HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C VÂNG PHỤC NGAY CẢ CHẤP NHẬN CÁI CHẾT Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật Lễ Lá,
năm B Biến cố chi phối
toàn bộ đời sống Kitô hữu, là biến cố Đức Yêsu chết và phục sinh. Qua biến cố
này, Kitô hữu nhận biết Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, và Đức Yêsu trở thành gương
mẫu sống cho mọi Kitô hữu. i.
Người Tôi Tớ Đau Khổ của Yavê Bài ca thứ ba về
người tôi tớ Yavê trong sách tiên tri Isaya cho thấy hình ảnh người tôi tớ
Yavê, luôn lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa; Ngài đã bị đánh, bị xỉ nhục; tuy
nhiên, người tôi tớ Yavê luôn tin tưởng và trông cậy Thiên Chúa. Hình ảnh người
tôi tớ Yavê được thấy nơi các tiên tri, chẳng hạn như tiên tri Yêrêmia, và hình
ảnh này được thấy thật rõ nét nơi Đức Yêsu. Đức Yêsu không đi
tìm cái chết. Ngài không muốn chết, và Ngài sợ đau khổ như bất cứ ai khác:
“Ngài bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các tông đồ: tâm hồn
thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc.14, 33-34). Ngài
cầu xin với Thiên Chúa Cha: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén
này xa con. Nhưng xin đừng làm theo điều con muốn, mà làm theo điều Cha muốn”
(Mc.14, 36). Đức Yêsu đã chia
sẻ thân phận con người cho đến cùng. Ngài chia sẻ sự sợ hãi, chia sẻ nỗi buồn,
cả nỗi buồn đến độ muốn chết được. Đức Yêsu sợ hãi cái chết, vì con người khi
đứng trước cái chết luôn run sợ. Đức Yêsu đã vượt thắng nhờ cầu nguyện và lòng
tin tưởng phó thác. Con người chỉ có thể an bình trước cái chết với một niềm
tin và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Không phó thác cho Thiên Chúa, Đấng
yêu thương mình, con người không thể an bình đón nhận cái chết. Khi nói như
vậy, không có nghĩa những người không là Kitô hữu không thể có cái chết an
bình, trong trường hợp này, Thiên Chúa chính là Đấng Tuyệt Đối mà họ tin, hoặc
ít là, Đấng là chủ lương tâm họ. ii.
Đức Yêsu Vâng Phục Cho Đến Chết Đức Yêsu không
chỉ là người. Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Khi Ngài còn đang sống, không ai dám
tin và nhờ đó mà biết thân phận của Ngài, tuy dù đã có những lần Ngài mặc khải:
“Ta và Cha Ta là một” (Ga.10, 30), “không ai biết Cha trừ Con và những người
Con muốn mặc khải cho” (Mt.11, 27), “ông này phạm thượng. Ai có quyền tha tội
ngoại trừ một Thiên Chúa” (Mc.2, 7), “trước khi có Abraham, đã có Ta” (Ga.8,
58), “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng quyền năng và đến trên mây
trời” (Mc.14, 62). Không những không
ai dám tin, kể cả các tông đồ, vì làm sao các ngài có ý niệm “Thiên Chúa nhập
thể” hay “Thiên Chúa làm người.” Tất cả những điều này hoàn toàn xa lạ với con
người. Chỉ sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết, các tông đồ mới dần dần hiểu
trọn vẹn về Ngài: “Khi nào Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự
thật” (Ga.16, 13). Không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể
nhận biết về Ngài. Đức Yêsu là người
của Thiên Chúa, là Đấng thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn đến độ Ngài và Cha là một
(Ga.10, 30). Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 7), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa
Cha (Mc.14, 62). Và sau đó tác giả tin mừng theo Yoan viết: “Từ nguyên thủy đã
có Lời, Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa… Lời đã thành xác phàm”
(Ga.1, 1.14). Thánh Phaolô viết: “Đức Yêsu, tuy là thân phận Thiên Chúa, nhưng
không đòi cho được ngang bằng Thiên Chúa” (Pl.2, 6). Ngài thuộc về Thiên Chúa
hoàn toàn đến độ nói Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn khác Cha. Ngài vẫn luôn
quy hướng về Cha qua cầu nguyện (Mc.1, 35), qua việc lấy Ý Thiên Chúa làm của
ăn của uống cho Ngài (Ga.4, 34), đến độ Ngài xịn cho Ý Cha được thể hiện nơi
Ngài (Mc.14, 36; Mt.6, 9-10). Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa khác Thiên Chúa: Ngài
là Lời Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai. Nói một cách nôm na, không
thể tách Ngài khỏi Thiên Chúa. Ngài vừa khác với Thiên Chúa, vừa là một với
Thiên Chúa. iii.
Vạn Tuế Đức Vua, Đấng Nhân Danh Chúa Mà Đến Phụng vụ hôm nay
cho thấy Đức Yêsu vào thành Yêrusalem và được dân chúng long trọng đón rước như
một vị vua, vị vua được Thiên Chúa xếp đặt và sai gởi tới. Người ta trải áo lót
đường, chặt nhành cây trải lối để vị vua thiên sai đi qua. Dân chúng hôm nay
đón tiếp Ngài vì coi Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng chỉ mấy ngày sau những người
dân này đã xin Philatô đóng đinh Đức Yêsu, vì cho rằng Ngài lộng ngôn phạm
thượng: “dám cho mình là Con Thiên Chúa” (Ga.19, 5), dám cho mình ngang hàng
với Thiên Chúa. Người Do Thái
không thể hiểu tại sao một người lại có thể là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa.
Thế nên khi phải xử tử Đức Yêsu, họ hoàn toàn ý thức và cho rằng họ làm đúng
hoàn toàn: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và trên con cháu chúng tôi”
(Mt.27, 25). Sự thật về Đức Yêsu vượt quá sức hiểu biết của con người. Chân
tính của Đức Yêsu không ai có thể ngờ được. Dân chúng Do Thái chỉ muốn giết một
tên phạm thượng, vì đối với họ, làm gì có chuyện Thiên Chúa nhập thể. Chính vì
vậy, họ không ngờ rằng họ giết Thiên Chúa. Đức Yêsu cứ sống
như Ngài là. Ngài làm điều phải làm, nói điều phải nói. Số phận Ngài nằm trong
tay của Thiên Chúa tình yêu. Tuy dù lo lắng xao xuyến như bao người, nhưng cuối
cùng Ngài vẫn phó thác, tin tưởng trông cậy tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Đức Yêsu
trở thành gương và mẫu mực sống cho mọi Kitô hữu. Câu
hỏi gợi ý chia sẻ 1. Tại sao người
công chính phải đau khổ và phải chết? 2. Tại sao Đức
Yêsu, người công chính, bị hành hạ và phải chết ô nhục trên thập giá như vậy? 3. Xin bạn tìm ba
chỗ trong Tin Mừng Máccô Đức Yêsu loan báo Ngài sẽ bị bắt, bị giết, và ngày thứ
ba Ngài sẽ sống lại. Theo bạn, tại sao Đức Yêsu lại thốt lên khi bị treo trên
thập giá “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” khi đã có lúc Ngài biết rõ ngày thứ ba
Ngài sẽ sống lại? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
(Mc.11, 1-10; Is.50, 4-7; Pl.2, 6-11; Mc.14, 1-15, 47)