Người Chứng Thứ Nhất – Chương VII: Đất bằng nổi sóng

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VII: ĐẤT BẰNG NỔI SÓNG

anre-phuyenMột nếp thành xưa

Trên đường quốc lộ 1, tỉnh Quảng Nam, giữa khoảng quận lỵ Điện Bàn và cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn, tại cây số 952, về phía đông, có một con đường đất rộng rãi nhẵn nhụi, dẫn vào thôn Thanh Chiêm thuộc xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn. Đường này đi Hội An chỉ hết 7 số, trong khi theo quốc lộ, qua Điện Bàn, phải mất 9 cây số.

Từ quốc lộ vào hương lộ, trước hết du khách gặp một đám đất trống gọi là đất “Văn thánh”, trước kia có đền thờ Đức Khổng Tử, tiếp đến một ngôi chùa cổ, cổng đề “Hội phước tự”, rồi một ngôi đình. Theo con đường tẽ vào xóm bên cạnh đình, đi độ 500 thước, du khách gặp một khúc đường chạy dài theo chiều đông tây, ngăn đôi xóm nhà cửa ở phía nam với đồng ruộng phía bắc. Một khúc đường, cao lớn và rộng rãi như bờ đê, mà không phải đê, vì không ngăn nứơc sông, cũng không phải đường, vì không có lối giao thông. Một khúc đường cụt, nổi lên giữa thổ cư đồng ruộng, dài độ 800 thước không nối vào đâu, bề mặt rộng tới chín, mười thước, hiện để cỏ mọc trâu ăn và có khoảng chôn nhiều mồ mả. Đó chính là di tích một trong bốn mặt thành đất của dinh trấn Quảng Nam xưa, theo sự nhìn nhận của các bô lão trong làng và truyền thống lưu lại.

Vẫn theo lời các cụ, thì xưa kia sát bên bờ thành (lũy) có trì (hào), sau dần dần, dân bạt bớt đất trên thành xuống lấp trì để cấy cày.

Thành này là thành bắc. Mặt đông và mặt tây, thành đã bị bạt hẳn để lấp hào, làm ruộng, cất nhà, song người ta còn nhận thấy nhiều mô đất và nhất là nhiều mương ao cách quãng nhau theo đường thẳng, khiến liên tưởng đến thành và trì cũ. Mặt nam không thấy di tích gì ngoài con đường hương lộ rộng rãi, vững chắc: theo các bô lão, xưa đó là quan lộ đi Hội An.

Gần bờ thành bắc, có một đám đất gọi là đất “nhà lao” rộng trên 700 thước vuông, nếu là thổ cư rất đẹp đẽ, nhưng từ bao đời nay, không ai dám làm nhà trên đất đó: dân làng kiêng đất ấy xưa kia là nhà tù. Cách “nhà lao” vài trăm thước, có một khu thổ cư, địa thế đẹp và cao ráo, gọi là đất “hành cung”. Gần đó có một cái hồ chữ nhật rộng rãi, song lòng đã cạn, cày cấy được. Ngoài ra còn có chỗ gọi là “Kho muối”, chỗ gọi là “Tầu tượng” (nuôi voi), có chỗ gọi là “Mô súng”.

Trên khu đất chữ nhật rộng rãi này, có độ 500 dân cư, kể cả nam, phụ lão ấu tức là gần nữa dân số thôn Thanh Chiêm. Tất cả đều nhìn nhận đó là đất của thành nội xưa mà cha ông họ được vào chia nhau ở, từ sau khi vua Minh Mạng dời thành sang địa phận làng La Qua, cách vài cây số về phía bắc.1

Ở phía đông, có chỗ gọi là “tịch điền” có chỗ kêu “vọng khuyết”. Ta biết tịch điền là lễ kính Thần nông và mở mùa cầy cấy, có từ đời Lương Võ Đế bên Tàu, còn vọng khuyết là nhà để các quan tỉnh chầu vọng về kinh những ngày kỵ huý của nhà vua.

Phía tây thành có một xóm gọi là “Phường Đúc” nay thuộc thôn Phước Kiều, sát cạnh thôn Thanh Chiêm. Dân ở đó làm nghề đúc đồ đồng, cha truyền con nối từ bao đời nay.

Phía tây nam, bên quốc lộ, có chỗ gọi “chợ củi”, mặc dầu ở đó hiện nay không có chợ, và “Bến Chợ củi”, trên bở Sài Giang (sông Củi), nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Người ta nói chính Sài Giang xưa mới là con sông lớn, chảy gần bên thành, có bến tàu đậu, có chợ buôn bán tiếp tế cho thành, vì thế xưa có danh từ “Sài Giang – Hành Lãnh”2 để chỉ phong cảnh Quảng Nam.

Đàng sau chỗ Chợ củi, ở phía tây quốc lộ, có một miếu âm hồn rất cổ để cúng vong hồn, gần đó là chỗ pháp trường để xử tử tội nhân ngày xưa, nay gọi là “Gò sứ”, cách chỗ “dinh trấn” cũ độ 700 thước tây. Xa hơn độ 1000 thước nữa còn có dấu tích sơ sài “thành vệ” bằng đất, bị lở xuống sông Thu Bồn gần hết. “Thành vệ” là chỗ quân lính đóng để giữ thành, như một tiền đồn.

Chúng ta vừa thăm viếng một mảnh đất ghi dấu rất nhiều biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đây chính là nơi bốn thế kỷ trước, chúa Nguyễn Hoàng đã thiết lập dinh trấn Quảng Nam để kiểm soát hai cửa ngõ giao thiệp với ngoại bang – Hội An và Đà Nẵng – đồng thời dùng làm căn cứ phát triển về phương nam. Đây cũng chính là nơi thấm máu vị anh hùng tử đạo đầu tiên của xứ Nam từ khi tiếp nhận ánh sáng Đức Tin.

Thực ra từ trước đến nay chưa tác giả nào cho biết đích xác thủ phủ Quảng Nam ngày xưa đặt ở chỗ nào, mà các nguồn sử liệu thì lại mâu thuẫn nhau.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên3 cho biết, tháng 7 năm nhâm dần (1602), năm 45 đời Gia Dũ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), dinh trấn Quảng Nam được thiết lập tại xã Cần Húc4, huyện Duy Xuyên.

Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân, trong cuốn Tiên nguyên toát yếu phổ, mục nói về thân thế ông Nguyễn Hoàng, có nhắc đến việc xây thành Quảng Nam ở làng Cần Húc, song lại nói:

“Người ta không biết gì về tên làng này, và cũng không rõ thuộc tổng nào”.5

Sách Đại Nam nhất thống chí chép:

“Hồi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau loạn nên bỏ. Đến buổi trung hưng, sau khi thâu phục Quảng Nam, tạm lập dinh trấn tại phố Hội An, năm Gia Long thứ hai, dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất”.6

Nhưng tác giả sách ấy lại tự mâu thuẫn với mình, vì xa hơn, ở mục chùa miếu, nhân nói đến việc chúa Nguyễn Hoàng xây chùa Long Hưng tại xã Cần Húc, tác giả lại viết:

“Buổi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh Quảng Nam tại xã đó (Cần Húc) nay hãy còn. Chùa Long Hưng xây ở phía đông dinh, nay không còn nữa”.7

Trước những dữ kiện mâu thuẫn ấy, nhiều nhà học giả như cha Cadière, ông Bonifacy, trong các tác phẩm, dẫu nhiều phen muốn giải quyết vấn đề vị trí trấn lỵ Quảng Nam ngày xưa, song không giải quyết được. Riêng giáo sĩ Cadière có nói trống rằng trấn lỵ này “ở trong vùng lân cận thành Quảng Nam ngày nay”8 – “cách độ hai hoặc ba cây số”9, nhưng không nói rõ ở chỗ nào, phía nào, thuộc làng nào và nhất là không đưa ra lập luận hay chứng cớ nào cả.

Nhưng điều mà lịch sử còn dấu kín, anh linh vị tử đạo Anrê sẽ phát giác ra để cho lịch sử người được đầy đủ, và di tích người được gìn giữ. Thực vậy, sở dĩ chúng ta quả quyết được làng Thanh Chiêm nói trên, với những di tích còn lại, là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam ngày xưa, phần lớn nhờ những chi tiết lịch sử rõ rệt về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê, như ta sẽ thấy sau đây10. Chính đó là thị trấn mà giáo sĩ Đắc Lộ cũng đã vẽ trên bản đồ của người và ghi tên là “dinh Ciam”, trên tả ngạn con sông lớn chảy thẳng ra “Haifo” tức Hải Phố – người Au Châu còn gọi là “Faifo” tức Hội An ngày nay. Hai chữ “dinh Ciam” rõ ràng là phiên âm bởi tiếng “Dinh Chiêm”, tiếng dân chúng gọi tắt dinh trấn Thanh Chiêm vậy.

Ông Nghè Bộ ra tay

Vào cuối tháng bảy năm 1644, ông Nghè Bộ từ Chính dinh, sau khi nhận mật lệnh của Tống thị, về tới dinh Quảng Nam ở Thanh Chiêm. Ông quyết định thi hành ngay chương trình đen tối của ông.11

Nạn nhân trước hết của ông là một trùm trưởng, nhà ở ngay bên cạnh dinh trấn. Đó là ông già Anrê Sơn, 73 tuổi. Ông là một trong những giáo hữu tiên khởi ở Đàng Trong, thông biết lẽ đạo, được các cha dòng Tên chọn làm thầy giảng sống ở ngoài đời vì có vợ con. Ông lấy ngay nhà của ông làm nhà thờ để bổn đạo đến đọc kinh sáng tối, và dự thánh lễ khi có linh mục đến. Ông lại thường đi thăm viếng khuyên bảo giáo hữu, giảng đạo cho người ngoại, đem nhiều người trở về cùng Chúa. Hai năm trước ông đã bị ông Nghè Bộ bắt bớ và đánh đập vì giảng đạo Thiên Chúa. Lần này ông lại bị lính bắt giải đến công đường, và vì ông vẫn mạnh mẽ xưng hô Đức Tin, nên ông Nghè Bộ không ngần ngại đóng gông ông và giam vào nhà lao.

Nhưng thực ra mục phiêu chính của ông Nghè Bộ là Ynhaxô, thủ lãnh các thầy giảng, tử thù của Tống thị. Vì vậy ông phái một toán lính ra thẳng Hội An, tìm đến nhà cha Đắc Lộ và các thầy giảng.

Hôm ấy là 25 tháng 7 năm 1644, lễ thánh Giacôbê tông đồ. Vì lòng kính mến thánh tông đồ, Anrê đã dọn mình xưng tội trước, và sáng hôm ấy xem lễ rước lễ rất sốt sắng12. Giáo sĩ Đắc Lộ sau khi làm lễ rồi, liền cùng mấy thầy giảng, xuống thuyền để đi dinh Chiêm, có ý thăm quan Nghè Bộ để lấy lòng ông, vì nghe tin ông mới ở chính dinh về. Theo lệ thường, mỗi khi giáo sĩ đi đâu đều đem thầy giảng Anrê theo. Nhưng hôm ấy, Anrê xin ở lại nhà, để săn sóc bốn thầy đang đau bệnh. Giáo sĩ bằng lòng để thầy ở lại, không ngờ rằng đức thương yêu của người thanh niên đạo đức ấy sắp được trọng thưởng bằng triều thiên tiên khởi tử đạo.

Lúc ấy đã gần trưa. Anrê đang ở trong nhà các thầy giảng thì một toán lính xông vào. Họ tìm bắt Ynhaxô. Nhưng Ynhaxô đã cùng đi với giáo sĩ và các thầy, bọn lính tìm khắp nhà không gặp.

Thầy giảng Anrê bạo dạn ra mặt với bọn lính và nói:

“Nếu các ông muốn bắt thầy Ynhaxô thì vô ích, vì Ynhaxô không có ở nhà. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng: tôi là giáo hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Ynhaxô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì làm sao tôi vô tội được”.13

Lính rất ngạc nhiên gặp người như vậy. Họ nhất định không bỏ qua mồi ngon trươc mắt, liền bắt và trói thầy Anrê rất chặt. Anrê chẳng những không chống cưỡng mà còn giúp lính trói mình. Nhưng đến khi thấy lính hành hạ mình như vậy chưa lấy làm đủ, lại còn xúc phạm đến ảnh Chúa và Đức Mẹ thì bao nhiêu nhẫn nại, hiền từ trước biến thành nộ khí xung thiên: thầy chỉ trích hành động phạm thượng của bọn lính bằng những lời mạnh bạo, và nói tiếp: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi gấp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang theo”.

Bọn lính nghe nói động lòng, liền cởi trói cho thầy Anrê, để thầy tự ý gói các ảnh tượng. Thầy gói kỹ lưỡng đặt trong những cái hộp, để người ta khỏi sờ vào đồ thánh. Xong, thầy lại giơ tay cho lính trói mình một lần nữa.

Cùng lúc ấy, thầy để ý thấy lính lôi ở giường ra một thầy giảng đang đau, định bắt giải đi. Anrê trước phản đối, sau dùng lời lẽ ngọt ngào thuyết phục bọn lính. Họ liền để cho thầy kia được tự do, trong khi chính kẻ biện hộ đắc lực lại sắp sửa vào tù.

Thầy giảng Anrê mang xiềng xích đi giữa bọn lính, nét mặt vui vẻ, khiến người ta có thể tưởng như chính bọn lính kia mới là kẻ đau khổ chứ không phải thầy. Sau khi xuống thuyền, tưởng chừng như đứng trên tòa giảng, thầy lên tiếng rao giảng Đức Tin cho bọn lính. Lời lẽ khôn ngoan và sốt sắng của thầy làm cho bọn lính ngơ ngác nhìn nhau, tỏ vẻ cảm động. Tuy lúc ấy không ai tỏ ý trở lại đạo, nhưng thầy Anrê đã không làm một việc vô ích: chính những lời giảng ấy đã đem lại cho thầy phúc tử đạo, bởi vì quan Nghè Bộ dựa vào chứng cớ ấy để giết thầy trong khi không bắt được thầy giảng Ynhaxô.

Một cuộc hội kiến sóng gió

Trong lúc tấn bi kịch trên đây diễn ra tại Hội An, thì cha Đắc Lộ đã đến Thanh Chiêm14. Ý Chúa xui khiến, giữa lúc giáo sĩ và các thầy giảng sắp bước vào cổng dinh trấn, thì một thương gia Ý đại lợi vừa chạy tới. Ông này tên là Horace Massa, cùng với các thương gia Bồ Đào Nha, đến xứ Nam buôn bán, là một người ngay lành, rất thân thiết với giáo sĩ Đắc Lộ 15. Ông cấp báo cho giáo sĩ hay ác tâm của ông quan đối với các giáo hữu, nhất là các thầy giảng: Ông già Anrê Sơn đã bị bắt rồi, và mới mấy giờ gần đây, một toán lính đã được phái đến nhà giáo sĩ, chắc là khi giáo sĩ trở về, sẽ thấy nhiều điều xáo trộn. Kết luận, ông khuyên cha Đắc Lộ nên đưa các thầy giảng đi lánh một nơi, nếu không, các thầy sẽ bị hại.

Thật là một tin sét đánh, khiến cha Đắc Lộ vô cùng kinh ngạc. Giáo sĩ vội vàng cho các thầy giảng về, và dặn phải ẩn náu kín đáo. Còn lại mình người, người làm như không hay biết gì về ác ý của ông quan, cứ vào thẳng dinh và chào mừng ông.

Thoạt trông thấy giáo sĩ, ông Nghè Bộ lấy làm ngạc nhiên, nét mặt ông biểu lộ sự trách móc của lương tâm vì làm điều ác. Ông nói với giáo sĩ: “Thượng vương rất giận ông, vì ông cả gan đi khắp xứ, truyền bá một thứ đạo mới chi đó làm cho người ta mất hết tin thần đạo giáo của tổ tiên. Nhà vương không nỡ hại ông, vì ông là người ngoại quốc, nhưng ông phải rời xứ ngay, nếu không nhà vương sẽ nổi cơn thịnh nộ và phạt ông xứng với tội trạng”.16

Câu nói đầy dọa nạt này chẳng làm cho giáo sĩ bối rối. Ông trả lời: “Tôi đến xứ Nam và ở lại đây chẳng vì mục đích nào khác ngoài ý muốn giữ trọn giới răn Thiên Chúa là Đấng mà nhà vương cũng như tôi, và các vua chúa thế gian đều phải thờ phượng kính mến. Cho đến nay tôivào rao giảng Đức Tin, song không hề cưỡng bách ai theo. Nhưng nếu ai nhận biết sự thật mà theo, lẽ nào tôi độc ác đến nỗi ngăn cản họ, vì làm như vậy là phạm một tội ghê gớm nhất. Vả lại ngoài việc giảng đạo làm sáng danh Thiên Chúa, tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của nhà vương và của quan lớn. Nhưng không một sự gì ở đời này có thể làm cho tôi phản bội Thiên Chúa để làm đẹp lòng người thế gian. Về điểm này tôi chẳng sợ hình phạt, cũng chẳng sợ chết. Nhà vương và quan lớn có thể giết tôi song không thể làm cho tôi đổi ý. Nhà vương và quan đừng khép tội các giáo hữu, hãy chỉ trích cứ mình tôi, vì chính tôi giảng dạy và rửa tôi cho họ”.17

Ông Nghà Bồ lại nói: “Giáo sĩ không phải thần dân nước tôi, nên chúng tôi không muốn giết ông. Nhưng chúng tôi quyết không cho phép ông lưu lại trong xứ. Còn những người kia là thần dân, họ phải tuân lệnh nhà vương cấm họ không được theo đạo ông giảng. Nếu họ còn cứ theo, họ sẽ bị coi là phản bội và sẽ bị xử theo tội trạng”.18

Giáo sĩ đáp lại: “Không có lý đo nào phạt những người vô tội, hoặc chỉ có một tội là kính thờ Thiên Chúa hơn tôn trọng người đời. Có lẽ nào người ta lại phạt một trẻ nhỏ vì nó vâng lệnh theo lệnh vua hơn là lệnh cha mẹ trong những điều liên hệ đến lợi ích quốc gia mà tất nhiên vua chúa có quyền hơn cha mẹ. Hai trường hợp này thật là giống nhau, chỉ khác một điều: quyền của Thiên Chúa đối với loài người, còn muôn phần lớn lao hơn quyền của vua quan đối với thần dân”.19

Nhưng lời lẽ của giáo sĩ chẳng làm cho Ông Nghè Bộ đổi ý. Ông vẫn cương quyết buộc giáo sĩ phải rời khỏi xứ Nam khi tầu của người Bồ Đào Nha nhổ neo về Ao Môn. Ong còn cấm giáo sĩ từ nay không được giảng đạo cho người Việt.

Trong ngục tù

Khi thấy ông quan nhất quyết như vậy rồi, giáo sĩ Đắc Lộ đành cáo biệt ông xuống thẳng nhà lao thăm ông già Anrê đã bị bắt giam vì Đức Tin.20

Giáo sĩ gặp ông trong một phóng tối rất khó chịu, nhưng ông lộ đầy sự yên ủi, khiến người ta tưởng ông như ở trong lâu đài.

Cổ ông đeo gông nặng, như các tù nhân trọng tội ở xứ này, nhưng theo lời cha Đắc Lộ, “người ta tưởng như đó là một cây kiềng danh dự, chẳng làm cho ông cực nhọc mà lại làm vinh hạnh cho ông: Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một thánh Phaolô trong ngục tù vậy”.21

Lý do khiến ông vui mừng hơn hết, là thấy mình là người đầu tiên được chịu sự khó vì Chúa Giêsu ở đất Đàng Trong.

Cha Đắc Lộ đến gần ông, thoạt tiên không nói được lời nào, chỉ nói được bằng đôi mắt ướm lệ. Giáo sĩ ôm lấy ông, âu yếm hôn vào gông của ông, như hôn nhãn hiệu cao quý của Đức Tin mãnh liệt trong lòng người giáo hữu này. Giáo sĩ nói: “Ông thật là người có phúc được Chúa ban vinh hạnh lớn lao tham dự vào chính thánh giá của Chúa, để được xứng đáng lãnh triều thiên. Phần tôi không mong gì hơn được chia sự khốn khó cùng ông, và hạnh phúc đó tôi lấy làm quý hơn hết các lợi lộc thế gian”.22

Giáo sĩ muốn ở lại lâu hơn và thức đêm với người tù có phúc, nhưng lính canh ngục đã bảo giáo sĩ phải ra. Sau khi đã giúp ông Anrê dọn mình chiến đấu can đảm cho Chúa Giêsu và xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ, giáo sĩ từ giã ông, bí mật trở về với các thầy giảng đang chờ giáo sĩ trên một chiếc thuyền nhỏ, để ẩn náu cho qua cơn bão táp, như giáo sĩ đã dặn.

Trong cơn nguy biến, cha con vội vã bàn tính cách đối phó. Nhận thấy không có phương thế nào cần thiết hơn ơn Thiên Chúa, cha con liền cùng nhau cầu nguyện.

Giờ khắc nặng nề trôi… Màn đêm đã buông xuống tự bao giờ mà đoàn tông đồ vẫn chưa thôi cầu nguyện.

Bỗng nhiên một toán lính ập xuống thuyền: chính là bọn lính lúc trưa đã khám xét nhà cha Đắc Lộ và bắt thầy giảng Anrê, song họ chưa mãn nguyện vì chưa bắt được thầy giảng Ynhaxô để nạp cho thỏa lòng giận của quan trên.

Sau khi tìm kiếm khắp nơi, bất ngờ họ xuống ngay thuyền của các thầy giảng, hỏi có ai thấy những đồ đệ của giáo sĩ người Au giảng đạo ở chỗ nào.

“Bóng tối của đêm khuya – lời cha Đắc Lộ ghi chép – hay nói đúng hơn, Cha của sự sáng đã ngăn cản họ không nhận thấy chúng tôi. Khi họ sờ vào chúng tôi và hỏi chúng tôi, thì một người trong bọn họ trả lời rằng: vừa lúc nãy những người ấy đã có ở đây: thật giống như trường hợp thánh Atanasiô xưa kia. Bọn ấy nghe vậy liền bỏ đi để đuổi theo, trong khi ấy chúng tôi đã kịp thì giờ rút lui”.23

Chú thích

(1) Thành mới này xây theo kiểu Vauban, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), dùng làm tỉnh đường tỉnh Quảng Nam cho đến năm 1945 thì bị Việt Minh phá huỷ, nay còn di tích hào và luỹ chung quanh. Tỉnh đường Quảng Nam từ đó di chuyển ra Hội An.

(2) Hành Lãnh chỉ núi Ngũ Hành ở Đà Nẵng.

(3) Quyển I, tờ 21.

(4) Còn đọc là “Cần Hốc”

(5) Tôn Thất Hàn, Généalogie des Nguyễn, trong B.A.V.H. 1920, tr.295 và tiếp.

(6) Đại Nam nhất thống chí, quyển V, (Quảng Nam) mục thành trì, tờ 10.

(7) Sách dẫn thượng, mục Tự miếu, tờ 34.

(8) Lettre du P.Gaspar Luis sur la Concicina. Annotations par L.Cadière – B.A.V.H 1931, tr.415, 416, chú thích 4 và 5.

(9) Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, chú thích của Cadière, tr.240.

(10) Xem chương X dưới đây – Và đón xem tài liệu: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, của chúng tôi (diễn văn đọc tại trường Đại Học Văn Khoa ngày 22-12-1958)

(11) Đoạn này theo: A.R, Voyages et Missions (1854), chương XXXII. Glorieuse mort, chương I – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 4-5. Summarium, De Andrea Catechisia, Num I – Relacao, chương 8.

(12) Truyện Đàng Trão (tr.49) nói hôm ấy Anrê xem lễ tại “nhà thờ bến Hội An, làm trên giải núi ở trong bến ấy, là bến tàu Macao đậu”. Nếu vậy là ở Cù Lao Chàm chăng?

(13) A.R, Glorieuse mort, tr.11

(14) Đoạn này theo: A.R, Voyages et Missions (1854), chương XXXII. Glorieuse mort, chương II – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 5.– Relacao, chương 9.

(15) Sau đây ta sẽ thấy Horace Massa làm chứng về nhiều phép lạ của Thầy giảng Anrê.

(16) A.R, Glorieuse mort, tr.17.

(17) Như trên, tr.18-19 (Những đoạn dịch văn cổ, chúng tôi cố giữ đúng ý, song đổi cách chấm câu cho hợp với lối văn ngày nay và ý tưởng được rõ ràng).

(18) A.R, Glorieuse mort, tr.19

(19) A.R, Glorieuse mort, tr.20

(20) A.R, Glorieuse mort, tr.21: “Ông già Anrê bị giam từ mấy ngày nay” – P.B, Truyện Đàng Trão, tr.52: “bắt hai thầy hai nơi, song cũng trong một ngày hôm ấy”.

(21) A.R, Glorieuse mort, tr.21-22

(22) A.R, Glorieuse mort, tr.22-23

(23) A.R, Glorieuse mort, tr.25

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *