêu xin Chúa hãy ra khỏi mình vì không thể chịu được cực hình đó.
Thánh Catarina Genova (1447-1510): trước kia sống một cuộc đời buông thả, nhưng được ơn hoán cải năm 1474. Từ đó, người dốc quyết: Không còn thế gian, không còn tội lỗi nữa. “Nếu TC không nâng đỡ tôi, tôi biết là tôi sẽ chết khi thấy một tội cũng như nhìn thấy chính TC vậy. Hai cái nhìn này, như tôi được ban ơn để hiểu, vượt quá sức lực con người đến độ không ai có thể ra khỏi đó cách bình an vô sự.
“…lạy Chúa, Tình Yêu của con, mọi thứ khác con có thể chịu được, nhưng việc đã xúc phạm đến Người là một điều khủng khiếp và không thể chịu nỗi đối với con, đến độ con xin Chúa giao cho con bất cứ một việc đền tội nào khác chớ chẳng phải là thấy con đã xúc phạm đến Chúa…Vào giờ chết, thà xin cho con thấy mọi thứ ma quỷ, mọi thứ xấu xí của chúng và mọi thứ hình khổ của chúng. Con coi mọi sự đó như không so với việc nhìn thấy một lỗi phạm nhỏ nhất của con. Vả lại nó chẳng có thể nhỏ bởi lẽ nó xúc phạm đến uy nghi vô cùng lớn lao của Chúa”
Thánh Gertrude (1256-1301) kinh ngạc tại sao đất không nứt ra để nuốt trộng mình, vì tình trạng tội lỗi của mình.
Thánh Phanxicô Assisi bảo thầy Leon hãy chà đạp lên mình vì người là kẻ tội lỗi vô cùng, nếu những người khác lãnh nhận các ân huệ người đã lãnh nhận, thì họ đã tốt hơn…
Cha sở họ Ars , Gioan- Maria Vianney (1786-1859) nói với một hối nhân: “Con ơi, đừng xin Chúa cho biết tất cả sự khốn cùng của con. Cha đã xin điều đó một lần, và cha đã được ban cho. Nhưng nếu Chúa nhân lành không nâng đỡ cha, thì ngay lúc đó cha sẽ tức khắc rơi vào tình trạng tuyệt vọng” (Vie, par Trochu, p.526) .
Thánh Margarita-Maria Alacoque (1647-1690): “Để cho sự cao cả của ân huệ không làm con không biết và quên con là ai, cha muốn đặt trước mắt con một quang cảnh…
“Tức khắc bằng cách tỏ bày cho tôi quang cảnh khủng khiếp này Người cho tôi thấy toàn thể cuộc đời tôi cách vắn tắt. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả- với sự hãi sợ và khiếp sợ chính tôi- là nếu Chúa không nâng đỡ, tôi sẽ ngất đi vì đau khổ, bởi vì tôi không làm sao hiểu được một tấm lòng tốt lành và lòng nhân hậu lớn lao như thế đã không nhận chìm tôi trong hỏa ngục mà còn chịu đựng tôi khi nhận thấy rằng tôi không thể chịu đựng chính mình. Đó là hình phạt mà Người xử phạt những chuyển động nhỏ nhất của tự mãn, tự hào về chính mình trong tôi.’ (Autobiographie, t.II, p.6)
Một tác giả, đan sĩ cận đại viết: “Thật hiếm có biết bao, một con người, một tội nhân, chấp nhận thấy mình như mình là, trong thực tại và trách nhiệm của tội mình. Nhưng cũng khó như vậy khi một người, một tội nhân, sau khi nhìn nhận con đường (tội lỗi) của mình, nhận lấy phương dược đúng hợp, duy nhất, vốn sẽ là hoán cải, hay nói cách khác, làm việc thống hối đền tội” (Dom Claude Jean-Nesmy, Pratique de la Confession, (1962), p.44-45).
Cha Adolphe Petit (1822-1914), một linh mục dòng tên Bỉ, thường nhắc lại trong những lần giảng tĩnh tâm là có một ân sủng quý báu hơn những sự ngất trí và mạc khải, đó là biết nhìn nhận các khuyết điểm của mình.
Thánh Isaac thành Ninive (Syria) vào tk VII, đã dạy: “Ai nhận biết tội mình thì tốt hơn người làm cho kẻ chết sống lại”
2. So sánh với hình phạt hỏa ngục…….
Hình phạt hỏa ngục chính là luôn thấy mỉnh, thấy tội lỗi mình, mà không thấy Chúa.
“Hỏa ngục là gì? Người bị phạt không thấy Chúa nhưng thấy chính mình. Hai lần kinh hãi: khốn nạn vì không thấy Chúa và khốn nạn vì luôn luôn thấy mình. Trong vĩnh cửu người ấy không bao giờ có thể lìa xa mình (với những tội lỗi của mình) và người ấy sẽ kinh tởm đến cùng cực đối với chính mình bởi vì toàn thân đã trở nên tội lỗi. Người ấy chỉ còn là hổ thẹn, chết chóc và mục nát.”
“Hỏa ngục là tình trạng của kẻ có tội mà sự chết từ nay đã vĩnh viễn củng cố trong tội lỗi của mình, một cách nào nó đã tự đồng hóa với tội lỗi của mình, và ánh sáng của Chúa chỉ còn mặc khải cho nó về hữu thể hư hoại, sự cô độc và sự chết của nó.” (D. Barsotti, Dieu est Dieu, p. 92).
Thánh Phao-lô: “Chúa Ki-tô đã đến trong thế gian để cứu người tội lỗi mà tôi là người tội lỗi thứ nhất” (1Tm 1,15).

B. Ý THỨC VỀ TỘI VÀ LÒNG TIN VÀO THIÊN CHÚA
1. Tội lỗi thống trị.
“Chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do-thái cũng như Hy-lạp đều bị tội lỗi thống trị. Như có lời chép rằng: Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri” (Rm 3,10).
Delicta quis intelligit?“Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?” (Tv 19/B (18/B), 13)
”Tội lỗi đã thống trị toàn bộ lịch sử, bắt đầu với sự sa ngã của nguyên tổ loài người. Nhưng càng xa Thiên Chúa thì con người càng mất ý niệm về tội. Chỉ khi nhận biết Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và loài người –gồm cả chính mình – con người mới biết tội là gì.
Tội là sư vô trật tự căn bản, vì tự đặt mình ra ngoài trật tư mà Thiên Chúa thiết lập, đồng thời góp phần phá đổ trật tự của Thiên Chúa, đảo lộn các giá trị: chọn lựa thụ tạo thay Đấng Tạo Hóa, chọn cái hữu hình hơn cái vô hình, chọn cái mau qua hơn cái vĩnh cửu. Cuối cùng là chọn cái chết hơn sự sống. Tội gây ra sự vô trật tự sâu xa trong xã hội mà dấu chỉ là sự bất công, tạo nên bạo lực giữa con người. Sự vô trật tự trong xã hội thường là dấu chỉ của một xáo trộn hủy diệt trong chính thâm tâm của con người: đau khổ tinh thần, bất lực, cám dỗ tuyệt vọng. Đời sống không còn ý nghĩa. Con người không biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Xa lìa Thiên Chúa, con người mất hướng đi, chỉ biết quay cuổng trong tuyệt vọng. Đó là nền tảng của mọi sự vô trật tự: khước từ vâng phục Thiên Chúa, khước từ tình yêu vĩnh cửu.
Và bởi vì Thiên Chúa đã xếp đặt trật tự này như một luật tự nhiên bào đảm sự sống cho con người và vũ trụ, nên pham tội là bất phục tùng lề luật. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu, luôn đi trước và mời gọi con người đáp trả tình yệu để được hạnh phúc, nên phạm tội là khước từ tình yêu, để sống trong cô độc, ích kỷ và thù hân.
2. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi…
Thánh Gioan kêu gọi những người tín hữu ý thức về tội, bằng những tiếng kêu bi đát nhất:
“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.
Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.
Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta”. (1 Ga 1, 8-10).

3. Kinh nghiệm của Cha sở họ Ars về tội.
“Chỉ những ai có thể hiểu được sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì mới hiểu được ý nghĩa của tội lỗi. Không ai có thể hiểu được tội, nếu Chúa không cho biết, tức là nếu Chúa không ban ơn để họ thấu hiểu về tội. “Phải đến Ars để biết được sự tác hại nào mà tội nguyên tổ đem lại cho chúng ta”
“Chỉ THIÊN CHÚA mới biết thế nào là tội lỗi”
“Nếu tôi không phải là linh mục, tôi sẽ không bao giờ biết được thế nào là tội!”(Thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở họ Ars)

C. Mất ý niệm về tội
Sự hiện hữu và bản chất “Tội” thuộc giáo lý đức tin mà những người không tin, không muốn nói đến. Đối với họ, có những sai phạm, như đi đường mà không tôn trọng luật đi đường, chỉ vậy thôi. Cụ thể là nhóm người theo tư tưởng ”hậu ánh sáng” (post enlightenment) không thể chấp nhận. Chủ thuyết của họ nghịch với đức tin. Họ chỉ chấp nhận lý trí và hảnh diện vì lý trí. Họ khước từ chấp nhận thực tại tội lỗi, theo nghĩa của Kinh Tnánh và thần học công giáo, cách đặc biệt, thực tại tội nguyên tổ.
Rationalism and Enlightenment: Thuyết duy lý của Triết học ánh sáng, (nhóm Encyclopedie: Voltaire, Diderot, (tk XVIII), cho rằng :Thế giới không cần tình yêu Thiên Chúa. Họ chủ trương : “thế giới tự túc” (self-sufficient). Những tư tưởng này đưa đến cuộc cách mạng Pháp 1789.
Nhóm New Age trong thế kỷ 20-21 (bắt đầu khoảng năm 1960), phủ nhận Thiên Chúa. Chỉ có năng lực vô ngã, và sự tiến hóa để cuối cùng con người trở nên Thượng Đế. Không có Đấng Thiên Sai. Không có sự cứu chuộc. Không có vấn đề ân sủng . Con người được thăng hoa bởi tri thức (savoir). Chủ trương của họ giống như lạc thuyết bất khả tri (gnose) ở các thế kỷ đầu.
Biện chứng phủ nhận tội của con người, đi theo con đường đi xuống: không có tội nhẹ—˃ không có tội trọng—˃ không có tội nguyên tổ—˃ không có hỏa ngục.—˃. mọi người sẽ được cứu độ, bất cứ sống như thế nào.
Ngày hôm nay người ta phủ nhận hỏa ngục vì nhiều lý do khác nhau, người vô thần phủ nhận Chúa, nói là không có đời sau, một số người tin có đầu thai.
Còn một số các nhà thần học công giáo cho là không có hỏa ngục, hình phạt đời đời, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Biện chứng của lòng nhân hậu của TC: Tội lỗi —˃ Thống hối&Hòa giải—-˃ Tình yêu Nhân hậu—-˃ Tha Thứ—˃ TRỞ VỀ CÙNG CHÚA.
Nhưng đây là lý do thực sự về hiện hữu của hỏa ngục:
Con người được phú ban cho tự do, có thể chọn Thiên Chúa hay khước từ Thiên Chúa. Không. có áp lực cho ai vào thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Nếu vào lúc chết mà môt người vẫn dứt khoát khước từ Thiên Chúa, thì sẽ vĩnh viễn xa Chúa (tách rời khỏi Thiên Chúa). Đó là thực tại hỏa ngục.
Mất ý niệm tội là tội cốt yếu của nhân loại, nhất là ngày hôm nay.
ĐGH Pio XII, trong Sứ điệp truyền thanh ngày 24.12.1942, nói: “Tội lớn nhất hiện nay là con người đã mất đi ý niệm tội”. Thực ra mất ý niệm tội là tội cốt yếu của nhân loại bất cứ vào thời kỳ nào. Họ gạt Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội. Họ khước từ kính tôn, thờ lạy Chúa, để tôn thờ tà thần và ngẫu tượng Họ đã mất ý niệm về Thiên Chúa, không còn biết tội là gì, nên tạo ra hỏa ngục ngay trên trần gian. Vì hỏa ngục là nơi chỉ có hận thù và tuyệt vọng,
ĐGH Benedito XVI, trong Sứ điệp cho thế giới ngày 25.12. 2006, đã tuyên bố: “con người của thế kỷ 21 tự giới thiệu như người tạo nên vận mệnh cho chính mình, tự mãn và tự lập.” Việc cắt đứt với Thiên Chúa dẫn đến sự chia rẽ cách thảm bại, làm tan vỡ gia đình nhân loại, làm phân mãnh, tạo nên xung đột nơi chính tâm hồn con người.
Ngài không ngừng cảnh cáo và còn lên án chủ thuyết tương đối trong đời sống tâm linh:
1. Để hiểu tội lỗi, cần suy niệm:
– Hai sự kiện làm đảo lộn trật tự của Thiên Chúa một cách trầm trọng: tội các thiên thần và tội của con người đầu tiên (Sáng thế, 3,1-24)
– Hai sự kiện bày tỏ tình yêu Thiên Chúa:
(1) cuộc đối thoại giữa Gia-vê và Abraham (St 18,23-37). Cách đặc biệt câu cuối: “Abraham lại thưa: Xin Chúa đừng giận, để cho tôi thưa chỉ một lần nầy nữa: Ngộ chỉ có mười người, thì nghĩ làm sao? Ngài phán rằng: Ta cũng sẽ chẳng diệt thành đâu, vì tình thương mười người đó (St 18,32].
(2) Và sứ mạng của Giô-na ở Ninivê: cuộc đối thoại đầy giận dữ của ngôn sứ Giô-na với Thiên Chúa đầy lòng khoan hậu.
Chúa yêu thương mọi tạo vật của Người. Không những Chúa yêu thương loài người, mà cả loài vật và cây cỏ. Người không ghét điều gì Người dựng nên.
“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.” (Kn 11,24).
2. Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết
Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng kêu gọi hối cải. Đó là tư tưởng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách ngôn sứ Edechiel:
“Nhưng nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của ĐỨC Chua là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?”(Ed 11, 21-24)
“Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống.” (Ed 18, 31-32)
Sự Công chính và Tình yêu thương nhân hậu: Hai khía cạnh của mầu nhiệm Thiên Chúa
Tội lỗi là gì để Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và yêu thương đã phạt một cách khủng khiếp đáng sợ đến thế: như tại Sodoma và Gomorra !?
3. Chúa Giêsu chết vì tội lỗi chúng ta
Trong Tình Thương vô biên, Thiên Chúa đã sai Con Môt Người đến trần gian, để đền tội thay và chết thay cho chúng ta tất cả: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5, 21)
“Bạn hỡi, hãy cho tôi biết, Chúa đã làm điều gì xấu cho bạn để bạn đối xử với Người như vậy?”
“Nơi đâu tội lỗi lan tràn, nơi đó ân sủng Chúa chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
“Lương bổng của tôi là cái chết, nhưng tặng phẩm của Thiên Chúa là sự sống vĩnh cửu trong Chúa Giêsu Kitô”’ (Rm 5,23).
“Chúa xếp đặt con người trong sự bất phục tùng để bày tỏ sự khoan hồng cho tất cả” (Rm 11,32).
“Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)
Cha Th. Rey-Mermet (1910-2002) viết: “bao lâu một con người không bị xáo trộn, ngỡ ngàng vì mạc khải tình yêu của Cha và sự cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, nó không thể biết thế nào là tội. Chỉ có chiều sâu của Tình yêu mới cho phép thăm dò chiều sâu của tội. Tội lỗi có thể sẽ không nghiêm trọng như vậy nếu Thiên Chúa không là tình yêu. Nhưng thật là khủng khiếp khi phạm tội trước Đấng đã yêu ta dường ấy” (Laissez-vous réconcilier, p.154).
Giáo sư Kinh Thánh người Tô cách Lan, William Barclay (1907-1978) có một tư tưởng rất đẹp nhưng cũng rất chính xác trong sự vắn gọn của nó: ” HÌnh phạt của tội là phải đối diện không phải với cơn giận của Chúa Giêsu, nhung là với nỗi đau đớn trong ánh mắt của Ngài”.
4. Những tư tưởng của Thánh Gioan Maria Vianney (Cha sở họ Ars) về tội:
“Xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta và chỉ làm điều lành cho ta, đó là tột cùng của sự vô ân”
“Nếu chúng ta có đức tin và nhìn thấy một linh hồn trong trạng thái tội trọng, chúng ta sẽ phải chết vì khiếp sợ. Linh hồn trong tình trạng ân sủng như bồ câu trắng. Trong tình trạng tội trọng, chỉ còn là một cái xác thối tha, một thây ma”.
“Một linh hồn trong tình trạng tội thì luôn buồn. Có làm gì thì cũng bực dọc, chán nản đối với tất cả mọi sự”.
‘‘Khi người ta sống nhiều năm trong sự dữ, khi người ta tha hồ vùi mình trong bùn nhơ tội lỗi thì phải có một phép lạ mới có thể thoát ra. Anh em ơi, chúng ta hãy xin một phép lạ cho họ”.
“Những người tội nhân cứng lòng đáng thương, nhiều năm sống xa Chúa, rồi đến làm việc trong vườn nho của Ngườ i, khi không thể làm gì khác, họ chờ tội bỏ họ để họ bỏ tội…Ôi! họ đáng than phiền biết bao!” (Cha sở họ Ars).
………
”Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (phạm tội trong nhiều điều )(Gc 3,2)
“xin chớ đòi tôi tớ ra xét xử, vì trước thánh nhan Ngài
chẳng có người nào là công chính.”(Tv 143,2)
“không có người nào mà không phạm tội”(1V 8, 46)
“Người trói tay hết mọi người phàm để ai nấy nhận ra công trình Người thực hiện. (để con người nhận biết sự yếu đuối của mình) “ (Giop 37, 7).
“Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài… chúng con đã phạm tội, chúng con đã làm điều gian ác.. bởi vì tội của chúng con và lỗi của cha ông chúng con đã khiến Giê-ru-sa-lem và dân Ngài trở thành mối sỉ nhục đối với hết mọi kẻ sống chung quanh chúng con…” (Daniel 9,5.15.16)

D. LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
“..kẻ tội lỗi lớn nhất chỉ đơn giản kêu đến lòng thương xót của Cha thì làm dịu cơn giận dữ của Cha; Cha sẽ công chính hóa nó nhờ lòng thuong xót khôn dò và vô biên của Cha…Trước khi đến như thẩm phán công minh, cha mở rộng cánh cửa của sự Nhân ái của Cha: ai không muốn bước qua cửa nhân ái thì phải qua sự công chính của Cha” (Th. Faustina, chú thích 6, VI, 1937)

1.Tình Trạng Tội Lỗi
Dưới ánh sáng đức tin: tội làm cho con người bị tha hóa, nó dẫn con người đi xa vận mệnh mà Chúa xếp đặt cho mình (Rm 7,15), đi ngược lại khát vọng sâu xa của mình và ơn gọi của mình (Gl 5,17). Chỉ có sự thống hối mới chuẩn bị con người đối diện với sự phán xét của Thiên Chúa (x. Cv 17,30).
Người ta thường nghĩ rằng: cứ phạm tội rồi sẽ đi xưng tội. Lý luận như vậy là bày tỏ một sự bất kính đối với Thiên Chúa. Có đứa con nào nói rằng: tôi cứ tát cha mẹ tôi để rồi tôi sẽ đi thú tội, vì biết cha mẹ luôn tha thứ?
Ngoài ra, cũng phải hiểu tính cách nghiêm trọng của tội, dầu chỉ là một tội duy nhất. Nếu là một tội cố ý thì hậu quả của nó tai hại hơn, nhưng bất cứ tội nào – dù là tội không cố ý – đều in dấu trong linh hồn, trong tâm khảm. Việc xưng tội thật lòng được Chúa tha thứ, nhưng các nếp nhăn của tội khó tẩy xóa. Một linh hồn càng trong sạch thì vết nhơ của tội lỗi trên linh hồn càng rõ rệt và hậu quả của nó càng kéo dài. Trong giáo lý Hội thánh về tội (xưng tội và việc đền tội), có sự phân biệt giữa tội hay lỗi phạm (reatus culpae) và vạ hay hình phạt (reatus poenae).
Tội cốt ở sự kiện đã xúc phạm đến Thiên Chúa, không tuân giữ Luật của Ngườ. Hình phat có nghĩa là sự thiệt hại do tôi đã phạm gây ra, hay là hậu quả tai hại do tội. Tội nhân, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, phải đền bù thiệt hại trong đời sống hiện thế hay sau khi chết, trong Luyện ngục.
Tội nhân phải xin Chúa tha tội lỗi mình. Trong phép Rửa tội và giải tội, họ được tha, hình phạt hỏa ngục đời đời. Trong phép Rủa tội tha tất cả, trong phép Giải tội, chỉ tha một phần (reatus poenae). Để có thể đền bù thiệt hại do tội, Hội thánh đề nghị chúng ta nhận lãnh phép giải tội và một phương tiện rất hữu hiệu khác là các ân xá (kho tàng bất tận của ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu và công phúc các thánh được trao cho Hội thánh). Chỉ có máu châu báu của Chúa Giêsu mới có thể đền bù thiệt hại lớn lao do tội (1Pr 1,18-19).
1). Chúng ta là tội nhân do nguồn gốc : “Mẹ tôi đã cưu mang tôi trong tội” (Tv 51)
2). Chúng ta là tội nhân do bản năng, xu hướng: mầm mống của tội đầu.“Bất hạnh cho tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác đưa tôi vào cõi chết này?” (Rm 7,24).
3). Chúng ta là tội nhân do các hành vi xấu, do chính chúng ta thực hiện: bằng tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. ” Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13).

2. CHÚA GIÊ-SU LÀ ĐẤNG CỨU THẾ

Nếu tội lỗi không có ý nghĩa gì đối với chúng ta thì việc Chúa Cứu Thế đến trong thế gian cũng không can hệ gì đối với chúng ta. Thật vậy, Chúa Cứu Thế không đến để giải quyết những vấn đề chính trị, hoặc xã hội, kinh tế, những vấn đề chỉ có tính cách giai đoạn. Chúa đến để giải quyết vấn đề nền tảng: tội lỗi. Vì mất ý niệm về Thiên Chúa, con người hôm nay cũng mất ý niệm về tội. Từ đó, họ chỉ nhìn thấy nơi Chúa Giê-su một nhà cách mạng xã hội, hay như một người có khả năng chữa lành tật bệnh… Thật thì Chúa có khả năng chữa lành, nhưng ưu tiên là chữa lành tật bệnh trong linh hồn, hầu cứu chúng ta khỏi chết đời đời (mất linh hồn).
Có nhiều khi chúng ta sợ tội, vì sự hổ thẹn trước con mắt người đời, sợ phán đoán của dư luận quần chúng, chớ không phải sợ vì tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chỉ có Chúa Giê-su mới là Đấng giải thoát tôi khỏi tội lỗi và những hậu quả của tội: “nô lệ ma quỷ, thế gian, xác thịt, hình phạt hỏa ngục đời đời.”

1. Cha sở họ Ars nói về ý nghĩa của phép Giải Tội hay Nhiệm Tích thống hối.
“Phải để nhiều thời giờ để thống hối hơn là để xét mình.”
“Để lãnh nhận nhiệm tích thống hối, cần phải có ba điều: đức tin làm cho chúng ta nhìn thấy Chúa hiện diện nơi linh mục, đức cậy làm cho ta tin rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn tha thứ, đức mến làm cho chúng ta yêu mến Chúa và gợi lên trong lòng sự hối tiếc vì đã xúc phạm đến Chúa.”

2. Lời của Cha Pio Pietrelcina (1887-1968) về phép Giải Tội:
“một trách nhiệm đáng sợ khi ngồi ở tòa giải tội.”
“Thiên Chúa chạy theo những linh hồn ngoan cố nhất. Họ làm cho Chúa phải hao tốn quá nhiều để có thể bỏ họ (mất công vô ích).”
Sau một ngày giải tội: “Ôi các linh hồn! nếu bạn biết họ đáng giá bao nhiêu”.
“Việc nhìn thấy nhiều linh hồn dường ấy muốn biện hộ cho những con đường ác xấu của họ làm tôi đau khổ, làm cạn kiệt trí não của tôi và xé nát tim tôi,”.
“Trước khi trách một linh hồn, tôi chịu khổ vì linh hồn ấy trước. nhưng không phải tôi hành động nhưng là Đấng ở trong tôi, và ở trên tôi.”
‘ Giữa anh em tôi là thân thuộc họ hàng, trên bàn thờ, tôi là hiến vật, trong tòa cáo giải tôi là thẩm phán”
“Xưng tội là sự thanh luyện của linh hồn”
“Xưng tội không được trễ hon mỗi tuần một lần.”
“Đừng dừng lại trên tội đã được xưng rồi. Chúa Giêsu đã tha thứ cho các tội ấy rồi.”
“Hãy đặt một bia mộ trên các tội đã xưng. như Chúa đã làm”
“Tôi muốn trợ giúp Chúa Giêsu trong nhiệm vụ đáng sợ là cứu các linh hồn.”
“Lòng nhân hậu của Thiên Chúa , con ơi, vô cùng lớn hơn ác tính của con.”

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *