HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C THIÊN CHÚA
CHĂM SÓC DÂN NGƯỜI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa
Nhật thứ tư mùa chay năm A 1Sm.16, 1b. 6-7. 10-13a;
Ep.5, 8-14; Ga.9, 1-41 Dù một người thuộc
bất cứ dân tộc nào, Thiên Chúa vẫn là Đấng tạo dựng họ, vẫn là Đấng yêu thương
họ đặc biệt. Thiên Chúa lo lắng chăm sóc tất cả mọi người. Ngài chăn dắt dân
Ngài qua các vị lãnh đạo, Ngài nói với mỗi người qua lương tâm, và yêu thương
con người đặc biệt qua Đức Yêsu. 1. Qua những vị lãnh đạo Có
hai quan niệm nơi người Do Thái trong buổi đầu thời đại quân chủ. Một quan niệm
cho rằng, chấp nhận có vua là mặc nhiên từ chối Thiên Chúa cai quản hướng dẫn
mình; quan niệm khác lại cho rằng Thiên Chúa muốn dùng một vị vua để hướng dẫn
dân Ngài. Khi tiên tri Samuel xức dầu phong vương cho Saul và sau đó cho Davít,
thì quan niệm vua là người Thiên Chúa dùng để cai trị dân đã được đa số người
Do Thái chấp nhận. Thời
buổi này, không còn mấy nước theo chế độ quân chủ nữa, nhưng vẫn có những người
tương tự, như tổng thống và chủ tịch nước. Những người này là những đại diện
Chúa, nên chúng ta phải vâng phục họ. Tuy vậy, khi có những người lãnh đạo hành
xử không theo luật Chúa, thì chúng ta không được vâng phục. Chẳng hạn khi họ
cho phép hoặc khuyến khích phá thai, thì điều này không có nghĩa là Thiên Chúa
muốn điều đó, nên chúng ta không được vâng phục; trái lại, nếu có thể, chúng ta
không chỉ có thể mà còn phải phản đối nữa, vì khi đó họ đã dùng quyền hành
Thiên Chúa ban để giết hại con người. Chúng ta chỉ không vâng phục trong những
điều sai trái thôi, còn những điều khác thì vẫn phải vâng phục. Điều này áp
dụng cả cho những bề trên đấng bậc trong Đạo: nếu một người “bề dưới” bị “bề
trên” sai bảo làm điều tội hoặc trái lương tâm, thì người “bề dưới” không được
vâng lời. Kitô
hữu là người có thể sống dưới mọi chế độ. Ơn gọi Kitô hữu cũng hàm chứa đòi hỏi
góp phần xây dựng một xã hội công bình và tốt đẹp hơn. Vì mọi người đều được
Thiên Chúa hướng dẫn, nên Kitô hữu cũng phải tin vào những người thành tâm
thiện chí cho dù họ không cùng tôn giáo với chúng ta, để cùng họ xây dựng thế
giới này. Sống theo điều thiện hảo, cũng là sống theo Chúa và vì Chúa. Khi vì
một điều tốt đẹp mà phải hy sinh hay thiệt thòi, thì cũng là tử đạo theo một
nghĩa nào đó. Chẳng hạn trường hợp Yoan Tẩy Giả chết vì lên tiếng cản ngăn
không cho Hêrôđê lấy vợ anh mình. Yoan đã chết vì Chúa, cho dù ông chết vì đã
nói sự thật, nói lên ý muốn của Chúa biểu lộ qua luật lệ hay nơi lương tâm con
người. 2. Qua tiếng lương tâm Thiên
Chúa tỏ lộ ý muốn của Ngài qua Kinh Thánh, qua luật lệ cả Đạo lẫn đời, và Ngài
còn tỏ lộ ý muốn của Ngài cho mỗi người cách đặc biệt nơi lương tâm mỗi người.
Lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa qua “lý trí hướng về điều thiện hảo”.
Chẳng hạn, phải làm điều tốt, phải tránh điều xấu, điều này xấu không được làm,
điều kia tốt nên làm. Không
ai được làm ngược tiếng lương tâm của mình. Nếu tôi thấy điều nào không tốt,
tôi không được làm theo. Lương tâm là “lý trí hướng về điều thiện”, không phải
là lý trí biện minh cho hành động của mình. Có nhiều trường hợp, con người dùng
lý trí để biện minh cho điều mình muốn làm, hoặc biện minh cho điều có lợi cho
mình. Trường hợp này lý trí là công cụ của lòng tham muốn và cái tôi, chứ không
là lương tâm, không là dụng cụ Thiên Chúa nói với con người. Trong cuộc sống, ở
những trường hợp đặc biệt, lương tâm là tiêng nói cuối cùng mà mỗi người phải
tuân theo. Không
hề có sự mâu thuẫn giữa luật Chúa và lương tâm, vì cả hai đều bởi Chúa. Nếu có
mâu thuẫn, thì hoặc mình hiểu sai luật Chúa, hay mình ngộ nhận là tiếng lương
tâm mà thực sự không phải. 3. Qua Đức Yêsu Kitô Thiên Chúa nói tiếng nói dứt khoát của tình
yêu qua Ngôi Lời Nhập Thể- Đức Yêsu. Đức Yêsu là người trọn vẹn, là người như
tất cả mọi người. Ngài chia sẻ thân phận con người, chịu đói chịu khát, có
những khuynh chiều của thân xác như tất cả mọi người, bị cám dỗ mãnh liệt như
tất cả những ai khác. Để rồi qua Ngài, con người biết làm sao để trở nên người
tuyệt vời. Con người trở nên tuyệt vời, trong mức độ họ sống và suy nghĩ, chọn
lựa, hành động như Đức Yêsu đã sống, suy nghĩ, chọn lựa và hành động. Qua
việc chữa người mù từ thuở mới sinh, Đức Yêsu mặc khải cho biết Ngài là ánh
sáng. Ngài không chỉ là ánh sáng, hiểu theo nghĩa giúp người mù được thấy,
nhưng Ngài là ánh sáng hiểu theo nghĩa, qua Ngài con người nhận biết sự thật
uyên nguyên là chính Thiên Chúa, và cũng nhờ Ngài con người hiểu biết hơn về
chính con người. Khi con người nhận ra Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, con
người nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, và cũng nhận biết con
người là tạo vật tuyệt vời. Nếu con người không đáng quý và tuyệt vời, tại sao
Thiên Chúa lại nhập thể làm người? Được làm người, đó là một ơn vô cùng lớn. Chọn
lựa trong cuộc sống hằng ngày, là chọn lựa Thiên Chúa hay không. Chẳng hạn,
người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay không sẵn sàng đón nhận Đức Yêsu- một
con người mà họ gặp trong cuộc sống, là họ không đón nhận Thiên Chúa. Chấp nhận
tha nhân trong sự thật, là đón nhận Thiên Chúa. Anh mù, mù về thể lý, nhưng sáng
trong việc nhận biết Đức Yêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa; trong khi những người
biệt phái là những người có học và có tiếng là đạo đức, thì lại không nhận ra
Đức Yêsu là người của Thiên Chúa. Có tật mù thể lý, nhưng cũng có tật mù thiêng
liêng ngăn cản người ta thấy sự thật, đó có thể là thành kiến về tha nhân, hoặc
chính cái tôi che khuất không cho mình thấy sự thật. Câu hỏi gợi ý chia sẻ: 1. Xin liệt kê những nét xấu
và nét đẹp của Đavít. Theo bạn, đâu là nét đẹp nhất của Davít? 2. Đâu là tiêu chuẩn đánh giá
con người, của bạn và của Đức Yêsu? 3. Với ánh sáng “Đức Yêsu”,
bạn nhận ra điều gì đặc biệt trong đời? 4. Bạn có nhận ra Thiên Chúa
can thiệp và hướng dẫn đời bạn không? Xin chia sẻ. HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.