Người Chứng Thứ Nhất – Chương XII: Khải hoàn tại Áo Môn

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XII: KHẢI HOÀN TẠI ÁO MÔN

Anre PhuYen 4Như bạn đọc đã biết, thi hài thầy giảng Anrê sau khi tử đạo, đã được di chuyển từ chợ Củi về Hội An. Từ đó, giáo sĩ Đắc Lộ và các thầy giảng giữ luôn thi hài ấy trong thuyền của mình, kẻ sống và người chết đi đâu cũng có nhau. Giáo sĩ Đắc Lộ nói rằng: thi hài ấy là điều mà ngài lấy làm quý trọng hơn hết mọi sự ở đời, và người chăm lo gìn giữ hơn hết. Vì thế người muốn gửi ở nơi chắc chắn, để dầu người có chết, thi thể Anrê vẫn còn.1

Giáo sĩ đợi lúc tàu của người bđn sắp nhổ neo, mới ngỏ lời xin họ vui lòng chở xác vị tử đạo về Học viện của dòng Tên ở Áo Môn, một hải cảng ở ven biển tỉnh Quảng Đông, mạn nam Trung Quốc, thuộc quyền bđn từ giữa thế kỷ XVI. Người vừa ngỏ ý, các thương gia bđn hết sức vui mừng, coi đó như một ơn trọng, và tin tưởng nơi sự che chở của vị tử đạo linh thiêng, một khi tàu gặp phong ba giữa biển.

Tuy nhiên cha Đắc Lộ không muốn rời thủ cấp của vị tử đạo. Người đựng thủ cấp trong một cái hộp nhỏ, trân trọng giữ luôn bên mình.

Việc chuyển cữu lên tàu cử hành rất bí mật.

Lúc tàu trẩy, giáo sĩ vẫn để nguyên thi hài Anrê trong thuyền của các thầy giảng, dặn các thầy chở ra xa bến chừng ba hải lý, còn người thì lên tàu, trước mắt mọi người trong xứ, giả bộ như từ giã Việt Nam theo lệnh trục xuất của Ông Nghè Bộ. Khi tàu đã ra khuất tầm mắt người trên bộ, giáo sĩ liền xuống thuyền chở xác vị tử đạo lên. Thế là thầy giảng Anrê đã “thế mạng” cho giáo sĩ Đắc Lộ để về Ao Môn, trong khi giáo sĩ còn được ở lại Việt Nam ngót một năm nữa, bí mật cầm đầu giáo đoàn giữa cơn khủng bố.2

Người hoa tiêu vô hình

Hồi ấy là tháng 8 năm 1644, mới vài tuần sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê. Tàu chở thi hài vị tử đạo đã ra giữa đại dương. Người hoa tiêu bđn, tự nhiên, cố sức lái tàu theo đúng con đường quen đi, là đường ngắn nhất và có bảo đảm nhất. Ông ta sử dụng hết tài nghệ của mình, điều động lực lượng tất cả các thuỷ thủ, lại được thuận buồm xuôi gió, như vậy đáng lẽ tàu phải chạy đúng hướng. Nhưng không, bao nhiêu cố gắng của hoa tiêu, của thuỷ thủ, bao nhiêu thuận lợi của buồm, của gió đều không ích gì. Hoa tiêu, thuỷ thủ cảm thấy một sức lực vô hình nào lôi kéo họ ra ngoài con đường muốn đi, đẩy họ vào một con đường khác, không quen biết, không thuận tiện. Họ ngạc nhiên, không hiểu sao tàu cứ đi ngược gió, ngược cả ý muốn của họ, mà lại đi rất dễ dàng. Tình trạng ấy kéo dài mãi, khiến họ đành phải buông theo đường mới, mặc dầu lòng vẫn không muốn, và họ cũng nói rõ sự thực cho hành khách biết như vậy.

Nhưng bốn ngày sau, khi tàu về tới Ao Môn, họ được biết tin rằng, trong những ngày vừa qua, chính trên con đường quen thuộc mà họ muốn đi, có mấy chiếc tàu của người bđn bị hải quân Hòa Lan cướp. Bấy giờ họ mới hiểu rằng sức lực vô hình đã chống cưỡng lại họ, bẻ lái tàu đi lối khác, chính là bàn tay thân ái của vị tử đạo mà họ mang trong tàu. Tất cả những thuỷ thủ và hành khách thoát nạn đều tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ họ bằng an nhờ lời cầu nguyện của vị tử đạo Việt Nam.

Ông chúa tàu này chính là João de Resende de Figueroa3 là người trước kia đã đến dinh Chiêm vận động xin tha cho thầy giảng Anrê, đã đi theo thầy tới pháp trường, đã chứng kiến cuộc tử đạo của thầy, và rồi đây, ông sẽ công khai làm chứng tất cả những điều tai nghe mắt thấy.

Vậy thì phép lạ này, chẳng những là cách Chúa tỏ quyền phép Chúa nơi tôi tá Chúa, mà còn là cách người trên trời trả ơn người dưới thế.4

Ngay sau đó, tin này được lan truyền khắp thành phố Ao Môn, chỗ nào người ta cũng nói đến và tỏ lòng cảm phục vị tử đạo Việt Nam. Cũng vì thế mà cuộc đón rước thi hài nhà tử đạo càng long trọng thêm bội phần.5

Cuộc khải hoàn

Viện trưởng Học viện dòng Tên tại Ao Môn, kiêm Bề trên phụ tỉnh Nhật Bản, cha Gasparo d’Amaral, trước đã từng giảng đạo ở Việt Nam, lúc ấy được tin báo hài cốt quý gởi đến cho mình, lấy làm vui sướng vô hạn. Để báo tin cho cả nhà Dòng và thành phố biết, người truyền lệnh cho kéo tất cả các chuông trong nhà thờ Thánh Mẫu thuộc tu viện thánh Phaolô.

Thế là tất cả thành phố chạy đến nhà Dòng và được biết tin rõ ràng có “hài cốt thánh”6 gởi đến.

Trong khi ấy, người ta bắt đầu lo trưng dọn nhà thờ để đón tiếp vị tử đạo cực kỳ long trọng. Nhà Dòng định tổ chức cuộc lễ nghinh đón và buổi chiều ngày 15 tháng 8 năm 1644. Quyết định này được loan báo trên tòa giảng cho giáo hữu, trong giờ lễ buổi sáng.

Hôm ấy, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, ngoài thảm nhung, vải lụa của nhà Dòng, người ta còn mượn thêm đồ của các nhà sang trọng: không ai không sẵn lòng đóng góp nhưng đồ quý nhất để tô điểm cho cuộc lễ thêm huy hoàng. Người ta làm một nghinh giá phủ bằng gấm vóc, vải thêu, với một lá cờ lớn 7, để rước thi hài vị tử đạo. Người ta lại sửa soạn một chiếc thuyền đẹp nhất, mới tinh hảo chưa dùng đến, trang hoàng lộng lẫy, kết đủ thứ hoa.

Để cho cuộc lễ thêm phần hoan hỉ, cha Viện trưởng cho kéo tất cả bộ chuông nhạc và giao việc ấy cho mấy thanh niên Việt Nam người Bắc và người Nam, tòng học tại nhà Dòng từ mấy năm nay, và đã từng quen biết thầy giảng Anrê. Và sử liệu có ghi rằng: “Cảm tình của họ đối với vị tử đạo đồng hương ra như dạy âm nhạc cho họ, khiến cho họ kéo chuông thành những âm thanh trầm bổng, hòa hợp lạ lùng”.8

Giờ lễ đã đến, chuông nhạc vang lên. Cha Viện trưởng và tất cả các cha Dòng, mặc áo phép, cùng tất cả các tu sĩ khác, xuống tàu. Trên bến, dân chúng tụ tập đông vô kể.

Lúc “Xác Thánh”9 từ trên tàu chuyển xuống thuyền hoa, tất cả các chuông trống trong thành phố vang lên. Các ổ súng lớn trên tàu bắn ra, nghe như tiếng đại bác. Một ổ súng bị nổ, nhưng “Chúa không để một ai bị nạn, mặc dầu dân chúng chồng chất lên nhau, để cho cuộc lễ khỏi rối ren, và mang họa cho người dự”.10

Thuyền tiến vào bờ, giữa những âm thanh réo rắt của nhiều dàn nhạc trên các thuyền chung quanh, và tiếng hoan hô vui mừng của dân chúng. Hôm ấy, trời rất đẹp, bể lặng sóng êm, và mặc dầu đang mùa nóng nực khó chịu, bỗng nhiên đổi sang khí hậu mát mẻ: mọi yếu tố đều giúp cho cuộc lễ được hoàn toàn.

Thuyền cập bến, ông chúa tàu Resende de Figueroa trao thi hài vị tử đạo cho cha Viện trưởng d’Amaral. Trọng pháo lại nổ vang một lần nữa, điểm vào với những cung đàn, tiếng hát. Sau khi đặt thi hài lên nghinh giá, đám rước khởi hành rất trật tự. Đi đầu là các học sinh, y phục đẹp đẽ, tay cầm cành thiên tuế, tượng trưng thắng trận: rồi đến dân chúng đi thành hàng đông vô kể. Rất nhiều linh mục triều mặc áo phép cùng với các cha Dòng, đi tuỳ giá vị tử đạo.

Đám rước đi qua các phố, giữa mùi hương thơm ngát, vì đến đâu các gia đình cũng rất hoa tươi, hoặc đổ dầu thơm trước cửa nhà mình để chào đón vị tử đạo. Dọc đường người ta đã dựng nhiều khải hoàn môn trang trí lộng lẫy.

Sau cùng, hài cốt thầy giảng Anrê về tới nhà thờ dòng Tên. Vì quá đông, chỉ một số ít người vào được trong nhà thờ. “Xác Thánh” (danh từ trong sử liệu) được đặt trên một nghinh giá khác. Các học sinh tiến đến, kính cẩn đặt các cành thiên tuế dưới chân vị tử đạo và bao quanh khắp thi hài. Các cành ấy, sau cuộc lễ, người ta đua nhau thâu lượm lấy, để giữ một di tích đáng kính, vì đã dâng cho vị tử đạo.

Cuộc lễ khải hoàn kết thúc bằng kinh hát long trong Te Deum tạ ơn Thiên Chúa.

Giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật những việc trên đây do theo các báo cáo nhận được và tóm tắt lại, cho biết thêm rằng cuộc lễ nghinh đón long trọng vị tử đạo Việt Nam đã gây cảm tưởng rất tốt đẹp ở Ao Môn, chẳng những trong giới công giáo mà cả người ngoài công giáo nữa, vì nhận thấy lòng ngưỡng mộ đặc biệt của giáo hữu đối với những người đã hết lòng phụng sự Thiên Chúa, đến đổ máu xưng Đức tin.11

Thi hài thầy giảng Anrê Phú Yên, sau được đặt tại khán đài bàn thờ Thánh thể, bên cạnh di cốt của nhiều vị tử đạo Nhật Bản. Trên mộ người, có để một tấm biển ghi những hàng chữ bđn như sau:

… (?) caixão esta o corpo do martir Andre catequista de Cochinchina que em Cacham foi alanceado e degolado pella confesão de nostra santa feé por mandado do mandarin Ounghebo a os 26 Juglio 1644.12

Dịch: Đây là thi hài vị tử đạo Anrê, thầy giảng xứ Đàng Trong, đã bị trảm quyết tại Quảng Nam vì xưng Đức tin, do lệnh ông quan gọi là Ông Nghè Bộ, ngày 26 tháng 7 năm 1644.

Ngoài ra, trên mộ lại có đặt một bức chân dung vị tử đạo do thầy trợ sĩ Mathêu Van minh họa.13

Hài cốt thầy giảng Anrê vẫn được gìn giữ cẩn thận tại đó cho đến năm 1835. Ngày 26 tháng giêng năm ấy, nhà thờ Thánh Mẫu của dòng Tên bị hỏa tai thiêu huỷ hoàn toàn chỉ để lại mặt tiền trơ trọi, nay là một thắng cảnh du lịch của tỉnh Ao Môn. Trong lúc hỏa hoạn, may mắn thay người ta đã chạy được hài cốt các vị tử đạo, song vì hoảng hốt nên để lẫn lộn cả.

Từ ấy đến nay, hài cốt vị tử đạo tiên khởi Việt Nam vẫn được giữ tại nhà thờ Chính tòa Giám mục Ao Môn trong phòng nguyện Thánh thể, cùng với di tích các vị tử đạo Nhật Bản, đựng trong mười tám cái bình sứ, không phân biệt riêng được của vị nào.14

Bức chân dung xưa không có tại đó, không rõ đã bị cháy hay còn ẩn khuất trong một kho tài liệu nào.15

Chú thích

(1) A.R Glorieuse mort, tr.69

(2) Đoạn trên theo A.R Glorieuse mort, tr.69-70 – Voyages et Missions (1854), tr.244-245.

(3) A.R, Relation Progrès Foi, tr.59- Sumarium III, tr.252 và nhiều nơi khác.

(4) A.R Glorieuse mort, tr.88 – A.R, Relation Progrès Foi, tr.59 – Voyages et Missions (1854), tr.328-329.

(5) Cuộc đón rước này cha Đắc Lộ chỉ nói sơ qua một câu trong Glorieuse mort tr.73, song cho rất đầy đủ chi tiết trong Relation Progrès Foi, tr.60-67.

(6)A.R Relation Progrès Foi, tr.61

(7) Tài liệu không nói rõ cờ nào. Cờ Hội thánh hay cờ bđn?

(8) A.R, Relation Progrès Foi, tr.61.

(9) A.R, Relation Progrès Foi, tr.62

(10) A.R, Relation Progrès Foi, tr.63

(11) A.R, Relation Progrès Foi, tr.69

(12) Relacao, ch.12 (chữ đầu viết không đọc được).

(13) A.R, Relation Progrès Foi, tr.76, ghi “Un des nos Frères, nommé Mathieu Van”, không nói rõ là người Việt, song chắc là người Việt, vì phải quen biết mới vẽ được chân dung, vả lại đoạn trên có nói: “Trong học viện có nhiều thầy Việt Nam nội trú từ mấy năm nay” (tr.61). Sau này, trong số những vị tử đạo năm 1665, đời chúa Hiền, có một vị tên là “Mathieu Van”. Phải chăng người đã họa chân dung Anrê nay tái diễn cuộc tử đạo của Anrê?

(14) Những chi tiết trên đây do cha Videira, dòng Tên, tu viện Sto.Agostion, Casa Ricci, Ao Môn, gởi cho chúng tôi kèm với các hình ảnh. Vẫn theo cha Videira, mặc dầu tấm biển đề ở cửa phòng nguyện chỉ nói đến các vị tử đạo Nhật Bản nhưng thực sự có cả hài cốt những vị tử đạo khác nữa và nhất là hài cốt thầy giảng Anrê Việt Nam. Điều này có lẽ chỉ những sử gia hoặc nhà chuyên môn mới biết, mới nhớ, và cũng vì thế mới có sự ngộ nhận của tác giả bức thư do cha Cadière công bố trong bài Inconographie du P.Alexandre de Rhodes, trong B.A.V.H, 1938, tr.27-61.

(15) Các tài liệu của dòng Tên tại Ao Môn, đã chuyển cả về Lisbonne (bđn). Cha Cadière (bài dẫn thượng) cũng đã muốn tìm bức chân dung này mà không được.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *