Dung mạo hiệp sĩ của thánh I-nhã

 

Nguyễn Mai Kha SJ. Thuyết trình Năm I-nhã. 17.07.2021

 

Dẫn nhập

Thánh I-nhã Loyola được biết đến như vị thánh có quá khứ đặc biệt: sinh ra trong gia đình dòng dõi quý tộc, lớn lên trong môi trường cung đình, được hun đúc bởi tinh thần hào hiệp quả cảm, dám hành động và hy sinh cho lý tưởng, nhưng sau cùng lại trở thành người phục vụ Chúa trong Giáo Hội. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao I-nhã lại có ước muốn và dấn thân trong đường binh nghiệp với khao khát trở nên nổi tiếng. Lối hành xử hào hiệp của I-nhã khiến nhiều người nghĩ rằng trước khi hoán cải I-nhã là một hiệp sĩ. Chúng ta ít nhiều đều đã quen với những trang đầu của Tư Thuật khi I-nhã nói về thời điểm trước khi hoán cải và ước mong trở nên trổi vượt trên đường binh nghiệp. Chúng ta cũng đã xem những thước phim tái hiện I-nhã “anh hùng” ra sao trong trận chiến Pamplona. Hơn nữa, dù đã bị thương và nằm một chỗ trên giường bệnh, I-nhã vẫn không quên điều mình đang theo đuổi và dường như còn quyết tâm hơn để theo đuổi mục đích đến cùng. Vậy I-nhã có thực sự là một hiệp sĩ không?

Quá khứ của I-nhã có người cho là hào hùng, kẻ khác lại đánh giá là tội lỗi. Sở dĩ như thế là vì nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử và văn hoá, hào hùng là nét đặc trưng của nam nhi thời Trung Cổ, điều mà bất cứ ai thuộc dòng dõi quý tộc đều hướng đến; ngược lại, xét theo mặt trái của lối sống phóng khoáng thường thấy nơi cung đình, chắc chắn đánh giá “tội lỗi” kia cũng không phải không có căn cứ. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta nên hiểu thế nào về tinh thần hào hiệp và kiên cường của I-nhã. Bài viết này nhằm mục đích đưa ra một vài nhận định mang tính lịch sử về nguồn gốc và đặc tính của tinh thần hào hiệp ở Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh của I-nhã; tiếp đến là tinh thần ấy được I-nhã thể hiện như thế nào trước và sau khi I-nhã hoán cải. Sau cùng, tinh thần ấy để lại dấu ấn gì trong cách hành xử của I-nhã như là người bạn đường của Đức Ki-tô.

 

1.     Nguồn gốc và đặc tính của tinh thần hào hiệp

Nguồn gốc

Trong khái niệm quyền lực thời Trung Cổ, nhà vua được xem là người thay mặt Chúa cai quản đất nước mình. Vì thế, vua nhận quyền lực trực tiếp từ Chúa, sau đó, ngang qua vua đến các cận thần. Theo khái niệm này, quyền lực của vua có nguồn gốc linh thánh và quyền lực ấy được phân bổ theo hệ thống các phẩm trật.[1] Sự hình thành các vương quốc khởi đi từ mục đích xây dựng cộng đồng bình đẳng vì lợi ích chung. Để điều hành vương quốc, nhà vua cần đến các cận thần, những người nhà vua tin cậy và cho họ tham gia vào quyền lãnh đạo của mình. Chính vì thế, những người này phải trổi vượt về tài đức và lòng trung thành. Những người được chọn phục vụ vua và vương quốc có nhiệm vụ hướng dẫn và đào luyện chính con cái họ để trở thành người tiếp nối. Đây là khởi đầu cho tầng lớp quý tộc và đời sống cung đình liên quan đến tầng lớp ấy.[2]

 

Gắn liền với hình ảnh vua và tầng lớp quý tộc là khái niệm “hào hiệp” (gentleman), là khởi đầu cho ý niệm về tinh thần hào hiệp và lối sống cũng như hành xử của tầng lớp này. Và người được xem có tính cách này hơn cả không ai khác đó là vua. Vua phải là người mang đậm tính “hào hiệp”, là người thể hiện đặc tính này cách toàn diện nhất, nếu không, người ấy không được xem xứng đáng làm vua. Đây không chỉ là đặc tính để phân biệt vua hay giới quý tộc với dân thường, mà còn toát lên vẻ uy nghiêm và trổi vượt của người được tham gia vào quyền lực điều hành và bảo vệ vương quốc.[3] “Hào hiệp” là danh xưng chỉ những ai có xuất thân từ dòng dõi quý tộc, đang đảm trách nhiệm vụ nào đó trong môi trường hoàng cung hay đang làm phụ tá cho một vị trí cao cấp trong cung đình. Do vậy, “hào hiệp” là danh xưng dùng chung cho các cận thần. Điểm khác biệt là danh xưng này không đơn thuần là một chức vụ, nhưng phản ánh cả một ý thức hệ đương thời có ảnh hưởng đến cung cách hành xử của tất cả những ai thuộc tầng lớp ấy.

Đặc tính của tinh thần hào hiệp

Hai lãnh vực mà người hào hiệp cần thành thạo đó là thao lược và học thức: trở thành hiệp sĩ chiến đấu khi có chiến tranh, nhưng cũng phải am tường hiểu biết khi thời bình đến. Ngoài ra, những lãnh vực khác như luật, y thuật cũng được cho phép, nhưng nông nghiệp và kinh doanh thường không được khuyến khích, thậm chí còn chịu những hạn chế nhất định.[4] Trong hai lãnh vực nêu trên, binh nghiệp vẫn thường được coi trọng hơn và trở thành thiết yếu cho mọi cận thần. Thao lược và chinh chiến trong tinh thần hào hiệp thời ấy không nhất thiết mang nghĩa bạo lực và bất công, ngược lại, một người hào hiệp chân chính phải là người bảo vệ cho lẽ phải và những người thấp cổ bé miệng. Một đoạn miêu tả chân dung của họ trong cuốn Nghệ thuật sống cung đình có thể cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh:

Mỗi người [gentleman] phải chọn cho mình một lãnh vực để cống hiến và không có nghề nào cao quý và thiết yếu hơn cho một người thuộc dòng dõi quý tộc cho bằng nghề thao lược. […] Việc thao lược phải chuyên chăm, cùng với nhiệt huyết để trở thành một nghề mà một người quý tộc cần thực hành mỗi ngày.

Do vậy, gentleman là người, gươm đeo thắt lưng, có con tim cháy lửa nhiệt huyết nhưng cũng phải là người cẩn trọng và tốt lành. Bởi vì, trong thực tế, người hào hiệp không chỉ có sức mạnh nhưng còn năng lực để hội nhất ý chí với lòng can đảm để trở thành một nhân đức trong việc thực hành thao lược nhằm phục vụ không chỉ cho người liêm chính mà sẽ còn là lý do để được tất cả mọi người yêu mến. Đó là người Chúa gởi đến cho chúng ta để bảo vệ những người thấp cổ bé miệng và những ai bị áp bức.

Như thế, người hào hiệp nhất thiết phải là người gắn bó và có kinh nghiệm với binh nghiệp, đào luyện mình với kiến thức và phương tiện tốt nhất hầu trở thành biểu tượng của giới quý tộc và như chính tên gọi ấy, đã được truyền lại từ bào đời nay và sẽ gặt hái được nhiều vinh quang trong tương lai.[5]

Đoạn văn trên đây cho chúng ta cái nhìn chung về hai khía cạnh chính của một gentleman: con người và nghề nghiệp. Thao lược binh đao là điều thiết yếu, nhưng khía cạnh con người, cụ thể là đức tính và luân lý cũng là điều phải có và phải được hội nhất nơi người ấy. Đặc tính thứ nhất về khía cạnh con người là lòng tốt, bởi vì nếu thiếu lòng tốt, người đó không thể thi hành chức vụ của mình. Thứ đến, lòng trượng nghĩa ấy còn là động lực và gương sáng cho người khác noi theo, hoặc khiến kẻ thù tâm phục.[6] Hơn nữa, phải liệu sao để hình ảnh của mình không bị vẩn đục bởi những sai lầm và thiếu sót, bởi một khi hình ảnh tốt đẹp bị mất đi, sẽ không có gì có thể bù đắp hay phục hồi lại được. Ngoài ra, để làm được tất cả cách hoàn hảo, nơi người đó còn cần đến sự hội nhất giữa đức tin và tinh thần, trên hết họ còn cần dựa vào ân sủng thiêng liêng.[7]

2.     Khái niệm “danh dự của người hào hiệp”

Đối với tầng lớp quý tộc, và đặc biệt là giới hiệp sĩ, danh dự là điều tối quan trọng. Cho đến thế kỷ thứ 16, khái niệm danh dự còn chịu ảnh hưởng mạnh từ Aristotle, người đã cho rằng danh dự là biểu hiện cao nhất của cái tốt ngoại tại, là phần thưởng duy nhất xứng đáng cho nhân đức.[8] Xuyên suốt thế kỷ 16, từ nước Anh sang nước Pháp hay xuống nước Ý, các tác giả đều có chung một khái niệm về danh dự, theo đó “danh dự là sự tôn trọng mà một người dành tặng cách đặc biệt cho vị hiệp sĩ vì người đó xứng đáng như thế, không phải bởi tiền của, nhưng bởi nhân đức đã làm cho người ấy trở nên đáng kính trọng.”[9] Ngoài ra, danh dự còn được xem là liều thuốc cho tinh thần và động lực cho hành động phi thường. Sự tôn trọng hay kính trọng là điều gì đó ở bên ngoài, là đến từ người khác, danh dự còn phải là cái gì đó hơn thế nữa. Như vậy, danh dự là một thứ ý thức hướng dẫn hành động của người hào hiệp, không chỉ bởi khao khát được danh tiếng hay lo sợ bị mất vinh quang, nhưng bởi một thúc đẩy nội tâm hướng đến nhân đức và tránh tật xấu.[10]

Khái niệm danh dự dẫn tới điều được gọi là luật danh dự và luật này được gắn với luật tự nhiên, một quan niệm phổ biến khác của thế kỷ 16. Theo đó, con người được mời gọi làm việc thiện bằng cách lắng nghe những quy tắc thực hành đã được in sâu trong lương tâm mỗi người. Hệ quả là, danh dự cũng phải được hoà hợp với luật luân lý tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này không được giới quý tộc coi trọng. Đối với một người hào hiệp, danh dự là điều tối thượng, được xem trọng hơn cả luật tự nhiên hay luật dân sự. Hơn nữa, danh dự được ưu tiên hơn cả mạng sống, luật pháp, và mọi thứ khác. Như thế, đối với một người hào hiệp, không có chỗ cho thất bại và bị khinh miệt vì không can đảm theo đuổi và chiến đấu vì danh dự. Việc mất danh dự không thể được bù đắp bằng bất cứ điều gì ngoại trừ chính danh dự của người ấy.[11]

3.     I-nhã: ước muốn phục vụ vua trần thế

I-nhã được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nguồn gốc quý tộc và bản thân I-nhã ngay từ thuở thiếu thời đã được cha và anh cả kể về niềm tự hào của gia đình vì họ luôn trổi vượt trong việc phục vụ nhà vua.[12] Tinh thần ấy, I-nhã luôn gìn giữ bằng tất cả nhiệt huyết cháy bỏng của mình. Sau này, trong bức thư gửi cho người cháu Beltrán, khi ấy đã là lãnh chúa của Loyola, I-nhã cũng không quên nhắc lại rằng: “[…] như tổ tiên chúng ta đã từng trổi vượt trong nhiều sự – đối với Chúa những điều ấy không phải vô nghĩa – vậy cháu cũng hãy trổi vượt như thế trong những gì là vĩnh cửu.”[13]

Theo sử gia Leturia[14], I-nhã, xuất thân từ xứ Basque, với khả năng tập trung cao độ, tinh thần phản tỉnh, nói năng chậm rãi nhưng can đảm, lời nói không hoa mỹ nhưng rất tự tin và hệ quả là I-nhã rất kiên định.[15] Về tinh thần kiên định của I-nhã, cha Simão Rodrigues đã có lần đề cập với cha Gonçalves da Câmara rằng: “Cha phải biết rằng cha I-nhã là một người tốt lành với nhiều nhân đức, nhưng ngài là người xứ Basque, và một khi ngài đã quyết điều gì thì…” Cha Rodrigues bỏ lửng câu nói của mình nhưng vế sau thì ai cũng hiểu![16] Ngay cả Hồng Y Rodolfo Pio de Carpi, người bảo trợ cho Dòng Tên, nhận định về một vài quyết định của I-nhã rằng: “Ông ấy (I-nhã) đã quyết điều gì thì cứ như đinh đóng cột vậy!”[17] Cha Polanco thì không bao giờ nghi ngờ rằng, ngay từ thời niên thiếu, I-nhã đã hun đúc cho mình một tinh thần mạnh mẽ, kiên định và đầy nhiệt huyết cho những dự phóng lớn lao.[18]

Cá tính mạnh mẽ và kiên định của I-nhã được phát huy hơn nữa khi, vào năm 17 tuổi, I-nhã được gởi đến Arévalo, học việc trong nhà của trưởng ngân khố xứ Castile Don Juan Velázquez. I-nhã khởi sự như người giúp việc cho ông Velázquez và cũng là bước đầu trong tiến trình trở thành một “gentleman”. Sẽ không chính xác nếu hiểu con đường I-nhã theo đuổi là trở thành hiệp sĩ (caballero), trong khi trong thực tế I-nhã đang trên hành trình trở thành một người hào hiệp (gentilhombre), cho dù, như đã trình bày ở trên, đặc tính của hai vị trí này có những điểm tương đồng. Vì vậy, I-nhã sẽ được coi là một cận thần (courtier/gentleman), là người phục vụ cho một ví trí cao hơn trong môi trường hoàng gia. I-nhã chưa bao giờ là người lính và cũng sẽ không bao giờ trở thành hiệp sĩ (kỵ sĩ) dù bản thân I-nhã rất thích việc thao lược.[19]

Sau thời gian học việc ở Arévalo, I-nhã được gởi tới phục vụ cho phó vương xứ Navarre. Lúc này, I-nhã đã thực sự là một “gentleman”, làm những việc phó vương giao phó, đôi khi cũng cầm vũ khí tham gia những cuộc dẹp loạn.[20] Việc thích thú với việc sử dụng vũ khí được I-nhã kể lại trong Tự Thuật và cũng là con đường để đạt đến danh tiếng như đặc tính văn hoá đương thời. Như thế, I-nhã không ở ngoài “xu thế” của thời đại và phải thành thạo những gì thuộc về một “người hào hiệp”, từ vẻ bề ngoài cho đến cung cách ứng xử, từ lòng trung thành với vua của mình cho đến việc ra sức bảo vệ danh tiếng bản thân, trong tương quan với vua chúa và tương quan riêng, I-nhã chịu ảnh hưởng sâu đậm như bao người đương thời khác.

Dù I-nhã không phải là hiệp sĩ, người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhưng nơi I-nhã không thiếu tinh thần thượng võ, mạnh mẽ và kiên định, đam mê danh vọng và chiến đấu đến cùng cho danh dự. Bằng chứng là trong biến cố Pamplona, I-nhã chỉ là phó chỉ huy của nhóm lính ở lâu đài Pamplona, trong khi vị chỉ huy là Francés de Beaumont  thấy tình hình không thể lay chuyển đã yêu cầu mọi người rời đi nhưng I-nhã cho như thế là hèn nhát và quyết định chiến đấu đến cùng.[21]

Những gì xảy ra sau đó góp phần vào cuộc hoán cải của I-nhã, từ người phục vụ vua trần thế trở thành người phục vụ Vua Hằng Sống.

4.     I-nhã: tinh thần hào hiệp trong người phục vụ Vua Hằng Sống

Thời gian trước khi hoán cải của I-nhã được gói gọn chỉ trong vài câu đầu trong Tự Thuật rằng: “Cho đến năm 26 tuổi, kẻ ấy [I-nhã] chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ, với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng.” Điểm cần lưu ý ở đây là những điều I-nhã theo đuổi trước đây với ao ước trở nên nổi tiếng trong tư cách là một “gentleman”, thì sau khi hoán cải, những giá trị từ tinh thần ấy, vốn hướng về vinh quang trần thế, giờ đây được dành cho Thiên Chúa. Từ ước ao mãnh liệt được nổi tiếng, I-nhã hướng tất cả để cho vinh danh Chúa hơn. Các đặc tính hào hiệp không mất đi, chỉ là được chuyến hướng và gắn thêm động lực mới, đó là khao khát được lao tác trong vườn nho của Chúa với lòng trung thành và quảng đại, hầu phục vụ Vua hằng sống và là Chúa của mình (LT 146). Một vài dẫn chứng từ cuốn Tự ThuậtLinh Thao sẽ giúp chúng ta thấy rõ những đặc nét này nơi I-nhã.

  • Can đảm chiến đấu vì danh dự, không ngại thương tích và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng:

TT 2: sau khi bị thương ở Pamplona, I-nhã được người Pháp đối xử rất tử tế, rất có thể kẻ thù cũng cảm phục trước tinh thần hiệp sĩ của I-nhã.

TT 15: “Kẻ ấy đang đi đường thì có một anh chàng Môrô cỡi la bắt kịp. Trong khi hai bên trao đổi với nhau chuyện này chuyện kia, họ nói đến Ðức Mẹ. Anh chàng Môrô nói chắc Ðức Mẹ thụ thai mà không cần đến người nam, nhưng không thể tin là khi sinh con, Ðức Mẹ vẫn còn đồng trinh. Anh ta đưa ra những lý lẽ thuộc bình diện tự nhiên nảy sinh trong trí. Mặc dầu kẻ hành hương đem bao nhiêu luận cứ ra chống đỡ, nhưng vẫn không làm được anh ta thay đổi ý kiến. Anh chàng Môrô lúc ấy phóng nhanh lên trước rồi mất hút; kẻ ấy nghĩ lại những điều vừa diễn ra. Một số cảm xúc trỗi dậy trong kẻ ấy và gợi lên trong lòng sự bất bình, vì kẻ ấy có cảm tưởng đã không tròn bổn phận. Lòng đầy tức giận anh chàng Môrô, và tự cho là mình đã sai khi để anh ta xổ ra những lời lẽ như vậy về Ðức Mẹ, kẻ ấy thấy nhất định phải bảo vệ danh dự cho Ðức Mẹ. Phải đuổi theo anh ta và cho anh ta mấy nhát dao găm, vì đã nói như vậy.”

TT 38: I-nhã một mình chống lại nhóm lính có ý định hãm hại hai mẹ con khách hành hương từ Gaeta về Roma.

TT 36, 40, 50: can đảm đến độ “liều mạng” khi không đem theo tiền dù đã được bố thí trên các chuyến hành trình mà những người khác đã cảnh báo là chắc chắn phải có.

  • Theo đuổi mục tiêu đến cũng với tất cả nỗ lực của mình, lòng quảng đại và tinh thần “magis”

TT 3, 4, 5: I-nhã chịu cực hình nhiều ngày để chỉnh lại vết thương, cắt bớt khúc xương nhô lên để chân được lành lại bình thường, vì một hiệp sĩ không thể xấu xí trong mắt người khác.

TT 7: “Thánh Ðaminh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phanxicô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm.” Bắt đầu hiện hữu trong tâm trí ý định về việc thực hiện những kỳ tích cho Chúa.

TT 14: muốn làm các việc phạt xác hơn các thánh ngày xưa đã làm.

LT 136-146: Hai Cờ Hiệu và việc chọn lựa để phục vụ Vua Hằng Sống.

LT 167: bậc khiêm nhường thứ ba: “[…] giả thiết việc ngợi khen và làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì để noi gương và nên giống Đức Ki-tô, Chúa chúng ta cách thiết thực hơn, tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Ki-tô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Ki-tô bị sỉ nhục hơn là vinh dự, và ao ước được coi là ngu dại và điên rồ vì Chúa Ki-tô, Đấng đầu tiên đã bị coi như thế, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này.”

LT 352-370: bộ quy tắc để có được cảm nghĩ chân chính mà chúng ta phải có trong Giáo Hội chiến đấu. Các quy tắc nhằm bày tỏ lòng trung thành, mến mộ và nỗ lực bảo vệ các giá trị tín lý, luân lý và quản trị trong Giáo Hội với lòng quảng đại và tinh thần magis.

I-nhã từ một người say mê tinh thần hào hiệp và khao khát lập được những thành tựu khiến danh tiếng trở nên lừng lẫy đã trở nên người phục vụ Vua Hằng Sống bằng chính tinh thần quảng đại và trung thành. Những đam mê thế sự và vinh quang trần thế, một mặt, có những giá trị nhất định, nhất là khi một kẻ hào hiệp chân chính muốn dấn thân cả cuộc đời để phục vụ vua của mình; mặt khác, cuộc sống nào cũng có mặt trái của nó, I-nhã sau khi hoán cải đã dành trọn vẹn khao khát và đam mê của một người hào hiệp để phụng sự Chúa mà thôi.

5.     I-nhã: tinh thần hào hiệp trong người bạn đường thấu cảm

Với quá khứ gắn liền với cuộc sống cung đình, quyền lực và thao lược, I-nhã, và cả Dòng Tên sau này, thường bị coi là những người chuộng nguyên tắc đến độ máy móc, duy ý chí đến độ cứng đầu, và do vậy, con tim có phần chai đá và không biết rung cảm. Tuy nhiên, dù xuất thân trong gia đình quý tộc, mẹ mất sớm, thời niên thiếu với khao khát sống tinh thần hào hiệp, cuộc đời I-nhã không thiếu những khoảnh khắc của yêu thương và thấu cảm. Sau khi hoán cải, và nhất là trong việc điều hành Dòng, I-nhã đã thể hiện lòng thương cảm của người mẹ nơi dung mạo của người cha nghiêm khắc. Sẽ chẳng có một I-nhã biết rung cảm trước sự đau khổ của tha nhân nếu chính mình không cảm nghiệm và kinh nghiệm được tình thương yêu của cha mẹ trong gia đình Loyola, đặc biệt từ bà vú nuôi María de Garín, và sau đó là người chị dâu Madalena de Araoz, khi I-nhã lên 7 tuổi. I-nhã cũng học được từ ông nội Don Juan Perez và từ cha mình về những nguyên tắc, sự kiên định, lòng trung thành, đồng thời I-nhã cũng học biết thế nào là tha thứ, hy vọng, phục vụ và chữa lành. Những dẫn chứng sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về khía cạnh này của I-nhã.

TT 95: “Khi còn ở Vicenza, kẻ ấy được tin một người bạn cùng chí hướng bị bệnh nặng gần chết ở Bassano. Ngay lúc ấy, chính kẻ ấy cũng đang bị sốt. Bất chấp, kẻ ấy lên đường và đi nhanh đến nỗi người cùng đi là Favre không theo kịp. Trong chuyến đi ấy, kẻ ấy được Thiên Chúa bảo đảm, và kẻ ấy kể cho Favre biết, người bạn cùng chí hướng ấy không chết vì cơn bệnh đó. Quả thật khi hai người đến Bassano, người bệnh rất vui và hồi phục nhanh chóng.”

Trong bức thư ngày 13.12.1545, có tựa đề “Về tương quan với người khác”, gởi cho các cha dự Công Đồng Trento, I-nhã nhắn nhủ:

Hãy cẩn trọng trong lời nói. Biết thấu hiểu và tử tế, đặc biệt khi phải đối diện với những vấn đề gây tranh cãi […] và chỉ sau khi đã lắng nghe trong tĩnh lặng, anh mới có thể hiểu được ý nghĩa, sự hiểu biết và mong muốn của người nói. Vì vậy, anh phải biết khi nào nên nói và khi nào nên giữ thinh lặng.

Hãy tuân thủ những nguyên tắc này cả trong thuyết giảng và nỗ lực khơi lên trong tâm hồn người nghe tình yêu dành cho Đấng Tạo Hoá, giải thích cho họ đoạn văn vừa nghe và giúp họ cầu nguyện như đã được chỉ dẫn.

Hãy viếng thăm các bệnh viện vào những giờ thuận tiện trong ngày và hãy luôn để ý đến sức khoẻ của anh em. Anh em hãy giải tội cho người nghèo và an ủi họ, và nếu có thể, hãy đem cho họ một món quà nhỏ.

Tháng 4 năm 1551, Lm Dòng Tên Antonio Araoz, là cháu của I-nhã, (Antonio Araoz là con của người anh Martin Garcia và chị dâu Magdalena de Araoz) trở về Tây Ban Nha sau thời gian ở Roma để tham gia việc soạn thảo Hiến Pháp và lâm bệnh, không thể ăn uống ngủ nghỉ bình thường và gần như kiệt sức. I-nhã viết thư thăm hỏi và khuyên Antonio chăm lo cho sức khoẻ của mình. Chưa yên tâm, I-nhã sau đó viết một bức thư khác và nhân danh lời khấn vâng phục buộc Antonio phải nghỉ ngợi 3 tháng, không được làm gì khác ngoài việc tuân theo những chỉ dẫn của thầy thuốc. I-nhã viết:

Tôi được cho biết là cha đang cần phải chăm lo sức khoẻ cách đặc biệt, điều mà trước đây tôi đã được nghe phần nào. Tôi còn biết rằng, dù không được khoẻ, cha vẫn tự cho phép mình đảm nhiệm nhiều tác vụ và công việc vượt quá sức chịu đựng của cha. Suy xét trong Chúa là Chúa chúng ta, có lẽ sẽ hợp với Thánh ý Chúa hơn là cha hãy tiết chế lòng nhiệt thành tông đồ hầu cha có thể lao tác lâu dài hơn trong việc phụng sự Ngài. Trong Chúa, tôi ra lệnh cho cha phải tuân theo những chỉ dẫn của thầy thuốc trong tất cả những gì liên quan đến ăn uống, sử dụng thời gian, giờ nào đi ngủ và giờ nào nghỉ ngơi. Trong ba tháng tới, từ nay cho đến tháng 9, cha không được thuyết giảng, nhưng chỉ chăm lo cho sức khoẻ của mình.

 

Cha Peter de Ribadeneira, nhận xét về I-nhã như sau:

 

Trong việc huấn luyện anh em trẻ, I-nhã ý thức rất rõ hai nguyên tắc: thứ nhất, ngài đặt ra những tiêu chuẩn cao như một khuôn mẫu cho toàn Dòng; thứ hai, ngài biết rằng chi có sợi dây liên đới đức ái mới có thể nối kết anh em đang được sai đi khắp thế giới. Nói cách khác, I-nhã vừa là người mẹ đối với các ứng viên mà Chúa giởi đến, vừa là người cha/thầy để giúp họ lớn lên bằng cách thử thách lòng quảng đại của họ.

 

Khi phải sửa lỗi ai, ngài sẽ nhờ vị quản lý nhà thực hiện, hoặc người chịu trách nhiệm trong lãnh vực cụ thể nào đó. Nếu chính ngài phải làm điều đó, ngài sẽ làm theo cách để không bao giờ phải nói ra lời nào khiến người bị sửa lỗi cảm thấy bị tổn thương hay phiền lòng.

 

Thay lời kết

Vậy I-nhã không phải là một hiệp sĩ ư? Có lẽ là không. Nói đến chân dung hào hiệp của I-nhã Loyola, tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh ấy như hệ quả của nền văn hoá và bối cảnh lịch sử nơi I-nhã sinh trưởng. Như bao người đương thời xuất thân từ gia đình quý tộc, I-nhã Loyola đã đi theo con đường mà hầu hết họ đã đi – khao khát trở thành hiệp sĩ đích thực với danh tiếng lẫy lừng – nhưng tiếng gọi Vua Hằng Sống đã khiến I-nhã hiện thực hoá khao khát ấy theo một hướng khác – người bạn đường của Đức Ki-tô. Nhiệt huyết và lòng quảng đại vốn có của người hiệp sĩ được dùng để phụng sự Chúa, khao khát danh tiếng bản thân chuyển hướng thành làm vinh danh Chúa hơn, và mục đích là chiếm lấy phần thưởng thế gian giờ đây được dành trọn để đem các linh hồn về cho Chúa.

 

 

 

 

Sách tham khảo

 

 

Castiglione, Baldassare, Il libro del Cortegiano, ed., W. Barberis, Giulio Einaudi editore, Torino 2017, Book 1, XVII.

De Dalmases, Cándido, Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits. His Life and Work, The Institute of Jesuit Sources, Missouri 1985.

Elias, Norbert, La società di Corte, Società editrice il Mulino, 1980.

Faret, L’Arte di piacere alla Corte del Signor di Faret, tradotta dalla francese nella lingua italiana dal Conte Alberto Caprara, al marchese Enea Magnani Senatore suo nipote, Bologna 1662.

Kelso, Ruth, The Doctrine of the English Gentleman in the Sixteenth Century, University of Illinois, Illinois 1929.

Loyola, I-nhã, Những Bước Đường Theo Chúa. Hồi Ký Thánh I-nhã, Hoàng Sóc Sơn dịch và chú thích.

Loyola, I-nhã, Linh Thao, Lê Quang Chủng chuyển ngữ, Thủ Đức 2011.

 

[1] x. R. Kelso, The Doctrine of the English Gentleman in the Sixteenth Century, University of Illinois, Illinois 1929, 35.

[2] x. R. Kelso, sđd. 34-35.

[3] x. N. Elias, La società di Corte, Società editrice il Mulino, 1980, 147. 193.

[4] x. R. Kelso, sđd. 42.

[5] Faret, L’Arte di piacere alla Corte del Signor di Faret, tradotta dalla francese nella lingua italiana dal Conte Alberto Caprara, al marchese Enea Magnani Senatore suo nipote, Bologna 1662, 21-23.

[6] x. R. Kelso, sđd. 70.

[7] x. B. Castiglione, Il libro del Cortegiano, ed., W. Barberis, Giulio Einaudi editore, Torino 2017, Book 1, XVII.

[8] x. R. Kelso, sđd. 97.

[9] Ibid.

[10] x. R. Kelso, sđd. 99.

[11] x. R. Kelso, sđd. 103.

[12] C. de Dalmases, Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits. His Life and Work, The Institute of Jesuit Sources, Missouri 1985, 27.

[13] x. Ibid. Xem thêm EppIgn, I, 148.

[14] x. P. de Leturia, El gentilhombre Iñigo de Loyola, Labor, Barcelona 1949.

[15] x. Ibid., 26.

[16] Ibid. Xem thêm EppMixt, III, 34.

[17] Ibid. Xem thêm Memoriale, n. 20, trong FN, I, 539.

[18] Ibid., 27. Xem thêm PolSum, n. 4, trong FN, I, 154.

[19] x. C. de Dalmases, Ignatius of Loyola, 36-37.

[20] x. Ibid.

[21] x. Ibid., 39-40. Xem thêm PolSum, n. 4, trong FN, I, 155.

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *