Cảm tính yêu và ghét

Trong cuộc sống, con người thường bị hai khuynh hướng chi phối và dẫn dắt, đó là tình cảm YÊU và GHÉT. Đây là hai dục vọng (ái, ố) chiếm cứ mạnh mẽ nhất nơi con người, đến nỗi mỗi sự vật, sự việc diễn ra ở đời, đều được con người gán cho một thứ tình cảm yêu hoặc ghét. Hai mặt của vấn đề này luôn diễn biến phức tạp nơi con người, tùy theo tư tưởng, cách nghĩ, cách cảm nhận, cách giáo dục, được điều kiện hóa từ trong gia đình và xã hội. Hơn thế nữa, nó còn xuất hiện nơi vô thức bởi những yếu tố mà, không hiểu vì sao tôi lại yêu hay tôi lại ghét cái đó, việc đó, người đó, nó biểu hiện mạnh mẽ nhất nơi ái tình nam nữ.

            YÊU và GHÉT là mấu chốt, là nguyên nhân tạo ra bao phức tạp và phiền nhiễu nơi con người, thậm chí còn tạo ra những bi kịch và đau khổ cho con người. Nó là đề tài muôn thủa, đề tài vô tận để con người bàn tới, con người lý giải và tìm cách giải quyết. Nó tạo sự suy tư và cảm hứng cho biết bao tác phẩm để đời . Phải chăng con người “bó tay” để giải thoát mình ra khỏi vấn đề nô lệ của sự phiền muộn này.

 Theo quy luật, con người bị dẫn dắt bởi cảm xúc, tư tưởng và sự nhận thức, thể hiện qua lối sống và hành động, trong đó yếu tố yêu và ghét thường là động lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy những hành động. Bởi vậy có lẽ cần phải tra xét và xem lại vấn đề: Yêu ghét nó hiện diện nơi con người như thế nào, và tại sao nó lại là nguyên nhân của bao bất hạnh và đau khổ ? Cần phải có Sự nhận thức và điều chỉnh về loại tình cảm này như thế nào mới là đúng đắn, mới được quân bình ?

 Phạm vi đề tài muốn nói đến khuynh hướng tự nhiên thuộc về cảm tính, nghĩa là sự nhận thức bằng cảm giác, cảm xúc tự nhiên luôn hiện diện và ngự trị nơi con người.

 

HAI MẶT CỦA VẤN ĐỀ

  Tâm lý tự nhiên là con người luôn hướng tới điều gì mình yêu thích, loại bỏ những gì mà họ chán ghét. Nhưng một khi vấn đề gì hoặc đối tượng nào trở nên một tác nhân chi phối hành động con người qua tình cảm yêu ghét, thì lúc đó con người không còn mang tính làm chủ mình nữa. Ca dao đã diễn tả  nhiều tâm trạng như thế: Yêu nhau yêu cả đường đi / Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng ; Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng ; Yêu nhau qủa ấu cũng tròn / Ghét nhau bồ hòn cũng méo… Thảm trạng của con người khi yêu ghét là như vậy. Tình cảm yêu ghét từ đâu mà đến, nó đến như thế nào, và phải chọn lựa nó ra sao? Đây là sự diễn tiến phức tạp trong chuỗi cuộc sống, được đan dệt trong những tình cảm yêu và ghét.

Yêu và ghét là một cặp đối lập luôn hiện diện trong một bản thể của sự vật. Khi yêu cái này là buộc phải ghét cái nghịch với nó. Khi yêu cái gì là mong chiếm đoạt được cái đó, đồng thời lại lo sợ và ghét cái gì trái với nó hoặc sợ mất nó. Khi yêu sự vật nào là thèm khát nó, ca tụng nó, cho nó là giá trị, là rộng lượng với nó, thấy nó hoàn hảo, đẹp đẽ, lấp lánh; ngược lại là chê bai, khe khắt, lên án, tránh xa nó, thấy nó đầy khiếm khuyết, xấu xí, vô giá trị… Một người yêu tiền thì họ cho tiền là tất cả, họ giao tiếp, nhìn ai, việc gì cũng mang tính lợi lộc, họ đánh giá trị người khác bằng “lợi nhuận”. Một người yêu quyền lực (danh) thì họ nhìn nhận, quan hệ và đánh giá mọi sự theo cái quyền chức, danh nào đó. Người yêu bản thân hoặc ích kỷ thì tất cả đều quy chiếu về mình trong cách nghĩ, cách đánh giá, cách làm và hạnh phúc của họ chính là được thỏa mãn trong sự vuốt ve, sự chiều chuộng theo cái sở thích của mình. Và con người còn yêu nhiều thứ khác, nó luôn đồng hóa và nhập thân với cái đó, họ luôn bị nó chi phối, dẫn dắt, trói buộc người đó vào nó như một thứ nô lệ êm ái, ru họ ngủ quên trong cái “yêu tinh” như những mũi thuốc an thần, nhưng họ lại rất hài lòng về nó. Đối lập với những thứ đó là ghét những gì không phải là nó, nghịch với nó. 

Những cặp đối lập trên luôn tỉ lệ thuận với nhau về nồng độ và trương độ, tỉ lệ nghịch với nhau về hiện tượng và cảm xúc.  Bởi vậy yêu và ghét là một sự mù quáng được hành động bởi vô thức, mặc dù vẻ bề ngoài được biện minh bằng những lý do nào đó nghe có lý, khá hấp dẫn. Cũng chính vì vậy, con người khó có thể làm chủ mình và thành thật với chính mình một cách tuyệt đối. Khi nói tôi không sợ là chính lúc tôi đang sợ và tôi đang phản ứng lại nó. Tôi không cần lại là cái tôi đang cần mà không được nó. Tôi dư sức lại là lúc tôi đang thiếu thốn. Tôi đang hoàn hảo lại là lúc tôi khiếm khuyết. Tôi ghét lại là lúc tôi đang yêu cái  gì đó mà chưa được. Tôi hài lòng về cái gì của tôi lại là cái tôi bất lực và đang tự an ủi mình. Tôi chê người khác là có ý nói tôi giỏi. Tôi coi thường cái người ta có là coi chừng tôi đang ghen tị, v.v… Tất cả được diễn tiến trong sự vô thức mà phần ý thức là cái vỏ để chống đỡ, để che đậy sự dốt nát, sự yếu kém hay sự thiếu thốn cái mà mình chưa có.

Thông thường, con người luôn thỏa hiệp và chấp nhận cái thứ tình cảm yêu ghét ở đời như một lẽ tất nhiên cần phải có như hơi thở của cuộc sống. Vì dễ dàng chấp nhận theo cái tư duy như vậy, nên vô tình người ta lại vun trồng và củng cố cho thứ tình cảm này, điều này nhà Phật xếp vào loại “vô minh bẩm sinh”. Cũng chính vì vậy mà con người luôn bị luẩn quẩn trong cái vòng cương tỏa, bị vây hãm tâm trí, khiến con người luôn phải khổ sở vật lộn với nó, đối phó với nó, hết tung rồi tới hấng, hết yêu rồi tới ghét, hết đạp vỏ dưa lại tới đạp vỏ dừa.

Yêu ghét trong ái tình là một dục vọng mạnh mẽ nhất. Tình yêu trai gái được ca tụng đến nỗi nó là tất cả, chỉ yêu mới đáng sống, mới có gía trị, mới là vĩnh cửu, mới là phúc thật… Yêu mà: Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu, không cần biết em ngày sau… (Diệu Hương).Yêu mà: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở / Đời mất vui khi đã vẹn câu thề (Xuân Diệu). Yêu mà: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé…Nếu trót đi em hãy gắng quay về. (Hồ Dzếnh). Những rung động này hướng tới cái nguyên lý sinh tồn của sự sống được Tạo hóa phú bẩm nơi con người. Người ta cứ nại vào lý do không thể định nghĩa được tình yêu để mặc sức cho cảm xúc của mình bay bổng, cho những rung động diệu kỳ của con tim ve vuốt và nhảy múa, căn cứ vào đó để quyết định và đánh giá mọi sự, mọi việc, làm cơ sở cho sự  kết hợp việc sống chung giữa vợ chồng. Rồi khi cảm giác, cảm xúc rung động suy giảm hay không còn nữa thì, kết luận rằng tình yêu đã chấm hết, và đường ai nấy đi, để tiếp tục thay thế bằng những cảm xúc mới với đối tượng mới, gọi là thỏa hiệp với nhau để cả hai cùng có lợi, nhưng chắc chắn đó là một bi kịch của cuộc đời. Bi kịch đổ vỡ của gia đình ngày nay thường là như thế. Lúc này tình yêu biến thành một vết thương không thể lành, âm ỷ một mối thù hận không nguôi, đó là mặt đối lập của nó.

Hai mặt của vấn đề YêuGhét đã và đang hiện hiện giữa cuộc sống, nơi mọi người, trong mỗi người.

ĐÂU LÀ SỰ QUÂN BÌNH GIỮA YÊU VÀ GHÉT

            Chắc rằng ta phải nại đến những hệ luân lý và tư tưởng mang tính chân lý mà con người đã tiếp nhận  từ nhiều nguồn ánh sáng của những bậc đại trí, do các ngài đã được “thụ khải” bằng một cách nào đó để truyền đạt cho chúng ta, mà tư tưởng của đạo học Đông phương là gần gũi với chúng ta hơn cả.

            Đức Khổng đã thâu tóm tinh hoa tư tưởng đạo lý của những thế hệ trước để khai mở ra Đạo Trung Dung làm nền và mục đích cho mọi người theo để trở thành thánh nhân quân tử, nó hợp với hết mọi tầng lớp và đắng cấp của xã hội, từ người kém trí, từ thứ dân cho tới quan quyền lãnh đạo, tuy cái trung dung của người quân tử khác với cái trung dung của kẻ tiểu nhân (quân tử chi trung dung gĩa, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi trung dung gĩa, tiểu nhân nhi vô kị đạn gĩa – Trung dung của người quân tử là quân tử mà thời trung; trung dung của tiểu nhân là cái mà tiểu nhân mà không kiêng dè gì cả). Trung là ở giữa, không thiên lệch bên nào, không thái quá (cực đoan, cố chấp…), không bất cập (vô tâm, bất chấp, bất cần…). Dung là giữ thường thường ở một mực không thay đổi, không bị biến thái, biến dạng lúc nặng lúc nhẹ theo cảm tính nào đó. Bảy thứ tình cảm (thất tình) chi phối con người, thường làm cho con người bị mê muội và điêu đứng, đó là: hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục. Nhưng một khi đã có được trung dung, nghĩa là giữ cho nó đúng tiết, có chừng mực, phải cách, đúng lúc thì bảy thứ tình cảm này nó trở thành hữu ích, rất nhân văn và nhân bản. Đó là cái Hòa với chính mình, với con người, với vạn vật. Như thấy việc bác ái, thấy việc tốt thì vui mừng, thấy sự tội và sự dữ thì chán ghét, thấy hoạn nạn thì xót thương, thấy bất công thì phẫn nộ… (nhưng luôn ở mức Trung và Hòa), cho nên “vô khả, bất vô khả” (Không có cái gì nhất định là nên, là không nên). Được như vậy thì con người, vạn vật và trời đất đều yên ổn và trật tự, sản sinh mọi điều tốt lành. (Theo tinh thần sách Trung Dung và Luận Ngữ).

Nhà Phật có giáo lý gọi là Trung Đạo, là con đường ở giữa, tức là Sắc sắc – không không (sắc tức là không, không cũng là sắc – có mà không, không mà có). Nghĩa là không có sự cố chấp hay bám vào bất cứ cái gì, không lệ thuộc vào cái có, không nô lệ vào cái không. Nó không cho phép câu nệ, ràng buộc, chấp chiếm, thiên lệch vào bất cứ sự việc sự vật nào. Không chấp vào hai cực đoan “có và không” mà chọn con đường giữa. Cũng như tu khổ hạnh, ép xác hoặc cung phụng thái quá thể xác với món ngon vật lạ là hai thái cực không đem lại kết quả khả quan cho người tu hành tìm Đạo, mà con đường Trung đạo là không thái quá, cũng không bất cập, ăn uống bình thường thì tinh thần và thể xác mới được quân bình trong cuộc sống. Đặc biệt là trong nhận thức và hành xử, phải giữ được trung đạo thì mới có được sự quân bình trong tâm lý và tình cảm, không rơi vào sự yêu – ghét cảm tính gây hậu quả tai hại cho bản thân và người khác. Ví như tôi yêu tiền vì nó là phương tiện rất tốt để thực hiện nhiều mục đích hữu ích, nhưng tiền vẫn chỉ là phù du, là hư ảo, là bọt bóng, nên không bao giờ tôi làm việc xấu để kiếm tiền. Trung Đạo là thế, nên nó đưa đến tự do và hạnh phúc. Đó cũng là vô chấp (Theo tinh thần Bát Nhã Tâm Kinh).

Lão tữ thì chủ trương đạo Vô Vi, nó cũng chính là Đạo. Phải có vô vi mới thoát khỏi mọi dục vọng xâm chiếm tác hại nơi con người, trong đó, lòng tham và sự yêu ghét là những dục vọng tác hại nhất. Vô Vi là: “vi vô vi, sự vô sự, đại tiêu đa thiểu, báo oán dĩ đức” (làm Mà không làm, lo mà không lo, nếm mà không mùi, xem lớn như nhỏ, coi nhiều như ít, lấy đức báo oán). Cũng như: “vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (theo học càng ngày càng thêm, theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi). Chính cái lòng tham muốn, yêu bản thân và ghét cái gì khác với mình, nên mới sinh bao điều tai hại “Cửu mạc đại ư dục đắc” (không gì hại bằng ham muốn cho được nhiều). Bởi vậy phải:“Thánh nhân bất tích, ký dĩ vi nhân kỷ dũ hữu, ký dĩ dữ nhân kỷ dũ đa, thiện chi đạo lợi nhi bất hại, thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh”, (Bậc thánh nhân không thu giữ, càng vì người càng thêm có, càng cho người mình càng thêm nhiều, đạo của trời lợi mà không hại, đạo của thánh nhân làm mà không tranh). Không được đua tranh ghanh ghét thì mới thoát được sự tranh giành, “Dĩ kỳ bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” ( Không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được). Khi đạt được Đạo (vô vi) thì mọi vật, mọi sự sẽ được bình ổn, thoát được mọi ràng buộc trong sự yêu-ghét, thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất mà sinh hóa. (Theo Đạo Đức Kinh).

Ngoài ra còn rất nhiều hệ luân lý và đường lối tu thân đông tây kim cổ, đã hướng dẫn con người biết sống chừng mực và tiết độ, từ sự nhận thức đến hành xử đối với bản thân, với tha nhân, với mọi việc trong đời sống.

GIÁO HUẤN VÀ ĐẠO LÝ CỦA ĐỨC KITÔ

Nói đến sự yêu và ghét thì không thể nói đến sự tích cực triệt để của giáo huấn Đức Kitô, Ngài đã làm chứng cho giáo lý này đến nỗi chịu đau khổ và chết vì người mình yêu, và tha thứ cho kẻ giết hại mình: “không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13), “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ chẳng biết việc của họ làm” (Lc. 23,34).

Giáo lý của Đức Kitô phân biệt cái tội và người có tội là hai cái khác biệt không thể lẫn lộn, không thể đồng hóa với nhau, nên phải yêu thương người có tội, mặc dù vẫn ghét sự tội là nguồn gốc của mọi sự dữ. Cái ghét này là cái tỉnh thức,  không chấp nhận, không tiếp nạp sự tội, chứ không phải là cái hằn học, trong sự thù hằn một cách cực đoan, khăng khăng một mực trong mù tối. Người đã dạy rõ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.(Mt.5, 43-45)

Khổng tử dạy rằng, “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”iều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Khổng tử dừng ở điều “không muốn”, còn Đức Giêsu đi tới mức tích cực cao sâu hơn, ở điều “mong muốn”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Điều này nó đi đến sự hoàn hảo đến độ tha thứ và yêu thương cả người làm hại mình, người phản nghịch với mình. Như Người nói: Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt.5, 46-48). 

Như vậy Đức Giêsu đã dạy người ta phải vượt lên trên mọi cái tầm thường và bình thường của cái yêughét nơi con người. Sống mà không lụy vào bất cứ cảm giác yêu ghét đã đành, mà còn phải vượt lên trên nó, phủ xuống đó một sự đại lượng bao la, bao trùm một tình yêu cao cả như ánh dương soi tỏ vạn vật. Một giáo lý cao siêu nhưng lại hết sức thiết thực và có sức khả thi chứ không phải là một lý thuyết “không tưởng” như người ta dễ có cảm tưởng như vậy, vì con người ai cũng được phú bẩm để khao khát sự thiện và có tiềm năng thực hiện điều thiện hảo đó, chỉ với điều kiện là có ước muốn vươn lên thực sự trong sự chiêm niệm trong một thiện chí khiêm cung, nguyện cầu khi đối diện với chân lý cao cả này. Noi gương Đức Kitô, đã có đông đảo thánh nhân đã sống và chết cho chân lý này. Đó cũng là lúc không còn bị nô lệ vào cái yêughét ở đời, để quên đi cái tôi hoàn toàn, và lúc đó sẽ là: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Phanxicô Assisi), nghĩa là gặp được chính mình và Đức Kitô.

Sự yêu – ghét này, thánh Phaolô chỉ dạy rất rõ, vừa mang tính luân lý vừa tín lý, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên: ‘‘Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tât cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mền.’’ (1 Cr 13,4-13). Nơi đây ngài đã loại hẳn cái ghét, bởi vì khi yêu với tinh thần đại lượng cao cả trên mọi cảm giác rồi thì chỉ còn lại tình yêu tinh ròng mà thôi. Vấn đề sự việc ở đây không cần gì phải điều chỉnh, điều tiết như đạo Trung Dung (Khổng) nữa.

KẾT

Như đã nói, yêughét là mấu chốt, là nguyên nhân tạo ra bao phức tạp và phiền nhiễu nơi con người, thậm chí còn tạo ra những bi kịch và đau khổ cho con người. Nó là đề tài muôn thủa, đề tài vô tận để con người bàn tới, con người lý giải và tìm cách giải quyết. Nhưng con người thường bị ru ngủ trong thứ tình cảm này, hầu như con người luôn hướng chiều về nó, thích thú đi tìm cảm hứng trong sự kích thích của nó. Bằng chứng rõ ràng là con người ai cũng thích thú cái “sự yêu”, vì nó mang đầy vẻ chiều chuộng, hấp dẫn và ngọt ngào.  Nhưng mặt trái của nó thì cũng khủng khiếp ngược với nó, đó là sự ghét ghen và hận thù. Hai mặt của một vấn đề, của một bản chất là như vậy. Chính Đạo học đã rọi vào đó phần nào những tia sáng để thấy bộ mặt thật của vấn đề của yêu và ghét, để tìm cách điều hòa và điều tiết nó. Nếu ai muốn theo lẽ tự nhiên theo tinh thần của Đạo học thì cũng có thể tìm được con đường giải thoát khỏi những trói buộc của sự yêu ghét, để trở nên chính nhân quân tử ở đời, đáng kính phục.

Nhưng đặc biệt, ánh sáng trong đức tin Kytô giáo, nơi Đức Giêsu Kitô đã mạc khải chân lý cứu rỗi và chân lý Nước Trời cho nhân loại, chính Ngài khẳng định: ”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Ngài có đủ “tư cách” để người ta phải tin : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga.3,13) ….để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga.3,15). Những điều Đức Giêsu dạy để dẫn dắt mỗi người thoát khỏi sự yêu ghét theo kiểu của con người, chất chứa đầy những dục vọng xấu xa, mà phải yêu như Thiên Chúa yêu con người, xuất phát từ tình yêu trong Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).  Một tình yêu tinh ròng hoàn hảo, không có sự “phản diện” như tình yêu mang khí huyết của con người. Vâng nghe lời Người sẽ có được hạnh phúc trong cuộc sống đời này, nhất là được hạnh phúc viên mãn đời sau.

Vâng theo Đức Kitô như vậy con người mới thoát được sự tác hại của cái yêu ghét, nó là nguyên nhân gây bao khốn đốn, tạo bao hậu quả của sự dữ, luôn bị nó xâu xé. Nhưng chân lý này chỉ khai sáng cho những ai thiết tha đi tìm sự thật về bản thân và sự thật về Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ra, cảm tính  yêu ghét ở đời giống như một loại ma túy cực mạnh, sức hấp dẫn của nó như một ma lực khiến con người luôn thích thú chìm đắm với những cơn nghiện ngập khoái trá nơi đó, nhưng đằng sau nó là cả một vực thẳm mở ra chờ nuốt trửng người nghiện ngập cái “ái-ố” này.

Tuy nhiên, ánh sáng chân lý từ trời cao vẫn luôn hiện diện và chiếu sáng vào thế gian để không thể thua bất cứ bóng tối nào. Đó là niềm tin vào Đức Kitô chịu tử nạn và Phục sinh đã cứu rỗi nhân loại. Đó là niềm hy vọng, niềm lạc quan trong Đức Kitô nơi Đức tin Công giáo bây giờ và mãi mãi.

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *