HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C LÀM MỚI CON NGƯỜI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
thứ năm mùa chay, năm C Khi người Do Thái
đang bị lưu đày tại Babylon, ai trong họ dám nghĩ rằng có ngày họ được trở về
quê cha đất tổ? Ngay cả khi còn quyền lực và độc lập còn chưa giữ được đất nước
quê hương, còn chưa bảo vệ được mình, thì làm sao một khi đã bị lưu đầy sang
nơi đất khách quê người lại có thể nổi dậy và trở về quê hương, trừ phi Thiên
Chúa can thiệp làm những việc kinh thiên động địa như Ngài đã làm cho dân Do
Thái thời ở Aicập qua Môsê. Sách tiên tri
Isaya cho dân một niềm hy vọng. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ cho nước chảy ngay giữa
sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được
giải khát”. Thiên Chúa thỏa mãn khao khát của dân Ngài. Ngài đã đưa dân Do Thái
đang lưu đầy ở Babylon được trở về quê cha đất tổ qua vua Kyrô, một vua người
Ba Tư đã chiến thắng và đang nắm quyền trên khắp vùng. Kyrô, một vua người
ngoại, nhưng đã được coi là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Is.45, 1). Một người
ngoại được coi là Đấng Kitô, là một điều người Do Thái không bao giờ ngờ tới.
Như vậy, hoặc Thiên Chúa đã dùng một người ngoại để giải phóng dân của Ngài,
hoặc người ngoại không phải là người ngoại trước mặt Thiên Chúa. Người ngoại
vẫn là con dân của Thiên Chúa như người Do Thái, và họ đã được Thiên Chúa yêu
và dùng như Ngài đã yêu thương người Do Thái vậy. Nơi Đức Yêsu,
Thiên Chúa còn làm những điều kỳ diệu hơn tất cả những điều Ngài đã làm từ
trước tới nay. Tin mừng Chúa Nhật thứ năm mùa chay cho thấy Đức Yêsu đã làm một
điều đặc biệt: Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình thoát chết và làm cho những
người biệt phái cùng kinh sư trở nên khiêm tốn và nhận biết mình có tội. Khi
những người biệt phái và kinh sư bỏ đi không ném đá chị phụ nữ ngoại tình nữa,
hàm chứa họ đã được ơn nhận biết chính mình. Đức Yêsu nói với chị phụ nữ: “Tôi
cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Một cuộc đời mới đã khai mở với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chị tạ ơn Thiên
Chúa đã cứu sống chị qua Đức Yêsu; chị bắt đầu một đời sống mới trong niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người. Một khi gặp gỡ được Thiên Chúa, người ta trở
nên nhân hậu hơn, chấp nhận chính mình và tha nhân hơn, tha thứ cho người khác
và tha thứ cho chính mình. “Không ai có
quyền tha tội trừ một Thiên Chúa” (Mc.2, 7). Thiên Chúa đã dùng Đức Yêsu để tha
tội cho người bị bại liệt. Đức Yêsu đã tha tội cho chị phụ nữ ăn năn sám hối
(Lc.7, 34). Đức Yêsu cũng không kết án chị phụ nữ ngoại tình (Ga.8, 11). Thiên
Chúa không chỉ không kết án, mà còn tha tội cho con người qua Đức Yêsu Kitô.
Không ai có thể giao hòa con người với Thiên Chúa, nếu không phải là chính
Thiên Chúa muốn giao hòa với con người. Thiên Chúa đã giao hòa với con người,
nhờ và qua Đức Yêsu Kitô. Tạ ơn Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho con
người. Thiên Chúa đang làm điều mới qua Đức Yêsu Kitô. Con người ngày
nay không thể gặp gỡ Đức Yêsu vì Ngài đã lên trời, tuy nhiên nhờ đức tin con
người vẫn có thể gặp gỡ Đức Yêsu Phục Sinh. Thánh Phaolô đã được biến đổi hoàn
toàn nhờ biết Đức Yêsu Phục Sinh. “Kể từ khi biết Đức Yêsu, tôi coi mọi sự như
thua lỗ bất lợi trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Phục Sinh”.
Phaolô sẵn sàng mất tất cả để chỉ được Ngài mà thôi. Phaolô đã có cái nhìn khác
về vạn sự vạn vật. Ngày xưa, Phaolô miệt mài đi bắt bớ các Kitô hữu, tưởng rằng
như thế là làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng biến cố trên đường Đamát đã giúp
Phaolô nhận ra sự thật. Niềm tin vào Đức Yêsu Phục Sinh, đã làm cho Phaolô
thành con người mới, thành người công chính không cậy dựa vào sức riêng mình
nhằm chu toàn lề luật nhưng nhờ đức tin vào Đức Yêsu Kitô. Với Phaolô, Thiên
Chúa là Thiên Chúa của Đức Yêsu Kitô. Thiên Chúa đã làm tất cả trong Đức Yêsu:
Ngài tái tạo mọi sự, đưa mọi sự tới với Thiên Chúa. Lề luật không giúp người ta
tới gần Thiên Chúa nhưng chỉ giúp con người nhận biết mình là tội nhân; chính
niềm tin vào Đức Yêsu mới cho con người có nhận thức đúng đắn hơn về mọi sự,
mới cho con người có sức sống, mới giúp con người thực hiện được điều mình thấy
đúng, mới làm con người được hạnh phúc. Nhận thức rõ Thiên Chúa làm tất cả
trong Đức Yêsu Phục Sinh, Phaolô đã miệt mài rao giảng tin mừng: “khốn cho tôi
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đức Yêsu Phục Sinh thật sự là tin mừng cho
tất cả mọi người. Tin nhận Đức Yêsu Phục Sinh, là tin Thiên Chúa đang hoạt động
và yêu thương con người vô cùng, là có thể phó thác trọn vẹn đời mình trong tay
Thiên Chúa tình yêu, là có thể sống an bình hạnh phúc. Tâm tình của Kitô
hữu, là tạ ơn Thiên Chúa đã cho được nhận biết Đức Yêsu Phục Sinh. Tín hữu nhìn
lên Đức Yêsu để dõi bước theo Ngài. Ngài đã sống thế nào, Kitô hữu được mời gọi
để sống như vậy. Trong mùa chay, Kitô hữu được mời gọi để sám hối. Sám hối, là
nhận biết chính mình cách thật sự, là nhận biết mình có lỗi lầm và mong ước
quay về với Thiên Chúa, làm hòa với anh chị em mình. Sám hối đòi người ta phải
có cái nhìn mới về Thiên Chúa, về tha nhân, về chính mình và về sự vật. Thật
không dễ để thay đổi chính mình, thay đổi cái nhìn của mình, quan điểm và chọn
lựa của mình; nhưng Thiên Chúa là Đấng có thể làm mọi sự. Không gì mà Thiên
Chúa không làm được. Ngài đã giúp những kinh sư và biệt phái muốn ném đá chị
phụ nữ ngoại tình được nhận biết họ cũng là tội nhân, để họ thay đổi không còn
kết án chị phụ nữ nữa. Thiên Chúa đã làm mới những người đến với Đức Yêsu, kể
cả chị phụ nữ ngoại tình lẫn những kinh sư và biệt phái. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Niềm tin vào Đức Yêsu làm Kitô hữu có cái nhìn mới về tất cả. Bạn có
đồng ý không? Tại sao? 2. Mùa chay này, bạn có biết hơn về con người của bạn không? Xin chia sẻ
nếu được. HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(Is.43, 16-21; Pl.3, 8-14; Ga.8, 1-11)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]