HOME    ĐỜI SỐNG    TÌNH YÊU CHÂN THỰC     MỘT THOÁNG SUY TƯ

 

 

 

 

Tiêu chuẩn nhận biết

 

TÌNH YÊU CHÂN THỰC

 

 

 

Viết cho em đó, bạn trẻ!

Để em yêu và hạnh phúc tròn đầy.

 

MỤC LỤC:

 

DẪN NHẬP  1

I. CÁI TÌNH LÀ CÁI CHI CHI?  2

1. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?  2

2. Những dấu chỉ của tình yêu  2

II. TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC  5

1. Cốt lõi tình yêu đích thực  5

2. Dấu chỉ nhận biết tình yêu chân thực  6

III. ĐỂ ĐƯỢC YÊU VÀ ĐỂ DUY TRÌ PHÁT TRIỂN TÌNH YÊU  9

1. Trở nên đẹp  9

2. Biểu lộ và chứng tỏ tình yêu  9

3. Tỏ nỗi lòng và tìm hiểu người yêu  10

4. Sống như thể mới yêu nhau  10

LỜI KẾT  12

 


DẪN NHẬP

            Con người khi đã khôn lớn và biết suy nghĩ, thường bận tâm tìm phương thế kiếm sống, tìm cái ăn cái mặc. Và có hai điều khác cũng được con người bận tâm, đó là công danh sự nghiệp và tình yêu.                            

            Ăn uống mặc là nhu cầu của con người, tuy dù ăn để sống chứ không phải sống để ăn! Nhu cầu đủ ăn đủ mặc là nhu cầu cần thiết và chính đáng của con người, các trợ cấp xã hội về thất nghiệp cũng như những nổ lực tìm công ăn việc làm cho con người cho thấy rõ điều này. Trong kinh “Chúa dạy”, Chúa Yêsu cũng dạy chúng ta xin “lương thực hằng ngày”.

            Công danh sự nghiệp cũng là một điều mà nhiều người bận tâm: ai cũng muốn có sự nghiệp để đời! Thế nhưng:

“cái vòng danh lợi cong cong,
 kẻ hòng ra khỏi người mong được vào”!

            Đâu là sự nghiệp và vinh dự  đích thực? Đâu là vinh quang giả tạo, thế sự phù vân? Và đâu là sự nghiệp trường tồn như thể là kho tàng kiếm được không bao giờ hư mất?

            Con người chúng ta cần có một lập trường sống về công danh sự nghiệp, để trong cuộc đời chúng ta đừng mải miết đi tìm vỏ sò mà từ chối thu góp ngọc trai!

            Tình yêu là vấn đề muôn thuở nhưng vô cùng quan trọng. Không ai có thể sống và trưởng thành toàn diện mà không cần tình yêu! Không ai có thể sống hạnh phúc nếu không yêu và được yêu! Chính vì vậy trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ bàn về tình yêu, và đặc biệt về tình yêu nam nữ, nhằm giúp các bạn trẻ chúng ta sống trọn vẹn hơn và sống hạnh phúc hơn trong tình yêu.

            Đầu tiên chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về tình yêu; thứ đến những yếu tố cho thấy đâu là tình yêu đích thực; và cuối cùng, làm sao để duy trì và phát triển tình yêu.

I. CÁI TÌNH LÀ CÁI CHI CHI?

1. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

            Cái tình là cái chi chi?

Nguyễn Công Trứ, sau bao năm lăn lộn với đời, thế mà vẫn “như là” không hiểu tình yêu là gì! nhưng:

“dù chi chi, vẫn chi chi với tình”.

            Tình yêu không đơn thuần là hành vi ý chí: không phải tôi muốn yêu ai, thì tôi có thể yêu người đó! Tôi có quen hai người khá thân, một người lập gia đình đã được mười bẩy năm, một người được mười lăm năm; Hai người này đã lập gia đình với người họ “chưa yêu”, và họ đã hy vọng rằng với thời gian họ sẽ yêu người bạn đời của họ! Nhưng sau một thời gian khá dài, một người sau mười bốn năm và một người sau mười hai năm, vẫn chưa yêu được người yêu họ, dù cả hai đều thú nhận rằng người bạn đời của họ rất tốt[1].            Tình yêu cũng cũng không đơn thuần là hành vi lý trí: tại sao tôi yêu người này mà không yêu người kia, dù người kia giầu hơn đẹp hơn có nhiều điều kiện xây dựng gia đình tốt hơn? Tại sao tôi cứ yêu mộït người dù họ không yêu tôi? Và tại sao tôi cứ hững hờ với người rất yêu tôi?! “Phải chăng con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được”?

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều?
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng lời dìu dịu gió đìu hiu!

            Tình yêu chính là sự sống, là thực tại tôi sống mỗi ngày; vì thế, tôi chỉ có thể diễn tả để hiểu biết tình yêu hơn, chứ không nhằm định nghĩa tình yêu!

2. Những dấu chỉ của tình yêu

a. Tình yêu ảnh hưởng tâm sinh lý con người
i. Vui buồn vu vơ

            Tình yêu ảnh hưởng đến tâm lý con người; Nếu không được người mình yêu để ý, người ta có thể buồn, và cảnh vật cũng có vẻ buồn:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”

hoặc người ta buồn vu vơ:

“Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn?”

            Nếu được đáp trả tình yêu, người ta cảm thấy cảnh thiên nhiên đẹp, cuộc đời như thể màu xanh màu hồng, và cảnh vật hôm nay cũng đẹp và sinh động hẳn lên:

“Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ?”.

ii. Ngượng ngùng, e lệ, lúng túng, hồi hộp...

            Có bao thanh niên tính tình ngổ ngáo, hay nghịch phá chọc ghẹo mọi người, nhưng khi “người ấy” bắt đầu cảm “ai đó”, bỗng dưng chúng ta thấy “người đó”ù đứng trước “ai đó” rất là... tức cười: tay chân lóng ngóng,  ngượng ngùng không còn hoạt bát như trước...! Chân tay họ như thể dư thừa “cả khúc” hoặc, nếu họ cầm trên tay cả “triệu” đoá hoa thì họ vẫn không biết mỏi khi mình đã “ngắt bỏ từng cánh” của cả triệu đoá hoa đó! Dù lúc gặp “ai đó” không vào cuối cuộc đua chạy marathon, nhưng người đó vẫn cảm thấy trống ngực đánh to hơn mọi khi và đôi khi to đến độ người bên ngoài có thể nghe rõ “trống ngực” của mình, và nhịp tim không chừng lên tới “một trăm tám mươi” không chừng!

b. Những người đang yêu
i. Nhớ nhau

“Anh nhớ lắm
anh nhớ hình, anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em

anh nhớ lắm, em ơi!.

            Khi người ta yêu, người ta nhớ nhau! Bóng hình ai cứ như ở mãi trong tâm hồn ai! đôi khi người ta muốn quên, mà quên chẳng được: ánh mắt nụ cười của “ai đó” cứ lảng vảng trong tâm trí họ.  

ii. Quan tâm đến nhau  

            Và không chỉ nhớ nhau, những người yêu nhau còn quan tâm đến sở thích của nhau: người tôi yêu thích màu hồng nhung chứ không phải màu xanh, người tôi yêu thích mai trắng chứ không phải mai vàng.... Và không chừng đến độ “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường... ”. Người ta để ý đến màu áo của nhau, để ý đến thói quen của nhau, và người ta để ý đến ngày sinh của người yêu hơn chính của mình...!

iii. Người yêu là tất cả đối với người kia

            Khi yêu nhau, người ta thấy “cần nhau”. Được ở bên người yêu, được nói chuyện với người yêu, đó là hạnh phúc! và nếu phải sống xa nhau, thì “khổ”! và người yêu là người mình cần đến độ, nếu không có người đó, thì e rằng cuộc đời không còn ý nghĩa nữa. Người yêu trở thành người qúy nhất: “Em là tất cả đối với anh”, “Anh là tất cả với em”. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy có bao nhiêu người đã tự tử khi bị ngăn cản không được yêu nhau và chung sống với nhau!

iv. Trao tặng tất cả

            Khi yêu, người ta không chỉ tặng hoa tặng quà cho nhau, nhưng người ta còn chia sẻ cho nhau những gì quí nhất: chính con người của mình. Chuyện kể rằng có một anh thanh niên yêu một cô nọ, anh ta đã nhiều lần tặng quà cho người yêu của mình; rồi tới một lần anh ta phải đi xa, khi gần tới ngày về, anh ta đi tìm một món quà để tặng cho người mình yêu, nhưng tìm hoài mà chẳng gặp điều gì quí giá để diễn tả tình yêu của anh ta đối với cô nàng. Sau một đêm suy nghĩ, anh ta ngủ thiếp đi, và... khi tỉnh dậy anh ta đã nghĩ ra một món quà qúy giá để diễn tả tình yêu vô bờ của anh ta với cô nàng. Khi về đến quê sau chuyến đi xa, người yêu anh ta đã ra đón, mừng rỡ và diễn tả tâm tình “nhớ thương” trong những ngày xa cách, rồi... cô ta nũng nịu đòi quà! Anh thanh niên đó từ từ lấy trong túi của mình ra một dải vải như những giải vải thường được quàng chéo nơi những cô hoa hậu, và anh ta đeo chéo nơi vai mình: “Quà cho em”. Sau một chút ngỡ ngàng, cô ta đã hiểu giá trị món quà mà người yêu cô ta muốn tặng cô ta!

v. Càng yêu càng yếu

            Không chỉ quan tâm đến nhau, mà người ta còn “trân trọng” người mình yêu, và sẵn sàng chiều theo ý muốn của người mình yêu. Dường như, người ta càng yêu thì càng yếu! Yếu ở đây không có nghĩa là không có sức khoẻ thể lý, nhưng như thể bị “sai khiến”bởi người mình yêu!

c. Liệu có thể định nghĩa tình yêu
i. Yêu là chết ở trong lòng một ít

            Yêu là chết ở trong lòng một ít?

Có đúng như vậy không?

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”.

            Khi yêu người ta thường chiều nhau, săn sóc nhau; Và như vậy, người ta phải bỏ ý riêng, phải hy sinh, phải chết “mình”để sống với người yêu! Và không chỉ “chết trong lòng một ít”, mà không chừng càng yêu thì càng phải chết nhiều! Có điều khi tôi chết như vậy, có là cho chính tôi và người yêu tôi hạnh phúc không?

            “Tình yêu
(ở xa) như ánh kim cương
lại gần giọt lệ lưng tròng mắt ai!”.

ii. Yêu là cùng nhìn về một hướng

            Yêu là cùng nhìn về một hướng? Người ta nói yêu nhau không chỉ ngồi ngó nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng, cùng có một quan điểm hay đồng chí hướng với nhau! Nhưng như vậy ... là tình yêu hay là tình bạn “đồng chí hướng”? Nói cho cùng, tình yêu luôn đi với tình bạn, hay đúng hơn, tình yêu cũng bao hàm tình bạn, có lẽ vì vậy người ta thường gọi người chồng hay người vợ là “bạn đời”của nhau.

d. Tình yêu biến đổi con người
i. Tình yêu làm người ta như trẻ lại

            Khi được yêu đôi khi người ta như trẻ lại! Tôi có quen một gia đình có mấy chị em, cha mẹ mất sớm, người chị phải chịu trách nhiệm vơí ba người em, và người chị như thể già đi với trách nhiệm và thời gian; Nhưng khi cô ta có người yêu, một cô em gái của cô ta nhận xét: “Khi chị ấy yêu anh H., chị ấy như trẻ lại mấy tuổi, chị ấy vui và dễ tính hơn trước, dễ thương hơn trước nhiều”.

ii. Tình yêu có thể hoàn lương con người

            Tình yêu có sức làm biến đổi con người. Kinh nghiệm trường đời cho thấy cũng có những trường hợp: một người có đời sống không lương thiện, nhưng một khi người đó yêu và được đáp trả tình yêu, thì người đó được biến đổi, trở thành người lương thiện. Họ đã hoàn lương để yêu và xứng đáng với tình yêu. Có lẽ chỉ có tình yêu mới biến đổi được con người thôi.

II. TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC   

            Là người, ai sống hạnh phúc mà không cần tình yêu? Thiếu tình yêu, không ai có thể sống hạnh phúc! Một em bé sơ sinh và nhi đồng, cần tình yêu của cha mẹ và những người thân quen; Một thiếu niên không chỉ cần tình yêu của cha mẹ để phát triển, mà còn cần tình bạn đồng trang lứa; Một thanh niên dù nam hay nữ, nếu không có một tình yêu đặc biệt để sống đời dâng hiến, thì cũng cần tình yêu khác phái một cách đặc biệt để tạo lập gia đình. Không có tình yêu, khó có thể, nếu không muốn nói là không có thể, có một gia đình vững bền và hạnh phúc!

            Để xây dựng gia đình hạnh phúc, cần có tình yêu giữa hai người phối ngẫu; nhưng ngày nay trong một xã hội đầy dẫy gian dối lọc lừa, làm sao tôi biết người ấy thực sự yêu tôi, chứ không phải lừa dối tôi? Làm sao tôi biết người đó yêu tôi thực, chứ không phải chỉ yêu trên đầu môi chót lưỡi, còn thực sự họ ham muốn một cái gì khác? Làm sao tôi biết tôi yêu người đó thực, chứ không phải chỉ là tình cảm qúy mến hay thương hại?

1. Cốt lõi tình yêu đích thực

a. Ý hướng
i. Không muốn sự dữ xảy đến cho người mình yêu

            Yêu ai, một cách tiêu cực là không muốn điều dữ đến với họ, và một cách tích cực là muốn cho họ được những điều tốt lành và sống hạnh phúc[2].

ii. Mong ước cho chính mình và người mình yêu được hạnh phúc chân thực

            Yêu ai, thì muốn cho người đó được hạnh phúc. Tôi yêu ai, thì tôi muốn cho người đó nhận được những điều tốt nhất cho họ. Nếu người tôi yêu hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc hoặc ít nữa là an lòng; Còn nếu người tôi yêu gặp những điều bất hạnh, tôi cũng đau đớn xót xa[3]!

b. Hành động
i. Hy sinh dâng hiến

            Tình yêu luôn đòi chia sẻ thông ban những gì mình có cho người yêu. Nơi tuyệt điểm của tình yêu, người ta thông ban dâng hiến chính mình[4].

            Cha mẹ yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh sức khoẻ và thời gian, nhịn ăn nhịn mặc để con cái có của ăn sung túc hơn, áo quần đẹp hơn và không thua sút chúng bạn...! Hai người bạn yêu thương nhau sẵn sàng hy sinh thời giờ sức lực để giúp đỡ bạn mình. Hai người nam nữ yêu nhau cũng hy sinh cho nhau, để người mình yêu vui hơn, tươi hơn hạnh phúc hơn; và cao điểm trong tình yêu nam nữ là họ dâng hiến chính mình cho nhau trong hành vi kết hiệp thân xác.

            Tình yêu được diễn đạt trong hành vi cho tặng, không chỉ những gì là vật chất ngoài mình nhưng còn trong việc ban tặng chính một phần thân thể mình (như cho tặng một trái thận,...), và hơn nữa, có thể chết thay cho người mình yêu. Càng yêu nhau người ta càng hy sinh dâng hiến thông ban cho nhau! Đỉnh cao là hiến mạng sống cho nhau: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình”(Yn 15,13).

            Hy sinh quên mình, chia sẻû, thông ban, dâng hiến, là những từ ngữ diễn tả cùng một thực tại tùy theo mức độ.

            Tình yêu đích thực cũng đòi phải tha thứ cho người mình yêu, nghĩa là đòi phải hy sinh quên mình, dẹp bỏ tự ái để bắt đầu lại tình yêu. Có bao nhiêu cuộc tình tan vỡ, vì đôi bên yêu nhau nhưng chưa trưởng thành đủ để hy sinh quên mình mà tha thứ ; vì... có ai mà chẳng có những lần lầm lỡ trong cuộc đời! Tình yêu chân thực đòi người ta luôn luôn làm mới lại tình yêu [5].

ii. Tôn trọng nhau

            Yêu ai là đặt người đó ngang hàng với mình, là qúi chuộng tôn trọng người đó như chính mình. Quan tâm đến những nhu cầu cũng như khó khăn của người mình yêu để giúp đỡ, nhưng luôn tôn trọng tự do của họ[6].

iii. Tin cậy nhau

            Yêu ai thì tin vào người đó, và có thể nhờ cậy người đó: tin rằng người tôi yêu là người tốt với tôi, người đó không phản bội tôi, và hơn nữa, người đó cũng mong muốn tôi được hạnh phúc, và người đó sẵn sàng giúp đỡ tôi khi tôi cần.

            Chỉ có thể tin được người yêu mình, và chỉ có người yêu mình mới đáng tin thôi[7].

c. Hòa hợp
i. Cần nhau

            Chỉ với yếu tố “mong ước cho người mình yêu hạnh phúc” ở trên thì chưa đủ để nói về tình yêu nam nữ lứa đôi, vì tình yêu cha mẹ đối với con cái, tình bạn dù đồng phái hay khác phái, tình yêu giữa mọi con người với nhau, cũng vẫn đòi “mong ước điều tốt lành cho   nhau”.

            Yêu ai thì cần người đó!

            Lẽ dĩ nhiên trong tình yêu cha mẹ con cái, tình bè bạn.... vẫn cần nhau ở một mức độ nào đó và có đặc tính riêng của mỗi loại tình yêu. Trong tình yêu nam nữ lứa đôi, tôi cần người đó trong đời tôi vì tôi thấy thoải mái hạnh phúc khi ở bên người đó, người đó nâng đỡ tôi về mọi phương diện, người đó hiểu tôi thông cảm với tôi, người đó là bạn “thân” đến nỗi tôi có thể nói năng chia sẻ những gì tôi muốn...! Trong tình yêu nam nữ lứa đôi, tôi cần người đó không phải chủ yếu để thoả mãn sinh lý[8], nhưng còn trong những lãnh vực khác nữa. Tôi cần người đó đến độ như thể không có người đó đời tôi không được hạnh phúc[9]. Và điều này thường được diễn tả bằng những câu: “Em không thể sống nếu thiếu anh”, “Với anh, em là tất cả”, “Em là người anh quí trọng nhất”,...[10]!

ii. Tâm đồng ý hiệp

            Sự hiệp nhất trong tình yêu nam nữ vợ chồng được ca dao Việt nam diễn tả:

“Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai”.

            Tình yêu hướng tới hiệp nhất, trở nên một. Tính hiệp nhất của tình yêu không loại trừ sự thiếu sót của người này được người kia bổ túc, và như vậy tất cả để hài hoà kết hiệp nên một.

            Sự hiệp nhất có thể được biểu lộ qua tâm và qua trí ý: cùng rung động trước một vẻ đẹp, cùng ước muốn một điều thiện hảo, cùng lập trường sống, cùng có cái nhìn và bậc thang giá trị về công danh sự nghiệp, tiền bạc, giá trị con người, tình yêu, hạnh phúc đích thực[11].

2. Dấu chỉ nhận biết tình yêu chân thực

            Bao nhiêu cô liếc mắt đưa tình với tôi “Khoé thu ba gợn sóng khuynh thành”, làm sao tôi biết cô nào yêu tôi thực sự? Cả bao nhiêu chàng trai theo tôi, có nhiều người trồng cây “si” trước ngõ nhà tôi, làm sao tôi biết anh nào trong những người đó yêu tôi chân thực? Có mấy chàng trai đã nói yêu tôi, nhưng không biết lời nói của anh ta có đáng tin không, hay đó chỉ là lời “đầu môi chót lưỡi”? Họ yêu tôi thực, hay họ yêu gia tài tôi sẽ thừa kế?

            Kinh nghiệm của bao bạn gái cho thấy họ đã... bị lừa: “Tưởng giếng sâu em nối sợi gầu dài, ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây!”! Làm sao để tôi thoát cái bẫy “đời” này, vì chuyện tình yêu là chuyện trăm năm và cả đời, chuyện vô cùng quan trọng đối với con người!?

            Nếu bạn đã có cùng thao thức như tôi ở trên, thì xin bạn cùng tôi, chúng ta sẽ tuần tự duyệt xét những câu hỏi sau, để nhận biết “ai đó” có yêu bạn chân thực không?

a. Bạn được yêu, vì...

            Tại sao bạn được “người đó” yêu? “Bạn” được yêu, hay cái gì nơi bạn được người đó tìm kiếm và tham muốn qua bạn? Bạn được yêu vì chính bạn hay bởi vì bạn giầu? hay bởi vì bạn có nhan sắc? hay vì bạn có công danh sự nghiệp?

            Nếu bạn được yêu vì bạn có nhan sắc, thì khi bạn xấu đi hoặc có ai khác đẹp hơn bạn mà sau này “người đó” mới gặp thấy, liệu người đó còn “yêu” bạn nữa    thôi?

            Nếu bạn được yêu vì bạn giầu có, vì bạn có công danh sự nghiệp, thì liệu nếu vì một lý do gì đó làm bạn nghèo đi hoặc bạn mất chức, người đó có còn yêu bạn nữa chăng?

b. Người đó có làm mọi cách để bạn được hạnh phúc không?

            Nếu người ấy yêu bạn thực, người đó sẽ quan tâm tới bạn, và giúp bạn sống hạnh phúc đích thực.

            Đôi khi có thể xảy ra là người yêu bạn đó còn mong ước bạn được hạnh phúc hơn là mong ước cho chính họ hạnh phúc!

            Nếu chỉ vì lợi ích riêng của người đó, mà họ sẵn sàng hoặc dửng dưng để bạn bị dày vò dằn vặt đau khổ, thì e rằng người đó không yêu bạn thực!

c. Người đó có hy sinh cho bạn, và chia sẻ cho bạn những gì họ có không? 

            Người đó có mong ước bạn trưởng thành về mọi phương diện, đạt được nhiều thành qủa trong cuộc sống, phát triển tài năng của bạn không? Người đó có sẵn sàng hy sinh, để bạn đưọc phát triển, để bạn được hạnh phúc không?

            Tôi đã một lần đọc trong báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật, kể chuyện trong mục “Rung Động Đầu Đời” một cô bé bất chợt gặp ánh mắt của một cậu gần bé bằng cô ta khi cô ta đang ngồi học trong thư viện vào một buổi tối đã khá khuya... và đến thời điểm phải về, cô bé về! Có lần trời mưa đêm tối, đường vắng, cô bé cũng về nhà như mọi khi trong niềm sợ hãi vì thời đại nhiễu nhương..., khi về gần đến nhà cô ta nghe tiếng sụp ổ gà, cô bé càng đi nhanh hơn, về đến khoảng điện sáng cô ta nhìn lại: kẻ sụp ổ gà chính là “tên trong thư viện”... Cô bé chợt ngộ ra rằng cô ta đã luôn có một người bảo vệ trong suốt quãng đường từ thư viện tới nhà (mà cô bé nào đâu có biết!).

            Tôi biết có một bạn, để thử người yêu cô ta có trung thành với cô ta không, cô ta bèn “cặp”với một “chàng”khác. Hỡi ôi hành động đó đã làm cô ta mất người yêu, vì người yêu cô ta qúa tự trọng...! Như vậy, xin bạn hãy suy nghĩ cẩn thận về cách thức thử luyện tình yêu nhé, kẻo mất người yêu! Bạn có thể thử luyện tình   yêu, chẳng hạn bằng việc nhờ người đó đi học với bạn (vì bạn sợ đường vắng trời tối). Tôi tưởng nếu người đó yêu bạn thực, và nếu không có lý do khách quan tương xứng ngăn cản, chắc chắn người đó sẽ chiều ý bạn; và nếu vậy, không chừng điều này giúp bạn và người đó thân nhau hơn hiểu nhau hơn, và là những người có học hơn.

            Khi bạn gặp khó khăn, người đó có sẵn sàng giúp đỡ bạn không, và có tìm mọi cách để giúp đỡ bạn không? Nhưng bạn hãy cẩn thận nhé, nếu bạn vừa giầu lại vừa đẹp, thì cũng có thể có những người “lợi dụng” bạn chứ không phải yêu bạn thực đâu! Bạn hãy thử luyện trước khi tin nhé, và nếu bạn thử luyện đúng (bằng những thử luyện đòi người đó phải hy sinh, kể cả thời gian và sức lực), bạn sẽ biết người đó có yêu bạn thực không! Những cuộc thử luyện như tôi nói với bạn ở đây không hề làm giảm sút tình yêu, nhưng luôn luôn làm tăng trưởng tình yêu chân thực.

d. Người đó có tôn trọng bạn không?

            Có những người luôn luôn đòi người yêu họ phải chiều chuộng họ, thoả mãn mọi yêu cầu của họ, và họ lý luận: nếu người đó không chiều tôi, không cho tôi tất cả thì chắc người đó không yêu tôi! nhưng nếu cùng lý luận như vậy, thì những người này có yêu người yêu họ không, khi họ đòi hỏi như vậy?

            Người đó có tôn trọng bạn không? Có tôn trọng bạn như “bạn là” không, có tôn trọng tự do của bạn không? Nếu người đó không tôn trọng bạn, thì e rằng người đó không thực sự yêu bạn đâu!

            Tôn trọng bạn. Điều này được diễn đạt và biểu lộ qua ánh mắt, qua suy nghĩ về bạn, qua lời nói với bạn và về bạn, qua cung cách cư xử với bạn. Bạn hãy suy nghĩ xem cách đối xử của người đó với bạn thế nào?!

            Tôn trọng ai, là đặt người đó ngang hàng với mình; tình yêu không phải là lòng thương hại! Nếu ai đó, vì thương hại, mà lập gia đình với ai đó, thì sợ rằng cả hai sẽ không được hạnh phúc!

e. Người đó có tin cậy bạn không?

            Để biết mình có yêu và được yêu thực không, cần có một thời gian nào đó; nhưng một khi biết mình đã yêu và được yêu thực sự, thì phải tin cậy vào nhau.

            Không đòi hỏi người yêu mình  phải tin tưởng tuyệt đối vào mình, và cũng không thể tuyệt đối phó thác cho người mình yêu tất cả mọi chuyện vì còn tùy ở khả năng của mỗi người; thế nhưng khi đã yêu nhau thì tin vào nhau, ít là tin rằng người mình yêu yêu mình (nếu đã được xác nhận như   vậy) và không phản bội mình.

            Nếu bạn đã có chứng cứ cho thấy người đó không tin bạn trong nhiều lãnh vực mà bạn nghĩ rằng bạn có khả năng và đã cố gắng hết sức, và đặc biệt nếu người đó vẫn nghi ngờ tình yêu của bạn với họ dù bạn đã hơn một lần bày tỏ, thì tôi e rằng người đó không yêu bạn, hoặc người đó chưa trưởng thành trong tình yêu!

“Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ!
Dòng nước đâu gây lụy đến nàng?”.

Câu chuyện vợ chàng Trương chắc bạn đã rõ: bởi vì không tin tưởng vợ mình, không tin rằng vợ mình vẫn yêu và chung thủy với mình dù thời gian xa cách có dài, nên chàng Trương đã đẩy vợ mình đến chỗ phải trầm mình  xuống dòng nước!

f. Có bạn trong đời, người đó có hạnh phúc hơn không?

            Người đó có cần bạn trong đời họ không? Người đó có cảm thấy thiếu vắng hay đau khổ khi không có bạn trong cuộc đời không?

            “Anh không thể sống nếu thiếu em”! Đây là một câu mà các cô rất dễ bị gạt. Hãy cẩn thận kẻo bạn bị lừa!

            Nếu thật sự người ấy thấy bất hạnh khi thiếu bạn trong đời họ, chẳng hạn người đó không thể quên được bạn, không gì thay thế được bạn đối với họ, thì đó cũng là một trong nhiều dấu chỉ cho thấy người đó yêu bạn. Để khỏi bị lừa, bạn hãy xem xem trong chính hành động và cuộc sống của họ, họ có thực sự bất hạnh hay đau khổ, hay cảm thấy đời không còn ý nghĩa nữa khi thiếu bạn không? Nhưng xin bạn nhớ cho: với lời nói chưa đủ, cần có bằng chứng là cuộc sống đó[12].

            Nếu người đó dễ quên bạn, hoặc người khác có thể thay thế bạn, thì e rằng người đó không yêu bạn. Nhưng xin bạn biết rằng, có thể vì tự ái hay một lý do nghiêm trọng nào đó, người đó tỏ vẻ “không cần” bạn, nhưng trong lòng họ như  “nát tan” vì mất bạn, bạn hãy cẩn thận, đừng làm mất tình yêu, vì tình yêu quí hơn bất cứ gì khác trên đời!

            Cần nhau trong cuộc đời, có thể được biểu lộ qua những hiện tượng tâm lý và thể lý, chẳng hạn luôn nhớ và tư tưởng đến người mình yêu:

“Tương tư không biết nó làm sao
muốn vẽ ra chơi có được nào
khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao!”

hoặc:

“Anh nhớ lắm, anh nhớ hình anh nhớ ảnh!
anh nhớ em, anh nhớ lắm... em ơi!”

Câu chuyện Trương Chi Mỵ Nương cũng nói lên điều này.

g. Người đó có hoà hợp với bạn không?

“Thuận vợ thuận chồng,
 tát bể Đông cũng cạn”.

“Đầu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

            Không hoà hợp với nhau, khó có thể hạnh phúc trong đời sống lứa đôi!

            Người đó và bạn có ý hiệp tâm đồng trong nhiều lãnh vực không? Chẳng hạn quan niệm về tiền bạc, công danh sự nghiệp? Về giá trị của con người, về sự bình đẳng giữa con người với nhau dù là nam là nữ hoặc là người da mầu da trắng? Về hạnh phúc đích thực và hạnh phúc gia đình? Về cách giáo dục con cái và đối xử với người khác?

            Hôn nhân là chuyện cả đời, bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi đi đến hôn nhân. Bạn hãy tìm hiểu xem người đó và bạn có hợp với nhau không? Để biết lập trương sống của người đó như thế nào, bạn có thể dùng nhiều cách khác nhau như dò hỏi những người quen biết người đó, nhưng dù sao đi nữa, trách nhiệm chính vẫn thuộc về bạn, vì bạn không thể giao phó cuộc đời của bạn tùy theo ý kiến của người khác. Chính bạn phải tìm hiểu và quyết định!

            Một trong những cách giúp bạn tự tìm hiểu, là bạn hãy đi chơi với người đó, đi xem chiếu bóng hay đi xem vidéo với người đó. Và sau đó bạn hãy hỏi xem người đó thích hoặc ghét những nhân vật nào và tìm nguyên do. Khi đi chơi với người đó, bạn hãy quan sát cung cách cư xử của người đó với những người chung quanh, với những người lao động, với những người nghèo trên phố,...! Nếu bạn biết quan sát và nhận định, bạn có thể biết nhiều về lập trường sống của người đó có thể hợp với lập trường sống của bạn không?

            Hoà hợp không có nghĩa đòi phải giống nhau hoàn toàn: có những điều cần giống nhau nhưng cũng có những điều chỉ cần hoà hợp với nhau; chẳng hạn về khả năng, tài khéo, sở thích, những điều này không đòi phải giống nhau hoàn toàn; nhưng về lập trường sống có lẽ đòi phải giống nhau, bởi vì một người đặt tiền bạc trên hết không thể hạnh phúc với người chủ trương “phải sống trong sạch lương thiện dù hậu qủa thế nào chăng nữa”.

            Bạn nên nhớ, không phải những người học giỏi và có bằng cấp cao là những người có lập trường sống đúng đắn và trưởng thành về mọi mặt đâu nhé, và cũng không phải tất cả những người ít học đều đơn sơ đâu! Bạn hãy bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu, không nên “đốt thời gian”. Với thời gian nhiều điều sẽ được bày tỏ cho bạn biết.

            Sự hoà hợp thân xác giữa những người yêu nhau, theo thiển ý của tôi dựa vào những kinh nghiệm trong sách báo, có thể thực hiện tốt đẹp, vì họ yêu nhau thực nên biết chiều nhau và hy sinh cho nhau.

 


 III. ĐỂ ĐƯỢC YÊU VÀ ĐỂ DUY TRÌ PHÁT TRIỂN TÌNH YÊU

            Con người là một thực tại sống động và tự do, là tinh thần nhập thể. Tình yêu là tương quan giữa con người[13] vì con người là thực thể sống động, nên tương quan giữa con người với nhau cũng sống động: cũng tăng trưởng hay tàn lụi hoặc cũng có thể chết!

            Tuy rằng qúa khứ cũng ảnh hưởng và làm nên con người hiện tại, nhưng con người là thực thể tự do, nên hiện tại là thời điểm quan trọng nhất của con người: con người có yêu hay còn yêu hay không! Qúa khứ tôi được yêu nhưng hiện tại tôi còn được yêu hay không, đó mới là điều quan trọng! Bạn hãy trân trọng tình yêu, hãy trân trọng tương quan giữa bạn và “người đó”, bạn hãy sống để được yêu, và cũng hãy sống để duy trì và phát triển tình yêu giữa bạn và người đó.

            Tình yêu là tương quan liên vị, là một với con người tự do; thế nên người ta không thể cưỡng đoạt tình yêu, không thể lọc lừa gian dối để có tình yêu. Bằng vũ  lực, dù vật lý hay tâm lý, bạn có thể chiếm đoạt được thân xác người đó, nhưng bạn không thể chiếm đoạt “người đó như là người trọn vẹn” bằng vũ lực hay gian dối lọc lừa. Tình yêu không là một đồ vật để người ta chiếm đoạt và cất kỹ vào tủ sắt (để không mất được), hoặc người ta chỉ cần cố gắng có được nó một lần trong đời là đủ. Tình yêu sống động như một sinh vật, nó cần có điều kiện để được sinh ra, cần được chăm sóc để được phát triển tới mức hoàn hảo.

1. Trở nên đẹp

         Chỉ có nét đẹp mới đáng yêu thôi, và người ta chỉ yêu người đẹp! Để được yêu và duy trì phát triển tình yêu, bạn hãy cố gắng mỗi ngày một xinh đẹp hơn nhé!

a. Đẹp thể lý

           Bạn có thấy một con gà trống, một con công trống, một con chim làm đẹp bao giờ chưa? nhưng chắc chắn bạn đã thấy một bạn gái làm đẹp: bạn đó có thể làm lông mày lông mi giả, đánh phấn tô son, kẻ mắt.... Có một số người đã làm đẹp hơi qúa bằng làm mũi làm ngực làm bụng “lại”! Nhưng biết đâu cứ để tự nhiên lại có nét đẹp khác? Điều này thì tùy ở mỗi người

b. Đẹp tinh thần

            Có một nét đẹp khác đáng nói hơn nét đẹp thể lý, đó là nét đẹp tinh thần, nét đẹp thuộc về tính nết:

Cái nết đánh chết cái đẹp!

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người!

         Kinh nghiệm trong đời sống, tôiù biết một  người bạn gái nhan sắc không được đẹp lắm, nhưng có khá nhiều người thương yêu! Tại sao? Một số người nói rằng cô ta có “duyên”, hay “duyên ngầm”. Phải chăng từ ngữ “duyên ngầm” ở đây muốn nói đến nét đẹp thể lý hay tinh thần mà người khác không thấy? Có cô tương đối khá xấu nhưng vẫn có một anh khá điển trai thương yêu, những người khác không hiểu được! Tại sao? Phải chăng cô ta có một nét đẹp mà người khác không thấy được mà chỉ có anh điển trai đó nhận ra?! Dầu sao, mỗi người đều có một nét đẹp nào đó bởi vì con người là tạo vật của tuyệt đối[14].

c. Làm đẹp

            Yêu thương, là hành vi tuyệt vời của con người, là hành vi làm con người trở nên đẹp.

            Càng yêu thương chúng ta càng đẹp xinh, càng trở nên tuyệt mỹ. Bạn hãy tập sống yêu thương mỗi ngày, để mỗi ngày bạn một đẹp hơn.

            Bạn hãy tập sống yêu thương qua suy nghĩ của bạn về người khác, qua ánh mắt của bạn nhìn người khác,qua lời nói và cung cách hành xử đối với những người bạn gặp gỡ, qua nụ cười của bạn đối với mọi người.

            Nếu để nuôi dưỡng làn da người ta đã phải vất vả công phu như thế nào, thì tại sao bạn lại ngại ngùng để làm đẹp về tinh thần? Mà thực sự nét đẹp tinh thần còn hấp dẫn và đáng yêu hơn nét đẹp về thể lý nhiều! Hãy cố gắng trở nên đẹp hơn, bạn nhé!

2. Biểu lộ và chứng tỏ tình yêu

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn xanh?
Bây giờ như gỗ đóng thuyền
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

a. Tỏ tình

            Yêu nhau hãy mạnh dạn tỏ cho người mình yêu biết.

            Hãy mạnh dạn lên, đừng nhát đảm, đừng mặc cảm! Và không chỉ dùng lời để diễn tả mà còn cần diễn tả tình yêu của bạn với ai đó bằng cách cư xử hành động.

            Có bao nhiêu trường hợp: một người vì lý do nào đó không dám tỏ tình, và sau đó... đau buồn vì không thành gia thất với người mình yêu và yêu mình!

b. Sự thật cần nói lại

            Người bạn yêu không những không chán mà trái lại rất thích bạn khẳng định lại tình yêu của bạn đối với họ, và họ cũng ao ước thấy bạn chứng tỏ tình yêu của bạn đối với họ, chẳng hạn bằng việc tặng hoa trong những ngày đặc biệt, nhớ ngày sinh nhật của họ, cách ăn mặc và thái độ của bạn đối với họ khi ở đường phố và ngay cả khi ở nhà,... [15]

            Không phải chỉ ở thời điểm đầu của chuyện tình, bạn mới cần tỏ tình và chứng tỏ tình yêu đâu, nhưng.... bao lâu còn trong thân xác thì con người chúng ta còn cần diễn tả tình yêu một cách cụ thể, vì con người có thân xác bạn ạ!

3. Tỏ nỗi lòng và tìm hiểu người yêu

            Con người là thực thể tự do, nên mỗi người là một mầu nhiệm! Bạn sẽ thông cảm và yêu người bạn yêu hơn, nếu bạn hiểu người đó hơn.

a. Tìm hiểu người yêu

            Tìm để hiểu hơn về người mình yêu, để yêu người đó hơn.

            Con người là thực thể tự do nên là một mầu nhiệm. Có lẽ không khi nào chúng ta có thể nói được: tôi đã hiểu người đó hoàn toàn; Như vậy, bạn đừng bao giờ có “thành kiến” về người yêu nhé.

b. Mặc khải chính con người mình

            Nhưng tự mình tìm để hiểu người bạn yêu vẫn chưa đủ. Nếu bạn được người ấy tỏ lộ những thầm kín của người đó cho bạn, bạn sẽ hiểu người đó hơn, và như vậy bạn sẽ thân người đó hơn, và quí yêu người đó hơn.

            Về phần bạn, bạn cũng phải ra khỏi mình để tỏ lộ chính mình cho người yêu. Có thế, tình yêu của bạn với người đó mới càng ngày càng thâm sâu và thắm thiết. Bởi vì khi nên một với nhau trong tâm trí, tỏ lộ những gì thâm sâu nhất cho nhau, là kết hiệp và trở nên một với nhau trong tinh thần [16].

            Chính vì con người là mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu trọn vẹn được, nên chúng ta phải tôn trọng. Tôn trọng         người mình yêu như họ là, mới làm cho người mình yêu hạnh phúc và triển nở. Chấp nhận sự hiểu biết của họ, cách lãnh hội vấn đề của họ, tôn trọng cách diễn đạt tư tưởng và biểu lộ tình cảm của họ, tôn trọnh sở thích của họ,.... nói tóm lại, ta phải tôn trọng họ “như họ là”, tôn trọng tự do của họ.      

4. Sống như thể mới yêu nhau

“Ôi cái phút ban đầu lưu luyến ấy,
ngàn năm hầu dễ mấy ai quên!”.

a. Tình yêu có thể chết

            Thuở mới yêu nhau, người ta đã đối xử với nhau như thế nào?

            Họ để ý đến nhau, lưu ý đến nhu cầu ý thích của nhau, mong ước làm theo ý người yêu hơn là ý riêng mình, cảm thấy hạnh phúc khi được ở gần người yêu, sẵn sàng chờ đợi người yêu cả giờ mà không bực tức miễn là gặp được người yêu, sẵn sàng bỏ qua những khuyết điểm của người yêu,....!

            Còn sau khi đã lập gia đình với nhau, họ đối xử  với nhau thế nào?

            Phải chăng “chồng dở vì là chồng, người yêu hay vì là người yêu!”? Phải chăng:

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề!”?

            Người ta cứ ngỡ rằng chỉ cần yêu và được yêu một lần, thế là đủ! Người ta đâu ý thức rằng tình yêu có thể chết, nếu người ta “coi thườøng” nhau?!

b. Hãy yêu lấy tình yêu

            Hãy yêu lấy tình yêu, vì tình yêu không thể mua được bằng bất cứ vật gì! Người yêu của bạn quí vô cùng, không gì có thể sánh bằng và không gì có thể đánh đổi được người yêu của bạn đâu! Bạn hãy quí trọng người yêu của bạn, và hãy trân trọng tình yêu, bạn nhé. Hãy yêu quí và trân trọng tình yêu, kẻo mất!

c. Hãy đối xử trân trọng với nhau như thuở ban đầu

            Nếu bạn và người bạn yêu sống với nhau như ngày đầu mới yêu nhau, tôi chắc bạn sẽ duy trì và phát triển được tình yêu, và bạn sẽ được hạnh phúc trong tình yêu.

LỜI KẾT

            Trên đời này, điều đáng nói nhất là tình yêu, và điều quí nhất.... cũng là tình yêu!

            Tình yêu mong manh như sợi chỉ, người không biết tưởng rằng dễ đứt, nhưng thực ra không ai có thể cắt “đứt sợi chỉ tình yêu” được, nếu không phải là chính một trong hai người yêu nhau đó!

            Nếu một người thành đạt trong mọi lãnh vực mà không được yêu, thì họ cũng là người bất hạnh! Nhưng như bạn cũng biết, trong đường tình người ta thường chạy rượt đuổi nhau và thường đi trên đường “một chiều”. Tình yêu của bạn và ai đó, tùy thuộc bạn và cũng.... tùy thuộc “ai đó” nữa, phải không bạn? Đâu phải bạn muốn người đó yêu bạn là bạn được yêu đâu?! Bạn hãy xin Thượng Đế, xin Ngài giúp bạn yêu và được yêu! Xin Thiên Chúa cho bạn được người bạn yêu yêu bạn, và xin Ngài cho bạn và người đó được hạnh phúc mãi mãi trong tình yêu.

            Hạnh phúc đích thực nằm trong tầm tay của những người sống yêu thương. Nếu bạn không là người được yêu “cách đặc biệt” bởi một NGƯỜI đặc biệt, thì chúc bạn có một người yêu bạn đặc biệt, và chúc bạn luôn sống trong tình yêu, để được hạnh phúc đích thực ở đời này và đời sau.

            Những hàng trên nhằm giúp bạn nhận ra ai là người yêu bạn chân thật, và cũng nhằm giúp bạn sống yêu thương hạnh phúc với người đó. Tuy nhiên không phải ai cũng biết yêu chân thực; có nhiều người chỉ biết thỏa mãn mình, chỉ biết ham muốn chiếm đoạt người khác chứ không biết yêu. Chỉ những người trưởng thành mới biết yêu.

            Lập gia đình tuy khó mà cũng dễ, Sinh con tuy khó mà cũng dễ, và phần lớn loài người đã lập gia đình và có con cái. Tuy vậy không phải tất cả những người lập gia đình hoặc có con cái đều biết yêu chân thực!

            Có thể xảy ra là sau khi bạn dò xét và tìm hiểu, nhưng... chẳng thấy ai trong những người “theo bạn” có tình yêu chân thực với bạn! Để yêu chân thực, người đó phải là người tốt thực sự; người đó phải là người đặt con người trên bạc tiền danh vọng, người đó phải coi tiền bạc là phương tiện phục vụ con người  chứ không coi bạc tiền là mục đích đời người,...!

“Lấy vợ xem tông
 lấy chồng xem giống
Mới không sự lầm”!

            Nếu người bạn yêu là một cô trong một gia đình có “truyền thống” lang chạ và không trung thành, bạn hãy cẩn thận bạn nhé. Nếu người bạn yêu là một chàng trong một gia đình mà phần lớn đều “bê bối”, bạn hãy cẩn thận bạn nhé. Thế nhưng con người luôn luôn tự do bạn ạ! Gia đình họ như vậy nhưng có thể người đó thì khác; và còn một yếu tố nữa: tình yêu có thể biến đổi con người! Nếu bạn rất yêu người đó, nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể giúp họ biến đổi qua tình yêu, thì xin bạn hãy can đảm lên! Chỉ xin bạn hãy cân nhắc chín chắn, và cầu chúc ước nguyện của bạn thành sự.

            “Thiên Chúa là tình yêu,
và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa”(I Yn. 4,16).

            Chúc bạn luôn ở trong tình yêu, để bạn được hạnh phúc trong tình yêu con người, và cả tình yêu Thiên Chúa nữa. Chúc bạn yêu như Thiên chúa đã yêu con người.

 AMDG

AD MAIOREM DEI GLORIAM

TẤT CẢ CHO VINH DANH CHÚA HƠN


 

09:00 ngày 27.01.1994

LNC
14.12.52

 

 

HOME    ĐỜI SỐNG    TÌNH YÊU CHÂN THỰC     MỘT THOÁNG SUY TƯ

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]

 

 

 



[1]  Với kinh nghiệm này, tôi không bao giờ dám khuyên một người lập gia đình với một người mà họ “không yêu”(ở thời hiện tại),vì... kinh nghiệm khá đau thương! Tuy vậy tôi cũng không bao giờ dám “bàn ra”khi một người muốn lập gia đình với một người mà họ không yêu!

[2] Yêu thương là giới răn trọng nhất của Kitô giáo.

[3]  Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong tình yêu, và Người luôn yêu thương con người. Ngài yêu thương con người muốn con người được hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa, không chỉ ở đời sau nhưng cả đời này nữa.

            Con người chỉ được hạnh phúc đích thực nếu con người ở trong tình yêu của Thiên Chúa, nếu con người đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.

            Thiên Chúa là Tình Yêu, là Ba Ngôi Vị luôn luôn yêu thương luôn luôn hạnh phúc. Thiên Chúa mời gọi con người trở nên giống Thiên chúa, nghĩa là Thiên Chúa mời gọi con người yêu thương Thiên Chúa và yêu thương   nhau, Yêu thương nhau là muốn cho nhau những điều tốt lành, không muốn điều xấu xảy ra cho mọi người, không thù hằn hoặc làm hại nhau.

 

[4]  Thiên Chúa yêu thương con người đến độ Ngài ban chính Con Một của Người (Yn  3,16; I Yn 4,10) và Thánh Thần (I Yn  4,13) cho chúng ta.

            Đức Giêsu chúng ta đến độ đã chết vì chúng ta (Yn 15,13) cho chúng ta (Yn 10,18)

[5]  Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài luôn tha thứ cho con người dù con người bao nhiêu lần phản bội chống lại Ngài. Lịch sử dân Do Thái, và lịch sử đời riêng mỗi người chúng ta, cho thấy điều này. thiên Chúa luôn đi bước trước mời gọi chúng ta trở lại với Ngài, giao hoà với Ngài. Đức giêsu Kitô là Đấng Thiên Chúa gửi tới để giao hò con người với Thiên Chúa, Ngài đã chết để đền tội chúng ta.

[6]  Thiên chúa yêu thương con người, và Ngài luôn tôn trọng tự do của con người: con người có thể từ chối tình yêu của Thiên Chúa dù... Thiên Chúa rất muốn con người đừng bao giờ phản bội nhưng luôn luôn sống trong tình yêu với Ngài.

[7]  Không chỉ chúng ta tin Thiên chúa, nhưng Thiên Chúa cũng tin chúng ta. chúng ta tin Thiên Chúa vì thiên Chúa là Đấng đáng tin, Ngài luôn luôn trung tín; còn chúng   ta, chúng ta rất hay phản bội nhưng thiên chúa vẫn tin chúng ta! Vì tin chúng ta nên Ngài vẫn luôn tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta trở lại với Ngài: chỉ có thiên Chúa là Đấng “dại dột”tin con người, ngay cả khi họ cón đang trong tình trạng “thù nghịch”với Ngài! Thiên Chúa yêu con người, đó là sự thật và là màu nhiệm.

[8] Trong và qua hành vi kết hiệp thân xác, hai người yêu nhau diễn tả sự kết hiệp tâm trí trong mọi lãnh vực đến tột đỉnh.

[9]  Ở đây diễn tả theo tâm lý chủ quan thì như vậy, và chỉ ở mức độ tương đối thôi, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối cần thật sự.

[10]  Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Hạnh Phúc không cần con người, nghĩa là, không có con người Thiên Chúa cũng vẫn hạnh phúc; thế nhưng vì Thiên Chúa yêu thương con người, người muốn con người được hạnh phúc, Ngài tìm cách để cứu độ con người, nên ở một mức độ nào đó chúng ta cũng có thể nói “Thiên Chúa cần con người”, nhưng Ngài

 

[11]  Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, nhưng Ba Ngôi Vị yêu nhau, hiệp nhất đến độ người ta có thể nói: chỉ có một Thiên Chúa dù là Ba Ngôi Vị! Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tất cả đều là một, là chung, trừ tương quan Ngôi vị (là ba) (Dz 1330)

[12]  Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối cần thiết trong đời con người thôi, và nếu thiếu Ngài con người không thể sống hạnh phúc tròn đầy được. Còn con người với nhau, không ai là cần thiết tuyệt đối với ai! Thời gian sẽ giúp người ta quên!

[13]   Đúng hơn phải nói: tình yêu là tương quan giữa những ngôi vị với nhau. Chỉ có ngôi vị mới biết yêu mà thôi!

 

[14]  Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26 - 27), và Ngài thấy rất tốt đẹp (St.1, 31).

[15]  Thiên Chúa yêu thương con người, và Ngài đã mặc khải điều này cho con người để con người biết và để con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa.

            Để con người biết và cảm được tình yêu của Ngài đối với con người, Ngài đã không chỉ dùng lời qua các tiên  tri, nhưng Ngài đã dùng hành động: Ngài đã can thiệp vào lịch sử qua lịch sử dân tộc Do Thái, và bằng nhiều lần nhiều cách, Ngài cố làm cho con người biết tình yêu của Ngài đối với con người; cuối cùng Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài với con người qua biến cố Lời Thiên Chúa nhập thể.

[16]    Kinh nghiệm tình trường, có bao nhiêu cặp lứa đôi vì hiểu lầm nhau.... mà phải tan vỡ cuộc tình! Để hiểu nhau hơn, để tỏ lộ nỗi lòng, bạn phải ra khỏi chính mình.