HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
ĐỨC YÊSU BỊ CÁM DỖ
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật
thứ nhất mùa chay, năm C
(Đnl.26, 4-10; Rm.10, 8-13; Lc.4, 1-13)
Đức Yêsu bị cám
dỗ sau một thời gian dài không ăn trong hoang địa. Có lẽ sau khi Ngài chịu phép
rửa ở sông Jordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Yêsu đã ăn chay cầu nguyện để biết
Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và phải làm như thế nào trong những tháng ngày sắp
tới. Sau thời gian này, Đức Yêsu đã đi rao giảng, khởi đầu một giai đoạn mới
trong đời Ngài.
Đức Yêsu là
người. Ngài không biết tất cả. Ngài phải tìm ý Thiên Chúa liên lỉ qua cầu
nguyện, bằng việc nhận định những gì xảy tới cho Ngài trong đời sống thường
ngày (Lc.22, 42; Ga.4, 34). Ngài cầu nguyện để biết phải làm gì, phải chọn ai
(Lc.6, 12-13). Trong cuộc sống, có lúc Ngài biết nhưng lúc khác Ngài lại xao
xuyến dao động: Ngài đã loan báo cho các tông đồ rằng Ngài sẽ bị bắt bị giết và
sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Lc.9, 22. 44-45;18, 31-34) nhưng ở trên thập giá
Ngài lại bị cám dỗ Thiên Chúa bỏ Ngài: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15,
34).
Đức Yêsu là
người. Ngài còn bị cám dỗ như tất cả mọi người. Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức
Yêsu bị cám dỗ biến đá thành bánh (Lc.4, 3), bị cám dỗ có quyền hành (Lc.4,
6-7), bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa (Lc.4, 9-10). “Đoạn trường ai có
qua cầu mới hay”. Ai đã có kinh nghiệm đói, mới biết những cám dỗ này mãnh liệt
như thế nào. Ai có kinh nghiệm về nghèo, mới thấy tiền bạc thu hút con người
đến độ nào. Khi đói, người ta mong có đủ cơm ăn; khi có đủ cơm ăn áo mặc, người
ta mong muốn có nhiều để bảo đảm tương lai và còn muốn ăn ngon mặc đẹp. Đây là
những cám dỗ mà ai cũng gặp. Đức Yêsu một khi đã chia sẻ thân phận con người
nên Ngài cũng bị cám dỗ về ăn, tuy nhiên Ngài không thể biến đá thành bánh như
Ngài muốn, nếu không, Ngài không còn là người trọn vẹn nữa. Nhập thể, là chấp
nhận giới hạn của con người.
Con người thấy
mình có những khuynh chiều của thân xác và cũng có lý trí để nhận biết điều tốt
và phải làm. Con người có những khuynh chiều thân xác như thèm ăn, đòi thỏa mãn
thân xác, muốn được đề cao và quy tất cả về mình. Những khuynh chiều này cũng
thuộc về tôi nhưng không hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi có những nhu cầu thân xác,
có những khuynh chiều thân xác, nhưng cũng không phải chỉ có vậy. Tôi còn cảm
nhận nơi tôi có ao ước cái gì cao hơn, tươi đẹp hơn, tuyệt hơn. Tôi là thực tại
gồm cả khuynh chiều thân xác cũng như lý trí hướng thiện. Khuynh chiều xấu có
nơi tôi, nhưng nó chưa là tôi hoàn toàn; chỉ khi nào tôi đồng tình, chỉ khi nào
tôi ưng thuận, nó mới hoàn toàn là tôi. Có nhiều lúc tôi ưng thuận với những
khuynh chiều bất chính nơi tôi, và như vậy, tôi làm tôi thành xấu qua chính
hành vi ưng thuận của tôi.
Đức Yêsu, theo
ngôn từ của thư gởi tín hữu Do Thái, không bao giờ ưng thuận những điều sai
quấy cho dù Ngài bị cám dỗ như tất cả bao người khác: “Ngài nên giống chúng ta
mọi đàng trừ tội” (Dt.4, 15; 2, 17). Ngài bị cám dỗ như bao người, như mỗi
người chúng ta, nhưng không bao giờ Ngài phạm tội, không bao giờ Ngài ưng thuận
với những gì bất chính, với những khuynh chiều bất chính nơi thân xác Ngài. Đức
Yêsu là người hoàn toàn, Ngài chịu thử thách trăm bề, bị cám dỗ như bất cứ ai
trên đời, nhưng Ngài có một điều khác con người: Ngài không phạm tội. Đồng tình
hay không đối với những khuynh chiều bất chính nơi mình, là hành vi tự do của mỗi
người; đồng tình với những khuynh chiều xấu, là phạm tội. Phạm tội hay không,
là tùy tự do của mỗi người, là do con người xử dụng tự do Thiên Chúa ban cho
như thế nào. Phạm tội hay không, là tùy tự do con người, nó không thuộc bản
chất con người.
Theo niềm tin
Kitô hữu, có hai người không bao giờ dùng tự do Thiên Chúa ban để chống lại
Thiên Chúa, không bao giờ hai vị này thuận theo những khuynh chiều bất chính
nơi họ, đó là Đức Yêsu và Đức Maria. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và không
phạm tội “riêng”. Mẹ là người tuyệt vời, nên đã được Thiên Chúa cho hưởng hạnh
phúc trọn vẹn và vĩnh cửu với Ngài. Điều này được diễn tả qua tín điều: Đức
Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Yêsu đã không bao giờ thuận tình với bất cứ
cám dỗ làm điều xấu nào. Ngài thuộc trọn về Thiên Chúa đến độ người ta nói Ngài
là con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
Tin vào Đức Yêsu
là tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sinh ra Đức Yêsu, đã làm Đức Yêsu thuộc về
Thiên Chúa hoàn toàn. Đức Yêsu đã thuộc về Thiên Chúa với thân xác của mình,
cho dù người ta đã hủy hoại thân xác Ngài, nhưng không thể hủy hoại được Ngài.
Thân xác Đức Yêsu là thân xác thánh ngang qua chính cuộc sống của Ngài. Mỗi con
người đều được gọi để thành thánh, để thuộc về Thiên Chúa, trở nên người thành
toàn, người tuyệt vời qua những chọn lựa sống của mình. Hơn bất cứ thời điểm
nào, mùa chay giúp các Kitô hữu nhìn lại con người của mình với những khuynh
chiều thân xác và tinh thần, để rồi nhận ra lời mời gọi nên thánh trong tất cả
mọi hành vi của đời sống mình.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, làm sao để dễ vượt thắng cám dỗ?
2. Bạn có nghĩ Đức Yêsu bị cám dỗ thật không? Tại sao bạn có quan điểm
như vậy?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
liempham@jesuits.net