Cuối năm làm thịt heo đất

IMG_20160129_111631595 (1)

Trời đã về khuya, khu Nhà Dòng trở nên yên ắng tĩnh lặng đến gần như tuyệt đối. Trong căn phòng nhỏ, tôi cầm trên tay con heo đất tròn vo đỏ tía. Số phận chú heo đất này đã được định đoạt. Tôi đập nhẹ xuống nền nhà, đập khe khẽ vì sợ làm ảnh hưởng tiếng ồn sang phòng bên cạnh. Sau một…hai… ba lần đập, từng mảnh gốm đất vỡ ra, tay tôi giữ lấy từng mảnh để không gây tiếng ồn. Nhìn con heo đất, lòng tôi bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả thành lời. Con heo đất này có gì mà làm tôi xúc động đến thế? Chắc chắn là có tiền rồi; nhưng chắc còn có điều gì đó khác lớn hơn.

Một tu sĩ đi đập heo đất? Chẳng lẽ đi tu rồi mà còn có ý định nuôi heo đất để tích trữ nữa sao? Không, con heo đất này không phải của tôi. Đúng hơn, tôi đã không chắt chiu dành dụm để nuôi nó. Tôi nhận nó từ một em cựu sinh viên của tôi.

Buổi chiều cuối năm, hai vợ chồng em hẹn tôi đến nhà thờ Mân Côi, Gò Vấp. Tôi gặp em với niềm vui tràn đầy. Lần trước em chưa có dịp giới thiệu chồng mới cưới. Lần này thì tôi được gặp cả hai vợ chồng cùng cậu ấm sắp chào đời. Buổi gặp gỡ thân tình như bao lần gặp gỡ khác khi em đến gặp tôi. Nhưng hôm nay còn có một điều khác mọi hôm. Cuối buổi gặp, em tặng tôi một con heo đất với những lời đơn sơ khiến tôi nhớ đến từng từ: “Đây là con heo đất con nuôi bằng một phần mười thu nhập của con để thầy làm tông đồ”. Anh chồng còn bồi thêm: “heo mới nuôi nên còn ốm lắm thầy!” Tôi phải giấu đi nỗi xúc động của mình, nỗi xúc động vì tôi đang chạm đến tấm lòng của đôi vợ chồng trẻ.

Trước mặt tôi bây giờ là con heo đất đã vỡ và những tờ tiền đủ loại mệnh giá. Có những tờ tiền mệnh giá lớn, nhưng cũng có những tờ mệnh giá rất nhỏ. Tôi liên tưởng đến ngày hôm ấy, khi Chúa Giê-su ngồi trước thùng tiền dâng cúng và thấy một bà goá nghèo bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Ánh mắt của Chúa đã không rời từng cử chỉ của bà. Chúa Giê-su đã xúc động đến nỗi đã gọi các môn đệ lại và kể cho các ông biết về tấm lòng của bà. Dù chỉ có hai đồng tiền kẽm với giá trị nhỏ, nhưng bà đã làm với một tấm lòng lớn hơn tất cả. Với sự chân thành, Chúa và bà đã gặp nhau.

Em không đến nỗi túng thiếu như bà goá nghèo trong Tin Mừng, nhưng để bỏ vào con heo đất một phần mười thu nhập, em cũng phải đắn đo trong các khoản chi tiêu và chắt chiu từ những thu nhập rất nhỏ. Em đã tặng tôi con heo đất này, và em nói sẽ tiếp tục nuôi một con khác khi bắt đầu lại công việc sau khi sinh em bé. Tôi nhận con heo đất với tất cả lòng biết ơn của những người sẽ nhận được món quà tình thương này!

Nuôi heo đất, em muốn “để thầy làm tông đồ”. Đó là câu nhắn gửi đã bao hàm tất cả những gì em muốn nói. Trong tập nhật ký viết về Châu Phi, tôi đã kể về một vị thừa sai người Ai-len đã sống 47 năm với bộ tộc Turkana, một bộ tộc nghèo nhất Kenya, rằng: “Hoá ra, một người đi sứ mạng thì không chỉ mình họ đi, mà cả người thân và bạn bè cùng đi với họ”. Và lúc này, tôi phải thêm vào đoạn ấy: “cả học trò cũng cùng tôi trong sứ mạng”.

Thực ra, em không phải là học trò của tôi theo đúng nghĩa. Tôi gặp em lần đầu tại một khoá linh thao sinh viên ở Cần Thơ. Em làm linh thao cùng với hơn 70 sinh viên khác. Đó là khoá linh thao sinh viên đầu tiên tôi đã giúp. Trong những ngày linh thao, tôi đồng hành với em để cùng em khám phá ra tình thương mà Thiên Chúa dành cho em. Và sau đó, qua những dịp này dịp khác, tôi đồng hành với em về đời sống thiêng liêng khi em học cao hơn ở một môi trường xa lạ. Với em, những cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa thúc bách em có một ước mơ và đi đến hành động: “Lúc trước nhờ Linh Thao mà con được biết Chúa và biết con, nên từ lúc đó con đã ấp ủ kế hoạch sau này đi làm sẽ nuôi heo để góp sức giúp các bạn sinh viên được đến gần Chúa hơn. Nhờ Thầy giúp con thực hiện dự định này nghen”.

Em không còn là sinh viên, nhưng em vẫn thao thức cho một thế hệ sinh viên đầu tư cho học tập để không chỉ có một cái đầu lớn về tri thức, nhưng còn cần có một quả tim rộng mở, với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại nữa. Em đã ước mơ và gởi ước mơ ấy cho tôi. Không biết em có liều quá không? Tôi xúc động vì một ước mơ chân thành và quá đẹp như thế.

Buổi nói chuyện với hai vợ chồng em gợi nên trong tôi hai từ “san sẻ”. Em đã chọn sống một cuộc sống liêm khiết bằng một công việc chân chính. Và với công việc chân chính ấy, em san sẻ đồng lương từ chính mồ hôi công sức của mình để giúp những người kém may mắn hơn về vật chất hay tinh thần.

Mỗi người được Thiên Chúa ban cho những nén bạc để sinh lợi. Em đã không chỉ làm cho nén bạc tài năng sinh lợi qua sự cống hiến trong công việc, em còn làm cho nén bạc lòng mến trong em trổ sinh hoa trái. Tôi nhận con heo đất từ tay em và nhận cả lòng mến mà em gởi gắm vào đó. Vì thế, dù nhận con heo đất này, nhưng tôi vẫn ý thức mình không nợ em điều gì ngoài món nợ mà thánh Phao-lô nhắc các tín hữu phải nợ nhau: món nợ tình thương (x. Rm 13, 8). Đây là món nợ tôi đã mang trong mình, và lại trở thành một kẻ môi giới cho món nợ ấy lan đi.

Hà Nội 4/2/2016 (26 Tết)
Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *