HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
HÃY VUI
LÊN
ĐẤNG ĐEM
LẠI HẠNH PHÚC ĐANG ĐẾN
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật thứ ba mùa vọng năm A
Is.35, 1-6a.10; Gc.5, 7-10;
Mt.11, 2-11
Nếu
ai đó mang lại hạnh phúc hoặc những gì mà người ta ước ao, thì khi người đó
đến, người ta vui đến độ nào!
1. Ngài có phải là Đấng phải đến?
Người
Do Thái tin rằng, Thiên Chúa sẽ sai người đến (Đấng Thiên Sai) giải phóng họ
khỏi cảnh nô lệ ngoại bang, như xưa Thiên Chúa đã sai Môsê và các thẩm phán tới
giải phóng dân Ngài. Vì thế những người Do Thái sống thời bị người Roma đô hộ,
mong chờ Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ. Yoan Tẩy Giả, tiên tri của thời đó,
cũng ao ước muốn biết Đức Yêsu có phải là Đấng Thiên Sai không. Vì đang trong
tù không thể tự mình đi tìm biết câu trả lời nên tiên tri đã sai môn đệ đến hỏi
Đức Yêsu: Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi phải chờ một Đấng khác?
Đấng
phải đến sẽ đến, Đấng nhân danh Thiên Chúa sẽ đến, và con người sẽ được giải
phóng, không phải là cảnh nô lệ chính trị, nhưng là nô lệ hận thù ghen ghét, nô
lệ những tiêu chuẩn giá trị phù vân, nô lệ những kiến thức hão huyền. Ngài yêu
thương và dạy người ta yêu thương, Ngài cho thấy giá trị đích thực của con
người không nằm ở bạc tiền danh vọng địa vị, nhưng hệ tại con người sống theo
lời mời gọi của Thiên Chúa vang vọng trong tâm hồn mỗi người, hệ tại con người
biết yêu thương tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, hệ tại mỗi người có
biết tìm cách giúp đỡ tha nhân và làm cho người khác triển nở.
Tuy
dù háo hức mong chờ Đấng Thiên Chúa sai đến giải phóng mình ra khỏi cảnh bị áp
bức lầm than, người Do Thái vẫn không nhận ra Đức Yêsu là Đấng Thiên Sai, vì
Ngài đã không giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người Roma. Đấng Thiên Sai mà
người Do Thái mong chờ, là Đấng Thiên Sai uy quyền mà mọi người phải kính phục,
trong khi Đức Yêsu âm thầm khiêm tốn, dạy bảo phải yêu thương con người, phải
biết thứ tha…! Hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người Do Thái đã có, không tương hợp
với điều người ta thấy nơi Đức Yêsu.
Người
Do Thái mong chờ được giải phóng chính trị, Đức Yêsu mang lại giải phóng thiêng
liêng và cả thể xác nữa. Thiên Chúa làm quá điều người ta mong ước, và người ta
không ngờ được. Thiên Chúa là Đấng người ta không hiểu hoàn toàn, Ngài tốt lành
vượt khả năng suy nghĩ của con người. Ngài ban cho con người hơn điều con người
mơ ước và có thể tưởng tượng nổi.
2. Hãy để Ngài giải phóng và làm chủ trái tim ta
Ngày
Đấng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho toàn dân đến, là ngày vui của tất cả,
ngay cả hoang địa và đất khô cằn cũng nhẩy mừng, thảo nguyên sẽ nở hoa. Ngày
đó, trời vui đất vui, khắp thiên hạ vui.
Làm
sao không vui khi mình được giải phóng khỏi nô lệ, nô lệ cho lòng tham tiền
bạc, tham danh vọng chức quyền. Vui vì mình có điều mình quý nhất, vui vì không
ai cướp được điều vô cùng quý mà mình đang có, vui vì mình được yêu vô cùng,
vui vì mình là niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Đấng
giải phóng chúng ta đã và đang đến. Ngài vẫn để chúng ta tự do, để chúng ta có
thể đón tiếp Ngài hay không. Vi nếu Ngài là vua là Chúa của lòng ta, nếu ta
sống theo lời Ngài chỉ dạy, ta sẽ được tự do thanh thản trước tất cả. Tự do, là
thái độ nền tảng của tương quan với Thiên Chúa. Ngài không cưỡng ép ai, Ngài
không bó buộc ai phải theo Ngài “một cách mất tự do”, Ngài dùng tình yêu để
“chinh phục” con người. Ngài chấp nhận hậu quả của tự do: con người có thể từ
chối Ngài lúc này, nhưng Ngài cũng “hy vọng” sẽ chinh phục được trái tim khô
cứng của con người, sẽ làm trái tim “chai như đá” của con người thành “trái tim
bằng thịt”, nghĩa là, biết rung động trước tình yêu chân thật của Thiên Chúa.
Hãy để Ngài làm chủ trái tim ta.
3. Kiên nhẫn sống trong niềm vui và hy vọng từng ngày
Yoan
Tẩy Giả thực hiện sứ mạng của mình một cách hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.
Tuy dù đã làm phép rửa cho Đức Yêsu ở sông Yordan, nhưng Yoan cũng vẫn không
biết rõ nguồn gốc của Đức Yêsu. Là người, có những lúc ta xác tín, nhưng lại có
lúc ta hoài nghi. Yoan Tẩy Giả hoài nghi, hay Yoan Tẩy Giả muốn tạo dịp để các
môn đệ của ông biết Đức Yêsu? Dầu sao, Yoan Tẩy Giả muốn có một câu trả lời từ
chính Đức Yêsu cho những người Yoan Tẩy Giả gởi đi. Đức Yêsu trả lời môn đệ của
Yoan Tẩy Giả: “hãy về nói với Yoan điều mắt đã thấy và tai đã nghe: kẻ mù được
thấy, kẻ què đi được, người phong được sạch, và người nghèo được nghe rao giảng
Tin Mừng.”
Dường
như tất cả chúng ta, kể cả các tiên tri, cũng đều ở trong tình trạng “sống
trong đêm tối đức tin”. Các tiên tri cũng “phải” tin để thi hành sứ vụ, và các
tiên tri cũng “phải” tin để đón nhận mặc khải. Yoan Tẩy Giả truy tầm Đấng Thiên
Sai, hàm chứa thái độ lắng nghe và đón nhận, phản ánh tinh thần khiêm tốn và
sẵn sàng chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong đời mình.
Thư
thánh Yacôbê viết: “hãy kiên nhẫn”, “đừng càm ràm lẫn nhau”. Yoan Tẩy Giả phải
sống thực tại đời của Ngài từng ngày, phải chấp nhận cảnh tù tội và cuối cùng
là cái chết “không nổi đình nổi đám”. Đức Yêsu cũng sống từng ngày thân phận
làm người với cái đói, lời khen tiếng chê. Và cả chúng ta cũng tương tự vậy,
vẫn sống từng ngày với thân phận làm người: tiền bạc, danh vọng chức quyền, lời
khen tiếng chê, sự hiểu lầm cùng khích bác. Thiên Chúa đang đến qua tất cả
những thực tại đời mình. Hãy vui lên trong mọi hoàn cảnh.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Mấy ngày nay, mấy tuần
nay, tôi bận tâm về điều gì nhất? Điều đó làm tôi bình an và hạnh phúc hơn hay
ngược lại? Tại sao?
2. Theo bạn, làm sao để mình
vui mỗi ngày?
3. Theo bạn, học biết về điều
gì hoặc nghề gì làm mình hạnh phúc bây giờ và suốt đời? Tại sao?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.