HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C CÁI CHẾT GIÚP SỰ THẬT HIỂN
LỘ Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật Lễ
Lá, năm C Sau ba năm Đức
Yêsu rao giảng, không ít người đã tin vào Ngài; tuy nhiên niềm tin vào Đức Yêsu
của những người này tối đa cũng tương tự như niềm tin của các tông đồ khi Đức
Yêsu còn sống đời dương thế. Họ cho rằng Đức Yêsu là một vị thầy, hơn nữa có
thể là một tiên tri, và cao nhất có thể là Đấng Kitô Vua (Ga.6, 15; Mc.8, 29;
11, 9-10). Vào thời điểm đó, người ta không thể biết khác hơn được. Còn đối với
những người không tin Đức Yêsu, những kẻ khó chịu hoặc bực tức vì Ngài trổi
trang hơn họ, Đức Yêsu đơn thuần chỉ là một con người bình thường như bao
người. Những người này không chỉ bất đồng ý kiến với Đức Yêsu, không chỉ khó
chịu và bực tức mà còn muốn giết Đức Yêsu nữa (Mc.3, 6). Vào thời cuối của
ba năm rao giảng, Đức Yêsu đã nhiều lần nói những điều có thể làm cho Ngài phải
bị ném đá. Chẳng hạn Ngài nói Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 5.7), Ngài có trước
Abraham (Ga.8, 57-58), Ngài và Thiên Chúa là một (Ga.10, 30). Vào cuối đời,
Ngài có những câu nói “gây mất lòng” nhiều người. Càng vào cuối đời, càng có ít
người theo Ngài, vì những lời khó có thể hiểu và chấp nhận được, chẳng hạn:
“chính tôi là bánh hằng sống. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào
tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga.6. 35). Những lời nói tương tự không chỉ làm Đức
Yêsu “mất người” mà còn gây thêm có nhiều người thù địch với Ngài, thậm chí còn
làm cho những người muốn giết Ngài có đủ bằng cớ và hậu thuẫn. Chẳng hạn, Ngài
nhận mình là Thiên Chúa: “chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp
nhưng vì một lời phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên
Chúa” (Ga.10, 33). Gần lễ Vượt Qua,
âm mưu giết Đức Yêsu trở nên rõ ràng nên Ngài lui về Galilê. Vì thế, thời điểm
Lazarô chết không có mặt Đức Yêsu tại đó. Sau đó khi Ngài muốn lên Yêrusalem
thì các tông đồ đã ngăn cản. Tông đồ Thomas đã động viên các bạn: “nào chúng ta
cùng lên Yerusalem để cùng chết với thầy” (Ga.11, 16). Đức Yêsu cũng biết Ngài
sẽ bị giết nếu Ngài lên Yêrusalem vào thời điểm này, tuy nhiên Ngài vẫn cứ lên.
Ngài không muốn trốn chạy cái chết. Ngài đã phải chọn lựa giữa sống và chết một
cách cụ thể qua việc có lên Yêrusalem dịp lễ Vượt Qua này hay không. Cuối cùng
Ngài đã chọn lên Yêrusalem cho dù cái chết đang chờ đón Ngài. Ở Yêrusalem, Ngài
vẫn làm điều Ngài vẫn thường làm: “ban ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ, còn
ban đêm Ngài và các tông đồ ra vườn dầu để ngủ” (Lc.21, 37). Hôm nay Ngài vào
Yêrusalem và được dân chúng đón rước như vị Thiên Sai. Ngài chấp nhận biến cố
này vì biết thời điểm đặc biệt của Ngài đã đến: thời điểm Ngài được tôn vinh
cũng là thời điểm Ngài chết trên thập giá. Cái chết của Ngài có thể được thấy
trước vì nó cũng theo quy luật của xã hội: người ta ghét Ngài đến độ muốn giết
Ngài (Mc.14, 1). Lúc khởi đầu
người ta muốn giết Ngài vì Ngài đã dám suy nghĩ và nói ngược lại những người có
thế lực (Mc.3, 6; 14, 1; 14, 53-59); nhưng khi vị thượng tế hỏi Đức Yêsu và Đức
Yêsu trả lời: “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và đến
trên mây trời” thì họ không cần phải sắp đặt chứng cớ để giết Đức Yêsu như
trước nữa, vì Đức Yêsu đã phạm một tội vô cùng lớn mà mọi người Do Thái một khi
biết đều phải xử tử Đức Yêsu, vì là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên
Chúa (Mc.14, 62-64). Đức Yêsu đầu tiên bị người ta ghen ghét mà muốn giết, rồi
khi đã bị bắt và xét xử với chứng cớ được xếp đặt trước, Ngài lại nói Ngài
ngang hàng với Thiên Chúa; như vậy trước công nghị Do Thái, Đức Yêsu bị kết án
tử hình vì tội tôn giáo: lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa. Trên thập giá Đức
Yêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34);
thật vậy, không biết nguồn gốc thần linh của Đức Yêsu, thì kết án Ngài là
chuyện tất nhiên. Để giết được Đức
Yêsu một cách hợp pháp, người Do Thái phải đem Đức Yêsu sang tòa Roma. Vào thời
người Do Thái bị đô hộ, quyền xử tử thuộc về thẩm quyền người Roma. Đức Yêsu đã
bị gán cho tội chính trị “xưng vương”. Nếu không gán cho Đức Yêsu tội chính trị
thì Philatô đã không kết án tử hình Đức Yêsu. Philatô biết Đức Yêsu bị oan,
nhưng vì sợ mất chức nên đã kết án
Ngài. Nếu không kết án Đức Yêsu, Philatô có thể bị người Do Thái tố cáo với
hoàng đế Roma vì đã buông tha người xưng vua phất cờ khởi nghĩa. Nếu vậy, Philatô
phải giải thích, phải biện luận, và sẽ gặp nhiều phiền phức, và hậu quả sẽ là
không được hoàng đế tin tưởng nữa, vì vậy Philatô đã kết án tử hình Đức Yêsu
thuận theo ý của người Do Thái. Nếu Đức Yêsu chỉ
là một con người, Đức Yêsu xứng đáng lãnh án tử. Thực vậy, khi Đức Yêsu còn
sống, nào ai biết Đức Yêsu là người có nguồn gốc thần linh, vì đâu là chứng cớ
để người ta có thể tin như vậy! Chỉ khi Đức Yêsu chết và sống lại, người ta mới
nhận ra những gì Đức Yêsu nói và cho mình là, là chân thực. Như vậy, chỉ sau
biến cố Đức Yêsu Phục Sinh, các tông đồ mới biết chân tướng của Đức Yêsu. Nếu
Đức Yêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, thì Thiên Chúa đã chẳng phục sinh Ngài,
còn nếu Ngài đã sống lại, nghĩa là những điều Ngài đã nói là đúng, là chân lý.
Nghĩa là, Ngài và Thiên Chúa là một, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài có trước
Abraham. Khi còn sống đời
dương thế, Đức Yêsu khó có thể thoát chết, vì chân tướng của Ngài chỉ có thể
được thấy rõ sau khi Ngài sống lại. Đức Yêsu bị hiểu lầm mà bị kết án tử hình,
vì không ai biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, vì không ai có thể tưởng rằng Thiên
Chúa có thể nhập thể làm người . Sau khi Ngài sống lại, với ơn của Thánh Thần,
các tông đồ nhận ra ý nghĩa của những lời Ngài đã nói mà khi Ngài còn đang sống
các ông chẳng hiểu gì. Ngài là Đấng có nguồn gốc thần linh, Ngài ngự bên hữu
Thiên Chúa, Ngài và Cha là một, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là
Thiên Chúa nhập thể. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Theo bạn tại sao người ta giết Đức Yêsu? 2. Có cách nào giúp Đức Yêsu thoát chết không? Tại sao Đức Yêsu không
dùng nó? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(Lc.19, 28-40; Is.50, 4-7; Pl.2, 6-11; Lc.22, 14- 23,56)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]