Kinh nghiệm giúp linh thao

Vinh-sơn Phạm Đình Khoan,S.J

Đầu tháng 5.2007, tôi bước sang năm thứ mười trong “nghề” giúp linh thao. Trong tâm tình tạ ơn và hiệp thông, xin được chia sẻ vài kinh nghiệm nho nhỏ trong việc thi hành sứ vụ này.

1. Ước mơ

Tôi vào Nhà Tập Dòng Tên ngày 31/7/1981. Mùa Phục Sinh năm sau, tôi được làm một thực nghiệm quan trọng là tháng linh thao. Thời gian cầu nguyện và nhận định đã đem lại cho tôi nhiều hoa trái thiêng liêng, nhất là tôi được biết Chúa Giê-su và nhận ra tiếng Ngài mời gọi. Kinh nghiệm này mạnh đến độ tôi đã thưa với cha giáo của tôi lúc ấy: “Em ao ước việc đi giúp linh thao sẽ là ‘nghề tay phải’ của em.”

2. Vào “nghề”

Ước mơ đi giúp linh thao chỉ thành hiện thực sau 16 năm đợi chờ. Vào cuối tháng 4 năm 1998, tôi được xếp đi giúp khóa linh thao đầu tiên, cho các chị em thuộc Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Bến Tre mà thoạt nghe tên người ta đã có thể thấy thấp thoáng những “bóng dừa” dễ thương và như “nghe” được mùi sầu riêng thơm lựng. Đường tới Cái Mơn không mấy dễ dàng vì gập ghềnh sỏi đá. Tuy nhiên, điều tôi mang nặng trong lòng là trách nhiệm giúp các linh hồn tìm sống thánh ý Chúa. Lúc ấy tôi không còn trẻ lắm và tu cũng đã lâu, vậy mà vẫn cứ thấy run!

Điều lo trước hết là không biết phải cho các thao viên cầu nguyện thế nào. Thật sự, tôi cảm thấy không thể giúp cho các thao viên cách hữu hiệu nếu không khởi từ kinh nghiệm của chính mình. Dựa vào cấu trúc và tính năng động của tiến trình linh thao, từ những kinh nghiệm thiêng liêng của mình, tôi đề nghị với các thao viên những đoạn Lời Chúa, mục tiêu cần đạt tới và những gợi ý ngắn gọn. Tôi xác tín: Lời Chúa sẽ soi tỏ cho ai có lòng khao khát. Thánh Kinh có sẵn đó, nhưng phải vận dụng thế nào theo hành trình thiêng liêng của từng người? Trình bày thế nào để không quá sơ lược nhưng cũng không chiếm mất phần suy niệm của thao viên? Nên để thao viên tự đặt tựa đề cho bài linh thao của họ hay nêu cho họ một tựa đề?

Điều lo thứ hai là việc đồng hành. Làm sao đồng hành có hiệu quả khi số người tham dự khá đông? Nỗi lo ấy được giải quyết khi những người tham dự đã tự phân chia thành hai nhóm: một số là thao viên thực sự sẽ đến đồng hành cá nhân, một số khác dự thính thì không. Việc giới hạn này cho phép tôi có thể gặp các thao viên đến chia sẻ nhiều lần theo bảng phân chia thời gian được họ tự giác đánh dấu. Thật ra, nỗi lo chính không tùy thuộc vào số người phải gặp gỡ cho bằng chất lượng của cuộc đồng hành. Mỗi người đều có một tâm hồn riêng, một lịch sử riêng, ai có thể hiểu thấu được? Hơn nữa, không phải thao viên nào cũng dễ dàng chia sẻ về cuộc đời mình cho người khác, nhất là với người mới gặp lần đầu. Tôi mong muốn giúp họ, nhưng phải tôn trọng tự do của họ. Bỗng nhiên, tôi thấy mình thật quan trọng vì được mời để chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa Hằng Sống và kẻ được Người trực tiếp hướng dẫn, nhưng cũng lo vì thấy mình giới hạn. Làm sao đây? Tôi tin vào Chúa Thánh Thần là vị đồng hành đích thực của mỗi người và cầu nguyện để cả thao viên cũng như chính mình được mềm mại theo sự dẫn dắt của Ngài.

Nỗi lo thứ ba là làm sao để thao viên đón nhận ơn hoán cải cách sâu xa và trọn vẹn và được lương thực là Bánh Hằng Sống mỗi ngày, trong khi tôi chưa phải là linh mục. Dù thánh I-nhã không khuyên thao viên phải xưng tội trong kỳ linh thao, nhưng việc này lại rất hữu ích cho họ. Nỗi lo được xóa tan khi tôi thấy hai anh Vinh-sơn Phạm Văn Mầm và Giu-se Hoàng Văn Quảng từ Sài Gòn đến bằng xe gắn máy chỉ để giải tội cho các thao viên mà tôi đang đồng hành. Thật là tuyệt vời khi vì tình bạn trong Chúa mà các anh đến chia sẻ nỗi lo của tôi. Mỗi ngày, chúng tôi còn được một cha đến dâng lễ, nên các thao viên không thiếu của ăn cho tâm hồn.

Còn một nỗi lo nữa liên quan đến bầu khí cầu nguyện và mặt an ninh. Tuy rằng tu viện là nơi cầu nguyện, nhưng để linh thao tốt, các thao viên được khuyên nên đến một nơi khác so với nơi mình ở. Tại đây, không có điều kiện để làm điều ấy. Tuy vậy, mọi người trong nhà dòng lại ý thức và liên tục cầu nguyện cho các chị em đang tĩnh tâm, nên chị em vẫn có bầu khí cầu nguyện. Lại nữa, tập trung nhiều người cầu nguyện và có người lạ hướng dẫn là điều phải cảnh giác!

Tạ ơn Chúa, mọi nỗi lo đều qua đi và kỳ linh thao diễn ra tốt đẹp. Tôi tin có Chúa nâng đỡ khi tôi chập chững vào “nghề”. Điều này giúp tôi an tâm tiếp tục sứ vụ.

3. “Nghề dạy nghề

Qua dòng thời gian, tôi được lớn lên nhiều trong “nghề” giúp linh thao. Từ thuở ban đầu khá lúng túng, dần dần tôi quen hơn khi đồng hành với các thao viên, dù vẫn cảm thấy một không gian mênh mông trong tâm linh con người. Có nhiều thành phần tôi được gặp gỡ và Chúa cũng dùng chính họ để dạy tôi biết cách đồng hành.

Nhiều giáo dân xin linh thao, phần lớn là các giáo lý viên. Họ cần tìm sức mạnh để sống và phục vụ đức tin giữa môi trường gia đình và xã hội. Có người kiếm tìm hướng đi cho tương lai. Có người trước kia đã từng là tu sĩ hay chủng sinh bỗng khắc khoải về quyết định mình đã thực hiện. Cả những anh chị em đi cầu nguyện để nhận ra ý Chúa trong cuộc hôn nhân của mình. Nơi họ, tôi thấy lòng quảng đại của con người đáp lại tiếng Chúa ngay giữa những đắng cay và ngọt ngào của cuộc sống.

Nhiều bạn tu sinh của một số giáo phận và nhiều bạn dự tu của các dòng cần ánh sáng để quyết định cho con đường mà có lúc họ thấy mù mờ và dao động. Trong sâu thẳm của tâm hồn, người trẻ khao khát Thiên Chúa, nhưng họ thường lẫn lộn giữa Thiên Chúa đích thực và ngẫu tượng của thế gian. Không đặt mình vào hoàn cảnh của họ, không thể giúp họ lắng nghe tiếng gọi của Vua Hằng Sống.

Nhiều tu sĩ ở các giai đoạn khác nhau trong đời dâng hiến cũng cho tôi chứng kiến việc Chúa làm nơi họ. Có người đứng trước quyết định phải dấn thân dứt khoát trong lời khấn dòng hay không. Có người bị chao đảo vì cám dỗ và mất cả hứng khởi của đời tu trong những năm miệt mài học tập. Cũng có người đã sống gần hết cuộc đời mà không thực sự hạnh phúc và có khi còn đặt lại vấn đề vào lúc tóc đã “điểm sương”! Một nữ tu lớn tuổi đã chia sẻ với tôi: “Bây giờ con mới thực sự biết cầu nguyện”. Ơn gọi thật là một huyền nhiệm, vì là kết quả của hai tự do: tự do của Đấng kêu gọi và tự do của người được gọi.

Người sống đời tu giữa môi trường thế gian không có cùng một thao thức như người sống trong tu viện. Không có áo dòng và nội cấm nhưng họ lại vẫn phải giữ một thứ “nội vi” ngay giữa cuộc đời với đủ thứ “mùi vị” của nó. Tránh thế nào được căng thẳng? Điều này giúp tôi hiểu và sống chính mối căng thẳng nền tảng của ơn gọi ki tô hữu: dù đã được gọi là “Dân Thánh”, tôi vẫn phải nên thánh mỗi ngày.

Các chủng sinh cũng làm cho tôi ngỡ ngàng khi họ chia sẻ về hành trình cuộc đời. Đường đi nhiều lúc không có mục đích rõ rệt hoặc sai lạc vì thiếu người hướng dẫn. Gặp được Giê-su qua tiếng Người mời gọi, họ muốn theo gót Người đến cùng. Niềm vui trào dâng trong tôi khi thấy nhiều chủng sinh vốn không được hướng dẫn cầu nguyện và cũng không coi trọng đời sống thiêng liêng đã được ơn biến đổi.

Những anh em sắp lãnh nhận tác vụ phó tế và linh mục lại có những trăn trở về đời sống phục vụ trong sứ mạng được trao phó. Nhiều người nhờ linh thao mới khám phá đâu là điều then chốt cho cuộc đời mục tử của mình “như lòng Chúa mong ước”.

Tất cả những trường hợp trên đây cũng như bao trường hợp khác, linh thao giúp họ đối diện với chính mình và trả lời cho tiếng gọi từ bên trong: Phải tìm điểm tựa cho đời mình ở đâu? Tôi nhận thấy càng lúc càng rõ: Thiên Chúa sẵn sàng dẫn dắt người ta đi đến hạnh phúc thật khi người ta thực sự khao khát tìm kiếm Người. Vị đồng hành có vai trò giúp thao viên thấy được rõ hơn sự dẫn dắt ấy. Dĩ nhiên, việc này khó và có thể gây căng thẳng và cả hiểu lầm. Đôi khi, thao viên quá kỳ vọng nơi vị đồng hành, muốn vị đồng hành giải quyết vấn đề thay cho họ; đôi khi có người lại xem thường việc đồng hành hoặc thiếu cởi mở. Có người còn thầm yêu cả người đồng hành nữa! Phải làm sao giúp thao viên không chủ quan, đồng thời không đánh mất tự do trong tâm hồn mình?

Rút cuộc, dù có đi tới đâu trong “nghề”, tôi vẫn không bao giờ được thay thế người đồng hành đích thực là Thiên Chúa, Đấng đang trực tiếp và liên lỉ hướng dẫn mỗi người. Vì thế, người giúp linh thao sẽ là người đồng hành đúng nghĩa khi đưa người ta đến với Thiên Chúa theo cách Người muốn dẫn dắt họ. Đừng chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn họ. Hãy nhớ mình “không phải là ánh sáng” (x. Ga1,6-8).

4. Theo “nghề” của “Bố”

Bài hát “Chiếc cày Người trao” kết bằng câu: “Tôi theo nghề Bố tôi là ông thợ cày”. Kinh nghiệm giúp linh thao của tôi có thể ví như việc làm theo “nghề” của “Bố” mình.

Khi thánh I-nhã, tổ phụ Dòng Tên, được Thiên Chúa hướng dẫn từng bước, ngài đã ghi lại kinh nghiệm của mình trong sách Linh Thao. I-nhã cũng chia sẻ kinh nghiệm này với người khác, trước tiên với các bạn học của ngài tại Paris trong đó có Phan-xi-cô Xavier. I-nhã ý thức rất rõ về sự riêng tư trong hành trình thiêng liêng của mỗi người, nên ngài thường chỉ giúp linh thao cá nhân và hết sức để ý đến hoàn cảnh của từng thao viên. Các chú dẫn trong sách Linh Thao cho thấy điều đó.

Kết hợp sâu xa với Thiên Chúa như một nhà thần bí, I-nhã lại rất thực tiễn khi ngài chỉ ra những cách thức cụ thể để đi vào cầu nguyện và những qui tắc giúp phân định tác động của các thần trong đời sống thiêng liêng và những qui tắc để tìm kiếm và chọn lựa thánh ý Chúa, trong đời sống cá nhân cũng như trong lòng Giáo Hội. Học được điều này từ I-nhã, tôi đem chia sẻ với các thao viên, lần lượt theo các “tuần” của tiến trình linh thao.

Thực ra, I-nhã không phải là “Bố” đúng nghĩa vì ngài cũng học từ chính Thiên Chúa, Đấng dạy ngài từng chút một như thầy giáo hướng dẫn học trò (x. Hồi Ký). Sự hướng dẫn này xuất phát từ tình yêu bao la của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Kinh thánh làm chứng về cách Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử nhân loại ngang qua mọi biến cố thăng trầm với sự hiện diện của các ngôn sứ Người sai đến. Sự dẫn dắt không ngơi nghỉ của Vị Mục Tử Nhân Lành được biểu lộ cụ thể trong Đức Giê-su Ki-tô, Đấng nên một với chúng ta trong thân phận con người, Đấng cùng đi với hai môn đệ trên đường E-mau, khi đôi chân họ rã rời thất vọng (x. Lc 24,13-35), Đấng hiện diện với các tông đồ trên mọi nẻo đường của sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc16,19-20), Đấng là Em-ma-nu-en “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Kiểm tra tương tự

Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ

Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ thế hệ gen “Z”, khái …

Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh

Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *