HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
THIÊN CHÚA
Ở CÙNG CHÚNG TA
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật thứ tư mùa vọng
năm A
Is.7, 10-14; Rm.1, 1-7;
Mt.1, 18-24
Những
người yêu nhau, thường thích ở gần nhau. Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài muốn ở
mãi cùng chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn muốn chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện
của Ngài trong đời sống mỗi người.
1. Qua tạo vật
Với
một bông hồng nhung, hoặc hồng bạch, hoặc một đoá cúc trắng, người ta có thể
trầm trồ khen “đẹp quá”. Khi đi xem vịnh Hạ Long, nhiều người buột miệng:
“Thiên Chúa tài thế, Ngài tạo dựng cảnh đẹp tuyệt”. Tạo vật vô tri vô giác cũng
là dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện với con người. Qua nét đẹp của tạo vật,
con người có thể nhận ra Thiên Chúa đẹp tuyệt vời.
Thiên
Chúa hiện diện một cách đặc biệt qua con người. Nét đẹp tinh thần của con
người, như lòng vị tha, lòng thương xót và bác ái được thể hiện qua việc làm,
là những dấu chỉ giúp con người nhận ra “Thiên Chúa hiện hữu” và “Ngài đẹp
tuyệt vời”.
“Trời
xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người”.
Những người bình thường, không bị bệnh về mắt “thiêng liêng”, có thể nhận ra
Thiên Chúa hiện diện qua trung gian các tạo vật.
2. Qua lịch sử dân Do Thái
Với
những thăng trầm trong dòng lịch sử, như biến cố thoát cảnh nô lệ Aicập qua
Môsê, việc thoát cảnh đàn áp bóc lột của những dân tộc xung quanh qua các thẩm
phán, việc dân lưu đày trở về quê hương qua Kyrô, người Do Thái nhận biết Thiên
Chúa không chỉ hiện hữu, những còn là Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Qua
lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính Ngài cho các dân tộc khác.
Chẳng hạn qua việc giải phóng dân Do Thái khỏi Aicập, Thiên Chúa cũng tỏ lộ
chính Ngài cho người Aicập nữa.
Tuy
vậy, những can thiệp này cũng có giới hạn, vì làm người ta tưởng rằng Thiên
Chúa chỉ yêu thương người Do Thái mà ghét bỏ các dân tộc khác, nhưng thật không
phải vậy. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân tộc chứ không riêng gì dân tộc
Do Thái, nhưng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người nói chung,
theo sư phạm Ngài cần diễn tả tình yêu của Ngài đối với những con người và dân
tộc cụ thể.
Thiên
Chúa không chỉ mặc khải Ngài là Đấng can thiệp vào lịch sử dân Do Thái, nhưng
còn cho thấy Ngài quan tâm đến tương lai của một gia đình, một dòng họ. Qua lời
hứa với Ahaz trong bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaya, Thiên Chúa là bảo
đảm và niềm hy vọng của một gia đình, của một dòng tộc, và của cả một dân tộc.
3. Thiên Chúa hiện diện qua những con người
Con
người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Ta hãy tạo thành con người giống hình ảnh
Ta” (St.1, 26). Qua lịch sử đời người,
con người hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Thánh Yuse là biểu hiện của tình yêu
Thiên Chúa cho Đức Maria. Trong trình thuật biến cố Đức Maria có thai, thánh
Yuse cho thấy Ngài là người tuyệt vời. Ngài không tố cáo Đức Maria, không làm
gì gây xúc phạm đến thanh danh và mạng sống của Đức Maria, tuy dù nếu Ngài tố
cáo thì Ngài cũng vẫn chỉ là nói lên một sự thật. Không chỉ vậy, thánh Yuse còn
quảng đại bảo bọc Đức Maria trong những giây phút khó khăn thử thách của cuộc
sống. Thiên Chúa yêu thương bảo vệ Đức Maria qua thánh Yuse.
Đức
Maria cũng phản ánh tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người hôm
nay. Bao người cầu xin với Đức Mẹ, và họ nhận ra Thiên Chúa hiện diện và an ủi
họ khi họ được nhận lời. Đức Maria cũng là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện
diện và yêu thương Yuse. Qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria, Thiên Chúa yêu
thương và hiện diện cách đặc biệt với con người qua Đức Yêsu.
Đức
Yêsu, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col.1,15). Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa
tỏ lộ chính Ngài một cách tuyệt vời nhất. Với cái chết và phục sinh, Đức Yêsu
tỏ cho con người thấy Thiên Chúa là ai: Đấng trung thành, yêu thương, kiên nhẫn
và tha thứ. Nơi Đức Yêsu, con người thấy rõ Thiên Chúa yêu thương và ở với con
người. Thiên Chúa đã làm tất cả, đã có sáng kiến tuyệt vời để cứu độ con người.
Ngài ở với con người.
4. Emmanuel
“Thiên
Chúa ở với chúng ta”. Đây là câu nói tuyệt vời. Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói lời
này với Isaac (St.26, 3.24), với Yacob (St.31, 3), để đồng hành và bảo vệ những
người được Ngài yêu thương. Thiên Chúa đã ở với Môsê (Xh.3, 12), để giải phóng
dân Do Thái ra khỏi Aicập, Thiên Chúa đã ở với Yoshua (Gs.1, 5), để dẫn dân
riêng của Ngài vào đất hứa. Thiên Chúa đã ở với Yêrêmia (Gr.1, 19), để giải
phóng tiên tri khỏi bao người bách hại ngài. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri
(Is. 41,10; 43,12), để giúp các tiên tri thi hành sứ mạng được trao.
Thiên
Chúa ở với ai, là để yêu thương và bảo vệ người đó. Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa ở
với con người, để yêu thương và giải phóng con người khỏi tội, để chỉ con người
con đường “yêu thương” cứu độ, để giúp con người kiên nhẫn vượt qua chính mình
và đến với người khác.
“Chúa
ở cùng anh chị em”. Đây vừa là lời chào trong thánh lễ, vừa là lời chúc, và lời
khẳng định một thực tại sâu thẳm. Với Đức Yêsu, Thiên Chúa ở mãi với con người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Trong kinh nghiệm sống,
bạn có gặp ai diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho bạn một cách đặc biệt không? Xin
bạn chia sẻ.
2. Bạn được mời gọi để giúp
ai nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương họ? Bằng cách nào?
3. Bạn có kinh nghiệm Thiên
Chúa đang ở với bạn không? Làm sao để có kinh nghiệm Thiên Chúa đang ở với
mình?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.