Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng hiếu khách, nhưng chính nhờ sự đáp trả tự do của chúng ta mà nó trở thành một sự hiệp thông thực sự với Người.
Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa là tình yêu, trao gửi cho chúng ta tình bằng hữu. Một cách khiêm nhường, Chúa Kitô đứng trước nhà chúng ta và gõ cửa. Như một người nghèo, Ngài hy vọng và chờ đợi sự hiếu khách của chúng ta. Nếu ai đó mở cửa cho Ngài, Ngài sẽ bước vào.
Bằng một lời cầu nguyện đơn giản, chúng ta cho Ngài tiếp cận trái tim của chúng ta. Sau đó, ngay cả khi chúng ta khó cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, Thiên Chúa vẫn ngự trị trong chúng ta.
Cầu nguyện trong nhà thờ, dù chỉ trong chốc lát, hãy đặt thời gian cho việc này, vào buổi tối hoặc buổi sáng, không có mục đích nào khác ngoài việc giao phó ngày của chúng ta cho Chúa—đây là những điều giúp hình thành con người bên trong chúng ta theo thời gian. Nhớ lại sự hiện diện của Chúa Kitô cũng giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ hãi—nỗi sợ hãi những người khác, nỗi sợ không đủ tốt, lo lắng khi phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Khi chúng ta không có nhiều thời gian, chúng ta có thể nói với Chúa Kitô về bản thân và những người khác, bạn hữu ở gần hoặc xa xôi, chỉ cần nói thì thầm một vài từ ngữ. Chúng ta có thể nói với Ngài những gì trong chúng ta và những gì chúng ta chưa thực sự hiểu. Một vài từ ngữ từ Phúc Âm cũng có thể ở lại với chúng ta suốt cả ngày.
Chúa Kitô Phục Sinh đã nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải Huyền 3, 20)
Điều gì sẽ giúp tôi nghe được tiếng Chúa?
Việc “mở cánh cửa ra” cho Chúa có ý nghĩa như thế nào với tôi?
TAIZE
(Bài viết được gửi đến dongten.net)