Nhật ký KAKUMA (7): Nỗi đau bạo lực

Ở đây cây nào cũng có gai!
Ở đây cây nào cũng có gai!

Chuyện ở trại có lẽ sẽ chẳng có gì mới nếu luôn thanh bình. Những câu chuyện xưa như trái đất là nghèo khổ, bệnh tật, thiếu thốn…, nhưng bi kịch không chỉ dừng lại ở đó. Một chuyện khiến tôi đau nhói mỗi khi nhắc đến, là điều làm tôi đau nhất, hơn cả mọi thứ bất hạnh khác mà người ta phải chịu, đó là bạo lực. Những bất hạnh bên ngoài chưa đủ sao, mà người ta còn tự mang cả bất hạnh đến cho nhau nữa!

Hôm nay người ta kể chuyện về một người mới bị đánh chết trước sự chứng kiến của những người khác mà chẳng ai đứng ra can. Người ta thuật chuyện về cảnh bạo lực dẫn đến cái chết của một người mà tưởng chừng họ đang kể về chuyện đánh chết một con gà! Cảnh bạo lực trở nên thường đến nỗi nếu một người bị đánh chết thì cũng chẳng phải là điều gì quá ghê gớm, chẳng qua là hơi quá tay chút thôi!

Cảnh chết người này tôi không chứng kiến, nhưng tôi chứng kiến một cảnh khác mấy ngày trước, không đến nỗi chết người nhưng nó ám ảnh đến nỗi tôi không thể không liên tưởng đến mỗi khi nghĩ về nỗi bất hạnh của những người tị nạn này. Đó là cảnh một thanh niên say rượu đi nghiêng nghiêng ngã ngã. Một đám nhóc chạy theo để vừa chọc ghẹo vừa đánh anh chàng say. Một cậu bé lớn trong nhóm nhảy đến đạp lên người anh chàng khiến anh loạng choạng rồi ngã xuống đất. Và sau đó là những trận đòn mà những cậu nhỏ xem như “trò chơi”. Chúng nhảy đạp trên cổ, trên ngực và ngay cả trên đầu của anh chàng đang say mềm như trái chuối. Điều đáng nói là một số phụ nữ đang dửng dưng đứng nhìn, lại còn giơ tay chỉ và kể cho những phụ nữ khác về chuyện đang xảy ra.

Tôi can mấy đứa nhỏ rồi giải thích cho chúng: “Anh ta đang say, không thể tự bảo vệ mình mà chúng ta đánh anh như vậy là chơi không đẹp (unfair)… Đúng không?” Mấy đứa nhỏ gật đầu rồi tản ra. Một đám nhỏ khác mới tới định chạy đến “chơi” vài cú thì bị mấy nhóc cũ can lại rồi chỉ tôi và nói: “Mzungu (nghĩa là ‘thằng da trắng’) nói là đánh như vậy là unfair”. Tôi không thể làm gì hơn là giải thích thêm một chút cho mấy đứa nhỏ, trước sự hiếu kỳ của mấy phụ nữ, rồi đi tiếp vì trời đang chập tối; tôi đã được cảnh báo là phải về compound trước 6 giờ, mà lúc đó đã hơn 7 giờ. Hơn nữa, tôi là người da trắng (theo cách gọi của họ) duy nhất đang lang thang trên đường.

Tôi thật sự rất đắn đo khi viết những dòng nhật ký (công khai) này! Bởi lẽ đây là chuyện làm tôi đau nhói mỗi khi nghĩ về. Và đây là thực tế của môi trường tôi đang phục vụ. Sao lạ thế! Những dòng nhật ký trước sao lại khác với cảnh này đến vậy, nào là sinh động, nào là đầy sức sống. Sao lại mâu thuẫn nhau đến thế? Chính tôi cũng đang lẩn quẩn để tìm câu trả lời! Những cảnh sinh động, đầy sức sống là thật. Tôi bảo đảm như thế! Và cảnh bạo lực chết chóc cũng là thật, và nhiều người có thể làm chứng. Thật mâu thuẫn!

Có thể bạn sẽ nói: “đã nghèo mà lại còn không biết thân biết phận, vui đó rồi lại đánh nhau đó. Đáng đời! Quả là mâu thuẫn.” Nhưng khoang hãy đoán xét, chính chúng ta cũng đầy những mâu thuẫn đấy thôi.

Ở trường cô giáo dạy: đèn đỏ thì dừng lại nhường cho người khác đi, còn đèn xanh thì mình đi. Đến khi bố chở con thì bố vượt đèn đỏ. Con thắc mắc thì bố bảo là vì đường trống mà cũng chẳng có công an. Mâu thuẫn trong cách giáo dục! Mẹ dạy con không được nói dối, nói dối là điều rất xấu. Đến khi mẹ không muốn gặp người ta thì mẹ vào nhà và dặn con: nếu có ai đến hỏi thì nói là mẹ đi vắng nha! Mâu thuẫn trong cách hành xử của người lớn và vô tình dạy cho con trẻ lối hành xử đó! Tôi quyết định làm hoà với một người, nhưng vừa mới thấy mặt là không thể nói một lời nhẹ nhàng, chưa nói đến chuyện hoà giải. Mâu thuẫn! Tôi thấy mình sao mà tệ quá, phải thay đổi thôi, nhưng chưa bao giờ tôi nghiêm túc lên kế hoạch cho mình. Mâu thuẫn! Tôi nhận ra mối bất hoà với vợ chẳng qua là do tôi hay về trễ, đôi khi hơi quá chén, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình có trách nhiệm về điều này. Mâu thuẫn! Hoặc tôi nhận ra nỗi thất vọng của chồng vì thiếu sự tế nhị của người vợ, nhưng tôi chẳng cho nó một chỗ ưu tiên nào để sửa hay tập. Mâu thuẫn! Ở công ty có một chuyện rất bất công, nhưng tôi không đủ can đảm để lên tiếng, vì nó ảnh hưởng đến công việc của tôi. Mâu thuẫn!

Còn bao nhiêu mâu thuẫn lớn nhỏ hằng ngày tôi gặp phải và chưa thể vượt qua. Ai chẳng nhận thấy sự mâu thuẫn rối bời trong cuộc sống, đôi khi chẳng đâu xa mà nơi chính lòng mình. Những lúc ấy tôi thấy mình cần hơn bao giờ hết sự kiên nhẫn và khiêm tốn. Thật sự, không ít lần tôi trách người khác với cùng một lỗi mà tôi thường vấp phải. Có lẽ Đức Giêsu hiểu rõ chuyện này, khi Ngài bảo vệ chị phụ nữ bị kết án tử, trước những người chuẩn bị ném những hòn đá sẵn trên tay: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Trước câu nói này, tôi biết mình đang đứng ở đâu. Khi nhỏ mỗi khi dự lễ cưới, tôi nghe đến quen bài đọc trích từ thư của thánh Phaolô, lúc đó tôi chưa hiểu, nhưng bây giờ tôi đã hiểu: anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

Vài người đã tâm sự với tôi: “Thượng đế đã chúc lành và ban cho chúng tôi nhiều dầu mỏ và khoáng sản, nhưng người ta thay vì cùng nhau hưởng lời chúc lành này, họ đã biến nó thành lời chúc dữ”. Khi gặp những bất hạnh hoặc thiên tai, người ta thường đổ lỗi cho trời – sao trời không có mắt. Nhưng không ít những tai hoạ ấy bởi chúng ta tự gây ra cho nhau! Những trẻ em được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhiều mâu thuẫn hơn cảm thông này, thật khó để dạy cho các em biết thế nào là liên đới và yêu thương. Dù gì đi nữa trẻ con cần có thời gian và cần được nhìn thấy những lời chứng sống!

Đọc những dòng nhật ký trước của tôi, có lẽ đôi khi bạn cũng đặt câu hỏi: “anh chàng này là ai mà lại hay nói chuyện yêu thương và tha thứ?” Tôi cũng phải thành thật thú nhận mình bất xứng khi nói những lời ấy. Nhưng trước những điều tận mắt chứng kiến hằng ngày trong trại tị nạn này, những điều đập thẳng vào lòng tôi, tôi không thể nghĩ đến một cao kiến nào hơn là tình thương và tha thứ. Những viện trợ về kinh tế vật chất mà không có và không giúp cho người ta có được hai điều này thì mọi sự trở nên vô nghĩa. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, bạn và tôi!

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *